Văn mẫu 9 bài viết số 1 đề 3: Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em (con thỏ, con mèo, con trâu, con gà)
Bài viết tập làm văn số 1 - ngữ văn lớp 9 đề 3: Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em. Thông qua bài viết sẽ giúp các em nắm bắt lại đúng đặc điểm cơ bản của đối tượng được thuyết minh. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất thuyết minh về một loại động vật hoặc vật nuôi ở quê em, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Thuyết minh về con thỏ
- Bài mẫu 2: Thuyết minh về đàn gà con
- Bài mẫu 3: Thuyết minh về con mèo
- Bài mẫu 4: Thuyết minh về con thỏ
Bài mẫu 1: Thuyết minh về con thỏ
Dàn bài
Mở bài: Dẫn dắt để giới thiệu thuyết minh đó là con trâu
Thân bài: Thuyết minh về con trâu
- Vòng đời của con trâu từ năm đến sáu con nghé con.
- Vai trò của con trâu:
- Trâu là vật nuôi để cày bừa, làm đất cho người nông dân
- Trâu cung cấp thịt cho thị trường
- Dùng phân trâu để bón ruộng, vườn cây ăn trái sẽ góp phần giúp cây tươi tốt.
- Da trâu cùng có thể làm ra một liều thuốc trị bệnh, làm đồ thủ công mĩ nghệ....
- Nguồn gốc con trâu: Trâu có nguồn gốc từ loài trâu rừng, đã dược con người thuần hóa từ rất lâu, trâu thuộc nhóm trâu đầm lầy.
- Đặc điểm con trâu:
- Thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, mông dốc
- Cân nặng thì trâu đực nặng từ 400-500 kg
- Hai xương ức có hai dải lông màu trắng.
- Loài trâu luôn khoác lên mình bộ áo màu xám đen....
- Hình ảnh con trâu:
- Trâu luôn được mọi người ví như sự hiện diện của con người Việt Nam ta.
- Trâu đưa vào các lễ hội, điển hình như ở Đồ Sơn - Hải Phòng
- Trâu cùng như một tiếng nói riêng cho sự cần cù, cần mẫn, trâu đã nói lên tính cách của người dân ta.
Kết bài: Trâu vẫn mãi là công cụ hữu ích cho ruộng đồng, cho việc cày bừa. Hình ảnh "Con trâu đi trước, cái cày đi sau" là in sâu trong tâm trí mỗi con người Việt Nam.
Bài làm
Quê hương của mỗi người luôn gắn liền với hình ảnh cái giếng, cây đa, hay những cánh đồng lúa chín vàng. Nhưng để có thể nói lên một làng quê mộc mạc, chân chất mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam thì chỉ có hình ảnh con trâu. Chính vì vậy để giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn về sự hữu ích của trâu trong công việc đông áng, tôi sẽ giới thiệu về con trâu Việt Nam.
Trung bình mỗi vòng đời của trâu mẹ có thể cho từ năm đến sáu nghé con. Nhưng nếu trâu được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt thì số lượng nghé con ra đời sẽ nhiều hơn. Bên cạnh việc cày bừa, trâu cũng cho sữa và thịt trong sản xuất, nhưng do sữa trâu không béo và tươi như bò nên không tiêu thụ nhiều trên thị trường. Còn thịt trâu cùng được bán rộng rãi bởi nó có chứa nhiều chất bổ dưỡng và ăn rất ngon. Ngoài thịt và sữa, chúng ta có thể dùng phân trâu để bón ruộng, vườn cây ăn trái sẽ góp phần giúp cây tươi tốt. Ở một số nơi, nhiều nhất là ở Tây Nguyên, người ta thường dùng da trâu làm căng mặt trống. Ngoài ra, da trâu cùng có thể làm ra một liều thuốc trị bệnh bao tử. Bởi tính cần cù. chăm chi nên trâu luôn được mọi người ví như sự hiện diện của con người Việt Nam ta. Ở trâu, ta còn có thể thấy được sức mạnh dẻo dai, bền bỉ. Nhờ vào sức mạnh ấy trâu có thể giúp con người kéo cày, kéo bừa trên ruộng đồng hay kéo xe, kéo gỗ. Tuy trâu kéo cà rền cà rịch, chậm chạp nhưng bù lại trâu có thể kéo nặng. Khi gặp ổ gà trâu cũng có thê vượt qua. Trâu không chỉ hiện diện trên cánh đồng mà còn được mọi người đưa vào các lễ hội, điển hình như ở Đồ Sơn - Hải Phòng hằng năm đều diễn ra lễ hội chọi trâu, dân