Đề 3: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành.

82 lượt xem

Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành. Sau đây, KhoaHoc gửi đến bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.


Nội dung bài gồm:

Back to top

Dàn ý chung

1. Mở bài: Nhận định quan niệm học đi đôi với hành luôn được đề cao và đúng với mọi người.

2. Thân bài:

a.Giải thích

  • Học là quá trình tiếp thu tri thức thông qua sách vở, cuộc sống để hoàn thiện bản thân hiểu biết của mình…
  • Hành là quá trình đem những kiến thức đã học được áp dụng vào trong thực tế để tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

=> Ý nghĩa: Nhấn mạnh tầm quan trọng giữa học và hành lí thuyết và thực hành…

b. Bàn luận

  • Tại sao phải học đi đôi với hành
    • Học là tiếp thu kiến thức cơ bản thông qua sự truyền thụ của thầy cô, sách vở, bạn bè….
    • Mục đích của học là để làm giàu tri thức nâng cao trình độ hiểu biết hoàn thiện bản thân. Giải quyết được hết các công việc và vấn đề trong cuộc sống…
    • Học để công việc được chất lượng hơn. Học với hành phải đi dôi với nhau, nếu họ mà không hành thì mớ lí thuyết đó là lí thuyết suông….
    • Học mà không hành thì vô ích. Hành để củng cố lí thuyết thêm vững chắc.
  • Làm thế nào để học đi đối với hành
    • Học và hành là phương châm giáo dục vô cùng đúng đắn. Và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau ở nhiều các lĩnh vực khác nhau. Thông qua việc thực hành người học sẽ giúp lí thuyết thêm vững vàng
    • Học và hành không bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà cần nhân rộng ra trong cuộc sống.

c. Mở rộng phản đề

  • Học và hành được đúc kết bởi thực tế lịch sử nhân loại trong cả ngàn năm qua và nó có mối quan hệ hữu cơ khăng khít với nhau. Không nên coi thường cái nào.
  • Muốn việc học đạt kết quả cao bạn cần phải thực hiện nó một cách nghiêm túc và bài bản theo đúng chuyên ngành.
  • Thực tế nhiều học sinh hiện nay sai lầm trong cách học dẫn đến hiệu quả học tập không cao. KHông chịu thực hành mà chỉ học trên sách vở dẫn đến học vẹt, học suông…

3. Kết bài: KHẳng định ý nghĩa của việc học và hành có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Back to top

Bài mẫu 1: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành

Bài làm

Bàn về vấn đề học và hành có rất nhiều ý kiến khác nhau. Mỗi một ý kiến đều đúc kết một kinh nghiệm học tập khác nhau. Tuy nhiên đến nay được nhiều người ủng hộ nhất vẫn là học đi đôi với hành. Nó không chỉ có ý nghĩa trong một thời điểm mà còn có giá trị mãi về sau này.

Và để hiểu được trọn vẹn ý nghĩa câu nói này thì đầu tiên bạn nên hiểu học và hành là gì? Học là quá trình tiếp thu kiến thức, thu thập những tri thức từ trong sách vở và trong cuộc sống. Nó giúp con người mở mang tầm hiểu biết và trở thành người có ích cho xã hội. Còn hành ở đây có nghĩa là thực hành, hành động. Vận dụng những điều đã biết trong sách vở vào thực tiễn thành hành động mang lại của cải vật chất cho xã hội. Trên thực tế hai vấn đề này có liên hệ mật thiết với nhau và bổ trợ nhau cùng phát triển.

Vậy tại sao học với hành phải đi đôi với nhau? Trên thực tế học là quá trình thu thập những kiến thức cơ bản của nhân loại trong mấy ngàn năm lịch sử thông qua sách vở, cách truyền dạy của thầy cô, bạn bè… Mục đích của nó là làm giàu nguồn tri thức của con người nâng cao trình độ hiểu biết để có thể làm chủ cuộc đời mình. Còn hành chính là việc bạn áp dụng nó vào thực tế cuộc sống để củng cố thêm lí thuyết. Trên thực tế dù bạn có học lí thuyết cao siêu đến đây mà không vận dụng được vào thực tế thì mớ lí thuyết đó cũng chỉ là mớ lí thuyết suông mà thôi. Thế còn nếu học mà không có hành thì cũng chỉ là vô ích. Hành vừa là mục đích vừa là phương pháp học tập để giúp việc học tập thêm vững chắc và khắc sâu.

