Đề bài: Kể lại một chuyện đã biết (truyền thuyết, cổ tích) bằng lời văn của em.

  • 1 Đánh giá

Kể lại một chuyện đã biết (truyền thuyết, cổ tích) bằng lời văn của em. Sau đây, KhoaHoc gửi đến bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.


Nội dung bài gồm:

Back to top

Bài mẫu 1: Kể lại một chuyện đã biết bằng lời của em - Sơn Tinh, Thủy Tinh

Dàn ý

1. Mở bài:

  • Giới thiệu truyền thuyết "Sơn Tinh, Thủy Tinh".

2. Thân bài (diễn biến sự việc):

  • Vua Hùng Vương có con gái tên Mị Nương.
  • Vua tìm gả chồng cho con.
  • Sơn Tinh, Thủy Tinh đến tranh tài.
  • Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương.
  • Thủy Tinh đánh Sơn Tinh.

3. Kết bài:

  • Ý nghĩa câu chuyện: Hiện tượng lũ lụt.

Bài làm

SơnTinh, Thủy Tinh là truyền thuyết mang nhiều yếu tố kì ảo, câu chuyện được thêu dệt bằng trí tưởng tưởng phong phú của ông cha ta, thể hiện ước mơ hoài bão chinh phục thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống của người dân Lạc Việt trong buổi đầu dựng nước. Chúng ta hãy lắng nghe lại câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh để có thể hiểu rõ hơn về thời đại các vua Hùng nhé.

Chuyện kể rằng, vào thời đời Hùng Vương thứ 18, vua có người con gái tên là Mị Nương nàng xinh đẹp tuyệt trần, tính tình hiền dịu. Nàng được cha hết mực yêu thương. Năm ấy, Mị Nương đã đến tuổi lấy chồng, nhà vua muốn tìn cho con gái mình một người chồng tài giỏi xứng đáng với sắc đẹp của Mị Nương.Biết tin nhà vua muốn kén rể, thần núi Tản Viên là Sơn Tinh và thần nước Thủy Tinh đã đến thành Phong Châu để cầu hôn. Cả hai chàng trai đều có tài năng đặc biệt. Sơn Tinh có phép lạ: vẫy tay về phía Đông, phía Đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía Tây, nơi đó mọc lên từng dãy núi đồi. Thuỷ Tinh cũng không kém phần thần thông, chàng ta có thể hô mưa gọi gió. Vua Hùng lấy làm băn khoăn vì cả hai chàng trai đều tài giỏi, bây giờ người không biết chọn ai. Sau một hồi suy nghĩ, nhà vua bèn mời các Lạc hầu vào để bàn bạc, vua đã có quyết định và nói với hai chàng: “Hai chàng trai đều hợp ý ta nhưng ngặt ta chỉ có một người con gái nên ngày mai, ai đem sính lễ đến trước, ta sẽ gả con gái cho”

Hai chàng tâu hỏi, đồ sính lễ gồm những lễ vật gì nhà vua bèn phán: “một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao mỗi thứ một đôi”. Hai chàng vâng lệnh nhà vua, về chuẩn bị lễ vật để có thể sớm đến rước nàng Mị Nương về làm vợ.Tờ mờ sáng hôm sau, khi thành Phong Châu còn chìm đắm trong mờ sương. Sơn Tinh đã dẫn đoàn rước dâu nhà trai đến cổng thành cùng đầy đủ lễ vật yết kiến trước vua Hùng cùng quan lại triều đình. Vua Hùng giữ đúng lời hẹn ước, ai mang đầy đủ lễ vật và đến trước ngài sẽ gả con gái cho. Lấy đượccon gái vua, Sơn Tinh cảm tạ vua Hùng chàng cùng Mị Nương tiễn biệt vua cha rồi quay lại vùng núi Tản Viên.

