Tả một người lao động (công nhân, nông dân, thợ thủ công, bác sĩ, y tá, cô giáo…) đang làm việc

540 lượt xem

Tả một người lao động (công nhân, nông dân, thợ thủ công, bác sĩ, y tá, cô giáo…) đang làm việc. Sau đây, KhoaHoc sẽ gửi đến bạn đọc tham khảo những bài văn mẫu hay nhất, đặc sắc nhất. Hi vọng, thông qua những đoạn văn mẫu, các em sẽ có thêm vốn từ để sáng tạo ra những đoạn văn hay hơn và hấp dẫn hơn.


Nội dung bài gồm:

Back to top

Bài mẫu 1: Tả một người lao động đang làm việc - cô lao đông quét rác

Bài làm

Trong xã hội có rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, mỗi công việc lại đóng góp một phần cho sự phát triển của đất nước. Có một công việc tuy âm thầm và lặng lẽ nhưng hàng ngày đang giúp chomôi trường được xanh – sạch – đẹp hơn, đó là các cô lao công dọn dẹp đường phố.

Cô mặc một bộ quần áo màu xanh tím, đi đôi giày thấp, cô búi tóc cao, đội một chiếc mũ bảo hộ và chiếc khẩu trang chống bụi. Trang phục của cô gọn gàng, phù hợp với công việc lao động vất vả. Nghề của cô không được mặc những bộ quần áo đẹp đẽ, sang trọng nhưng công việc cô đang làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm sạch đẹp thành phố của chúng ta.

Hàng ngày, công việc của cô bắt đầu lúc khoảng 4 giờ chiều, cô lao công đẩy chiếc xe rác tới từng ngõ phố. Tiếng chuông reo của cô nhắc nhở mọi gia đình đem rác thải ra xe thu gom. Mọi người nhanh chóng thu gọn rác sạch sẽ và đổ rác đúng giờ quy định. Những giọt mồ hôi trên khuôn mặt cô hay ướt đẫm lưng áo trong nắng chiều oi ả, khiến em cảm thấy thương cô nhiều cô, Mỗi chiều ra đổ rác, em đều lễ phép chào cô và cô khẽ gật đầu, đôi mắt cô như ánh lên niềm vui với công việc của mình.

Khi đêm đã khuya và màn sương dần che phủ khắp các nẻo đường, mọi người chuẩn bị chìm vào trong giấc ngủ sau một ngày lao dộng và học tập mệt mỏi, công việc của cô lao công lại tiếp tục. Cô dùng một chiếc chổi dài để quét được nhanh hơn, chiếc chổi tre xào xạc vang lên dù đêm đông giá lạnh hay đêm hè oi bức. Những chiếc lá khô rơi rụng, chiếc vỏ bánh ai vô tâm vứt lại trên đường nhanh chóng được cô thu gom và dùng hót rác bỏ vào thùng. Quét đến đâu, cô đẩy chiếc xe rác tới đó. Khi chiếc xe rác đã đầy, cô sẽ đẩy đến nơi tập kết rác để chiếc xe môi trường chở rác về bãi thải của thành phố. Công việc của cô kết thúc cũng là khi ông mặt trời thức giấc, thả những tia nắng nhỏ xinh xuống con phố sạch sẽ tinh tươm.

Những ngày lễ tết, mọi người đều háo hức với những chuyến đi chơi xa hay bên gia đình sum vầy vui vẻ, em vẫn thấy cô lao công lặng lẽ với công việc quét rác và thu gom rác của mình. Bởi vắng cô một ngày, những con đường ngõ phố sẽ tràn ngập rác thải, bầu không khí sẽ không còn trong lành và sạch sẽ. Vì vậy, em mong mỗi người sẽ cùng có ý thức vứt rác đúng nơi quy định để các cô lao công bớt vất vả và mệt nhọc hơn.