chúng hưởng ứng rất nồng nhiệt khi lễ hội bắt đầu. Vòng "chung kết" được diễn ra vào mồng chín tháng tám âm lịch. Quan niệm cho rằng nếu nhà nào có trâu thắng thì sẽ gặp nhiều điều may mắn và hạnh phúc. Đó là ở đồng bằng, còn ở Tây Nguyên thì các dân làng thường hay tổ chức buổi giết trâu đem tế thần linh cầu mong cho một năm mới gặp nhiều điều an lành.Trước hết về đặc điểm sinh học, trâu thuộc họ bò, được xếp vào bộ nhai lại, được liệt vào nhóm sừng rồng, bộ guốc chẵn và là lớp thú có vú. Còn về nguồn gốc thì sao? Trâu có nguồn gốc từ loài trâu rừng, đã dược con người thuần hóa từ rất lâu. Trâu thuộc nhóm trâu đầm lầy. Giống trâu rất dễ nhận dạng, chúng ta có thể dựa vào đặc điểm bên ngoài của chúng như thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, mông dốc. Ngoài ra, ở dưới cố chỗ hai xương ức có hai dải lông màu trắng. Loài trâu luôn khoác lên mình bộ áo màu xám đen. Đó là về đặc điểm bên ngoài, về cân nặng thì trâu đực nặng từ 400-500 kg. Đặc điểm sinh sản của trâu không có tỉ lệ cao như các loài khác, tuy vậy nhưng vẫn đảm bảo được năng suất trong nông nghiệp. Khi nuôi trâu cái đến ba hay bốn tuổi thì có thể bắt đầu sinh sản. Mỗi lứa trâu mẹ sinh được một trâu con. Ở một số địa phương, trâu còn được gọi là nghé.
Trâu gần liền với cuộc sống của người nông dân, gắn liêền với các trò chơi dân gian hay trong lịch sử, trâu là một hình ảnh đẹp, nói lên tuổi thơ cua các vị anh hùng. Một hình ảnh về vị chiến sĩ nhỏ tuổi đã khắc sâu vào tâm trí người đời chính là Đinh Bộ Lĩnh. Ai ai cũng từng một lần nhắc đến hình ảnh chú bé Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu chơi trò “cờ lau tập trận”. Khi lớn lên, chú bé đã dẹp loạn mười hai sứ quân, mang đến cuộc sống sung túc cho muôn dân, mang đến hoà bình cho đất nước Việt Nam ta. Con trâu còn được ông bà dùng để nêu ra những bài học kinh nghiệm quý báu hay những luân lí qua các câu ca cao như: “mất trâu mới chịu làm chuồng”, “đặt cái cày trước mũi con trâu’'... Bên cạnh đó, trâu còn được dùng để chỉ ra những hạng người xấu xa: “đầu trâu mặt ngựa”, “ngựa tìm ngựa, trâu tìm trâu”, hơn nữa là còn dùng để phê phán “lì như trâu”, “đàn gảy tai trâu”. Ọua các câu tục ngữ ấy đã cho ta thấy chỉ về vẻ ngoài xấu xí mà con người đã vội quên đi bao công lao của trâu trên ruộng đồng, đã gán ghép nó với bao nhiêu tội xấu. Thật tội nghiệp cho loài trâu cần mẫn, luôn chăm chỉ cày bừa. Hình ảnh con trâu đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, từ các bác nông dân hay các em nhỏ đều thuộc bài ca dao ngộ nghĩnh “Thằng Bờm’'
“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu”
Bài ca dao là hình ảnh giúp ta gợi nhớ về chú trâu mạnh mẽ, chăm chỉ. Bài ca dao dí dóm đã phần nào đưa trâu ngày một khắc sâu thêm trong tâm trí mỗi người dân. Ngoài ra, hình ảnh trâu còn được Bà Huyện Thanh Quan khắc hoạ vào bức tranh ca cổ cùa mình. Nhà văn Giang Nam đã đưa trâu vào bài thư "Quê hương’’ của mình. Chính nhờ vào hình ảnh con trâu mà bài thơ đà trở nên đặc sắc để sáng tác ra một câu thơ “Trâu về lại xanh Thái Bình”. Bao đời nay, trâu đã đi sâu vào lòng người dân Việt Nam. Trâu cùng như một tiếng nói riêng cho sự cần cù, cần mẫn, trâu đã nói lên tính cách của người dân ta. Để có thể giúp trâu đạt năng suất cao trong việc cày bừa, ta nên có cách chăm sóc thật hợp lí: một tuần ta nên cho trâu nghỉ ngơi. Còn mỗi khi cày bừa xong, ta không nên cho trâu ăn liền mà cần phải cho trâu tắm rửa. nghỉ ngơi khoảng ba mươi phút. Vừa rồi là một số mẹo chăm sóc giúp trâu có thể khoẻ mạnh nhằm tăng năng suất hoạt động.