Sơn Tinh rời đi chẳng bao lâu, thì Thủy Tinh đùng đùng tức giận chỉ vì đến sau mà không lấy được vợ. Chàng tức tốc đem quân đuổi theo để cướp Mị Nương trở lại. Thủy Tinh hô mưa, gọi gió, làm sấm sét, bão giông rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn chặn đường Sơn Tinh. Chẳng mấy chốc, nước đã lênh láng ruộng đồng, ngập tràn nhà cửa, dâng lên lưng đồi, sườn núi. Thành Phong Châu mỗi lúc mỗi chìm dần trong nước. Trước tình hình đó, Sơn Tinh lệnh cho người dân muông thú chạy lên núi cao ẩn trốn còn chàng cùng quân lính liên tục ném đá vào lũ thủy quái. Sơn Tinh hóa phép chàng bốc từng quả đồi, ngọn núi dặng dòng chảy của những con nước cuồn cuộn. Nước sông dân lên bao nhiêu thì đồi núi cao lên bấy nhiêu. Trận chiến diễn ra hết ngày này đến ngày khác. Cuối cùng, Thủy Tinh thấy mìn đuối sức, đành ôm hận rút quân về. Người dân thành Phong Châu, lại xuống núi dựng nhà cửa, cấy cày ổn định cuộc sống.Tuy đã rút quân về, nhưng mối thù của Sơn Tinh cũng chẳng nguôi ngoai, Thủy Tinh vẫn ôm hận trong lòng. Năm nào Thủy Tinh cũng dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều thua trận.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh vẫn còn nguyên giá trị về bài học ứng phó với thiên nhiên. Khi hằng năm vào mùa mưa tháng 7, tháng 8 âm lịch thường có mưa, lũ lớn chúng ta phải bảo vệ nhà cửa, mùa màng bằng cách đắp đê, trồng rừng ngăn lũ để có thể ứng phó với thời tiết khắc nghiệt.

Back to top

Bài mẫu 2: Kể lại một chuyện đã biết bằng lời của em - Lạc Long Quân và Âu Cơ

Dàn ý

1. Mở bài:

  • Giới thiệu nhân vật Lạc Long Quân và Âu Cơ.

2. Thân bài:

  • Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đem lòng yêu thương và trở thành vợ chồng.
  • Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con.
  • Lạc Long Quân từ biệt Âu Cơ và đưa 50 con trở về biển.
  • Âu Cơ đưa 50 con lên rừng.
  • Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương.

3. Kết bài:

  • Cũng bởi sự tích này mà về sau người Việt Nam ta thường xưng là con Rồng cháu Tiên.

Bài làm

Các bạn có biết vì sao nhân dân ta tự xưng là con Rồng cháu Tiên hay không? Điều đó có liên quan đến câu chuyện sau đây:

“Ngày xửa, ngày xưa từ lâu lắm rồi, ở vùng đất Lạc Việt, nay là Bắc Bộ nước ta có một vị thần. Thần là con của Thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng sức khỏe vô địch, thường sống ở dưới nước. Thần giúp dân giệt trừ yêu quái như Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh… Thần còn dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và dạy dân cách ăn ở sao cho đúng nghĩa.. Khi làm xong thần trở về Thủy cung sống với mẹ lúc có việc cần mới hiện lên.

Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có vị tiên xinh đẹp tuyệt trần là con gái Thần Nông tên là Âu Cơ. Nàng nghe nói ở vùng Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ bèn tìm đến thăm. Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng chung sống ở Long Trang. Chung sống với nhau được chừng một năm, Âu Cơ mang thai. Đến kì sinh nở, Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra một trăm đứa con da dẻ hồng hào. Không cần bú mớm mà vẫn lớn nhanh như thổi mặt mũi khôi ngô tuấn tú, đẹp đẽ như thần. Cuộc sống hai vợ chồng đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn.

Một hôm, Lạc Long Quân chợt nghĩ mình là dòng giống nòi rồng sống ở vùng nước thẳm không thể sống trên cạn mãi được. Chàng bèn từ giã vợ và và con về vùng nước thẳm. Âu Cơ ở lại chờ mong Lạc Long Quân trở về, tháng ngày chờ đợi mỏi mòn, buồn bã. Nàng bèn tìm ra bờ biển, cất tiếng gọi:

- Chàng ơi hãy trở về với thiếp.

Lập tức, Lạc Long Quân hiện ra. Âu cơ than thở:

- Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không ở lại cùng thiếp nuôi dạy các con nên người?

Lạc Long Quân bèn giải thích:

- Ta vốn dĩ rất yêu nàng và các con nhưng ta là giống nòi Rồng, đứng đầu các loài dưới nước còn nàng là giống tiên ở chốn non cao. Tuy âm dương khí tụ mà sinh con nhưng không sao đoàn tụ được vì hai giống tương khắc như nước với lửa. Nay đành phải chia lìa. Ta đem năm mươi người con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Khi có việc cần phải giúp đỡ lẫn nhau, đừng bao giờ quên lời hẹn này.