Học đi đôi với hành là một phương pháp vô cùng đúng đắn và khoa học. Thông qua rất nhiều hình thức khác nhau ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Người học sẽ thông qua việc thực hành để củng cố kiến thức và áp dụng kiến thức đó kiểm nghiệm trong thực tế. Và để cho nó hiệu quả thì bạn nên tìm cách cân bằng giữa lí thuyết và thực tế. Việc học không chỉ trong phạm vi nhà trường mà còn phải đem nó vào ứng dụng trong cuộc sống xã hội.

Mối quan hệ học tập và thực hành được đúc kết trên kinh nghiệm lịch sử nhân loại có mối quan hệ hữu cơ khăng khít với nhau tuyệt đối không được xem nhẹ bên nào. Muốn có hiệu quả tốt thì bạn phải được đào tạo bài bản nghiêm túc theo từng chuyên ngành. NẮm vững lí thuyết sẽ giúp bạn tránh những sai lầm đáng tiếc. Lí thuyết vạch đường cho thực hành còn thực hành bổ sung và hoàn thiện cho lí thuyết thêm vững chắc.

Nếu như bạn chỉ biết thực hành mà bỏ qua việc học thì nó sẽ không thể thông suốt và không thể trôi chảy được. Bạn sẽ như người đi trong đêm tối nếu như không được bổ trợ kiến thức. Nếu bạn chỉ làm việc theo thói quen và kinh nghiệm thì kết quả sẽ không bao giờ khả quan được. Thậm chí no sẽ khiến bạn thụt lùi so với nhân loại.

Hiện nay rất nhiều học sinh bị sai lầm trong cách học dẫn đến hiệu quả không cao. Việc nắm quá vững kiến thức nhưng lại không thực hành sẽ khiến cho kết quả học tập không được đảm bảo.. Vì thế nên tốt nhất bạn nên kết hợp nhuần nhuyễn hai thứ này tránh việc rơi vào lí thuyết sách vở máy móc.

Học và hành là hai vấn đề rất được quan tâm trong cuộc sống. Nó cần phải được củng cố và bổ trợ nhau. Mỗi con người trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải ghi nhớ hai vấn đề này để giúp bản thân trở nên hoàn thiện hơn.

Back to top

Bài mẫu 2: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành

Bài làm

Kiến thức của nhân loại là một đại dương mênh mông không có đáy, không ngừng thay đổi, biến động. Và sự nghiệp học của con người chưa bao giờ dừng lại để tìm tòi những thứ mới, biến cuộc sống của mình trở nên tốt hơn. Thế nhưng, nếu chỉ để kiến thức nằm trên những trang giấy, đó sẽ chỉ là kiến thức chết. Chính vì thế, Học phải đi đôi với hành.

Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu xem học là gì? Hành là gì ? Học là hoạt động tiếp thu những tri thức cơ bản của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô giáo; học ở bạn bè; tự học qua sách vở và thực tế đời sống. Mục đích của việc học là để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều mặt để có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình, góp phần hữu ích vào việc xây dựng sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung.

Hành là quá trình vận dụng những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình học vào thực tế công việc hằng ngày. Ví dụ như người thầy thuốc đem hiểu biết của mình học được ở trường Đại học Y Dược trong suốt sáu năm để vận dụng vào việc chữa bệnh cứu người. Những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng thiết kế và thi công bao công trình như nhà máy, bệnh viện, sân. bay, nhà ga, công viên, trường học… Những kĩ sư cơ khí chể tạo máy móc phục vụ sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp… Nông dân áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để thu hoạch với năng suất cao… Đó là hành.

