Những đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Những đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Bác Hồ là nguồn cảm hứng vĩ đại cho các nhà thơ nhà văn. Cuộc đời của Người chính là bản thiên hùng ca vô cùng tha thiết về nhân cách cũng như tinh thần yêu nước bất diệt. Đã có biết bao nhiêu nhà thơ khắc họa thành công hình tượng của Bác trong đó không thể bỏ qua bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.
Viếng lăng Bác không chỉ đơn giản là nén hương thơm mà đứa con từ miền Nam xa xôi dâng lên Bác Hồ kính yêu mà nó còn là khúc tình ca sâu đậm mà đồng bào miền Nam nói chung gửi đến Người – vị cha già vĩ đại của dân tộc. Mở đâu bài thơ nhà thơ gây ấn tượng mạnh bởi cách xưng hô vô cùng ngọt ngào gần gũi:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Tiếng xưng hô thân thương trìu mến gọi Bác xưng con đã xóa tan cái khoảng cách xa xôi giữa vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với người dân lao động cần lao. Nó đã trở thành mối quan hệ vô cùng thân thiết và khăng khít như máu thịt giữa con người với con người. Bài thơ được sáng tác vào những năm đầu của độc lập, nên đây có thể được coi là một cuộc hành hương tìm về cội nguồn của người con miền Nam ra thăm người cha yêu dấu sau bao nhiêu năm đằng đẵng xa cách. Hàng tre chính là hình ảnh thân quen hiện lên trong trí óc nhà thơ:
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
Hàng tre chính là biểu tượng của cây cỏ mang màu sắc của một vùng quê hương bản xứ. Nói đến loài tre là nhắc đến một trong những loài cây thân mọc thẳng, hiên ngang dù có phải hứng chịu bao nhiêu sự va đập của thiên nhiên. Vì thế nói đến hàng tre còn ẩn dụ một hình ảnh đó chính là đức tính quý báu của người dân Việt Nam: cần cù, chịu khó và hiên ngang. Hàng tre đứng bên lăng Bác là vẻ đẹp đại diện cho khí phách cả một dân tộc. Giọng thơ ở đây nghe rất hào sảng và đầy kiêu hãnh tự hào.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Cái hay ở đây đó chính là việc nhà thơ đã sử dụng rất nhuần nhuyễn và hiệu quả các biện pháp ẩn dụ hoán dụ độc đáo. Nó tạo nên một hình ảnh có sức gợi cảm gợi tả mãnh liệt.
MẶt trời ở trong lăng ở đây chính là Bác Hồ - vị cha già kính yêu của người dân Việt Nam nhiều thế hệ. So sánh mặt trời thiên nhiên với Bác quả là không sai. Nếu như mặt trời thiên nhiên mang đến cho con người vạn vật sự sống đâm chồi kết trái thì Bác chính là hi vọng chính là người đưa đường dẫn lối cho các con vượt qua hết phong ba bão tố của con đường cách mạng. Để muôn dân tìm lại được tự do sau những ngày gông cùm xiềng xích.
Đến đây ta chợt nhớ đến hai câu thơ nhà thơ Tố Hữu viết về Bác như sau:
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Còn đế quốc là loài dơi hốt hoảng.
Người con tiếp tục tỏ lòng thành kính đối với Người :
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ được xem là một phát hiện vô cùng vĩ đại của nhà thơ. Đó không chỉ là không gian nơi Bác nằm mà nó còn là không gian của lòng xót thương, sự thành kính và biết ơn sâu sắc. Tràng hoa dâng bác ở đây chính là hình ảnh tương thân tương ai là tấm lòng các con ở xa gửi ra viếng người.
Mạch cảm xúc như vỡ òa theo từng bước chân của con khi đến gần người cha mình hằng yêu quý. Để rồi nghẹn ngào trở thành một thứ cảm xúc trực trào tận sâu trong tâm khảm:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Người nằm trong lăng với một giấc ngủ vô cùng bình yên. Đến lúc này đứa con vẫn không thể tin là Người đã rời xa chúng con. Với con Người chỉ đang ngủ một giâc ngủ dài mà thôi. Người còn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của quần chúng, sống mãi trong tâm trí của những con dân Việt Nam. Ánh trăng và Người ở đây có một sự giao hòa đồng điệu. Ánh trăng tượng trưng cho sự thanh cao, hiền hòa và bao dung cũng giống với Bác. Một nhân cách cao cả, thanh tao cả đời chỉ biết hi sinh thân mình cho độc lập dân tộc cho chủ nghĩa xã hội muôn năm.
Dẫu biết là thế nhưng tại sao con vẫn không thể kìm nén được cảm xúc của chính mình? Vẫn thấy nhói ở trong tim? Sự rung động đến nhói tim là một thứ tình cảm vô cùng thiết tha chân thành của tác giả dành cho Bác.
Cảm xúc ấy chợt như vỡ òa khi nghĩ đến giây phút phải chia xa Người:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Ở đây ta bỗng thấy có sự chuyển biến rất lớn trong nhịp thơ của tác giả. Nó mang nét gì đó vừa vội vàng lại vừa gấp gáp cuống quýt đúng với tâm trạng của những người con chuẩn bị đi xa quê hương. Lúc này mong ước của tác giả bỗng trở nên bình dị hơn bao giờ hết chỉ đơn giản muốn trở thành con chim để cất tiếng hót quanh năm, ngày ngày được ở bên Người dâng lên những thứ âm thanh trong trẻo nhất. Là mong muốn được làm đóa hoa để tỏa hương tô điểm cho giấc ngủ của Người. Thế nhưng vẫn chưa đủ nhà thơ còn mong muốn khát khao được làm cây tre để đời đời canh giâc ngủ cho Bác. Ở đây ta bắt gặp lại hình ảnh cây tre đã được nhắc đến ở đầu bài. Sự kết nối vòng tròn đã tạo nên một ấn tượng đặc biệt đối với người đọc người nghe. Điệp ngữ “muốn làm” được lặp đi lặp lại và nhấn mạnh trong từng câu chữ càng khiến con người thêm rung động. Đó là mong muốn khát khao tột bậc, sự tự nguyện thiết tha từ trong tâm hồn nhà thơ.
Bài thơ khép lại thế nhưng những cảm xúc của nó vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Chính Viễn Phương đã truyền cho chúng ta biết bao nhiêu tình cảm chân thành và thân thương nhất. Để cho con cháu mai sau biết được, để có được cuộc sống hòa bình như hôm nay đó là nhờ công lao vô cùng to lớn của Bác của những thế hệ cha anh đã ngã xuống. Vì thế hãy sống sao để thật xứng đáng với niềm tin và sự kì vọng của Người.
Xem thêm bài viết khác
- Đề 1 bài viết số 5 ngữ văn 9 tập 2 trang 33 sgk
- Phân tích khổ thơ đầu trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh.
- Phân tích vẻ đẹp Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều
- Nghị luận về sức mạnh của tinh thần đoàn kết
- Kể lại giấc mơ em đã gặp gỡ và trò chuyện với nhân vật Vũ Nương
- Trình bày suy nghĩ của anh chị về:” Hỏi một câu chỉ dốt trong chốc lát, không hỏi sẽ dốt cả đời"
- Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Vũ Nương
- Dàn ý phân tích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
- Đề bài: Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương ở Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
- Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
- Suy nghĩ về đạo lí Uống nước nhớ nguồn.
- Nghị luận xã hội: Đức tính khiêm nhường