Tả một người ở địa phương em: tả bác trưởng thôn Tả một người ở địa phương em sinh sống

502 lượt xem

KhoaHoc mời các bạn cùng tham khảo những bài văn mẫu hay Tả một người ở địa phương em sinh sống lớp 5, cụ thể là tả bác trưởng thôn được chúng tôi tổng hợp và đăng tải trong bài viết dưới đây.

Đề bài: Tả một người ở địa phương em: Tả bác trưởng thôn

1. Tả bác trưởng thôn - Số 1

Vào sáng sớm, trên con đường làng quen thuộc, lại vang lên tiếng xe đạp lạch cạch, một con người đang cần mẫn đi tới từng nhà thông báo điều gì đó. Đó chính là bác Lâm, trưởng thôn làng em.

Bác Lâm năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi. Mái tóc đen ngày nào đã điểm xuyến vài sợi bạc, được cắt tỉa gọn gàng. Đôi mắt đen láy vẫn còn rất tinh anh. Trong đôi mắt ấy ẩn chứa bao lo lắng về những công việc bộn bề trong làng, thế nhưng nó vẫn luôn giữ một sự trầm tĩnh của một con người đã trải qua bao mưa gió của cuộc đời. Đôi mắt trầm tĩnh đó lại hiện lên sự trìu mến, yêu quý mỗi khi bác nói chuyện với những người dân trong xóm. Và có lẽ điều khiến cho mọi người luôn yêu quý bác chính là nụ cười. Đó là một nụ cười nhân ái, hiền hậu, mang nét chất phác của người nông dân có thể xua đi những buồn rầu, chán nản của bao người.

Con người bác Lâm hiền lành, chăm chỉ, luôn tích cực với những công việc trong thôn. Em còn nhớ khi em còn nhỏ mỗi sáng, bác luôn dậy từ sớm trong bộ quần áo xanh bộ đội đã phai màu theo thời gian, chầm chậm đạp xe quanh thôn thông báo về những sự kiên quan trọng như họp xóm hay lịch phun thuốc, trồng cấy,... Nhưng may mắn thay, từ khi có mát pphats thanh, bác không phải vất vả như vậy nữa. Tuy nhiên, thi thoảng bác vẫn dậy sớm đi quanh thôn xem xét việc vệ sinh nhà cửa, làng xóm hay tích cực tuyên truyền cho bà con về những vấn đề liên quan tới trồng cấy, các luật lệ của nhà nước cần thực hiện, những việc làm mà mọi người phải hạn chế tối thiểu...

Mỗi tối chủ nhật bác lại tổ chức các hoạt động cho người dân như văn nghệ, ngâm thơ, kể chuyện hay chia sẻ những lời khuyên bổ ích.Chính nhờ điều đó mà tình làng, nghĩa xóm mới được gắn kết vững bền như thế.Bác trưởng thôn còn là một người ân cần, tốt bụng, luôn giúp đỡ người khác. Em đã quen vơi shinhf ảnh cứ chiều chiều, bác cùng với bộ đồ dùng của mình đi khắp xóm, giúp đỡ mọi người những công việc nhỏ nhặt. Đặc biệt là đối với những người già trong xóm, bác tận tình quan tâm, giúp đỡ, thường xuyên đến nhà để hỏi thăm hay sửa chữa những cái ống nước hỏng, cái đèn cháy,...

Đối với lũ trẻ trong xóm, bác chính là một người thầy. Mỗi buổi tối bác mở một lớp học miễn phí cho những em nhỏ khó khăn, không đủ điều kiện để tới trường đi học. Lũ trẻ chúng em cũng có thể tới nghe hoặc nhờ thầy giảng cho một số bài tập khó trên lớp. Giọng giảng đều đều, trầm ấm, chậm rãi của bác thu hút sự chú ý của chúng em. Đôi khi những câu nói đùa hay mẩu truyện cười của bác làm cả lũ cười vang. Bác còn được chúng em đặt cho một biệt danh đáng yêu là “ông già Noen” luôn phát cho tụi nhỏ chúng em những chiếc kẹo đường rực rỡ, thơm thơm cùng với chiếc túi áo thần kì luôn đầy ắp kẹo.