Ngày nay, dù ở một số nơi đã có máy cày nhưng trâu vẫn mãi là công cụ hữu ích cho ruộng đồng, cho việc cày bừa. Hình ảnh "Con trâu đi trước, cái cày đi sau" là in sâu trong tâm trí mỗi con người Việt Nam. Trâu được mọi người xem là thành viên thân thiết trong gia đình. Trâu sẽ là sự hiện diện cho tính cần cù, chăm chỉ của người nông dân trong việc đồng áng và trâu sẽ mãi là tiếng nói riêng cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Bài mẫu 2: Thuyết minh về đàn gà con
Dàn bài
Mở bài: Có nhiều loại động vật khác nhau, nhưng gần gũi với mỗi gia đình là đàn gà con.
Thân bài: Thuyết minh về đàn gà con
- Hình ảnh và vai trò của con gà:
- Là con vật gần gũi và thân thuộc nhất trong số rất nhiều các loài gà khác nhau
- Gà là vật nuôi quan trọng nhất của con người để lấy thịt và trứng.
- Đặc điểm con gà:
- Cánh tròn, ngắn, toàn thân phủ lông.
- Một đôi chân to móng cùn và cứng, phủ vẩy sừng mỏng màu vàng và còn một cái mỏ ngắn khỏe nữa
- Gà trống chân có cựa sắc, bộ lông óng mượt rực rỡ, nổi bật bởi bông hoa đỏ rực trên đầu
- Gà mẹ hiền lành và có dáng vẻ chậm chạp hơn, có khả năng đẻ trứng và ấp trứng nở thành con...
- Gà con mới nở có bộ lông vàng tơ óng mượt.
- Ý nghĩa của con gà:
- Con gà đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá ẩm thực.
- Con gà đã đi vào tín ngưỡng, vào đời sống tâm linh văn hóa của người dân Việt Nam
- Gà là một trong mười hai con giáp, vẫn được gọi bằng cái tên thân mật là “Dậu”
- Con gà trống như linh vật của người dân Việt Nam, tượng trưng cho sự may mắn yên bình, hạnh phúc,....
Kết bài: Con gà là biểu tượng sự sống, của hi vọng, an lành đối với người dân Việt Nam.
Bài làm
Bức tranh thôn quê Việt Nam là một bức tranh tràn ngập sắc màu rực rỡ nhưng cũng rất yên bình, ở đó chứa đựng mơ ước của người nông dân, có cây đa, giếng nước, mái đình, con trâu,... nhưng gần gũi với mỗi gia đình nhất có lẽ là đàn gà chạy rộn rã trước sân nhà.
Đối với người nông dân Việt Nam thì gà nhà luôn là con vật gần gũi và thân thuộc nhất trong số rất nhiều các loài gà khác nhau. Gà là vật nuôi quan trọng nhất của con người để lấy thịt và trứng. Đặc điểm chung của gà là cánh tròn, ngắn, toàn thân phủ lông. Để thích nghi với cuộc sống bới đất tìm mồi, từ thuở xưa, gà đã được tạo hóa ban cho một đôi chân to móng cùn và cứng, phủ vẩy sừng mỏng màu vàng và còn một cái mỏ ngắn khỏe nữa. Không phải từ thuở ban đầu gà sinh ra đã là gã nhà mà tổ tiên của chúng là gà rừng đã trải qua thuần hóa liên chúng không có khả năng bay lượn. Đại đa số thời gian chúng dùng chân nâng đỡ cơ thể đi lại trên mặt đất. Vì vậy, cơ hồng của gà đa số tập trung ở chân, cơ ngực và các bộ phận khác lại là cơ trắng.
