Cảm nghĩ của anh (chị) về buổi trò chuyện của một nhân vật truyền được cảm hứng (Nick Vujicic, Helen,...)
Đề bài: Cảm nghĩ của anh (chị) về buổi trò chuyện của một nhân vật truyền được cảm hứng (Nick Vujicic, Helen,...)
Tôi vốn không phải là một hay xả rác bừa bãi hay hành hạ động vật, nhưng tôi cũng không phải là người sẵn sàng phân loại rác vào nhiều thùng khác nhau hay tham gia vào những chiến dịch tình nguyện vì môi trường. Tôi không nghĩ gì nhiều về cách sống đó của mình, cho đến một ngày, khi tôi tình cờ xem được video về một buổi trò chuyện của Thủ tướng Bhutan về biến đổi khí hậu tại chương trình TED, tôi mới nhận ra rằng mình đã thờ ơ với môi trường, với thiên nhiên quanh ta biết bao nhiêu.
Ngày hôm ấy là một ngày cuối tuần đẹp trời, tôi ở nhà và quyết định lên trang Youtube tìm những video hay để cải thiện tiếng Anh của mình. Bỗng dưng tôi tìm thấy một video với tiêu đề “Tshering Tobgay: Đất nước có lượng carbon âm tính”, tò mò, tôi quyết định nhấp vào xem.
Ông mở đầu bằng cách nói chuyện dí dỏm, ông giới thiệu về trang phục độc đáo của đất nước mình, và rồi ông dẫn: “Trang phục dân tộc của chúng tôi là độc nhất, nhưng đây không chỉ là thứ độc nhất về đất nước tôi.” Ông giới thiệu về đất nước mình, Vương quốc , một quốc gia nội lục tại miền đông Dãy Himalaya thuộc Nam Á. Bhutan có biên giới với Trung Quốc về phía bắc và với Ấn Độ về phía nam, đông và tây. Bhutan tách biệt với Nepal qua bang Sikkim của Ấn Độ; và xa hơn về phía nam bị tách biệt với Bangladesh qua các bang Assam và Tây Bengal của Ấn Độ. Thimphu là thủ đô và thành phố lớn nhất của Bhutan. Tôi tìm hiểu thêm thì biết rằng Quốc vương Bhutan có hiệu là Druk Gyalpo, nghĩa là "Quốc vương rồng sấm". Cảnh quan Bhutan biến đổi từ các đồng bằng cận nhiệt đới phì nhiêu tại phía nam đến các núi thuộc Dãy Himalaya tại phía nam, có các đỉnh vượt 7.000 m. Núi cao nhất tại Bhutan là Gangkhar Puensum, là một ứng cử viên chính của danh hiệu núi cao nhất chưa bị chinh phục trên thế giới.
Tshering Tobgay chia sẻ thành thực rằng đất nước Bhutan tuy còn nghèo khó, lạc hậu nhưng người dân ở đây là những con người hiền lành, sống chan hòa với thiên nhiên và hạnh phúc nhất thế giới. Với lối nói chuyện thân thiện, hài hước nhưng sâu sắc, Thủ tướng đã cho cả thế giới thấy người dân Bhutan, dù đang nỗ lực bảo vệ thiên nhiên mạnh mẽ bậc nhất thế giới nhưng lại đang gánh chịu hậu quả biến đổi khí hậu nặng nề từ những quốc gia khác gây ra. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan, hy vọng thế giới cùng bắt tay, hành động để đẩy lùi hiện tượng ấm lên toàn cầu, cùng bảo vệ trái đất.
Tshering đã làm kinh ngạc khán phòng bằng những tiết lộ đáng ngưỡng mộ về đất nước Phật giáo khiêm nhường này. Trong khi đa số các nền kinh tế lớn đang khai thác thiên nhiên để đổi lấy sự đi lên của biểu đồ tăng trưởng thì tại Bhutan, mọi chuyện luôn rất khác và sẽ rất khác. Thậm chí, 72% diện tích đất của Bhutan được che phủ bởi rừng nguyên sinh. Bhutan đang hưng thịnh và phát triển. Thiên nhiên được tôn trọng và bảo tồn một cách cẩn thận cùng với chính sách phát triển đa phương vững bền của chính phủ và quốc vương. Ông nói: “Hiến pháp của chúng tôi yêu cầu rằng ít nhất 60% diện tích đất của Bhutan phải luôn được rừng che phủ.” Không những bảo tồn kĩ lưỡng các công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, người Bhutan còn bền bỉ xây dựng một mạng lưới hành lang đa dạng sinh học để kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên này. Và điều tuyệt vời nhất của mạng lưới này chính là việc động vật có thể tự do đi lại trên khắp cả nước.
Ngoài ra, ông còn chia sẻ thêm về phúc lợi xã hội: “Mặc dù Bhutan là một đất nước nhỏ bé kém phát triển nhưng người dân Bhutan được hưởng giáo dục và y tế miễn phí. Tất cả công dân đều được đảm bảo miễn phí giáo dục phổ thông. Chi phí khám, điều trị , thuốc men đều do nhà nước chi trả.”