Rồi Lạc Long Quân đưa năm mươi người con xuống nước còn Âu Cơ đưa năm mươi người con lên núi.

Người con trai trưởng đi theo Âu Cơ sau này được tôn lên làm vua và đặt tên nước là Văn Lang, niên hiệu là Hùng Vương. Mỗi khi vua chết truyền ngôi cho con trai trưởng. Cứ cha truyền cho con tới mười mấy đời đều lấy niên hiệu là Hùng Vương.”

Do vậy, cứ mỗi lần nhắc đến nguồn gốc của mình Người Việt chúng ta thường tự xưng là con Rồng cháu Tiên và thân mật gọi nhau là đồng bào vì ai cũng nghĩ mình là cùng một bọc sinh ra cho nên người trong một nước phải thương yêu nhau như vậy. Câu chuyện còn suy tôn nguồn gốc cao quý thiêng liêng của cộng đồng người Việt và tự hào về nguồn gốc của dân tộc mình.

Back to top

Bài mẫu 3: Kể lại một chuyện đã biết bằng lời của em - Cây tre trăm đốt

Dàn ý

1. Mở bài:

  • Giới thiệu câu chuyện "cây tre trăm đốt"

2. Thân bài:

  • Giới thiệu anh trai cày hiền lành và lão nhà giàu tham lam, lừa lọc.
  • Lão lừa dối “sẽ gả con gái” cho anh.
  • Anh quần quật làm giàu cho lão suốt ba năm.
  • Lão nhà giàu gả con gái với diều kiện anh phải đi tìm được cây tre trăm đốt
  • Anh trai cày không tìm được nhưng nhờ có Bụt ra tay giúp đỡ, anh đã thành công và mừng rỡ gánh về.
  • Khi thấy hai họ ăn uống linh đình và sửa soạn đón dâu, anh mới hiểu âm mưu thâm độc của lão nhà giàu và anh ra tay trừng phạt.
  • Lão nhà giàu phải gả con gái cho anh trai cày. Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc.

3. Kết bài:

  • Nêu cảm nghĩ về câu chuyện và những bài học rút ra đối với chúng ta.

Bài làm

“Tôi yêu truyện cổ nước tôi/ Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa”. Câu thơ ấy còn mãi trong lòng tôi mỗi khi tôi nhớ lại những câu chuyện cổ tích mà bà tôi đã kể. Tôi như chìm đắm vào thế giới của bà tiên, ông Bụt của cô Tấm thảo hiền, những hình ảnh về tuổi thơ cứ trở lại trong tâm thức của tôi với biết bao kỉ niệm. Tôi vẫn nhớ như in, từng chi tiết trong câu chuyện của bà, tôi rất ấn tượng với hình ảnh anh Khoai trong truyện “Cây tre trăm đốt”. Các bạn đã bao giờ nhìn thấy cây tre nào có một trăm đốt chưa? Rất lạ phải không, ấy thế mà anh Khoai trong câu chuyện lại là ngườ đi tìm được cây tre trăm đốt các bạn ạ, và chúng ta sẽ nghe lại câu chuyện để hiểu tại sao anh ấy lại phải đi tìm cây tre trăm đốt nhé.

Ngày xửa, ngày xưa có một anh chàng nghèo tên là Khoai. Tính tình cần cù, chịu khó ai cũng quý mến. Anh đi ở cho nhà phú ông, giàu có trong vùng. Phú ông thấy anh chăm chỉ, hiền lành liền ngon ngọt dỗ dành anh. “Mày làm lụng thật giỏi rồi tao gả con gái út cho mày”. Khoai tưởng thật, nên đã làm lụng gấp năm gấp mười trước đây. Ba năm sau, cô Út đã lớn, đến tuổi lấy chồng nhưng anh Khoai cũng chẳng thấy phú ông nhắc gì đến chuyện sẽ gả con gái cho mình, anh Khoai buồn lắm.

Một hôm anh Khoai nghe người làm trong nhà nói chuyện, biết phú ông sắp gả cô Út cho con trai viên cai tổng giàu có, anh Khoai bất bình lắm, liền đến nói với ông chủ. Lúc ấy phú ông không giải thích gì với anh mà chỉ nói: “ Mày vào rừng đem về đây một cây tre trăm đốt để làm đũa cưới, tao cho mày cưới cô Út ngay”.