Các em thiếu nhi vẫn có bài hát rất dễ thương về loài động vật này: Gà không biết gáy là mẹ gà con. Gà mà không gáy là vợ gà cha. Đi lang thang trong sân có con gà có con gà”. Chỉ mấy câu hát đơn giản như vậy thôi đã cho ta thấy một gia đình gà. Gà trống được coi là gà bố, đúng như một ông bố có dáng bệ vệ, chân có cựa sắc, bộ lông óng mượt rực rỡ, nổi bật bởi bông hoa đỏ rực trên đầu mà người ta vẫn gọi là mào gà. Gà trống có tiếng gáy âm vang, từ lâu đã được coi như là đồng hồ báo thức của người nông dân. Gà mái hay là gà mẹ, cũng giống với một người mẹ, hiền lành và có dáng vẻ chậm chạp hơn, bộ lông không săc sỡ như gà trống. Nhưng bù lại, với “thiên chức” của một người mẹ, gà mái có khả năng ấp trứng và nở ra những chú gà con rất đáng yêu: Gà mái đẻ mỗi lứa từ 10 đến 20 trứng. Đa số gà mái sau khi đẻ trứng thường kêụ “cục tác”. Đó là biểu hiện sự hưng phấn của gà mái, hay có thể nói đó là niềm vui của gà mẹ, một “người mẹ” có tình mẫu tử mãnh liệt. Gà con vừa chui ra khỏi vỏ trứng giống như một nắm nhung có sự sống, bé nhỏ trong bộ lông vàng tơ óng mượt. Gà con mới nở có thể theo mẹ đi kiếm mồi ngay.
Đốì với gà thì hạt thóc hạt mạch... có thể được coi là sơn hào hải vị của chúng. Nhưng cho dù được ăn những thứ đó hàng ngày thì chúng vẫn thích mổ đông bới tây, đề tìm ăn những hạt sỏi, hạt cát. Thật ra vì không có răng nên gà cần dựa vào thứ khác để nghiền thức ăn và chúng đã lợi dụng sỏi để tiêu hóa thức ãn. Thịt gà và trứng gà là những thức ăn bổ dưỡng rất tốt cho con người.
Không những từ xưa mà đến bây giờ vẫn vậy và không chỉ đối với người nông dân mà đối với hết thảy mọi người dân Việt Nam, con gà đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá ẩm thực. Có thể nói, con gà đã đi vào tín ngưỡng, vào đời sống tâm linh văn hóa của người dân Việt Nam. Nó là một trong mười hai con giáp, vẫn được gọi bằng cái tên thân mật là “Dậu”. Con “Dậu” là tượng trưng cho một tuổi đời. Ai đã từng đến Việt Nam, từng tìm hiểu và yêu nền văn hóa dân tộc Việt thì chắc hẳn không thể nào quên được những bức tranh Đông Hồ đậm đà bản sắc Việt với hình ảnh phong phú về thể loại, màu sắc cách điệu nhưng cũng giản dị vô cùng, nổi bật với những bức tranh như: “Vinh hoa”, “Gà trống hoa hồng”, “Gà dạ xương”... Dưới con mắt của người Việt Nam, con gà đáng trân trọng và thân thương như vậy đó. Từ lâu đã thành lệ, con gà là thứ không thể thiếu trong bất kì lễ tết truyền thống hay ngày cúng giỗ nào của người Việt Nam. Đêm giao thừa, vào giờ khắc chuyển giao, nhà nhà lại cùng nhau bày một mâm cỗ đặt trước cửa nhà để cầu mong tốt lành, hạnh phúc cho năm mới. Lẽ dĩ nhiên, mâm cỗ không thể thiếu con gà. Con gà luộc được đặt trong một, cái đĩa lớn đặt giữa mâm, miệng ngậm một bông hồng. Đó là tượng trưng cho sự an lành, may mắn mà nhà nhà đều mong đợi. Tự nhiên như thế, con gà trống như linh vật của người dân Việt Nam, tượng trưng cho sự may mắn yên bình, hạnh phúc, luôn luôn rất linh thiêng đối với nhân dân.Con gà còn đi vào văn học, vào ca dao, tục ngữ của dân tộc. Có câu chỉ nói đến kinh nghiệm trong văn hóa ẩm thực như: “Con gà cục tác lá chanh” nhưng có câu còn để răn dạy con người như:
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Gần đây, dịch cúm gà hoành hành đã làm cho bữa cơm Việt Nam thưa vắng món thịt gà. Người ta cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó, nhất là mỗi độ Tết đến.