Chính bác trưởng thôn đã gắn kết những người dân trong làng lại với nhau thành một tập thể đoàn kết, yêu thương như anh em một nhà. Hình ảnh bác trưởng thôn đã trử thành một tấm gương sáng cho mỗi người dân làng em.

2. Tả bác trưởng thôn - Số 2

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chi một mẹ thôi..”

Quê hương, chỉ hai tiếng ấy thôi mà thân thương biết mấy! Tất cả những gì của quê hương đã ghi sâu vào trái tim mỗi người con, ghi sâu vào trái tim em. Người dân quê em vùa hiền lành vừa chăm chỉ. Đặc biệt là bác trưởng thôn. Em rất yêu quý và kính trọng bác ấy.

Từ những ngày còn thơ bé, em đã quen với việc nhìn thấy bác khắp làng trên xóm dưới. Em không biết tên đầy đủ của bác, chỉ nghe mọi người gọi bác là bác Rạng. Bác là đồng đội cùng nhập ngũ với bác cả nhà em, năm nay bác đã ngoài năm mươi tuổi. Nhưng bác vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh lắm. Dáng người bác cao và hơi gầy, nước da sạm đen vì sương vì gió của cuộc sống nông thôn. Có lần, bác trao phần thưởng khuyến học ở thôn cho em, em được bắt tay bác. Đôi tay ấy rất to, chai sần và thô ráp. Có lẽ bởi vì những gian nan, vất vả mà bác đã trải qua hơn nửa đời người. Ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy bác chính là khuôn mặt chữ điền chính trực, chất phác. Vầng trán cao đã có nhiều nếp nhăn. Đôi mắt bác vẫn sáng, tinh nhanh và nụ cười luôn thường trực trên môi. Giọng bác trầm ấm, dõng dạc, gặp ai bác cũng không quên chào hỏi, tiếng cười cứ vang lên không ngớt.

Bác hiền lành, thân thiện và rất tốt bụng. Bác là người trưởng thôn mẫu mực nhất. Ngày ngày, bác vẫn luôn dậy sớm, cùng vợ và bà con chăm lo cánh đồng lúa, nông sản trong thôn. Bác không ngại chân lấm tay bùn, lội bì bõm dưới ruộng, làm cỏ, bón phân, cùng trò chuyện với bà con. Nhiều người ở thôn khác nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Bác đưa tay lấm bùn, quệt mồ hôi đầm đìa trên trán, cười thoải mái: “Ngày xưa, cụ Hồ dạy, làm cán bộ cũng phải ăn cùng, ngủ cùng, làm cùng với dân. Huống chi cũng là bà con lối xóm, cùng nhau làm việc để giúp đỡ lẫn nhau. Bà con ấm no, tôi cũng vui vẻ”. Câu trả lời của bác khiến ai cũng cảm động. Cuộc sống nhà bác trước kia khó khăn, vất vả nhưng nhiều năm nay đã khá giả hơn rất nhiều rồi. Bác đi học tập về, làm kinh tế giỏi nhưng cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, dộng viên bà con mạnh dạn làm kinh tế. Rất nhiều hộ gia đình ở thôn em nhờ bác giúp đỡ, hỗ trợ vốn mà vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, điều mà em ấn tượng và kính trọng nhất ở bác là tấm lòng nhân ái, trân trọng và phát triển tinh thần hiếu học. Bác lập ra một quỹ khuyến học dành riêng cho những bạn nhỏ có thành tích học tập tốt. Đến mùa thi đại học, bác vẫn chỉ mặc bộ quần áo màu xanh bộ đội giản dị, đến những nhà có con sắp thi đại học, động viên và trao cả quà tặng. Bà con được bác động viên, ai cũng quyết tâm cho con đi học. Quê hương em ngày càng phát triển hơn, trở thành khu vực nông thôn mới, xanh, sạch, đẹp, văn minh, tiến bộ. Tất cả đều nhờ công lao và tấm lòng của bác. Bác lặng lẽ quan tâm đến từng người, từng gia đình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người về cả tài chính lẫn tinh thần. Học được cái gì mới, cái gì hay là bác ngay lập tức về chỉ lại cho người dân, chỉ mong cuộc sống cảu mọi người bớt khổ cực hơn. Cảm động vì tấm lòng và năng lực của bác, gần mười năm nay, bao thế hệ người trong thôn vẫn luôn tin tưởng bầu bác làm trưởng thôn. Rất nhiều người con xa quê, nhớ về quê mẹ thân yêu, nhớ gia đình, nhớ cánh đồng, dòng sông, nhớ cây đa quán nước, và nhớ cả bác trưởng thôn hiền lành, nhân hậu có nụ cười ấm áp.