Học để hành, có nghĩa là phải học để làm cho tốt. Thực tế cho thấy có học vẫn hơn. Ông cha chúng ta đã khẳng định: Bất học bất tri lí, có nghĩa là không học thì không biết đâu là phải, là đúng. Người có học khác hẳn người vô học không phải chỉ ở chữ nghĩa mà còn ở nhiều thứ khác như trình độ nhận thức, khả năng ứng xử trong giao tiếp xã hội, khả năng giải quyết công việc trong những tình huống phức tạp… Mục đích của việc học là để làm cho mọi công việc được thực hiện với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Nếu chúng ta học những lí thuyết dù cao siêu đến đâu mà không vận dụng được vào thực tế thì đó chỉ là lí thuyết suông, tốn thời gian, tiền bạc mà vô ích, giống như truyện ngụ ngôn ngày xưa kể về người đàn ông mất bao công phu tìm thầy học nghề giết rồng để rồi suốt đời chẳng tìm thấy một con rồng nào cả.

Ngược lại, hành mà không học thì không thể trôi chảy. Không có lí thuyết soi sáng, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong công việc. Nếu ta chỉ làm việc theo thói quen và kinh nghiệm thì tiến trình làm việc sẽ chậm và hiệu quả không cao. Cách làm việc cũ kĩ, lạc hậu ấy chỉ thích hợp với những hình thức lao động giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Trong thời đại công nghệ khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như ngày nay thì cung cách làm việc ấy không còn phù hợp nữa.

Muốn đạt được hiệu quả cao trong công việc, con người phải được đào tạo bài bản, nghiêm túc, đến nơi đến chốn theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập, học tập không ngừng. Nắm vững lí thuyết, chúng ta mới có thể làm được những công việc phức tạp và tránh được những sai lầm đáng tiếc. Lí thuyết dẫn đường cho thực hành; thực hành bổ sung, hoàn thiện cho lí thuyết… Vì thế chúng ta không thể coi nhẹ vai trò vô cùng quan trọng của việc học mà phải đánh giá đúng mức mối quan hệ hữu cơ khăng khít giữa học và hành.

Ngày nay, phương châm học đi đôi với hành luôn được đề cao trong các cấp học nhưng việc thực hiện thì còn nhiều hạn chế.

Khi nói học đi đôi với hành là chúng ta đề cập đến mối quan hệ giữa lí thuyết và thực tiễn, Học đi đôi với hành có ý nghĩa thực sự quan trọng. Để đạt được hiệu quả cao, người học nên biết cân bằng giữa lí thuyết và thực tiễn sao cho hài hòa, hợp lí. Giữa lí thuyết và thực hành có mối quan hệ như hai chân của một con người, thiếu một chân thì con người chẳng thể đứng vững. Như vậy, học với hành giúp chúng ta vừa chuyên sâu kiến thức lại vừa thông thạo, hoàn thiện kĩ năng làm việc.

Có thể nói Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu cho phương châm học đi đôi với hành. Bác đã từng khẳng định: lí luận phải đi đôi thực tiễn, lí luận mà không có thực tiễn chỉ là lí thuyết suông. Bác biết rất nhiều ngoại ngữ và sử dụng thành thạo không chỉ trong giao tiếp mà còn viết văn, viết báo bằng ngoại ngữ.

Những tác phẩm văn xuôi bằng tiếng Pháp như: Con rồng tre, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu… Tập thơ Nhật kí trong tù và những bài thơ chữ Hán mà Bác sáng tác là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện lâu dài.

Học đi đôi với hành có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với các ngành nghề, các môn kĩ thuật. Thật đáng tiếc cho những ai chỉ giỏi lí thuyết sách vở mà phải bó tay trước thực tiễn sinh động và phong phú hằng ngày của cuộc sống.

Học đi đôi với hành không chỉ bó hẹp trong nhà trường, không chỉ là một cách học để nắm vững kiến thức mà còn là sự vận dụng có hiệu quả những kiến thức ấy khi ra ngoài xã hội. Những gì được học phải đem áp dụng vào cuộc sống, chứ không phải học để biết rồi bỏ đó. Rất nhiều học sinh đã được học những lời hay ý đẹp trong trường nhưng khi bước ra đời thì lại có những ngôn từ hành động không đẹp, thậm chí đáng chê trách. Hãy biến những tri thức, những bài học cuộc đời đầy ý nghĩa mà ta thâu nhận được từ sách vở thành hiện thực. Như vậy thì những kiến thức đó mới trở nên thật sự có ý nghĩa.