Con gà là biểu tượng sự sống, của hi vọng, an lành đối với người dân Việt Nam. Mong rằng nạn dịch cúm sẽ nhanh chóng được đẩy lùi để con gà lại được hồi sinh, lại trở về bên người nông dân, trở về với bữa-cơm thường ngày và luôn gần gũi gắn bó với người dân Việt.
Bài mẫu 3: Thuyết minh về con mèo
Dàn bài
Mở bài: Mỗi người có một thú cưng riêng, trong số đó có con mèo là loài vật được yêu chiều, nâng niu.
Thân bài: Thuyết minh về con mèo
- Nguồn gốc con mèo:
- Mèo nhà là một phần loài trong họ mèo (trong họ mèo còn có báo, linh miêu..)
- Mèo sống gần gũi với loài người trong khoảng từ 3.500 năm đến 8.000 năm
- Các loại mèo: mèo tam thể (có ba màu lông), mèo vằn (hai màu lông chạy xen nhau), mèo đốm,...
- Qúa trình phát triển con mèo:
- Mèo con từ 1 tháng tuổi trở lên đã được mèo mẹ dạy các động tác săn bắt mồi như chạy, nhảy, leo trèo,...
- Mèo 4 tháng tuổi có thể bắt được chuột, gián, thạch sùng...
- Thông thường mèo nặng từ 2,5 kg đến 7 kg....
- Mèo giữ năng lượng bằng cách ngủ nhiều hơn đa số các loài động vật khác
- Mèo là những "vận động viên điền kinh" tài giỏi có thể chạy rất nhanh và nhảy xuống đất từ độ cao
- Cách mèo săn mồi: mèo đi nhẹ nhàng rình mồi, giương một hay nhiều vuốt ra, vồ săn mồi....
- Mèo sống ở nơi sạch sẽ, làm vệ sinh cho cơ thể, nó thường thè lưỡi ra, tiết nước bọt vào chân của nó rồi bôi lên mặt và toàn thân thể...
Kết bài: Mèo đã trở thành một loài vật cưng trong nhiều gia đình, đặc biệt là các em nhỏ.
Bài làm
Có rất nhiều loài vật đã được con người thuần hoá, nuôi dưỡng và trở thành "thú cưng" trong mỗi giã đình. Nhưng trong số đó, có thể nói mèo là loài vật được yêu chiều, nâng niu nhất.
Mèo nhà là một phần loài trong họ mèo (trong họ mèo còn có báo, linh miêu..). Theo những căn cứ khoa học đáng tin cậy thì chúng đã sống gần gũi với loài người trong khoảng từ 3.500 năm đến 8.000 năm.
Có rất nhiều các giống mèo khác nhau, một số không có lông hoặc không có đuôi. Các màu lông mèo rất đa dạng: màu trắng, màu vàng, màu xám tro... Có những chú mèo mang nhiều màu lông nên có những tên gọi như mèo tam thể (có ba màu lông), mèo vằn (hai màu lông chạy xen nhau), mèo đốm,...
Mèo con từ 1 tháng tuổi trở lên đã được mèo mẹ dạy các động tác săn bắt mồi như chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi. Mèo 4 tháng tuổi có thể bắt được chuột, gián, thạch sùng... Chúng giao tiếp bằng cách kêu "meo”, "mi-ao", "gừ-gừ", rít, gầm gừ và ngôn ngữ cơ thể. Mèo trong các bầy đàn sử dụng cả âm thanh lẫn ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với nhau.
