Văn mẫu đề 6 bài viết số 3 văn 6: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em (người lo lắng, quan tâm và động viên em học tập)
Bài viết tập làm văn số 3 - ngữ văn lớp 6 đề 6: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em (người lo lắng, quan tâm và động viên em học tập). Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo. Hi vọng, nó sẽ giúp bạn hiểu bài nhanh hơn và đạt được những điểm số cao như mong đợi.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - cô giáo Hiền
- Bài mẫu 2: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - thầy giáo Phong
- Bài mẫu 3: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - cô giáo Kim Anh
- Bài mẫu 4: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - thầy giáo Quang
- Bài mẫu 5: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - cô giáo Đang
- Bài mẫu 6: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - cô giáo Minh
Bài mẫu 1: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - cô giáo Hiền
Bài làm
Trong những năm tháng đi học có rất nhiều thầy cô đã dạy dỗ em thế nhưng người mà em nhớ nhất đó chính là cô Hiền. Một người mẹ hiền thứ hai của chúng em.
Cô Hiền dạy em từ khi em bắt đâù vào lớp 1. Trong cái ấn tượng ngây thơ non nớt hồi đó thì cô là một người có mái tóc dài, đen nhánh. Làn da cô rất trắng, mắt rất hiền từ và giọng nói vô cùng dịu dàng. Cô là một người rất xinh đẹp.
Nhà cô Hiền ở gần nhà ngoại em vì thế mỗi lần có dịp qua ngoại chơi em đều chạy sang nhà cô chơi với con gái út của cô. Em bé mới 3 tuổi vô cùng đáng yêu.
Cô Hiền viết chữ rất đẹp, nét chữ của cô mềm mại đẹp như chữ in trong quyển sách tiếng việt của em vậy. Hồi đó em còn đang tập viết, chiều nào cũng vậy cô cũng cầm tay em nắn nót từng nét chữ một. Cô vô cùng kiên nhẫn và dịu dàng chưa bao giờ cô quát mắng hay phạt một bạn nào cả. Cái gì cô cũng đều chỉ bảo rất cặn kẽ và nhiệt tình.
Cô dạy em cho đến khi em học hết lớp 3. Cô là người mẹ vô cùng tình cảm và quan tâm các con. Cô luôn nói với chúng em rằng “Với cô các con đều giống như con ruột vậy. Cô không muốn phạt hay trách mắng bạn nào hết”. Chẳng vì thế mà tất cả các bạn trong lớp đều yêu quý cô.
Em còn nhớ năm lớp 3 có một bạn nam ở trường ngoài chuyển về. Bạn ấy tên là Nam, to con và vô cùng nghịch ngợm. Chưa bao giờ chú ý nghe giảng, bài kiểm tra lúc nào điểm cũng thấp nhất lớp đã thế trong lớp còn hay nói chuyện riêng. Làm rất nhiều thầy cô phiền lòng. Thế nhưng chưa bao giờ em thấy cô Hiền phạt bạn hay mắng bạn cả. Cô sắp xếp cho bạn ngồi cùng một bạn học khá của lớp, mỗi ngày sau giờ tan lớp cô đều kiên nhẫn ở lại để chỉ bạn học, khuyên răn và dạy dỗ bạn những điều hay. Thế là chỉ sau 1 tháng thành tích học của bạn Nam đã cải thiện đáng kể. Từ người học kém nhất lớp bạn đã vươn lên thành một người có học lực khá, không còn mải mê nói chuyện trong giờ nữa mà rất ngoan ngoãn chép bài. Các thầy cô giáo cũng như các bạn rất mừng vì điều đó.
Đến năm em lớp 4 thì cô Hiền chuyển đến một trường khác dạy học. Ngày chia tay cô ôm chúng em vào lòng và dặn dò các con phải chăm chỉ học hành trở thành con ngoan trò giỏi của gia đình và thầy cô. Em vẫn nhớ như in cái ôm thật chặt và lời dặn dò của cô.
Tuy 3 năm đã trôi qua, giờ em cũng đã trở thành một cô học sinh trung học cơ sở thế nhưng những kỉ niệm về cô sẽ không bao giờ phai nhạt đi. Cô chính là người mẹ hiền đáng kính của chúng em.