Học đi đôi với hành là một phương châm giáo dục đúng đắn và khoa học, đề cập đến một phạm vi khá rộng với những biểu hiện phong phú, đa dạng. Việc kết hợp giữa lí thuyết và thực hành có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, ở những lĩnh vực khác nhau. Thông qua thực hành, người học nắm chắc lí thuyết hơn vì lí thuyết ấy được biến thành việc làm và được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Điều quan trọng nhất là làm sao đưa lí thuyết vào thực tiễn để được kiểm nghiệm, cụ thể hóa bằng những sản phẩm có thực. Chẳng hạn, khi học xong lí thuyết một kiểu bài tập làm văn, học sinh phải thực hành bằng một bài làm văn cụ thể. Đặc biệt đối với môn ngoại ngữ, học không thể tách rời với hành. Việc hiểu nghĩa từ sẽ có hiệu quả hơn nếu người học biết sử dụng từ thường xuyên trong bất cứ tình huống giao tiếp nào. Như vậy thì việc nhớ từ mới trở nên chính xác và bền lâu trong tâm trí người học. Nếu bạn chỉ chăm chú học thuộc các thì trong tiếng Anh, các cấu trúc ngữ pháp trong khung đóng sẵn, bạn sẽ khó nhớ và mau quên. Tuy nhiên, nếu đem lí thuyết ấy vận dụng vào thực tiễn nói hoặc viết, bạn sẽ nhớ lâu hơn rất nhiều. Một bài học của môn giáo dục công dân về tình bạn chúng ta chỉ nghe thoáng qua như một mớ lí thuyết giáo điều, thế nhưng nếu thầy, cô giáo cụ thể hóa những khái niệm gọi là chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ, hi sinh… bằng thực tế cuộc sống quanh ta, chúng ta sẽ thấy bài học ấy cực kì sống động và giàu ý nghĩa.

Có người đã từng nói: Mọi lí thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Tuy có phần cực đoan nhưng câu nói đó đã khẳng định đúng về giá trị của thực tiễn trong đời sống con người.

Quả thực, nếu học mà không có hành thì việc học chưa trọn vẹn. Lí thuyết mà không được đem ra thực hành thì đó chỉ là lí thuyết suông. Không có hành, người học dường như chỉ nắm lí thuyết một cách máy móc, nửa vời, dẫn đến kết quả là những kiến thức đó sẽ trở nên mơ hồ, không chắc chắn.

Một thực tế đáng buồn là từ trước đến nay, nhiều học sinh đã sai lầm trong cách học, dẫn đến hiệu quả không cao vì chỉ khư khư ôm lấy lí thuyết mà không chịu thực hành. Một phần do các bạn ấy chưa nắm được tầm quan trọng của phương châm học đi đôi với hành, một phần xuất phát từ tâm lí e ngại, lười hoạt động. Tuy nhiên, như trên đã nói, chúng ta phải biết kết hợp một cách hài hòa giữa lí thuyết và thực tiễn. Việc tuyệt đối hóa bất cứ một phương diện nào cũng sẽ phản tác dụng. Nếu quá đề cao lí thuyết, bạn sẽ rơi vào cách học máy móc, nặng nề, sách vở. Nếu thiếu những nền tảng lí thuyết cơ bản, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc.

Học đi đôi với hành là kim chỉ nam cho mọi người trên con đường chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức và tạo dựng sự nghiệp. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Mình rất quan tâm đến học và hành. Bác khẳng định: Học để hành, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Quan niệm trên là phương châm đúng đắn cho ngành giáo dục nước nhà nói chung và cho mỗi con người nói riêng.

