Em cảm nhận được gì về tình cảm quê hương đất nước của tác giả qua việc hồi tưởng hình ảnh mùa xuân trên đất Bắc trong bài Mùa xuân của tôi?
Câu 5: Em cảm nhận được gì về tình cảm quê hương đất nước của tác giả qua việc hồi tưởng hình ảnh mùa xuân trên đất Bắc trong bài Mùa xuân của tôi?
Bài làm:
Đã là con người, ai cũng sẽ có một vùng đất để yêu thương và nhớ về. Và vùng đất ấy sẽ trở thành điểm tựa tinh thần, là nỗi niềm và khao khát khi ta mệt mỏi muốn gục ngã. Vũ Bằng cũng có một vùng đất để thương, để nhớ, ấy là quê hương đất Bắc, là Hà Nội. Nỗi nhớ quê hương da diết cứ cuộn lên từng hồi mà người đọc có thể cảm nhận nỗi niềm ấy qua những dòng văn nhẹ nhàng, tinh tế trong bài Mùa xuân của tôi.
Mùa xuân của tôi được trích từ thiên tùy bút Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt trong tập tùy bút - bút kí Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Nhan đề bài văn do người biên soạn đặt. Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh đất nước bị chia cách hai miền Nam Bắc và tác giả dống trong vùng kiểm soát của Mỹ - ngụy, xa cách quê hương đất Bắc. Nhà văn đã gửi vào những trang sách nỗi niềm thương nhớ da diết về quê hương, gia đình và lòng mong mỏi đất nước được hòa bình, thống nhất. Những tình cảm ấy được thể hiện qua nỗi nhớ mọi cảnh sắc thiên nhiên, phố xá và cuộc sống hàng ngày của người Hà Nội. Những cảnh vật ấy mang vẻ đẹp riêng biệt và bản sắc văn hóa tinh tế, độc đáo của một vùng đất nước và cũng là của dân tộc.
Nhan đề Mùa xuân của tôi mà người biên soạn đặt cũng đã phần nào thể hiện được cảm xúc của Vũ Bằng. Với một người con xa quê, những gì thuộc về quê hương bỗng trở nên thân thuộc, gần gũi và là một kí ức của riêng mình. Nó trở thành tài sản tinh thần vô giá. Mùa xuân của đất Bắc, của Hà Nội thời khắc ấy trở thành mùa xuân của riêng Vũ Bằng. Bởi mùa xuân ấy sống động trong tâm trí của ông như những ngày ông còn ở quê nhà, trải qua mùa xuân cùng với gia đinh. Mùa xuân có ở các vùng có thể tương tự nhau về tiết trời, về cảnh vật nhưng chúng sẽ không thể nào giống nhau về cảm xúc. Bởi cảm xúc thuộc về lòng người. Mà có người nào cảm nhận giống người nào? Có người nào yêu quê giống người nào? Cảm xúc ấy, tình yêu ấy, kí ức ấy chỉ của riêng mỗi người. Và mùa xuân của đất Bắc cũng vì thế mà trở thành của riêng Vũ Bằng.
Mùa xuân của Vũ Bằng được gợi lên trước hết bởi tiết trời đặc trưng của những ngày đầu xuân ở đất Bắc. Đó là “mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa...”. Xuân đất Bắc được gợi về chỉ bằng vài nét vẽ với tiết trời và những âm thanh quen thuộc, mà chỉ như mơ hồ, lúc có lúc không. Chính sự mơ hồ ấy lại như khắc sâu trong tâm trí của người con xa quê một nỗi niềm thương nhớ. Mưa xuân ấy, chỉ Hà Nội mới có. Tiếng hát chèo, tiếng chim nhạn, chỉ Hà Nội mới nghe thấy. Trong cái thời khắc chuyển giao giữa cái lạnh ngắt của mùa đông sang cái ấm nồng của mùa xuân ấy, Vũ Bằng cũng nhận ra, con người cũng chẳng thể ngồi yên được, bởi nhựa sống “trong người căng lên nhe máu căng lên trong lộc của noài nai, như mầm non của cây cối...”. Sự rạo rực trong lòng người được ví với những sự vật tràn đầy sức sống, nhựa sống như căng ra, buộc chúng buộc lòng phải bung nở, phải trỗi dậy, phải bật ra một màu xanh non, biếc rời. Và với Vũ Bằng, càng nhớ tới mùa xuân, càng hồi tưởng lại quá khứ, sự rạo rực và nỗi khao khát được trở về quê hương lại trỗi dậy cũng mạnh mẽ như mầm non của cây phải trồi ra những cái lá nhỏ li ti vậy.