Bài mẫu 2: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - thầy giáo Phong
Bài làm
Năm lớp 5 tôi được may mắn hoc thầy Phong. Cho đến giờ chúng tôi vẫn còn nhớ mãi những kỉ niệm về thầy.
Dáng người thầy cao to, phải đến hơn mét bảy, gần mét tám. Tầm tuổi thầy mà cao như vậy thật hiếm có. Tóc thầy đã điểm hoa râm, xoăn tít rất lạ. Mắt thầy to, sáng. Ánh nhìn sắc lạnh và rất nghiêm. Nhưng khi cười trông thầy thật hiền từ.
Thầy Phong dạy hay nhất là môn Toán. Bình thường lúc giảng bài thầy rất say sưa. Giọng nói chậm rãi nhưng nhịp tay cứ thoăn thoắt ghi những công thức lên bảng. Thầy không thích ngồi trên bàn giáo viên lâu. Thầy thường hay đi lại quanh lớp nhìn chúng tôi loay hoay tính toán. Và đặc biệt, thầy rất vui khi chúng tôi tìm ra những cách giải mới, hay và khác cách giải của thầy.
Đầu năm học, khi mới học thầy, trong lớp đứa nào cũng sợ thầy một phép. Thầy cứ vào là lớp im phăng phắc, không dám ho he một tiếng. Gọi dạ bảo vâng. Bởi trông thầy nghiêm nghị quá. Mái tóc xoăn chải gọn ra sau, chiếc áo sơ mi trắng cộc tay và chiếc quần âu luôn được là phẳng nếp. Thầy ít khi nói đùa. Đang giảng bài mà phát hiện anh chàng nào hí hoáy làm việc riêng hay cười đùa là thầy dừng lại ngay. Bằng ánh mắt nghiêm nghị, thầy nhìn thẳng vào người đó. Lúc ấy, chàng ta chỉ có nước xấu hổ mà tự động đứng lên xin lỗi thầy. Xong, thầy không nói gì, lại tiếp tục giảng bài say sưa như chưa có chuyện gì xảy ra. Chính vì thầy nghiêm nghị thế nên chúng tôi ít khi dám trò chuyện với thầy bên ngoài giờ học.
Mãi đến 20/11, kỉ niệm ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, bọn chúng tôi mới khám phá hết con người của thầy. Thầy là một con người rất tình cảm. Thầy rớt nước mắt khi nhận từ chúng tôi những bài hát và lời chúc chân thành. Đáp lại chúng tôi được thưởng thức giọng ca trầm ấm hay hơn cả Trọng Tấn của thầy. Chưa bao giờ chúng tôi thấy thầy cười tươi và nói nhiều đến vậy. Thầy kể cho chúng tôi nghe hồi còn trẻ, thầy và các bạn học trong lớp tre nứa, vừa học vừa nghe tiếng báo động. Những lúc trời mưa, lớp dột, cả thầy và trò ngồi dúm lại một góc mà vẫn ướt. Hồi ấy khổ nhưng mà vui lắm. Ai cũng chăm học và ngoan ngoãn.
Khi đã gần gũi với thầy hơn, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều mới từ thầy. Thầy là một nhà giáo rất tâm huyết với nghề. Thầy thường bỏ hàng giờ đồng hồ, thậm chí cả buổi chiều thứ bảy chủ nhật để kèm thêm cho những bạn kém mà không lấy tiền. Thầy rất kiên nhẫn. Thầy giảng thật chậm, thật kĩ. Khi chúng tôi đã hiểu thầy mới chuyển sang bài khác.
Năm học cuối cấp của tôi trôi qua rất nhanh. Ngày chúng tôi ra trường cũng là ngày thầy về hưu. Thầy buồn lắm khi phải xa chúng tôi, xa lớp học trò cuối cùng của thầy, xa nghề dạy học. Cho đến giờ tôi còn nhớ mãi bài thơ thầy đọc trong buổi lễ chia tay:
"Hãy nhìn đi em - con đường phía trước
Còn rất dài, cũng thật nhiều chông gai.
Thầy cô sẽ không dắt em đi suốt con đường dài
Chỉ mong sao
Mỗi bước em đi trên chặng đường mới.
Em vững vàng, vấp ngã - biết đứng dậy,
Chẳng bao giờ đánh mất niềm tin”.