Mỗi mảnh đất ta từng gắn bó đều khiến ta yêu thương. Quê hương chính là mảnh đất ấy. Quê hương đã in vào máu thịt em. Em cảm thấy rất may mắn khi quê hương mình có bác trưởng thôn như vậy.

3. Tả bác trưởng thôn - Số 3

Bác Thọ là trưởng thôn của thôn em. Bác vừa là một trưởng thôn năng nổ, nhiệt tình giúp đỡ bà con, vừa là tấm gương sáng cho cả vùng về làm ăn kinh tế.

Bác khoảng năm mươi tuổi, dáng người gầy, da sạm đen vì sương gió. Khi gặp bác, ai cũng ấn tượng với bàn tay rất to, chai sần, thô ráp của bác. Đôi bàn tay ấy hẳn đã trải qua rất nhiều gian nan, cực nhọc. Trán bác có nhiều nếp nhăn, nhưng đôi mắt bác vẫn tinh nhanh và cái miệng lúc nào cũng cười vui vẻ. Giọng bác tươi vui và trầm ấm, nồng hậu. Gặp ai bác cũng luôn, miệng chào, hỏi thăm sức khỏe, công việc của mọi ngưòi. Vì vậy, từ xóm dưới đến làng trên, ai cũng biết và yêu quý bác.

Trước kia, bác rất nghèo. Bác cùng vợ xin thầu một héc-ta đất cằn cỗi của xã để trồng dưa hấu. Ai cũng cười vì cho rằng bác sẽ không thể thu hoạch được gì. Nhưng sự quyết đoán, năng động và chăm chỉ của bác đã đem lại kết quả, mỗi vụ bác thu hoạch hàng chục tấn dưa và sau vài năm bác đã dư dả. Bác thầu thêm hai héc-ta đất và đi học cách trồng vải thiều. Giờ đây bác đã xây được nhà cửa khang trang và có cả một trang trại vải thiều xanh tốt.

Bận rộn vì làm kinh tế nhưng bác không sao nhãng việc công. Ban ngày bác làm việc cho thôn, cho xã, việc nhà thì tranh thủ lúc sớm tối. Có người hỏi kinh tế đã khá giả thì làm trưởng thôn làm gì cho mệt, bác cười khà khà và nói: “Mình biết cách làm giàu, thì vận động bà con làm theo để cả làng giàu, xây đường giao thông, nhà cửa, trường học, đường điện cho xã”. Bác luôn sẵn sàng chỉ cách, hướng dẫn cho những người muốn học kỹ thuật trồng vườn làm kinh tế, tìm mối thu mua hoa quả cho cả làng… Ai khó khăn bác sẵn sàng giúp đỡ, dù là công sức hay tiền bạc. Những ngưòi có mâu thuẫn cãi vã, bác ra khuyên nhủ là họ hiểu ra vì ai cũng nể bác. Có bác nên thôn em ngày càng no ấm, bình yên.

Mỗi khi có ngưòi hỏi đến trưởng thôn, bố em lại kể giọng đầy tự hào: “Bác Thọ là trưởng thôn của thôn tôi. Bác ấy năng động lắm, vừa làm kinh tế giỏi, vừa giúp thôn xã được bao nhiêu việc”.

Cập nhật: 22/03/2022
Danh mục

Tài liệu hay

Toán Học

Soạn Văn

Tiếng Anh

Vật Lý

Hóa Học

Sinh Học

Lịch Sử

Địa Lý

GDCD

Khoa Học Tự Nhiên

Khoa Học Xã Hội