Back to top

Bài mẫu 3: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành

Bài làm

Học tập vốn là một quá trình lâu dài và nhiều gian nan, vất vả. Bên cạnh sự chăm chỉ, cần cù, có một phương pháp học tập đúng đắn cũng là yếu tố giúp chúng ta đi đến thành công. Bàn về phương pháp học, mỗi người lại có một phương pháp khác nhau, phương pháp nào cũng đúc kết những kinh nghiệm quý báu hỗ trợ chúng ta trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Trong số đó, học đi đôi với hành là phương pháp đã có từ lâu nhưng lúc nào cũng đem lại kết quả cao.

Trước hết chúng ta cần hiểu: học và hành có nghĩa là gì? Học là hoạt động tiếp thu tri thức đã có từ sớm của con người. Lúc nhỏ ta học đi, học nói. Lớn hơn, ta dần dần tiếp cận với biển tri thức mênh mông của nhân loại. Chúng ta có thể học qua sự chỉ dạy của thầy cô giáo, học từ sách vở, bạn bè, học từ thực tế. Học bao giờ cũng là công việc khó khăn, vất vả để làm giàu tri thức, nâng cao hiểu biết, làm chủ bản thân và làm chủ cuộc sống. Còn hành là việc áp dụng những kiến thức học được vào thực tế, vào công việc cụ thể.

Học và hành có mối quan hệ mật thiết trong cuộc sống, luôn đi đôi với nhau. Chúng ta không thể có học mà không có hành hay ngược lại. Học là quá trình tích lũy tri thức, là nền tảng của mọi công việc, vấn đề trong cuộc sống. Có thể coi việc học như gốc rễ của một cái cây, rễ có vững chắc thì cây mới phát triển tốt, đâm cành đẻ nhánh, mạnh mẽ, cứng cáp trước sóng gió cuộc đời. Học sẽ là ngọn đèn soi sáng cho thực hành. Nhưng chỉ học thôi mà không áp dụng vào thực tế thì những kiến thức ấy sẽ trở thành vô ích, tốn công sức, tiền bạc, thời gian. Có câu nói: “Mọi lí thuyết đều là màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Thực hành sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện cho kiến thức. Nhất là trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay, thực hành tốt là một yêu cầu quan trọng đối với người lao động.

Bác Hồ đã từng khẳng định: Lí luận phải đi đôi thực tiễn, lí luận mà không có thực tiễn chỉ là lí thuyết suông. Bác đã áp dụng sáng tạo và hiệu quả chủ nghĩa lí luận Mác- Lê- nin vào thực tế đấu tranh của dân tộc ta, dẫn dắt nhân dân ta ra khỏi vũng bùn nô lệ, thoát khỏi xiềng xích của áp bức bóc lột, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. UNESCO cũng đã đề xướng phương pháp: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Vì thế, chúng ta cần phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa học và hành để đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc, chứng minh được năng lực của bản thân và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Một thực tế đáng buồn hiện nay là nền giáo dục nước ta còn coi trọng lí thuyết mà kém tính thực hành. Điều này làm cho nền giáo dục chưa phát triển, chưa đáp được nhu cầu của xã hội. Nguyên nhân của hiện trạng này là do học sinh chưa ý thức được cặn kẽ vai trò giữa học và hành. Mặt khác, nước ta còn nghèo nàn, chưa thể đầu tư nhiều dụng cụ, phòng thí nghiệm chất lượng cho các môn học.

Để thực hiện được phương pháp học đi đôi với hành, mỗi người học sinh cần xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn. Có một mục đích học tập, học sinh sẽ chăm chỉ học hành, say mê tìm tòi kiến thức mới. Từ cơ sở kiến thức có sẵn, chúng ta cũng cần linh hoạt, khéo léo để áp dụng những kiến thức ấy vào thực tế, trong công việc.

Học và hành là hai phần không thể tách rời trong học tập cũng như trong bất cứ công việc nào của cuộc sống. Là người học sinh, chúng ta nên áp dụng học đi đôi với hành ngay trên ghế nhà trường, bao gồm cả kiến thức, văn hóa lẫn những kinh nghiệm từ thực tế đời sống.