Bài mẫu 3: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - cô giáo Kim Anh
Bài làm
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”
Đó chính là những câu thơ nói về nghề giáo, nghề mà luôn được yêu quý, kính trọng. Tôi rất yêu mến các thầy cô giáo của mình, nhưng người để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất chính là cô Kim Anh- cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi.
Cô có mái tóc rất dài, mượt mà, đen nhánh và luôn phảng phất hương thơm. Đôi mắt cô to tròn, đen láy, vô cùng cương nghị nhưng cũng không kém phần dịu dàng. Khi chúng tôi đạt thành tích cao trong học tập, cô luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Còn mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, đôi mắt cương nghị của cô lại đượm buồn. Đôi bàn tay cô thon dài, luôn viết ra những mạch văn giàu cảm xúc để chuyển tải bài học đến với chúng tôi. Cô còn giúp chúng tôi nhớ bài lâu hơn bằng giọng nói của mình. Giọng nói của cô thật truyền cảm, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi khiến cho chúng tôi luôn tập trung vào bài học, quên cả thời gian. Tính cách cô hiền lành, chính trực, cô luôn nghiêm túc với công việc của mình. Hàng ngày, cô rất hay vui đùa với chúng tôi nhưng khi đã vào tiết học, cô cũng rất nghiêm khắc. Với cô dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm đam mê. Cô luôn chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng của mình, nhiều khi cô còn sử dụng cả những đoạn clip ngắn về bài học, giúp chúng tôi có thể tiếp thu bài nhanh nhất. Dù cô đã là một giáo viên nhưng cô vẫn học, đó là sở thích của cô. Cô luôn thức đến ba, bốn giờ sáng mới đi ngủ vì sau khi soạn giáo án, cô lại tiếp tục học bài. “Học như một con đò ngược dòng vậy, các con ạ!” Lời cô nói thấm thía lòng chúng tôi.
Tôi nhớ nhất là khi cô đi thăm quan với lớp chúng tôi. Lúc ấy, trên nét mặt cũng như trong đôi mắt của cô thể hiện sự lo lắng, bồn chồn không yên. Sau đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, ra là hôm ấy, cô có bài thi môn triết học nhưng cô đã nghỉ thi để đi cùng với lớp chúng tôi vì cô sợ rằng có vấn đề gì không hay với chúng tôi, cô sẽ ân hận cả đời.
Một kỉ niệm đáng nhớ khác là khi tôi học hè. Khi ấy, tôi khá lo sợ do tôi đã nghỉ mất hai tuần. Tôi bước vào lớp với tâm trạng lo lắng. Cô biết là tôi đã nghỉ học, cô bèn giảng lại cho tôi những chỗ tôi chưa biết, chưa hiểu, rồi nhờ bạn cho tôi mượn vở để chép bù bài. Lúc đó tôi thấy mình nhẹ nhõm, thầm cảm ơn cô và các bạn.
Quả thật, nghề giáo thật là cao quý, giống như câu ví: “Nghề giáo là người lái đò tri thức qua sông”. Đó cũng là nghề mà tôi mong ước sau này khi trưởng thành. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi muốn gửi lời chúc tới cô rằng: “Con chúc cô luôn mạnh khỏe! Con yêu cô nhiều lắm!”
Bài mẫu 4: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - thầy giáo Quang
Bài làm
Đã qua gần sáu năm cắp sách đến trường, tôi ấn tượng với rất nhiều thầy cô giáo. Thầy cô luôn để lại trong tôi những hình ảnh đẹp và mãi không phai mờ. Nhưng đặc biệt nhất với tôi và cũng là người tôi quí nhất - thầy Quang dạy tôi hồi lớp 5.
