Kể chuyện mà em biết về gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc bảo vệ thiếu nhi: Chuyện bà Năm khó khăn nhưng cố gắng cho bé Na đi học
Bài mẫu 1: Kể chuyện mà em biết về gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc bảo vệ thiếu nhi: Chuyện bà Năm khó khăn nhưng cố gắng cho bé Na đi học
Bài làm:
Trong đợt hè vừa rồi, tôi có được về quê ngoại chơi. Quê ngoại tôi ở tận Nghệ An xa xôi và hẻo lánh. Ở nơi đó, còn có nhiều con người bất hạnh, họ phải sống cuộc sống nghèo đói quanh năm suốt tháng. Gia cảnh bé Na cũng vậy, nhưng chính sự quan tâm yêu thương của hai bà cháu bé Na đã khiến em cảm thấy nể phục cho đến tận bây giờ.
Vừa được sinh ra, bé Na đã bị dân trong làng gắn cho cái tên Na không cha. Bởi mẹ Na đi làm xa, không may bị lừa có thai và người đàn ông đó bỏ đi không chịu nhận con. Nên chị Lan đành ngậm ngùi mang bụng bầu về quê sống cùng với người mẹ già. Sau khi sinh ra bé Na, chị Lan lại vào Sài Gòn kiếm tiền nuôi con và nuôi mẹ già. Na ở nhà với bà ngoại đã ngoài 60. Hai bà cháu sống nương tựa vào nhau cơm cháo nuôi nhau qua ngày. Bé Na nó giống mẹ, khuôn mặt rất xinh xắn, đáng yêu, luôn ngoan ngoãn lễ phép, nên dần rồi dân trong vùng ai cũng mến em.
Một hôm, bà ngoại nhờ tôi mang ít bánh bà mới làm xong sang cho bé Na, tôi mới có dịp biết nhiều hơn về gia cảnh của hai bà cháu Na.
Bước vào căn nhà lụp xụp, tôi gọi nhỏ:
- Bà Năm ơi, bà Năm có nhà không ạ?
Từ trong nhà bà Năm bước ra, miệng nhoẻn cười rồi nói:
- Có phải cháu bà Hạnh ở thành phố mới về không? Có việc gì không cháu?
Tôi nhanh nhảu đáp:
- Dạ, bà cháu vừa làm xong mẻ bánh, bà cháu bảo cháu mang sang biếu bà và em Na ạ.
Bà Năm cảm ơn, đỡ đĩa bánh từ trên tay tôi và mời tôi lại ngồi chơi.
Ngồi với bà Năm tôi hỏi:
- Bé Na đâu rồi bà?
Bà từ từ trả lời:
- Cái Na năm nay lên lớp một, nên nó chạy sang nhà thằng Nam dạy học cho rồi.
Uống ngụm nước chè xanh bà từ từ kể:
- Nghĩ cũng tội con bé cháu ạ. Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nên thiếu đủ thứ cả tình cảm lẫn vật chất. Bố không có, mẹ thì bươn chải suốt ngày nhưng cũng không đủ ăn. Cuộc sống chỉ dựa vào vài ba sào ruộng. Được mùa thì chớ, không thì lại phải đi hái rau má, măng tre bán kiếm cơm qua ngày. Bà định không cho em nó đi học đâu. Nhưng nghĩ lại, bà thấy cuộc đời bà và mẹ nó khổ thế đủ rồi, bằng mọi cách bà cũng phải cố nuôi nó học. Nói đến đây bà như nghẹn lòng
Tôi cố an ủi bà rồi bà lại nói tiếp:
- Nhưng con bé thế mà lanh lẹn lắm cháu ạ. Thằng Nam nó bảo Na nó học nhanh lắm, nói đâu hiểu đó luôn. Bà chỉ mong nó học tập tốt kiếm con chữ để đổi đời.
Tôi đáp lại:
- Vâng bà ạ, cháu mới chơi được hai lần với Na nhưng em nó thông minh đáo để bà ạ. Bà cố gắng tạo điều kiện cho em được đi học bà nha. Rồi em ấy sẽ là một học sinh giỏi đấy ạ.
Bà Năm nở nụ cười như một niềm hi vọng điều tôi nói sẽ trở thành hiện thực.
Đến buổi cơm trưa, tôi chào bà và ra về. Trong lòng có chút buồn vì thương gia cảnh của bà, nhưng tôi cũng có chút vui thay cho bé Na khi em có một người bà một mực thương em.
Qua câu chuyện trên, tôi thấy được trong cuộc sống có nhiều hoàn cảnh bất hạnh, nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên để tạo mọi điều kiện để chăm sóc, dạy dỗ và cho con em họ đến trường học tập bằng bạn bằng bè. Và bà Năm cũng là một trường hợp như vậy, đó là những việc làm đúng với pháp luật, đúng với nhân cách của một người làm cha làm mẹ.
Xem thêm bài viết khác
- Tả trường em trước buổi học
- Giải bài Luyện từ và câu: Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ
- Kể chuyện mà em biết về gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc bảo vệ thiếu nhi: Bố mẹ A Néo bất chấp khó khăn cho các con đến trường
- Kể chuyện đã nghe, đã đọc: Ở lại với chiến khu
- Trước việc làm của người quân hiệu, Trần Thủ Độ xử lí ra sao?
- Giải bài Luyện từ và câu: Mở rộng vón từ Truyền thống trang 90
- Giải bài Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Trật tự An ninh
- Những lời nói và việc làm của Trần Thủ Độ cho thấy ông là người như thế nào?
- Giải bài Tập đọc: Một vụ đắm tàu
- Giải bài Tập đọc: Con gái
- Tìm các câu ghép trong một đoạn của bài văn
- Giải bài Tập đọc: Người công dân số Một