Tiếng chổi tre

Chị quét

Những đêm hè

Đêm đông gió rét

Tiếng chổi tre

Sớm tối

Đi về

Giữ sạch lề

Đẹp lối

Em nghe

Mỗi ngày trôi qua, các cô lao công vẫn miệt mài làm công việc của mình trên từng con phố. Em luôn thầm cảm ơn các cô đã không quản ngại vất vả gian khó để mang đến cho mọi người môi trường sống sạch đẹp và trong lành hơn.

Back to top

Bài mẫu 2: Tả một người lao động đang làm việc - cô Ngọc Anh giảng bài

Bài làm

Nếu cha mẹ là những người cho em nhìn thấy ánh mặt trời, cho em được khôn lớn thành người thì cô giáo chính là ngọn đuốc sáng đưa em đến bến bờ tri thức. Cô đã dạy em từng nét chữ, từng phép toán, biết yêu thương và chia sẻ với mọi người. Hình ảnh về cô giáo Ngọc Anh đã dạy em từ lớp 1 đến nay luôn khắc sâu trong tâm trí em.

Hàng ngày, sau khi tiếng trống trường ròn rã vang lên, cô giáo bước vào lớp mang theo nụ cười hiền dịu như cơn gió mát lành đưa chúng em vào những giờ học đầy say mê và hứng thú. Cô giáo của em cao cao, dáng người mảnh dẻ và nước da trắng. Cô thường mặc váy đến lớp hàng ngày, những chiếc váy với màu sắc dịu nhẹ càng tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của cô.

Cô Ngọc Anh rất tận tụy dạy chúng em, cô giảng bài rất hay. Ở lớp, những bạn học sinh kém, không hiểu bài, cô đều ân cần giảng dạy, chỉ bảo từng li, từng tí. Em thích nhất là những giờ học Tiếng việt của cô dạy. Ngày hôm nay chúng em được cô giảng bài Tập đọc: Sắc màu em yêu. Cô yêu cầu chúng em nhắm mắt và tưởng ra một màu sắc mà mình yêu thích nhất, màu sắc ấy gắn với những đồ vật, những cảnh vật nào mà chúng em nhìn thấy. Tất cả các bạn trong lớp đều hào hứng tham gia trò chơi của cô. Sau đó, từng nét chữ mềm mại, tròn trịa được cô giáo nhẹ nhàng viết lên bảng. Bàn tay cô lướt nhanh như một người họa sĩ làm ảo thuật trên bức tranh của mình. Vào bài giảng, giọng nói truyền cảm, ấm áp của cô đã dẫn dắt chúng em vào bài học. Khuôn mặt cô luôn tươi cười khi giảng bài. Cô dẫn dắt chúng em tìm hiểu bài qua các câu hỏi, các vấn đề thảo luận. Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay với những ngón tay thon nhỏ lên vuốt vuốt mái tóc dài, điềm tĩnh chờ chúng em trình bày câu trả lời. Có những câu hỏi khó chúng em chưa biết trả lời, cô nhẹ nhàng gợi ý để chúng em khám phá kiến thức. Đôi mắt cô nhìn chúng em hiền dịu, luôn thể hiện sự cổ vũ, tin tưởng với học sinh. Chính vì vậy, chúng em dần dần hiểu hơn ý nghĩa của bài học. Vừa say sưa giảng bài, cô vừa viết lên bảng những kiến thức quan trọng cần nhớ, khuôn mặt cô lấm tấm giọt mồ hôi mà cô không để ý. Có những bụi phấn thoáng bay trên bục giảng và vương trên mái tóc của cô. Chúng em cảm nhận được sự vất vả của cô nên đều cố gắng lắng nghe cô giảng và hiểu bài. Ngoài khung cửa sổ lớp học, có những chú chim nhỏ cũng như lặng tiếng hót, nán lại thêm một lát để lắng nghe tiếng cô giảng bài.

Có những lúc các bạn phạm lỗi hay không làm bài tập cô giao về nhà. Cô không bao giờ đánh hay mắng chúng em mà ôn tồn giảng giải và phân tích để chúng em hiểu những lỗi sai của mình. Cô luôn có những cách giảng bài hay hoặc cô tổ chức những trò chơi, hoạt động sôi nổi trong bài học để chúng em tham gia tích cực. Vì vậy, cả lớp ngày càng đoàn kết và thêm gắn bó. Chúng em ngày càng yêu quý cô và cô chính là người mẹ thứ hai đã giúp chúng em khám phá bầu trời tri thức rộng mở của nhân loại.