Tôi thấy rất ít người lựa chọn nghề làm thầy giáo. Thế mà thầy giáo tôi lại rất say mê với sự nghiệp trồng người này. Thầy tâm sự với chúng tôi, thầy muốn làm thầy giáo từ khi học cấp 2. Mỗi lần ngồi nghe thầy giáo giảng bài thích lắm. Trông thầy đứng trên bục giảng chững chạc, tự tin và được học trò yêu mến, thầy đã nuôi ước mơ từ đó. Về nhà, thầy bắt tụi em nhỏ ngồi sắp hàng ngay ngắn và thầy giả làm thầy giáo. Lạ lùng thay, bọn trẻ lại ngồi nghe đến say mê. Không biết chúng hiểu mấy phần “thầy” giảng nhưng đứa nào mặt mũi cũng ngơ ngẩn, say sưa. Có khi “thầy” nói xong rồi mà chúng vẫn ngồi bần thần, lúc đó phải gọi lớn chúng mới như sực tỉnh. Đó là động lực đầu tiên giúp cho ước mơ của thầy thành hiện thực.
Con đường đến với nghề của thầy cũng lắm gian nan. Vì thế mà bây giờ thầy dành cho nghề một tình yêu thật mãnh liệt. Là con trai cả trong gia đình có truyền thống làm bác sĩ, thầy được bố mẹ định hướng cho thi vào trường đại học Y. Ngay từ nhỏ, gia đình thầy đã mong muốn như thế: Thầy vốn học giỏi lại thông minh, nhanh nhẹn nên cả nhà đặt niềm hi vọng rất lớn. Nhưng năm lớp 12, bất ngờ thầy thông báo với gia đình sẽ thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm, Khoa Tiểu học. Đó là một cú sốc với gia đình, nhất là người cha của thầy. Gia đình kịch liệt phản đối quyết định của thầy, nhiều lúc làm thầy rất khổ sở nhưng chưa có lúc nào thấy dao động. Thấy vững vàng với quỵết tâm của mình và kiên trì thuyết phục mọi người.
Ngày đi thi cũng là ngày thầy buồn nhất. Không một lời chúc, không một sự động viên, thầy đi thi chỉ có một mình. Nhìn chúng ban có người thân châm sóc, thây cũng thấy tủi thân. Nhưng lúc đó thầy nghĩ mình càng phải cứng rắn và mạnh mẽ. Rồi khi đỗ thủ khoa, niềm vui của thầy cũng không được trọn vẹn. Gia đình thông báo sẽ không trợ cấp cho thầy ăn học trong ba năm. Thế là một mình thầy lại phải chống đỡ, xoay sở với biết bao khó khăn trong những năm học Cao đẳng. Vừa đi làm thêm vừa đi học, thầy bất chấp khó khăn để đạt được ước mơ của mình và để chứng minh cho gia đình sự lựa chọn của thầy không sai.
... Nhìn thầy giáo trẻ của chúng tôi lạc quan, hài hước đứng trên bục giảng ít ai có thể nghĩ rằng con đường thầy đã đi thật dài khi phải vượt qua một mình. Nhưng giờ đâỵ thầy là một người thầy rất thành công. Không chỉ là thầy giáo dạy giỏi mà thầy còn được tất cả học trò chúng tôi yêu quí. Chúng tôi yêu quí thầy vì con người thầy tốt bụng. Tuy còn trẻ nhưng trong mắt chúng tôi thầy rất chững chạc, vững vàng. Thầy nghiêm khắc trong giờ học nhưng ngoài giờ thầy như một người khác, gần gũi, thân thiện và hài hước. Thỉnh thoảng, thầy đá bóng với các bạn nam, nhìn lúc đó thầy như trẻ thơ vậy. Đặc biệt, với vẻ ngoài đẹp trai, cao lớn và hát hay nên mỗi khi đứng trên sân khấụ biểu diễn chúng tôi cảm giác đó không còn là thây nữa mà là một nam ca sĩ có tiếng đang phiêu du cùng tình cảm của mình. Ấn tượng nhất là nụ cười của thầy. Thầy cười thật rạng rỡ, nhìn thầy cười người đang buồn bã cũng thấy vui lây.
Có một lần thầy ốm. Không thấy thầy đến lớp cả lớp nhốn nháo hẳn lên. Cuối giờ học chúng tôi đến nhà tìm thầy. Thấy chúng tôi đến, thầy xúc động lắm. Thầy bắt tay từng đứa một, rồi giữ ở lại ăn cơm. Bữa cơm mẹ thầy nấu hôm đó thật ngon và ấm cúng. Thầy trò vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Dường như cũng nhờ đó mà gia đình hiểu hơn quyết định của thầy.