Kết thúc bài nói chuyện của mình, Tshering bày tỏ mong ước tha thiết được nhân rộng ý tưởng “Bhutan vì cuộc sống” ra toàn thế giới để giữ cho thiên nhiên trên trái đất được nguyên sơ, để thế hệ tương lai của chúng ta được chung sống trong một môi trường trong lành và nguyên vẹn “cho chúng tôi, con cháu chúng tôi, cho con cháu quý vị và cho cả thế giới”.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong bài phát biểu đó là ông đã đưa ra cho tôi một khái niệm mới: GNH (Gross National Happiness – chỉ số hạnh phúc quốc gia), quốc gia này không đánh giá sự phát triển của đất nước dựa vào GDP mà dựa vào GNH. Thì ra cuộc sống chỉ cần đơn giản thế thôi, tuy rằng không có tiền tài có vật chất hay quyền lực, nhưng chẳng phải người ta chỉ cần hạnh phúc bên những điều giản dị, bởi những người ta yêu thương, vậy là đã tuyệt vời lắm rồi sao?
Tôi cũng nhận ra rằng tôi đang sống thờ ơ với môi trường sống của mình, một đất nước đang từng ngày bảo vệ môi trường, giữ cho thiên nhiên trên trái đất được nguyên lành vì một thế hệ tương lai, thì tôi có thể vẫn im lặng và không hành động gì cả như vậy ư? Môi trường là người bạn của chúng ta, con người không phải là kẻ thống trị thiên nhiên; đáng lẽ chúng ta nên hòa hợp với thiên nhiên trên trái đất, chứ không phải là làm tổn hại đến nó.
Tôi đã lặng người rất lâu sau khi xem xong video này, bởi tôi hối hận thật nhiều, và cũng suy nghĩ về những gì mà mình có thể làm vì môi trường. Đúng lúc ấy, mẹ gõ cửa phòng và hỏi rằng tôi có muốn đi siêu thị với mẹ hay không. Khi cùng mẹ rời khỏi nhà, tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, từ hôm nay nhà mình đừng dùng bao ni-lông nữa nhé!” Nói rồi, trên đoạn đường đi đến siêu thị, tôi kể cho mẹ về video mà tôi vừa xem lúc nãy. Dường như với tôi, ngày hôm ấy có gì đó đẹp hơn mọi ngày.
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
Giới thiệu về ảnh hưởng của buổi nói chuyện đến với nhận thức của bản thân.
2. Thân bài
- Hoàn cảnh, sự việc dẫn đến việc tìm được video buổi nói chuyện.
- Tshering Tobgay giới thiệu vài nét về đất nước Bhutan, bản thân tôi cũng tìm hiểu để có thể hiểu thêm về đất nước đặc biệt này.
- Ông chia sẻ về những điều làm nên Bhutan:
- Đất nước Bhutan tuy còn nghèo khó, lạc hậu nhưng người dân ở đây là những con người hiền lành, sống chan hòa với thiên nhiên và hạnh phúc nhất thế giới.
- Thủ tướng đã cho cả thế giới thấy người dân Bhutan, dù đang nỗ lực bảo vệ thiên nhiên mạnh mẽ bậc nhất thế giới nhưng lại đang gánh chịu hậu quả biến đổi khí hậu nặng nề từ những quốc gia khác gây ra.
- Thiên nhiên được tôn trọng và bảo tồn một cách cẩn thận cùng với chính sách phát triển đa phương vững bền của chính phủ và quốc vương
- Không những bảo tồn kĩ lưỡng các công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, người Bhutan còn bền bỉ xây dựng một mạng lưới hành lang đa dạng sinh học để kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên này.
- Ông chia sẻ thêm về phúc lợi xã hội của người dân Bhutan.
- Tshering bày tỏ mong ước tha thiết được nhân rộng ý tưởng “Bhutan vì cuộc sống” ra toàn thế giới
- Tôi ấn tượng về khái niệm GNH, và cũng đồng thời nhận ra ý nghĩa của hạnh phúc trong cuộc đời này.
- Tôi cũng nhận ra rằng tôi đang sống thờ ơ với môi trường sống của mình, và tôi cần phải hành động để thay đổi điều đó.
3. Kết bài
Video về buổi nói chuyện đã ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của tôi.
Xem thêm bài viết khác
- Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mị Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện đó
- Thuyết minh về Chùa Bái Đính
- Tưởng tượng mình là Mị Châu (trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy) để kể về cuộc đời mình bài mẫu 2
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều
- Đề 1: Thuyết minh vai trò của cây cối (hoặc của rừng, của các loại động vật hoang dã , của nhiên liệu sạch…) trong bảo vệ môi trường sống.
- Đề 4: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
- Văn mẫu 10 bài viết số 2 đề 2: Hãy tưởng tượng mình là Xi - Mông, kể lại chuyện Bố của Xi - Mông
- Hãy tưởng tượng mình là Xi mông kể lại chuyện Bố của Xi mông
- Thuyết minh về một loại hình ca nhạc hoặc sân khấu mà anh chị yêu thích
- Một số ngành thủ công mỹ nghệ hoặc 1 đặc sản, một nét văn hoá ẩm thực của địa phương mình.
- Tóm tắt đoạn trích trao duyên
- Thuyết minh về chùa Trấn Quốc