Dù sau này sẽ không được cô dìu dắt nữa nhưng chúng em sẽ luôn ghi nhớ những kỉ niệm khi được cô giảng bài. Có những lúc chúng em nghịch ngợm hay không nghe lời cô khiến cô phải buồn, thực lòng chúng em muốn nói lời xin lỗi và mong cô tha thứ. Mong rằng cô sẽ luôn khỏe mạnh để có những bài giảng thật hay cho chúng em và những thế hệ học sinh được cô dạy dỗ. Với em, ước mơ sau này lớn lên sẽ được làm cô giáo và ước mơ ấy được ấp ủ, nuôi dưỡng từ những bài giảng của cô hôm nay.

Back to top

Bài mẫu 3: Tả một người lao động đang làm việc - chú Hưng xây nhà

Bài làm

Nhà chú Hưng hàng xóm nhà em đang được xây dựng. Trước kia nhà của chú Hưng chỉ là căn nhà cấp 4, nhưng nay chú đã đập căn nhà đó đi và xây dựng lại thành một căn nhà ba tầng khang trang hơn. Hôm nay thứ bảy, ba em qua thăm nhà chú Hưng hỏi thăm tình hình xây dựng căn nhà, nên em đã đi theo.

Chú Hưng làm nghề thợ xây. Chính chú là người lên ý tưởng cho bản thiết kế căn nhà và cũng chính chú là người bắt tay vào xây dựng nên căn nhà của mình. Điều này khiến em vô cùng ngưỡng mộ chú. Chú có một thân hình vạm vỡ, cao hơn 1m8 với nước da đen sạm đi vì năng. Khuôn mặt chú vuông hình chữ điền với nụ cười luôn nở trên môi. Khi ba em và em sang nhà chú, chú đang lát gạch tường. Chú mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh tím than và đội chiếc mũ bảo hiểm màu trằng. Chú rất chú tâm vào công việc nên không nhận thấy sự có mặt của ba con em. Có vẻ công việc của chú đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng rất cao.

Em thấy dưới đất bên phải chú là một xô vữa, bên trái là một đống gạch đỏ. Trên tay chú cầm dụng cụ lát gạch. Thoạt tiên chú dùng chiếc bay lấy một ít vữa trát lên lớp gạch vừa xây, sau đó lấy một viên gạch đỏ nhẹ nhàng đặt lên lớp vữa đó. Rồi một tay chú giữ viên gạch, một tay chú dùng đầu dao bay gõ nhẹ xuống, như để cố định viên gạch một cách chắc chắn. Cuối cùng, chú đưa dao gạt đi những lớp vữa thừa chèn ra khỏi viên gạch một cách gọn gàng. Động tác của chú thật nhanh nhẹn và dứt khoát. Đôi tay của chú to và khỏe cứ thoăn thoát lấy gạch trát vữa đều đều như đưa thoi trông thật đẹp mắt. Cứ như vậy, vèo một cái chú đã làm xong một hàng gạch. Rồi chú rút trong túi ra chiếc dây dọi để kiểm tra độ thẳng của bức tường đang xay. Một mắt chú nheo lại, áp sát mặt gần tường hơn và mỉm cười khi đã hài lòng với hàng gạch mình vừa làm xong.

Đúng lúc đó, chú cũng nhận ra sự có mặt của ba con em, chú mỉm cười rạng rỡ rồi hô to: "Ôi anh Sơn! Anh sang chơi đó hả? Ra ngoài anh em ngồi uống chén nước, chứ trong này bừa bộn quá". Rồi chú và ba em ra ngoài nói chuyện. Em nhìn xung quanh mọi người vẫn đang tiếp tục công việc của mình một cách hăng say. Người thì nhào xi măng, người thì trộn vữa, người thì xây tường. Nhưng tất cả đều vui vẻ và chú tâm vào công việc của mình.

