Nêu cảm nghĩ của anh (chị) khi chứng kiến một hành động đẹp của người khác (giúp đỡ, an ủi, dũng cảm...)
Đề bài: Nêu cảm nghĩ của anh (chị) khi chứng kiến một hành động đẹp của người khác (giúp đỡ, an ủi, dũng cảm...)
Từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, tôi đã từng chứng kiến nhiều sự việc, hiện tượng diễn ra quanh mình. Có những sự việc tốt đẹp lẫn những sự việc xấu xa. Nhưng, ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là việc người bạn thân của tôi đã dùng hết tiền để dành để giúp đỡ một bà cụ bán vé số nghèo cách đây hơn một năm.
Hôm ấy, một ngày lất phất mưa, bầu trời xám xịt và dòng người đông đúc vội vã. Những đôi tình nhân trẻ nắm tay nhau đi dưới ô, còn những đứa trẻ thì vội vã chạy về nhà sau giờ tan trường. Tôi cùng người bạn của tôi - Tạ Hoài Thanh - đang trên đường về nhà sau một ngày học dài. Trong đầu chúng tôi lúc bấy giờ lùng bùng những con số toán học của cô Thùy. Thanh khoe với tôi:
- Tối hôm qua tớ đã quyết định đập con Tiểu Trư của mình và thật bất ngờ là nó có hơn một triệu đồng trong đó!!!!
- Ý cậu là sẽ khao tớ uống trà sữa? Tớ thích trà sữa kem cheese nhé!
Thanh lắc đầu đầy bí ẩn:
- Tớ sẽ mua trà sữa, nhưng là cho mua cho cái Quỳnh - con gái của chủ tiệm sách ở ngã tư phía trước nhé!
- Ý cậu là sao? - Tôi nhăn mặt
- Nghĩa là tớ sẽ dành số tiền này để mua bộ truyện Nguyễn Nhật Ánh đó! - Thanh reo lên đầy vui sướng
- Đó giờ tớ nghĩ cậu chỉ dại gái thôi, mà không ngờ cậu còn là mọt sách nữa! - Tôi trêu chọc
Thế là chúng tôi tung tăng dắt nhau đi trên con đường dài và hẹp. Chúng tôi như quên bầu trời xám xịt trên kia. Xung quanh là những cơn gió nhẹ cuốn theo bụi đường và những chiếc lá vàng rụng rơi trên khắp mặt đường.
Bất chợt, một bà cụ già xuất hiện trước mặt chúng tôi. Trông bà khắc khổ, quần áo rách rưới và đội chiếc nón lá tả tơi. Bà đi từng bước đầy nhọc nhằn, lưng bà còng xuống vì năm tháng. Bằng ánh mắt tội nghiệp, bà chìa cho chúng tôi xấp vé số dày cộp, hình như hôm nay bà chẳng bán được bao nhiêu. Bà thều thào:
- Các cháu ơi, mua vé số giúp bà với. Trời sắp mưa rồi, mà hôm nay bà chẳng bán được gì cả.
Chúng tôi nhìn nhau bối rối, tôi sờ vào túi quần và thấy chỉ còn năm nghìn trong đó, chẳng đủ mua một tờ. Tôi hỏi Thanh:
- Cậu còn tiền không?
Thanh không trả lời tôi mà nhìn bà bằng ánh mắt đầy thương xót:
- Con cháu bà đâu mà lại để bà vất vả thế này?
Bà nhìn Thanh, giọt nước mắt lăn dài từ đôi mắt mờ đục xuống khóe miệng nhăn nheo và ngậm ngùi bảo:
- Hồi trẻ, bà cũng được đi học như chúng cháu, cũng có một gia đình hạnh phúc. Lớn lên, bà có được một người chồng yêu thương mình. Nhưng rồi, căn bệnh lao đã cướp mất ông ấy. Gia đình bà rơi vào cảnh nợ nần, con bà cũng bỏ đi để tìm kiếm một cơ hội đổi đời. Bà cứ sống một mình, một căn bệnh về khớp đã lấy đi sức lao động của bà, tuổi già sức yếu chẳng còn cách nào, bà phải bán vé số để mưu sinh qua ngày, trang trải tiền nhà. Chắc sắp tới bà cũng chẳng còn sức mà bán nữa.
Tôi và Thanh lặng người. Thì ra bấy lâu nay chúng tôi sung sướng đến như thế, trong khi một người già như bà lẽ ra ở tuổi này phải được con cháu chăm sóc, thì bà lại phải vất vả mưu sinh. Chúng tôi được bố mẹ lo lắng đầy đủ, được học hành, đi chơi chẳng thua kém ai, thế mà đôi lúc còn đòi hỏi, còn không nghe lời ba mẹ. Tôi và Thanh nắm lấy đôi tay bà, dìu bà vào một quán cà phê ven đường để tránh mưa. Thanh nói với bà:
- Cháu không ngờ đời bà lại vất vả đến thế. Bà làm cháu nhớ đến người bà đã mất của mình. Thời trẻ bà cháu cũng vất vả để nuôi được mấy dì cháu trong nhà, bà thức khuya dậy sớm chẳng nề hà việc gì, cứ việc gì làm ra tiền là bà lại nhận làm. Gánh hàng rong thuở trước vẫn được ba mẹ nâng niu như một vật kỉ niệm để nhớ về bà. Cháu sẽ mua một ít vé số giúp bà. Hôm nay bà về nghỉ sớm nhé!