Back to top

Bài mẫu 4: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành

Bài làm

Ai cũng biết học tập là công việc quan trọng theo suốt cuộc đời của mỗi con người. Nhưng không phải ai cũng biết cần học như thế nào để đem lại kết quả cao. Bằng chứng là kết quả học tập của mỗi người lại ở một mức khác nhau, thậm chí cùng một môi trường học tập, cùng một người dậy dỗ song kết quả lại trái ngược nhau. Tuy nhiên, tất cả những người thành công trong học tập đều tâm đắc với phương pháp học tập hiệu quả đã được kiểm chứng từ ngàn đời nay : phương pháp học đi đôi với hành.

Học đi đôi với hành là gi?“ Học” là một quá trình mà ở đó chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Học cũng có thể là một quá trình tự thân vận động. Quá trình ấy được gọi là quá trình tự học: học trong sách vở, tài liệu hay học trong cuộc sống. Nội dung học là các kiến thức nhân loại được chọn lọc (được phân loại thành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) cùng với đó là làm phong phú những hiểu biết của con người, giúp phát triển vẹn toàn nhân cách và đặc biệt việc học trang bị cho mỗi chúng ta những kiến thức, những kĩ năng, kĩ xão nghề nghiệp để từ đó tham gia vào hoạt động sản xuất của xã hội đem đến lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. Như vậy, “học” ở đây được hiểu là gắn với vấn đề lí thuyết. Người học giỏi thường được hiểu là người nắm được nhiều nội dung lí thuyết.

Bên cạnh đó, “Hành” là thực hành, là quá trình vận dụng kiến thức vào cuộc sống, là đẽm những cái đã học được vào thực tế để kiểm tra độ đúng sai hay làm sinh động nó. “Hành” có nhiều cấp độ: Bắt chước người khác làm, sáng tạo những cách thức hoạt động mới,…Điều đó còn tùy thuộc vào tri thức mà bạn học được phong phú sinh động và sau sắc đến đâu. Những người nông dân ra đồng làm ruộng chắc chắn sẽ càng khác hơn nữa khi ta so sánh với công việc của một nhà văn,…

Trước hết, có thể khẳng định: giữa học và hành, học có tính chất quyết định. Vốn tinh hoa tri thức nhân loại ta học trong hơn chục năm là có thể coi như “ hòm hòm” về cơ bản. Nhưng cả đời người không thể thực hiện lại một phần nhỏ những gì cổ nhân từng làm. Bởi vậy, phải có đầy đủ lí thuyết trước mới đản bảo cho thành công của công việc. Đó là lí do vì sao ta cần hôc giỏi, nắm được những kiến thức cần thiết.

Tuy nhiên, không thể tuyệt đối hóa vai tró của học bỏi mục đích cuối cùng của mọi nỗ lực học tập là nhằm giúp mỗi người sống tốt trong xã hội con người. Vì vậy, học cần đi đôi với hành. Chúng là hai mặt thống nhất với nhau, bổ sung cho nhau. Bởi như đã biết, nếu chỉ biết học lý thuyết mà không hề biết đến thực hành thì những lý thuyết ta học cũng chỉ là những tri thức chết, chúng không có tác dụng đối với đời sống. Đó là trường hợp nhiều học sinh Việt Nam đi thi học sinh giỏi quốc tế các môn khoa học tự nhiên. Chúng ta làm lí thuyết rất xuất sắc thậm chí đạt điểm tuyệt đối. NHưng khi thực hành, trong khi bạn bè các nước làm rất “ ngon lành” chúng ta loay hoay hàng giờ, thậm chí phải bỏ cuộc. Đó cũng là trường hợp nhiềi học sinh, sinh viên đạt kết quả học tập rất cao nhưng hoàn toàn không có kĩ năng sống thực tế.