Mùa xuân của Vũ Bằng còn được hiện lên bởi giờ phút quây quần bên gia đình và những phong tục cổ truyền của dân tộc những ngày Tết. Ông nhớ “nhang trầm, đèn nến và nhất là không khí gia đình đoàn tụ êm đềm...làm cho lòng anh ấm áp lạ lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan...”. Hàng loạt những hoạt động, những phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc được gợi về chỉ trong một đoạn văn ngắn. Người ta như được sống trong cái không khí đầm ấm và thiêng liêng, trong mùi nhang trầm khiến lòng người náo nức. Không phải ngẫu nhiên, mùa xuân lại là mùa của Tết. Và cũng không phải tự nhiên, người ta lại mong mỏi ngày Tết đến vậy. Xuân tới cũng là lúc sự sống tràn về và lòng người náo nức, rạo rực. Tết cũng là ngày gia đình đoàn tụ, quây quần. Cả một năm dài bôn ba kiếm sống với những lo toan, gánh nặng đè trên vai, Tết là ngày những người đi xa về nhà, đầm ấm và vui vẻ. Càng gần tới tết, những đứa con xa quê lại càng háo hức được trở về. Quay trở lại với Vũ Bằng, ông viết bài này khi đang sống xa quê, trong vùng kiểm soát của Mỹ - ngụy nên nỗi nhớ ấy lại càng trở nên da diết, đau đáu trong lòng. Chưa lúc nào ông khao khát được trở về nhà đoàn tụ với gia đình đến thế. Cũng chưa bao giờ, mùa xuân đất Bắc lại hiện lên trong tâm trí ông rõ ràng đến thế. Càng nhớ nhà bao nhiêu thì niềm mong mỏi được trở về, khao khát đất nước được độc lập, tự do càng lớn bấy nhiêu. Phải là một con người yêu quê hương, đất nước tha thiết mới có thể viết được những dòng văn thấm đượm nỗi nhớ đến thế!
Mùa xuân của tôi không chỉ dựng nên được không khí đặc trưng của mùa xuân đất Bắc mà ẩn đằng sau từng câu chữ ấy là cả một trái tim yêu nước nồng nàn, một niềm mong mỏi, khát khao đến cháy bỏng đất nước được thống nhất và được trở về quê nhà của Vũ Bằng.
Xem thêm bài viết khác
- Dùng một vài dẫn chứng trong các tác phẩm đã học ở Ngữ văn 6 và Ngữ văn 7 để chứng minh ý kiến sau đây của Hoài Thanh
- Đề thi giữa học kì 2 lớp 7 môn Ngữ văn - Số 3
- Viết đoạn văn ngắn chủ đề bạn bè có sử dụng dấu gạch ngang
- Giải thích ý nghĩa nhan đề truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phân Bội Châu
- Em hãy giải thích câu tục ngữ của nhân dân ta: Học ăn, học nói, học gói, học mở
- Soạn văn 7 tập 2 bài Luyện tập viết đoạn văn chứng minh
- Soạn văn bài: Bố cục và phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận
- Để chứng minh cho nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào và sắp xếp theo trình tự như thế nào?
- Em hãy lập luận cho luận điểm "Sách là người bạn lớn của con người '' bằng cách trả lời các câu hỏi
- Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 2
- Em hãy giải thích câu tục ngữ của nhân dân ta: Lá lành đùm lá rách
- Soạn bài Cách làm bài văn lập luận giải thích