Phát biểu cảm nghĩ của anh (chị) vào thời điểm anh chị cảm thấy xúc động nhất (chào cờ, nghe truyện lịch sử, đi thăm nghĩa trang liệt sĩ, thăm mộ người thân...)
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của anh (chị) vào thời điểm anh chị cảm thấy xúc động nhất (chào cờ, nghe truyện lịch sử, đi thăm nghĩa trang liệt sĩ, thăm mộ người thân...)
Mùa hè vừa rồi, ba mẹ tôi đã thưởng cho tôi chuyến đi chơi đến Quảng Trị như một món quà vì thành tích học tập của tôi trong năm học qua. Tôi đã tưởng tượng đó sẽ là một chuyến đi với những món ăn ngon, những danh lam thắng cảnh hùng vĩ... Nhưng không ngờ, điều ấn tượng nhất tôi với trong chuyến đi đến từ một di tích lịch sử: Thành cổ Quảng Trị. Đối với tôi, đó là một ngày vô cùng cảm xúc, khi tôi lắng nghe anh hướng dẫn viên du lịch kể về nơi này, tôi đã khóc rất nhiều; đó là thời khắc mà tôi đã nhận ra rất nhiều điều về ý nghĩa cuộc sống.
Ngày tháng Bảy hôm ấy, Quảng Trị nóng gay gắt. Tôi đã từng xem bộ phim “Mùi cỏ cháy” nên tôi biết nơi tôi đang đứng là nơi nào. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh còn Hoàng may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa. Đó là bộ phim cảm động nhất mà tôi từng xem. Khoảnh khắc đứng trên mảnh đất lịch sử, lòng tôi dâng lên một cảm giác kì lạ.
Anh hướng dẫn viên giới thiệu: “Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 2km về phía Bắc, cách dòng sông Thạch Hãn 500m về phía đông. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán Triều Nguyễn), toà thành Quảng Trị được xây dựng từ đầu thời vua Gia Long nhà Nguyễn, ở địa phận huyện Đăng Xương; năm thứ 8 dời đắp ở địa phận xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng. Năm Minh Mạng thứ 4, đắp bằng đất; đến năm Minh Mạng thứ 8 (năm 1827) thì được xây bằng gạch. Đây chính là toà thành còn lại những dấu tích cho đến ngày nay. Trong lịch sử thời phong kiến, thành Quảng Trị là là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn quân sự quan trọng bảo vệ kinh đô Phú Xuân - Huế từ phía Bắc. Lịch sử hiện đại đã ghi dấu ấn ở Thành cổ Quảng Trị bằng một cuộc chiến khốc liệt, bi hùng; đó là cuộc chiến Thành cổ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. 81 ngày đêm, với hàng trăm nghìn tấn đạn bom trút xuống, đã gần như san phẳng toà thành cổ cùng cả thị xã Quảng Trị. Hàng ngàn con người đã ngã xuống nơi đây vì Tổ quốc, cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước.”
Trong số hàng ngàn chiến sĩ hi sinh, có rất nhiều học sinh, sinh viên của các trường miền Bắc. Họ đã xếp bút nghiêng lên đường chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Có những liệt sĩ đã viết thư gửi về cho gia đình, như một lời tiễn biệt. Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đang là sinh viên năm thứ 4 (khóa 13), Khoa Cầu hầm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, gác bút nghiên lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Những ngày vượt sông Thạch Hãn để vận chuyển vũ khí vào Thành cổ, bằng dự cảm của một người lính, anh biết mình có thể sẽ hy sinh bất cứ lúc nào. Anh hướng dẫn viên cho chúng tôi xem bức thư được trưng bày trong bảo tàng do Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết, gửi cho gia đình của mình. Trong bức thư có đoạn: "Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ biết bao khó nhọc, nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Thôi nhé mẹ, đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”. Khi lắng nghe anh hướng dẫn viên đọc bức thư lên, tôi và rất nhiều người đã bật khóc. Trong bức thư của anh có đoạn anh viết cho bố mẹ vợ, và cho vợ anh - người con gái đã chờ đợi và yêu thương anh thật nhiều, người con gái sau này đã ở một mình mãi như vậy chăm sóc cho mẹ anh. Chiến tranh đã cướp đi nhiều thứ, cướp đi hạnh phúc của con người. Họ đã ngã xuống cho Tổ quốc vào độ tuổi đẹp nhất, hi sinh cả mạng sống của mình, để lại những người thương yêu nhất vì đất nước Việt Nam.