Hình ảnh chú Hưng khéo léo lại vô cùng khỏe khoắn khi đang xây dựng căn nhà của mình khiến em vô cùng ngưỡng mộ. Những người làm nghề thợ xây, dù vất vả nhưng họ có một niềm đam mê và sự nghiêm túc với nghề mình lựa chọn. Chẳng thế mà họ có thể xây nên biết bao nhiêu ngôi nhà, biết bao nhiêu tổ ấm cho mọi người và cho cả chính mình.

Back to top

Bài mẫu 4: Tả một người lao động đang làm việc - bác Nam cày ruộng

Bài làm

Em đã thấy hình ảnh các bác nông dân với con trâu, lưỡi cày rất nhiều trên tivi, qua những hình ảnh minh họa trong sách vở. Tuy nhiên, phải đến hè năm ngoái, khi được về thăm quê ngoại em mới được chứng kiến tận mắt hình ảnh bác nông dân đang cày ruộng.

Quê ngoại em nhiều ruộng lắm, những cánh đồng ruộng trải dài thẳng cánh cò bay. Khi tới nhà ngoại, em đã xin phép mẹ cho ra ngoài chơi. Đang đi trên con đường nhỏ thì em thấy bóng dáng của một bác nông dân đang cày ruộng. Em lại gần và làm quen với bác. Bác tên là bác Nam. Năm nay bác đã hơn 50 tuổi rồi. Bác đội một chiếc nón lá che gần nửa mặt. Bên dưới mặc chiếc áo kaki dài tay và một chiếc quần sẫm màu được xắn lên tận đầu gối. Bác có dáng người cao gầy, làn da sạm đen chắc do phải làm việc ngoài ruộng đồng nhiều. Khuôn mặt bác không giống với người gần 50 tuổi vì trông bác già hơn rất nhiều. Khuôn mặt gầy gầy, hai gò má cao, làn da đen. Đôi mắt nâu hõm sâu vào trong, phía đuôi mắt còn có mấy nếp nhăn.

Vừa làm bác vừa nói chuyện với em rất vui vẻ. Một tay bác nắm chặt cái cày, tay còn lại bác dùng roi quất vào con trâu thúc giục nó tiến về phía trước. Thỉnh thoảng bác lại cất tiếng: “Ví, thả” để điều khiển con trâu quẹo trái quay phải. Tiếng lội bì bõm của người và vật hòa lẫn tiếng điều khiển trâu của các bác nông dân tạo nên một âm thanh nhộn nhịp, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cánh đồng. Bác cày từ phía ngoài vào, theo hàng theo lối, trông rất đẹp mắt. Bác cày rất kĩ. Không để sót khoảnh đất nào. Nhìn cách làm, em thấy được đức tính kĩ lưỡng của bác. Bác khéo léo điều khiển lưỡi cày ăn sâu xuống đất, lưng bác cũng ướt đẫm mồ hôi.

Nhìn hình ảnh bác Nam đang cày ruộng em thấy rất khâm phục đức tính cần cù chăm chỉ, chịu thương chịu khó của người nông dân Việt Nam. Em càng biết ơn họ hơn. Bởi để làm ra được hạt gạo chẳng phải dễ dàng gì. Các bác nông dân phải dạy sớm ra ruộng, cả năm cả tháng phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nhưng các bác vẫn luôn chăm chỉ, vui vẻ làm việc.

Hình ảnh vất vả trên đồng ruộng của bác Nam theo em mãi về thành phố đến hôm nay. Và chắc em sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đẹp đó - hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn nhưng vẫn luôn nở nụ cười tươi.

Back to top


Cập nhật: 07/09/2021
Danh mục

Tài liệu hay

Toán Học

Soạn Văn

Tiếng Anh

Vật Lý

Hóa Học

Sinh Học

Lịch Sử

Địa Lý

GDCD

Khoa Học Tự Nhiên

Khoa Học Xã Hội