Thông thường mèo nặng từ 2,5 kg đến 7 kg. Cá biệt, một số chú mèo từng đạt tới trọng lượng 23 kg vì được cho ăn quá nhiều. Trái lại, cũng có những chú mèo rất nhỏ (chưa tới 1,8 kg), ở tình trạng nuôi trong nhà, mèo thường sống được từ 14 năm tới 20 năm. Chú mèo già nhất từng biết đến trên thế giới đã sống 36 năm. Mèo giữ năng lượng bằng cách ngủ nhiều hơn đa số các loài động vật khác, đặc biệt khi chúng già đi. Thời gian ngủ hàng ngày có khác nhau, thường là 12 giờ đến 16 giờ, mức trung bình 13 giờ đến 14 giờ. Một số chú mèo có thể ngủ 20 giờ trong ngày. Vì thường chỉ hoạt động nhiều lúc mặt trời lặn, mèo rất hiếu động và hay đùa nghịch vào buổi tối và sáng sớm.
Mèo là những "vận động viên điền kinh" tài giỏi có thể chạy rất nhanh và nhảy xuống đất từ độ cao lớn. Có điều đó vì chúng có cấu tạo cơ thể rất đặc biệt.
Mèo có bốn chân, mỗi bàn chân đều có vuốt và đệm thịt ở phần tiếp xúc với mặt đất. Giống như mọi thành viên khác của họ mèo, vuốt của mèo thu lại được. Bình thường, ở vị trí nghỉ các vuốt được thu lại trong da và lông quanh đệm ngón. Điều này giữ vuốt luôn sắc bởi chúng không tiếp xúc với mặt đất cũng như cho phép mèo đi nhẹ nhàng rình mồi. Các vuốt chân trước thường sắc hơn so với phía sau. Mèo có thể giương một hay nhiều vuốt ra tùy theo nhu cầu. Khi rơi từ trên cao xuống, mèo có thể sử dụng cảm giác thăng bằng sắc bén và khả năng phản xạ của nó tự xoay thân tới vị trí thích hợp. Khả năng này được gọi là "phản xạ thăng bằng." Nó luôn chỉnh lại thăng bằng cơ thể theo một cách, khiến chúng luôn có đủ thời gian thực hiện phản xạ này khi rơi. Giống như chó, mèo là loài vật đi trên đầu ngón chân: chúng bước trực tiếp trên các ngón, các xương bàn chân của chúng tạo thành phần thấp nhìn thấy được của cẳng chân. Mèo có thể bước rất chính xác, bởi vì khi đi, chúng đặt bàn chân sau (hầu như) trực tiếp lên đầu của bàn chân trước, giảm thiểu tiếng ồn và dấu vết để lại. Điều này cũng giúp chúng có vị trí đặt chân sau tốt khi bước đi trên bề mặt ghồ ghề.
Hỗ trợ đắc lực cho mèo trong quá trình di chuyển, ngoài chân ra còn có đuôi. Đuôi mèo dài và uyển chuyển, chúng được dùng để xua đuổi ruồi muỗi. Nhưng chức năng chủ yếu là giữ thăng bằng khi chạy nhảy leo trèo.
Tai mèo khá thính. Đa số mèo có tai thẳng vểnh cao. Nhờ tính năng động cao của cơ tai mà mèo có thể quay người về một hướng và vểnh tai theo hướng khác. Mắt mèo cũng là một bộ phận khá đặc biệt. Nghiên cứu cho thấy tầm nhìn của mèo tốt nhất vào ban đêm so với người, và kém nhất vào ban ngày. Màu mắt của mèo khá đa dạng: màu vàng, màu đen, màu nâu, màu xanh... về thính giác, con người và mèo có tầm thính giác ở mức thấp tương tự như nhau, nhưng mèo có thể nghe được những âm thanh ở độ cao lớn hơn, thậm chí tốt hơn cả chó. Khi nghe âm thanh nào đó, tai mèo sẽ xoay về hướng đó; mỗi vành tai mèo có thể quay độc lập về hướng nguồn âm thanh. Khứu giác của mèo cũng rất phát triển. Nó mạnh gấp 14 lần so với của con người. Số lượng tế bào khứu giác ở mũi của chúng cũng nhiều gấp đôi, do dó mèo có thể ngửi thấy những mùi mà chúng ta không nhận thấy được.