Tôi cảm thấy mình thật may mắn biết bao khi được sống trong hòa bình, được đi học, được làm những điều mình thích. Tôi được sống trong một gia đình mà không bị chia cắt, không phải thấp thỏm lo sợ vì chiến tranh có thể cướp đi những người tôi yêu thương bất cứ lúc nào. Bỗng dưng tôi cảm thấy trân trọng cuộc sống, trân trọng những người đã hi sinh xương máu, trao cho thế hệ chúng tôi niềm vui và hạnh phúc. Tôi nhận ra mình phải sống sao cho xứng đáng với những gì mà cha ông đã hi sinh, tôi phải sống có lý tưởng và có ý nghĩa trong cuộc đời này.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng dường như nỗi đau thì vẫn luôn còn đó. Kết thúc chuyến đi, tôi cứ suy nghĩ mãi về ý nghĩa của cuộc đời. Ngày hôm ấy là thời khắc quan trọng của cuộc đời tôi, là khoảnh khắc đầy xúc cảm, giúp tôi nhận ra được rằng mình phải biết trân trọng cuộc sống. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ mà cựu chiến binh Lê Bá Dương khi về thăm lại chiến trường xưa, đã viết:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.”
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
Giới thiệu về chuyến đi đến Thành cổ Quảng Trị.
2. Thân bài
- Tôi đã từng xem phim "Mùi cỏ cháy" nên phần nào hiểu được tầm quan trọng của di tích lịch sử này.
- Anh hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử hình thành và những mốc thời gian quan trọng của Thành cổ
- Tôi lắng nghe những câu chuyện về những người đã anh dũng hi sinh cho nền độc lập dân tộc.
- Cảm nhận của bản thân, từ đó trân trọng cuộc sống, trân trọng những người đã hi sinh mang lại hòa bình cho thế hệ chúng tôi.
3. Kết bài
Cảm xúc về chuyến đi ngày hôm ấy vẫn luôn khắc ghi trong tôi.
Xem thêm bài viết khác
- Văn mẫu 10 bài viết số 2 đề 1: Kể lại chuyện cổ tích hoặc một truyện ngắn mà anh (chị) yêu thích
- Thuyết minh về Hồ Gươm – Hồ Hoàn Kiếm
- Đề 2: Thuyết minh một tác giả văn học - văn học 10
- Văn mẫu 10 bài viết số 2 đề 2: Hãy tưởng tượng mình là Xi - Mông, kể lại chuyện Bố của Xi - Mông
- Đề 2: Thuyết minh tác hại của ma túy (hoặc của rượu, thuốc lá…) đối với đời sống con người.
- Phát biểu cảm nghĩ của anh (chị) vào thời điểm anh chị cảm thấy xúc động nhất (chào cờ, nghe truyện lịch sử, đi thăm nghĩa trang liệt sĩ, thăm mộ người thân...)
- Văn mẫu 10: Tổng hợp những bài viết số 5 hay nhất (4 đề)
- Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên (ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương, Chiếc lược ngà, Bố của Xi-mông,...)
- Văn mẫu 10: Tổng hợp những bài viết số 7 hay nhất (4 đề)
- Nêu cảm nghĩ của anh (chị) khi chứng kiến một hành động đẹp của người khác (giúp đỡ, an ủi, dũng cảm...)
- Văn mẫu 10: Tổng hợp những bài viết số 4 hay nhất (3 đề)
- Thuyết minh tác hại của ma túy đối với đời sống của con người