Vốn thật thà, Khoai tin theo lời phú ông hăm hở lên rừng tìm cây tre trăm đốt. Đi hết một ngày, qua nhiều cánh rừng anh chẳng tìm thấy cây tre nào trăm đốt cả. Trời đã dần tối, anh đã đếm qua không biết bao cây tre mà không thấy. Vừa mệt, vừa đói, lại nghĩ đến việc không tìm được cây tre mang về thì làm sao cưới được cô Út, anh thất vọng bèn ngồi khóc một mình. Bỗng nhiên có một cụ già, râu tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền từ phúc hậu chống gậy đi đến gần anh và hỏi: “Cơ sự làm sao mà con khóc?”. Anh Khoai bèn kể lại cho cụ già nghe rõ sự tình, cụ liền bảo anh đi chặt nhanh về một trăm đốt tre. Sau khi anh Khoai mang tre về, cụ già nhìn vào đống tre và nói: “Khắc nhập, khắc nhập” Tức thì các đốt tre liên kết lại thành một cây tre đốt. Anh vui mừng lắm, nghĩ mình có thể nhanh chóng về nhà để hỏi cưới cô Út. Ý nghĩa ấy, thoáng hiện trong đầu anh, nhưng khi anh quay lại nhìn về chỗ cụ già vừa đứng thì cụ đã không còn ở đó. Anh liền nhanh chóng đứng dậy vác cây tre ra khỏi rừng, nhưng loay hoay mãi, quay hết chiều dọc đến chiều ngang anh cũng không thể xoay chuyển được cây tre. Thấy mình không làm được gì nữa, anh bất lực ngồi khóc. Cụ già một lần nữa lại hiện lên giúp và nói với anh nếu muốn mang cây tre ra khỏi rừng một cách đơn giản, con hãy nói: “Khắc xuất, khắc xuất”. Các khúc tre sẽ tự động rời khỏi nhau, con có thể dễ dàng mang chúng về nhà. Cụ già dặn anh Khoai ghi nhớ hai câu thần chú và cách dùng rồi biến mất, anh còn chưa kịp nói lời cảm ơn với cụ. Nhìn các đốt tre đã rời khỏi nhau, anh liền nhanh chóng bó chúng vào rồi tức tốc trở về nhà phú ông.

Vừa về đến ngõ nhà phú ông, anh Khoai không thể tin vào mắt mình, vì trong nhà đang tổ chức đám cưới linh đình cho cô Út. Thấy Khoai trở về, phú ông ra mặt cười đắc trí mà nói rằng: “Tao cần gì mấy khúc tre mày mang về chứ, mày nghèo thế làm sao lấy được con gái ông”. Anh Khoai thấy thế tức mình, bèn đọc câu thần chú “Khắc nhập, khắc nhập” Tức thì các ống tre xếp vào nhau thành một cây tre trăm đốt, kéo cả phú ông và tên con rể nhà giàu kia vào. Hai người họ sau khi bị dính vào cây tre đã luôn miệng kêu gào, để có thể thoát ra khỏi cây tre, nhưng càng cựa quậy càng dính chặt hơn. Phú ông phải ra sức van xin, nài nỉ anh Khoai, xin tha anh mới đọc câu thần chú “Khắc xuất, khắc xuất” ngay sau đó cây tre rời ra thành trăm đốt và phú ông cùng tên trọc phú thoát ra khỏi cây tre. Thoát nạn, phú ông giữ đúng lời hứa phải gả cô con Út cho anh Khoai, anh làm đám cưới với con phú ông trước sự chứng kiến của bà con làng xóm, ai nấy đều thấy vui và chúc phúc cho vợ chồng anh. Anh Khoai và cô Út sống hạnh phúc bên nhau suốt đời.

Kết thúc câu chuyện cây tre trăm đốt chúng ta vui vì luôn cảm thấy người tốt sẽ gặp được điều may mắn. Ông cha ta vẫn dạy “ Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì gặp người tiên độ trì”. Và câu chuyện cây tre trăm đốt, là lời nhắc nhở với thế hệ trẻ ngày nay về lối sống, cách sống sao cho có thể trở thành người có ích trong xã hội.

Back to top


  • 92 lượt xem
Chủ đề liên quan
Chia sẻ
Chia sẻ FacebookChia sẻ ZaloChia sẻ Twitter
Đóng