Mèo là động vật ăn thịt thế nên đối tượng để nó săn mồi cho nhu cầu sinh tồn là những loài vật nhỏ như: chuột, rắn, cóc nhái, cá... Vũ khí để săn mồi là móng vuốt. Khi gặp con mồi, nó thường đứng từ xa cách con mồi khoảng chừng 5 đến 6 mét. Sau đó nó nằm bẹp hạ cơ thể xuống sát đất, mắt chăm chăm nhìn không nháy mắt đến đối tượng đồng thời bước tới con mồi cần săn rất nhẹ nhàng. Khi đến gần khoảng cách mà nó cảm thấy ăn chắc, loài mèo tung ra sức mạnh cuối cùng bằng cách đẩy mạnh 2 chân sau và đồng thời phóng mạnh toàn cơ thể tới phía trước và dùng móng sắc nhọn duỗi thẳng ra và chụp lấy con mồi. Ngày nay, loài mèo luôn sống với người qua nhiều thế hệ con cháu. Cho nên, thức ăn của loài mèo là cơm hoặc thức ăn sẵn. Nhưng thức ăn ưa thích nhất của loài mèo vẫn là món cá.
Mèo thường tránh nơi ẩm ướt và ở rất sạch sẽ. Để làm vệ sinh cho cơ thể, nó thường thè lưỡi ra, tiết nước bọt vào chân của nó rồi bôi lên mặt và toàn thân thể. Hành động này cho thấy mục đích nó muốn xóa sạch các vết bẩn, ngay cả hơi tay của con người vừa mới bồng hay vuốt ve nó. Loài mèo luôn tự làm lấy vệ sinh cho cơ thể nhiều lần trong ngày, thường là lúc nó mới ngủ dậy hay đi đâu đó về. Hành động đó đã trở thành thói quen thường thấy ở loài mèo ngay cả khi cơ thể của nó không có vết bẩn nào cả.
Trải qua một thời gian dài được con người thuần dưỡng, ngày nay, mèo đã trở thành một loài vật cưng trong nhiều gia đình, đặc biệt là các em nhỏ. Mèo không chỉ là một "người bảo vệ", một "dũng sĩ diệt chuột" mà còn là một loài vật cảnh hết sức dễ thương. Có lẽ bởi vậy, tinh cảm giữa con người và loài mèo sẽ ngày càng gắn bó hơn.
Bài mẫu 4: Thuyết minh về con thỏ
Dàn bài
Mở bài: Giới thiệu về con thỏ với bộ lông mềm, trắng muốt
Thân bài: Thuyết minh về con thỏ
- Thỏ là loài vật gần gũi với mọi người dân Việt Nam
- Thỏ có lớp lông mao dày, tai thỏ dài và có thể chuyển hướng...
- Một trong những tập tính của thỏ mang dấu ấn của tổ tiên chúng là tập tính đào hang
- Thỏ ăn cỏ, lá và một số loại thực vật do ăn bằng cách gặm nhấm nên răng cửa thỏ dài, cong, vát và sắc.
- Thỏ di chuyển bằng cách "nhảy cóc"
- Thỏ chạy rất nhanh, có thể lên tới tám mươi ki-lô-mét trong một giờ
- Thỏ được nuôi để ăn thịt hoặc lấy lông....
- Thỏ con tuy nhỏ bé nhưng thông minh, nhanh nhẹn, luôn chiến thắng con sói già gian ác.
Kết bài: Thỏ đã trở thành một loài vật nuôi kinh tế ở nước ta, và cũng còn được nuôi trong nhiều gia đình.
Bài làm
Nếu tôi hỏi bạn về một câu: "Trong các loài vật nuôi trong gia đình, bạn yêu quý con vật nào nhất?" thì tôi chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều câu trả lời. Nhưng riêng đối với tôi, tôi vẫn yêu quý chú thỏ trắng nhà mình với bộ lông mềm và trắng muốt.
Giống thỏ được nhập vào nước ta, cách đây khoảng một trăm năm, nên thỏ là loài vật gần gũi với mọi người dân Việt Nam. Thỏ có lớp lông mao dày để thích nghi với những điều kiện thời tiết khô hạn. Tai thỏ dài và có thể chuyển được hướng để nghe những âm thanh và tiếng động cảu kẻ thù. Ở thỏ cũng có một đặc điểm để thích nghi với môi trường sống trên cạn rất nhiều bụi. Đó là mắt có mi mắt và tuyến lệ.