Họ không biết ứng xử sao cho hợp hoàn cảnh giao tiếp, không nấu được một bửa cơm, không viết được nổi một lá đơn xin việc,…học như vậy chỉ phí phạm thời gian, công sức tiền bạc bởi thực tế học như vậy để làm gì nếu không thể ứng dụng vào đời sống? Chúng ta không chỉ học lý thuyết mà còn phải biết áp dụng những lý thuyết đó phục vụ thực tế. Mặt khác, có lúc những lý thuyết chúng ta đã được học khi đưa vào thực hành lại gặp phải rất nhiều khó khăn. Do đó, chúng ta phải biết kết hợp vừa học lý thuyết, và thực hành nhuần nhuyễn những điều đã học. Có như vậy, thì những kiến thức chúng ta được học sẽ trở nên sâu hơn, giúp chúng ta nắm vững nguồn tri thức. Nếu chỉ học mà không thực hành thì tất cả cũng chỉ là lý thuyết. Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Chính vì vậy, học phải đi liền với thực hành để có thể đem hết những gì đã học cống hiến phục vụ cho đất nước.

Back to top

Bài mẫu 5: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành

Bài làm

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng chỉ rõ để đào tạo được những con người vừa tài vừa đức cho đất nước thì không có cách nào hữu hiệu hơn phương châm “Học đi đôi với hành”. Bác cũng nhấn mạnh: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Thiết nghĩ phương châm và quan điểm ấy đều mang tính thời đại, đặc biệt phù hợp với nền giáo dục Việt Nam, khi chúng ta còn quá chú trọng lý thuyết mà xem nhẹ thực hành.

Học là một quá trình lĩnh hội, tiếp thu kiến thức một cách tích cực, chủ động từ nhiều nguồn khác nhau như sách vở, người hướng dẫn, bạn bè, cha mẹ,... Những kiến thức ấy không chỉ là những lý thuyết có trong sách giáo khoa mà còn là những giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội. Con người học nhằm mục đích trau dồi trí tuệ, phát triển và hoàn thiện bản thân mình để cống hiến cho xã hội, đất nước. Song song với quá trình học là quá trình “hành”, hiểu một cách đơn giản đó là quá trình đưa lý thuyết vào với thực tiễn, là hành động cụ thể có chủ đích, nhằm kiểm tra, xác nhận và tạo ra kết quả từ những lý thuyết đã học. Ví dụ như việc bạn đọc sách dạy nấu ăn và bạn phải nấu để kiểm tra xem sách dạy có thực sự giúp bạn nấu ngon hơn không, còn món ăn mà bạn làm ra đó chính là thành quả đạt được sau khi kết hợp học và hành. Thực hành không phải là quá trình chỉ cần làm làm một lần duy nhất mà đó là một quá trình lặp lại, đến độ thuần thục thì khi đó mới thực sự là đưa lý thuyết vào thực tiễn thành công. Món ăn bạn mới học được, lần đầu bạn nấu hơi mặn, lần sau lại hơi nhạt, nhưng bạn nấu đến lần thứ 10 thì chắc chắn phải vừa, nếu không thì hẳn là lưỡi bạn đã có vấn đề.

Về phương châm “Học phải đi đôi với hành”, đó là một phương châm đúng đắn trong mọi sự học hành. Chúng ta đừng nên chống chế rằng các nhân sĩ thời phong kiến học chỉ học thuộc vài chục cuốn kinh thư là đã đỗ đạt làm quan rồi nổi danh một thời. Nay đã là thế kỷ 21, con người phải bao gồm cả đức và tài, đặc biệt là đương thời buổi hội nhập, chúng ta cần phải có những bước tiến vượt bậc, những bước đường tắt thì mới mong rút ngắn được khoảng cách tụt hậu trăm năm. Thế nên không còn cách nào khác là học và hành phải đi đôi với nhau, chúng ta vừa học vừa làm luôn, sai đâu sửa đó để rút ngắn thời gian kiểm chứng, để nhanh tạo ra những thành tựu nổi bật. Chẳng vậy mà, ở những trường đại học, cao đẳng, hay trường dạy nghề, họ thường bố trí học lý thuyết và thực hành song song. Sinh viên y sáng học lý thuyết về nhóm máu, chiều đã bước lên phòng thí nghiệm tự chích máu của mình ra làm thí nghiệm luôn. Qủa thực phải như vậy thì mới nhớ lâu, hiểu kỹ được. Hay như Debra Luffer có một câu nói rất kinh điển: “Có những ý nghĩ có thể mãi mãi chỉ nằm trên giấy, nhưng những ý tưởng khác thì luôn có một con đường dẫn thẳng vào trong các nang, các chai ngành dược”. Vậy sự chênh lệch ấy là ở đâu, khi mà mọi ý tưởng đều có một cơ hội như nhau, đó chính là sự thực hành của con người, thành công hay thất bại đều chỉ nằm trong một hành động làm hay không mà thôi. Lại lấy một ví dụ khác, người nghệ sĩ nắm rất rõ phương thức gảy đàn, nhưng chưa một lần sờ vào dây đàn thì đó không phải là một nghệ sĩ chân chính, bởi họ không tạo cho đời một khúc nhạc êm ái. Cũng tương tự như bạn học tiếng Anh mỗi ngày nhưng chưa bao giờ dám bắt chuyện với một người nước ngoài hay đơn giản là trốn tránh cả những tiết luyện nghe nói. Điều ấy cho thấy rằng lý thuyết của các bạn là lý thuyết chết, chỉ có thực hành mới tiếp cho chúng sự sống để khiến chúng tồn tại và phát triển. Có điều mà mọi người ít khi nghĩ đến, đó chính là lý thuyết cho chúng ta hiểu biết 1 phần thì thực hành làm được gấp 10 lần như thế, đó là những bài học kinh nghiệm mà chẳng lý thuyết nào viết ra cho bạn, trừ khi bản thân bạn tự trải nghiệm và lưu giữ.