Bây giờ thật khó để tìm thấy một người con trai Hà thành nào như thầy - thầy giáo dạy Tiểu học của chúng tôi. Với học trò, thầy vừa là thầy giáo nhưng hơn thế - thầy còn là một người bạn lớn.
Bài mẫu 5: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - cô giáo Đang
Bài làm
Tôi sắp 12 tuổi cũng là từng ấy thời gian sống trong thương yêu, quan tâm, lo lắng của cha mẹ, ông bà và thầy cô. Tôi rất biết ơn về điều đó, đặc biệt biết ơn người đã vực dậy tôi bằng cả sự yêu thương. Người ấy chính là cô Đang, cô giáo lớp ba khi tôi còn học trường làng ở quê ngoại.
Nhà tôi ở một thị trấn lớn nhưng vì ba bận công tác, mẹ phải chăm sóc em và buôn bán nên tôi được gửi về sống cùng bà trong một xóm nhỏ hẻo lánh. Mặc dù đường xá ở quê ngoại không rộng rãi, trán nhựa đẹp như ở thị trấn nhưng lại ít xe cộ và an toàn. Nhà tôi cách trường tiểu học chỉ khoảng 500m qua 3 ngôi nhà nên khi đã quen trường tôi tự đi bộ đến cùng các bạn. Ngôi trường nhỏ bé của tôi chỉ vỏn vẹn 3 phòng học. Chúng tôi chia nhau hai buổi sáng, chiều để học. Ngày đầu tiên bước vào lớp tôi thật sự bỡ ngỡ về căn phòng nhỏ bé, bàn ghế cũ kĩ và không có cả một cánh quạt vào ngày nóng nực. Những đứa bạn học thì đầu trần, chân đất, có đứa lấm lem áo quần đủ loại chẳng ra dáng một đứa học sinh. Tôi bắt đầu thất vọng, phần thêm ba mẹ rất ít về thăm tôi và cuộc sống buồn tẻ ở quê khiến tôi chán nản. Tôi sẽ chẳng nhớ nổi hình ảnh cô giáo của mình nếu như không ở lần tôi nghỉ học 10 ngày. Tôi cảm thấy không thể học cùng các bạn, tôi nhớ nhà, nhớ ba mẹ và oán trách ba mẹ đã có em bé không còn thương tôi nữa. Tôi lo sợ bị bỏ rơi nên muốn làm điều gì đó cho mẹ chú tâm. Tôi quyết định không đến trường. Trong những ngày ấy tôi vẫn đi học như mọi người nhưng tôi lại trốn sang nhà của thằng Thanh, thằng bé nghịch ngợm và lười học, hai chúng tôi đi ra ruộng chơi đủ trò, tôi cảm thấy chơi cùng nó vẫn vui hơn đi học. Ngày thứ 11, cô đến nhà tìm bà tôi mọi chuyện vỡ òa. Bà tôi khóc rất nhiều vì đứa cháu hư. Tôi chỉ biết cúi gằm mặt xuống đợi chờ hình phạt của bà và cô. Bà lau nước mắt rồi nói : Bà không giận cháu, chỉ là bà thấy có lỗi với ba mẹ đã không lo lắng cho cháu thật tốt”. Nói xong bà quay sang cô : “Cảm ơn cô đã cho tôi hay, tôi già rồi chẳng biết quản cháu thế nào cho phải, mong cô giúp cho”.