Tôi quay qua nói với Thanh:
- Trời ơi, tớ cũng suy nghĩ như cậu vậy, mà tiếc cái là tớ lại chẳng mang tiền theo. Chúng ta mua vé số giúp bà nhé!
Thanh mua một ít vé số giúp bà, bà cảm ơn chúng tôi rồi tiếp tục đi trong màn mưa lất phất. Chúng tôi nhìn theo tấm lưng gầy, còng xuống của bà. Bà trơ trọi trong cơn mưa, và dường như cũng trơ trọi, cô đơn trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. Có một cái gì đó nhức nhối không đặng quay đi trong lòng chúng tôi. Bất chợt, Thanh chạy lại về phía bà. Cậu ấy mở cặp sách, lấy ra một phong bì nho nhỏ, cậu nói với bà:
- Bà ơi, cháu có một số tiền nhỏ. Cháu không biết có thể giúp bà được bao nhiêu, nhưng bà hãy xem như một món quà từ cháu, bà nhé!
Tôi lặng người đi, tôi biết trong phong bì đó là số tiền mà Thanh đã dành dụm bấy lâu nay để mua bộ truyện Nguyễn Nhật Ánh mà cậu đã mơ ước từ nhỏ.
- Cháu còn đi học mà, sao bà lại có thể nhận số tiền này của cháu được? - Bà bối rối
- Không sao đâu bà ạ, đây là số tiền cháu đã tiết kiệm được. Bà cứ nhận cho cháu vui.
Nói rồi, Thanh quay lại chỗ tôi đang đứng và nói: “Về nhà thôi nào!” Thanh cười rất tươi, dường như có một cái gì đó nhẹ nhõm trong lòng cậu.
- Cậu có tiếc không? - Tôi hỏi
- Không đâu, nếu không giúp bà thì tớ mới tiếc đó!
Hôm ấy, trời mưa, bầu trời cũng xám xịt. Nhưng, có một tia nắng đã rọi vào lòng tôi về một nhân cách cao đẹp. Cậu không làm những việc to lớn hay vĩ đại, nhưng chỉ một hành động nhỏ vậy thôi, tôi đã thấy Thanh thật là một người tốt bụng, một người bạn đáng để tôi học hỏi.
Chúng tôi không còn học với nhau nữa, nhưng mỗi khi trời mưa, tình cờ đi ngang trên con đường quen thuộc ấy, tôi lại như thấy kỉ niệm ngày hôm đó quay trở lại. Đó là ánh nắng của tình người, là sự sẻ chia, là câu ca dao tục ngữ đã trở thành hiện thực trong đời sống hiện đại:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
Giới thiệu về hành động đẹp của bạn mình: sử dụng tiền tiết kiệm để giúp đỡ bà cụ bán vé số.
2. Thân bài:
- Tả cảnh thiên nhiên, thời tiết ngày hôm ấy.
- Cuộc trò chuyện giữa tôi và Thanh về việc sẽ sử dụng số tiền cậu ấy tiết kiệm được vào việc mua bộ sách Nguyễn Nhật Ánh.
- Bắt gặp bà cụ bán vé số, lắng nghe những tâm sự của bà về cuộc đời.
- Cảm giác chạnh lòng khi nghĩ rằng bản thân mình thật may mắn biết bao.
- Thanh mua giúp bà vé số, nhưng rồi cậu quyết định gửi bà toàn bộ số tiền mà cậu đã tiết kiệm được.
- Tôi và Thanh trở về nhà, cậu mỉm cười và nói rằng không hối hận về hành động của mình.
3. Kết bài
Sự cảm phục mà tôi dành cho Thanh.
Xem thêm bài viết khác
- Thuyết minh về làng Tranh Đông Hồ ngành thủ công mỹ nghệ nổi tiếng ở Bắc Ninh
- Văn mẫu 10 bài viết số 1 đề: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về thiên nhiên và đời sống con người trong thời khắc chuyển mùa
- Văn mẫu 10 bài viết số 1 đề: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) những ngày đầu tiên bước vào trường trung học phổ thông
- Đề 4: Học bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì...
- Đề 4: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
- Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn (5 mẫu) Phân tích hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn
- Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh của đất nước quê hương
- Đề 3: Thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn - văn mẫu 10
- Văn mẫu 10 bài viết số 1 đề: Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu thích
- Đề 2: Hãy hóa thân vào những que diêm để kể lại câu chuyện theo diễn biến và kết thúc truyện ngắn Cô bé bán diêm của An-đéc-xen
- Ghi lại những cảm xúc chân thực của anh (chị) về: Những ngày đầu tiên bước chân vào trường trung học phổ thông
- Hãy kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy bằng lời của anh/chị với một cách kết thúc khác với kết thúc của tác giả dân gian bài mẫu 1