Tuy vậy, ngày nay lại có một bộ phận không nhỏ những người học kiểu đối phó, học cho có, đến kỳ thi thì đi sưu tập đề thi năm ngoái hoặc có người thì đọc thuộc cả sách, trong khi chỉ cần túm đại một chỗ hỏi lại là đã vật vã, hoang mang vì không giải thích được. Đó là thói học vẹt, học tủ vô cùng nguy hại, rồi mai đây đất nước chỉ toàn mọt sách, toàn những cái đầu lười tư duy, lười hành động, não chỉ có nhiệm vụ ghi nhớ và không hơn. Chưa kể có người học chỉ vì thăng quan, tiến chức chứ chẳng phải vì trau dồi kiến thức, thế nên mới có cảnh 50 ngàn, 30 ngàn một buổi học hộ, học thuê. Riết rồi nghĩ cái người học hộ bỏ ra vài tiếng kiếm mấy chục ngàn rẻ mạt, còn người thuê thì chẳng cần học cũng không cần hành luôn. Ôi từ khi nào cái sự học nó lại lạ thế!

Tôi từng có nghe câu chuyện học sinh hỏi người hướng dẫn cách thực tập, người hướng dẫn lấy cuốn sách hướng dẫn mò mẫm cả buổi mà vẫn chẳng nghĩ ra cách, đây là lỗi của việc lười thực hành. Thế nên hãy ghi nhớ, học phải có hành, học mà không hành chẳng khác nào không học, học như vậy vừa tốn thời gian, vừa vô nghĩa. Có câu nói thì hay mà làm thì dở, chính là một câu phê phán sâu sắc cho thói quen học mà lười thực hành ấy, bởi có bao giờ làm đâu mà hay cho được.

“Học đi đôi với hành” là một phương châm chuẩn xác, là kim chỉ nam cho ngành giáo dục của Việt Nam ta, để tạo ra thế hệ thanh niên giỏi toàn diện, vừa chắc lý thuyết lại vừa giỏi làm, tiết kiệm được nhiều kinh phí trong việc đào tạo lại. Riêng thế hệ học sinh chúng ta lại càng cần phải nắm chắc phương châm trên, học viết thì phải luyện viết, học võ thì phải luyện quyền, học toán thì phải xông pha đi giải bài tập. Có thế lý thuyết mới không là lý thuyết suông mà lý thuyết đã phối hợp thật ăn ý với thực hành cho ra những kết quả tốt đẹp.

Back to top


Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm
Danh mục

Tài liệu hay

Toán Học

Soạn Văn

Tiếng Anh

Vật Lý

Hóa Học

Sinh Học

Lịch Sử

Địa Lý

GDCD

Khoa Học Tự Nhiên

Khoa Học Xã Hội