Cô bước về phía tôi những bước chân nhẹ nhàng. Lúc này tôi mới cảm nhận được sao mà chân cô giống mẹ đến lạ lùng. Cả giọng nói cũng thế, giọng nhỏ nhưng trầm và ấm: “ Em không thích ngôi trường và các bạn sao?”. Tôi ấp úng không thể trả lời. Tôi ngước mắt lên nhìn cô. Đôi mắt cô thật đẹp, đôi mắt sâu và đen láy, tôi có thể thấy bóng mình trong đó. Tôi thật ngỡ ngàng vì trước giờ tôi không nhận ra cô giáo của mình thật xinh và hiền lành như cô tiên trong truyện. Gương mặt cô tròn tròn, da ngăm nhưng rất sáng. Tóc cô dài nhưng bao giờ cũng buộc cao lên để lộ vầng trán rộng. Khuôn miệng của cô khi cười lại càng duyên dáng vì hai đồng tiền ở khóe miệng hằn sâu khiến nụ cười rất thu hút người nhìn. Cô nắm bàn tay bé nhỏ của tôi bảo: “ nhà con ở thị trấn đúng không? Cô lúc trước cũng ở đấy, lúc đầu khi về đây dạy cô cũng bỡ ngỡ như con nhưng dần sẽ thấy thương nơi này không nỡ đi con ạ”. Tôi như bắt gặp được người hiểu mình và có thể tâm sự được nên đã mở lòng. Hôm ấy, tôi nói những gì trong lòng mình nghĩ cho cô nghe và cô ngồi bên tôi lắng nghe rất chăm chú. Chẳng hiểu sao khi trò chuyện cùng cô tôi cảm thấy mình được tin tưởng, được quan tâm. Trước khi ra về cô với tôi đã giao ước tôi sẽ đến trường và chăm chỉ hơn trong 10 ngày nữa. Nếu không thể hòa hợp được với môi trường nơi đây cô sẽ giúp tôi nói với ba mẹ chuyển tôi về thị trấn.
Thế là tôi lại đến trường như lời hứa, lần này tôi cố gắng hào nhập cùng các bạn. Hình như biết tôi chưa quen môi trường mới nên bạn nào cũng nhiệt tình giúp đỡ. Các bạn rủ tôi chơi đùa, có trái ổi, trái khế cũng mang cho tôi. Tan trường chúng tôi rủ nhau đi câu cá, bắt cua đồng, bẫy chim…trò nào tôi cũng thích thú vì ở thị trấn không có. Cô Đang dành nhiếu thời gian cho tôi, ngoài giờ dạy cô đến nhà tôi để giúp tôi học, bài nào chưa hiểu cô hướng dẫn tận tình. Cô nhờ các bạn đến nhà tôi thường xuyên để học cùng tôi. Chưa đến ngày thứ 10 tôi đã không còn muốn về thị trấn nữa vì đã mến nơi này, mến các bạn, mến trường lớp và đặc biệt mến cô giáo Đang. Cô bên cạnh tâm sự với tôi, giải thích cho tôi nghe không phải vì ba mẹ không thương mà gửi tôi về ngoại, cô cho tôi thấy được mình rất quan trọng và được yêu thương. Ngoại tôi rất vui vì tôi đã phấn chấn, chăm ngoan. Ba mẹ nghe tin cũng về thăm tôi thường hơn mang cả em bé về chơi cùng tôi.
Đã 3 năm trôi qua, bây giờ tôi là học sinh lớp 6 đã lên thị trấn học và ở cùng ba mẹ. Thế nhưng hình ảnh cô giáo Đang đã tận tâm giúp tôi vượt qua thời điểm khó khăn vẫn mãi trong lòng tôi. Tôi thầm cảm ơn cô đã đem những điều tốt đẹp đến cho tôi và hứa sẽ chăm ngoan hơn nữa không phụ lòng cô mong mỏi.
Bài mẫu 6: Kể về thầy giáo (cô giáo) của em - cô giáo Minh
Bài làm
Với mỗi học sinh, các bạn sẽ có một tấm gương thầy cô giáo mẫu mực, đáng yêu đáng kính của riêng mình. Với riêng tôi, tôi sẽ không thể nào quên cô Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6H của tôi bây giờ.
Cô Minh là giáo viên chủ nhiệm và cũng là cô giáo dạy Tiếng Anh của lớp tôi. Cô có dáng người cao và gầy. Đôi mắt cô rất sáng và đẹp. Dáng cô đi lúc nào cũng nhanh nhẹn và có phần vội vã. Cũng đúng thôi vì cô là một giáo viên dạy giỏi cùa trường nên cô thường xuyên bận rộn với rất nhiều việc.
Còn tôi lại là một đứa học sinh nhút nhát và nắm bắt bài rất chậm. Nhất là với môn Tiếng Anh thì tôi càngchậm hiểu hơn nữa. Tuy thế, tôi cũng chẳng dám hỏi ai bao giờ. Ai mà thèm quan tâm đến một đứa học dốt như tôi chứ! Cô Minh cũng vậy thôi. Cô cũng sẽ chỉ thích những hạn học giỏi, thông minh.