Hiện nay, tuy thỏ đã được nuôi dưỡng trong nhiều gia đình nhưng chúng vẫn mang nhiều tập tính của thỏ rừng - tổ tiên xa xưa của chúng. Một trong những tập tính của thỏ mang dấu ấn của tổ tiên chúng là tập tính đào hang. Ở hai đôi chi trước và sau của thỏ đều có vuốt giúp chúng bới đất. Đối với thỏ, hang có vị trí rất quan trọng, vì nó không chỉ là nơi sinh sống của thỏ, mà đó còn là nơi để chúng trốn tránh kẻ thù.
Vì thiếu những bộ phận tự vệ như nanh, vuốt sắc nên chúng thường đi kiếm ăn về buổi chiều hay ban đêm để tránh bị kẻ thù săn đuổi. Chúng ăn cỏ, lá và một số loại thực vật. Do ăn bằng cách gặm nhấm nên răng cửa thỏ dài, cong, vát và sắc. Thỏ là loài dộng vật chịu được lạnh , dù thời tiết hanh khô hay giá lạnh chúng vẫn thích nghi được. Nhiệt độ của cơ thể luôn ổn định. Thỏ là loài động vật đẻ con. Mỗi lần đẻ từ một đến hai con. Chúng nuôi con bằng sữa của mình.
Thỏ "đi" không như chó, mèo mà chúng di chuyển bằng cách "nhảy cóc". Hai chi sau dài hơn hai chi trước. Khi nhảy, hai chan sau đạp một cái là cất mình bay lên, khi hạ xuống thì hai chân trước đỡ như cái nhíp. Khi gặp nguy hiểm, ngoài cách lẩn trốn vào hang, thỏ còn bỏ chạy. Thỏ chạy rất nhanh, có thể lên tới tám mươi ki-lô-mét trong một giờ. Thỏ thường chạy theo những đường uốn khúc để đánh lừa kẻ săn đuổi và làm chúng mất đà.
Ngày nay, đã có ít nhất trên sáu mươi giống thỏ. Ở nước ngoài thỏ được nuôi trong các lồng sắt, nhưng ở Việt Nam phần lớn thỏ được thả ở ngoài vườn và cho tự đi kiếm ăn. Thỏ được nuôi để ăn thịt hoặc lấy lông. Ngoài ra thỏ còn được dùng trong cách phòng thí nghiệm. Vì thỏ có cấu tạo gần giống cơ thể người nên được dùng để thử những loại thuốc mới. Thịt thỏ thơm, được dùng để chế biến nhiều loại thức ăn. Ngoài ra, tai thỏ ngâm rượu còn là một loại thuốc quý. Lông thỏ được dùng may áo bông, làm khăn,... vừa đẹp lại vừa ấm.
Khi đẻ con, thỏ thường nhổ một ít lông ngực để lót ổ cho con. Thỏ đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong các câu chuyện cổ tích và phim hoạt hình như em nào cũng biết bộ phim hoạt hình "Hãy đợi đấy" nói về một chú thỏ là một con sói. Thỏ con tuy nhỏ bé nhưng thông minh, nhanh nhẹn, luôn chiến thắng con sói già gian ác.
Thỏ đã trở thành một loài vật nuôi kinh tế ở nước ta, và cũng còn được nuôi trong nhiều gia đình. Giữ gìn, bảo vệ loài thỏ là bảo vệ hệ đa dạng sinh thái môi trường.
Xem thêm bài viết khác
- Văn mẫu 9 bài viết số 1 đề 1: Thuyết minh về cây lúa Việt Nam hay nhất
- Đề 7: Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt - văn mẫu 9
- Nghị luận xã hội: Hút thuốc lá có hại
- Nghị luận về vấn đề hút thuốc lá có hại cho sức khỏe
- Dàn ý phân tích Hoàng Lê nhất thống chí
- Kể lại cuộc gặp gỡ người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
- Văn mẫu 9 bài viết số 1 đề 3: Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em (con thỏ, con mèo, con trâu, con gà)
- Nêu ý kiến của em về vấn đề đồng phục học đường
- Văn mẫu 9: Tổng hợp những bài viết số 3 hay nhất (4 đề)
- Tổng hợp những bài viết số 2 ngữ văn 9 hay nhất với đầy đủ tất cả các đề (4 đề)
- Những đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
- Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về một lễ hội đặc trưng ngày xuân