Dùng một vài dẫn chứng trong các tác phẩm đã học ở Ngữ văn 6 và Ngữ văn 7 để chứng minh ý kiến sau đây của Hoài Thanh
Câu 8: Dùng một vài dẫn chứng trong các tác phẩm đã học ở Ngữ văn 6 và Ngữ văn 7 để chứng minh ý kiến sau đây của Hoài Thanh: “Văn chương gây cho ta những tình cảm không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”
Bài làm:
Tình thương có lẽ là ý nghĩa đích thực của văn chương, đúng như Hoài Thanh đã khẳng định, nguồn gốc của văn chương là ở lòng thương con người mà rộng hơn ra là thương cả muôn loài, muôn vật. Chính vì mà ông cũng nhận ra rằng “Văn chương gây cho ta những tình cảm không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”.
Thật vậy, văn chương có đủ sức mạnh để thay đổi một con người. Bởi lẽ, văn chương thấm sâu vào nếp nghĩ và làm thay đổi suy nghĩ tư duy của con người. Điều quan trọng là văn chương gây ra cho ta những tình cảm không có. “Những tình cảm không có” ở đây ta có thể hiểu đó là những tình cảm không có sẵn trong tâm hồn con người mà chỉ có thể có được qua quá trình tiếp xúc, trải nghiệm và học tập mà thôi. Mới sinh ra, mỗi chúng ta chỉ có những cảm xúc đơn giản là vui, buồn, hờn, giận. Nhưng từng ấy cảm xúc sao có thể làm nên tâm hồn của một con người? Văn chương sẽ đem tới cho ta những cảm xúc mới. Đó có thể là sự cao thượng, là lòng hi sinh, là sự căm phẫn, là những bài học ứng xử trong cuộc sống. Từ đó làm cho tâm hồn con người trở nên phong phú, giàu có hơn. Khi đọc Ông lão đánh cá và con cá vàng, câu chuyện cổ tích của nước Nga, một đất nước xa xôi, hoàn toàn khác ta về lối sống về văn hóa, song ta vẫn cảm thấy yêu mến chú cá vàng vì lối sống ân nghĩa, thủy chung và cảm thấy căm phẫn về sự tham lam, độc ác, vô ơn của mụ vợ. Càng đọc, ta lại càng cảm thấy lòng tham của con người là một cái túi không đáy, và điều hiển nhiên của lòng tham ấy là con người phải trả một cái giá quá đắt, đánh mất hết mọi thứ mà mình có.
Đọc Bài học đường đời đầu tiên chúng ta làm sao có thể quên hình ảnh của một con Dế Mèn đẹp đẽ, khỏe mạnh nhưng lại kiêu căng, hống hách và hèn nhát? Sự kiêu căng, hống hách, tự cho mình là nhất của Dế Mèn đã gây ra cái chết thương tâm cho người hàng xóm của mình là Dế Choắt. Cũng nhờ thế mà Dế Mèn mới có được bài học đường đời đầu tiên, người đọc cũng nhận được cho mình một bài học, một cách ứng xử trong cuộc sống: sự kiêu căng, ngạo mạn sẽ chỉ mang tới cho ta nỗi đau đớn và hối hận mà thôi.
Văn chương còn luyện những tình cảm ta săn có. “Tình cảm sẵn có” là những tình cảm vốn dĩ đã tồn tại trong tâm hồn, suy nghĩ và kí ức của mỗi người. Nhưng có đôi khi, tình cảm ấy đã nằm trong tâm trí ta quá lâu đến nỗi nó nhăn nhúm, mốc meo. Văn chương đã giúp ta nhắc lại những cảm xúc ấy, gọi nó dậy để con người có thể khắc sâu hơn về những cảm xúc ấy một lần nữa. Mùa xuân của tôi của Vũ Bằng được viết bằng nét bút rất tinh tế, bằng cảm xúc chân thật và nỗi nhớ da diết trong trái tim của một người con xa quê. Chính vì thế mà từng câu, từng chữ như được viết ra từ trong tâm can người nghệ sĩ. Ta cũng chợt nhận ra rằng, mùa xuân đất Bắc đẹp đẽ như thế, đầy sức sống như thế, những gì thân thuộc bỗng trở về trong tâm trí, như khắc sâu hơn kí ức về mùa xuân, về không khí của ngày Tết đặc trưng của đất Bắc.
Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và bất diệt sẵn có trong mỗi con người. Ngay từ khi sinh ra, ta đã được nuôi nấng bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào, mát lành. Sự chăm sóc, che chở của mẹ chẳng bao giờ ta có thể quên đi. Nhưng khi đọc Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, ta vẫn thấy trái tim mình thổn thức bởi tình cảm mà chú bé Hồng dành cho người mẹ của mình. Tình cảm ấy lớn đến nỗi, nó có thể vượt qua những định kiến xã hội, vượt qua cả những lời nói cay nghiệt, độc ác của bà cô để Hồng giữ mãi được tình yêu và sự kính trọng cho mẹ mình, một người đàn bà khốn khổ. Khi chứng kiến cảnh chú bé Hồng vội vã trèo lên xe, áp mặt ào bầu ngực ấm áp của mẹ, hít hà mùi hương tự nhiên từ mẹ, ta càng thêm trân trọng hơn thời khắc được ở bên cạnh mẹ, được mẹ yêu thương, chăm sóc.
Văn chương là tâm hồn và cũng là cuộc sống. Hai thứ ấy quện hòa quấn quýt vào nhau. Cuộc sống là chất liệu của văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Nhưng để lòng người càng thêm yêu thêm đẹp thì văn chương trước hết cũng phải đẹp, phải hay. Nghĩa là nó phải yêu thương đích thực và phải là sản phẩm của những tâm hồn biết yêu thương.
Xem thêm bài viết khác
- Thảo luận ở lớp: Nêu chủ đề của trích đoạn Nỗi oan hại chồng
- Nhìn chung tục ngữ có những đặc điểm giống nhau về hình thức. Hãy minh họa những đặc điểm nghệ thuật đó và phân tích giá trị của chúng
- Đọc lại đoạn văn: “Đồng bào ta ngày nay” đến “nơi lòng nồng nàn yêu nước”, và hãy cho biết: Câu mở đoạn và câu liên kết đoạn.
- Đề thi giữa học kì 2 lớp 7 môn Ngữ văn - Số 5
- Đề thi giữa học kì 2 lớp 7 môn Ngữ văn - Số 4
- Soạn văn bài: Tìm hiểu chung về văn nghị luận
- Hãy nêu rõ công dụng của dấu gạch ngang trong các câu dưới đây:
- Bài văn này nghị luận về vấn đề gì? Em hãy tìm ở phần ở đầu câu chốt thâu tóm nội dung vấn đề nghị luận trong bài.
- Để chứng minh cho nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào và sắp xếp theo trình tự như thế nào?
- Theo em, ví thử truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phạn Bội Châu dừng lại ở câu: “...chỉ là vì Phạn Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiếu Phan Bội Châu” thì có được không?
- Dùng một vài dẫn chứng trong các tác phẩm đã học ở Ngữ văn 6 và Ngữ văn 7 để chứng minh ý kiến sau đây của Hoài Thanh
- Hãy cho biết trong câu nào cụm từ mùa xuân làm trạng ngữ, nó có vai trò gì và ở những câu còn lại, cụm từ mùa xuân đóng vai trò gì