Cứ thế, tôi tự cô lập mình trong cái thế giới vỏ ốc của mình. Điểm kiểm tra thấp dần, đến nửa đầu học kì một thì tôi là một trong những học sinh yếu nhất lớp. Tôi chán nản vô cùng và trở nên ít nói, lì chơi với bạn bè cùng lớp. Chắc rằng cũng chẳng có ai muốn chơi với tôi.
Một hôm, khi tôi đang gật gù buồn ngủ thì có tiếng hỏi:
- Lát nữa chắc cô kiểm tra đấy, cậu học với tớ không?
Tôi ngao ngán ngẩng lên thì thấy Bình - cậu lớp trưởng học giỏi nhất lớp đang chờ mình trả lời.
Phần vì nể, phần vì lo kiểm tra thật tôi đành gật đầu. Thật không ngờ, Bình lại giảng hay đến thế. Cậu ấy nói đến đâu tôi hiểu đến đấy. Sau buổi ấy, tôi thường xuyên được bạn ấy giúp đỡ rất tận tình...
Cứ như vậy, tôi học khá dần lên, tôi luôn cảm ơn Bình đã giúp đỡ tôi nhiều đến thế. Cho đến một ngày...
Hôm ấy, khi tôi đang sung sướng cầm hài kiểm tra Tiếng Anh được điểm 8 thì có tiếng gọi tôi lên phòng giáo viên gặp cô chủ nhiệm. Tôi lo lắng không biết có chuyện gì. Tôi đâu có mắc lỗi gì mà cô cần gặp tôi? Nhưng thật lạ là nhìn thấy tôi cô lại tươi cười. Bảo tôi ngồi xuống bên cạnh, cô nhìn tôi với ánh mắt đùa vui:
- Bạn Bình có hay bắt nạt em không?
Thấy tôi vẫn ngơ ngác. Cô lại hỏi:
- Em và Bình cùng học với nhau vậy có gì không muốn hỏi các thầy cô em cứ hỏi bạn ấy nhé!
Rồi giọng cô trầm xuống:
- Cô rất tiếc là không có nhiều thời gian để theo sát và giúp đỡ các em. Cô chỉ nắm được tình hình lớp qua các bạn cán bộ lớp. Bình đã hứa là sẽ giúp đỡ em vậyem yên tâm và cố gắng nhé!
Bây giờ thì tôi đã hiểu ra tất cả! Thì ra, cô đã họp cán bộ lớp, hỏi han về tình hình học tập của từng người rồi phân công học sinh giúp đỡ lẫn nhau. Tôi đã từng nghĩ cô là người lạnh lùng, chỉ thích những học sinhgiỏi và ghét bỏ những đứa học kém như tôi. Thật không ngờ!...
Trở về lớp học, tôi thấy xúc động quá! Vậy là chưa bao giờ tôi đơn độc, còn có biết bao người chăm lo, giúp đỡ tôi học hành. Và tôi thầm biết ơntất cả những điểu tốt đẹp cô giáo chủ nhiệm đã mang đến cho tôi..
Xem thêm bài viết khác
- Đề 1: Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình (cha, mẹ, anh, chị...)
- Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp gỡ các thiếu niên vượt khó, gặp gỡ các chú thương thương binh nhân ngày Thương binh liệt sĩ…)
- Bài văn: Kể về một thầy giáo hay cô giáo mà em quý mến bài mẫu 1
- Tưởng tượng ra một kết thúc khác cho chuyện Cây khế
- Kể lại một truyện đã biết bằng lời văn của em - truyện Thánh Gióng
- Bài văn mẫu lớp 6: Kể lại truyện truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh bằng lời văn của em
- Tả một di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh mà em biết hoặc đã đến tham quan
- Bài văn mẫu lớp 6: Hãy viết bài văn miêu tả hàng phượng vĩ và tiếng ve vào một ngày hè
- Bài văn mẫu lớp 6: Tả cảnh biển vào một ngày đẹp trời
- Bài văn mẫu lớp 6: Tả quang cảnh ngôi trường em đang theo học
- Bài văn mẫu lớp 6: Kể về gia đình thân yêu của em
- Hãy đóng vai bà Trần trong truyện Con hổ có nghĩa để kể lại câu chuyện ấy bài mẫu 1