Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh một loài động vật hay vật nuôi ở quê em
Đề bài: Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em
Bài viết tham khảo
Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, nơi mỗi chúng ta sinh ra và lớn lên. Nhớ về quê hương, người ta không chỉ nhớ về những kỉ niệm, những con người mà còn nhớ về những hình ảnh thân thuộc như cây cối, vật nuôi. Quê hương tôi cũng có những loài vật nuôi mà ai đi xa cũng luôn ghi nhớ. Trong đó, tiêu biểu và gần gũi nhất là con gà.
Hình ảnh con gà từ bao đời nay vẫn luôn đi liền với hình ảnh quê hương Việt Nam. Gà có nguồn gốc từ giống gà rừng hoang dại, được con người đem về nuôi trở thành vật nuôi ở nhà. Khoa học kỹ thuật phát triển hiện đại, nhiều giống gà mới được nghiên cứu lai, phối, đặc điểm hình dáng, năng suất khác nhau. Nhưng loài gà được phân thành gà mái và gà trống. Tuy kích cỡ và đặc điểm cơ thể có vài nét khác nhau nhưng nhìn chung cấu tạo của chúng gồm đầu, thân, chân, cánh, đuôi. Đầu gà to nhỏ khác nhau nhỏ hơn nắm tay người lớn. Mắt bé xíu, sáng long lanh như một giọt nước trong veo. Mỏ chúng nhỏ hơi cong xuống ở đầu, màu vàng, khi mổ xuống sẽ phát ra âm thanh. Trên đầu gà là mào gà đỏ tươi, mào gà trống lớn hơn mào gà mái, mào gà mái nhỏ xíu nhìn như không có. Người chúng phủ toàn lông nhưng lông gà trống thường rực rỡ hơn gà mái. Cánh tròn, khép ở hai bên mình, thỉnh thoảng cũng vỗ phành phạch bay từ bờ này sang bờ khác. Do yêu cầu sống bới đất tìm mồi, chúng được tạo hóa ban cho một đôi chân to móng cùn và cứng, phủ lớp vẩy sừng mỏng màu vàng. Gà trống có lông đuôi dài sặc sỡ, chân có cựa - lực lưỡng và oai vệ. Còn gà mái yểu lại có lông đuôi ngắn, mảnh mai, chân không cựa. Gà mái kêu cục tác, gà trống lại gáy ò ó o...
Thức ăn của gà là thóc, gạo, các loài côn trùng, giun đất, các loại bột dạng viên, một số loại rau... Chúng có thể tự đi kiếm ăn mà không nhất thiết phụ thuộc vào con người.
Gà nở ra từ trứng, lớn dần thành gà mái, hoặc gà trứng. Gà mái đến tuổi sẽ đẻ trứng, mỗi lứa có thể đẻ từ 15 đến hơn 20 quả. Trứng ấp trong khoảng 3 tuần trong điều kiện nhiệt độ thích hợp sẽ nở ra gà con xinh. Gà con mở mắt sẽ đi theo vật mà nó trông thấy đầu tiên. Chúng cùng mẹ đi kiếm ăn, gà mẹ chỉ cần cất tiếng gọi nhẹ, gà con sẽ nhanh chóng lon ton chạy tới. Gà mẹ hết mực che chở cho con, sẵn sàng giang rộng đôi cánh ngăn cách con khỏi kẻ thù.
Gà là vật nuôi thân thuộc ở mỗi làng quê, có vai trò to lớn trong đời sống con người. Trước tiên gà đem lại lợi ích kinh tế. Trứng gà chứa nhiều chất dinh dưỡng, có thể chế biến thành chiên, luộc, ốp la... Mỗi buổi sáng, một quả trứng ốp la kẹp bánh mì là món ăn được người phương Tây ưa chuộng. Trứng gà đánh tan với bột mì có thể làm bánh ga-tô, bánh kem. Thịt gà là một trong những nguyên liệu được dùng làm món ăn đặc sản ở nhiều vùng miền, với nhiều cách chế biến khác nhau. Có nhiều món được chế biến từ gà như gà luộc chấm muối tiêu, gà xé trộn rau răm, gà hấp, gà chiên, gà quay,... Lông gà xử lý sạch còn dùng để làm quạt, làm cầu đá, áo lông, đặc biệt qua xử lý hóa học còn làm được bột giặt. Ngày xưa, ông bà ta luộc trứng gà kèm theo đồ bạc để cạo gió khi cảm sốt. Ngày nay, chị em phụ nữ dùng trứng gà để đắp mặt nạ, dưỡng da. Chất thải của gà cũng được tận dụng làm phân bón.
Không chỉ có giá trị vật chất, gà còn là vật nuôi mang ý nghĩa tinh thần quý giá. Tiếng gà gáy là chiếc đồng hồ báo thức cho mọi người, trở thành âm thanh bình dị của làng quê. Gà là biểu tượng cho sự sống an lành với người dân Việt Nam. Mâm cơm cúng gia tiên, thần thánh không thể đầy đủ nếu thiếu đi con gà luộc mang hàm ý tỏ lòng trân trọng biết ơn. Gà đi vào thơ ca dân gian, trở thành một trong những chủ thể của tranh Đông Hồ nổi tiếng.
Thời gian trôi đi, gà là vật nuôi không thể thiếu của quê hương tôi và cả nông thôn Việt. Hình tượng con gà cục tác hay gà trống hướng về ánh mặt trời thực sự gợi lên cảm giác thân thuộc và gần gũi. Đó là hình ảnh thuộc về riêng đất nước Việt Nam.
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
Giới thiệu về loài động vật hay vật nuôi ở quê em.
2. Thân bài
- Nguồn gốc của loài vật đó
- Phân loại loài vật: theo đặc điểm hình dáng, nguồn gốc, hoặc theo giới tính
- Đặc điểm cấu tạo cơ thể
- Gồm những bộ phận nào: đầu, thân, chân, (đuôi, cánh)...
- Kích cỡ cơ thể chúng như thế nào?
- Nét đặc trưng ở loài vật nuôi đó
- Thức ăn chính của loài vật nuôi đó: ăn thực vật hay loại thức ăn nào
- Đặc điểm sinh trưởng của vật nuôi: được sinh ra hay nở từ trứng, khi còn bé đến khi trưởng thành như thế nào?
- Giá trị, ý nghĩa của loài vật nuôi trong cuộc sống
- Giá trị kinh tế, dinh dưỡng: làm món ăn, được mọi người ưa chuộng, ví dụ như trứng gà ở đây có thể làm bánh, dưỡng da,...
- Giá trị tinh thần: ý nghĩa của chúng đối với con người Việt Nam, cuộc sống.
3. Kết bài
- Vị trí của vật nuôi đó
- Tình cảm của bản thân dành cho vật nuôi quê mình.
Xem thêm bài viết khác
- Đề bài: Suy nghĩ về thân phận Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du.
- Tưởng tượng mình là nhân vật tôi trong bài thơ đồng chí của Chính Hữu
- Đề 2: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ tiểu đội xe không kính...
- Văn mẫu 9: Tổng hợp những bài viết số 3 hay nhất (4 đề)
- Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài Nói với con của Y Phương
- Tưởng tượng em được gặp gỡ nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của nhà văn Kim Lân và trò chuyện cùng ông về những ngày tháng đi tản cư. Hãy kể lại cuộc gặp gỡ đó bài mẫu 1
- Nghị luận về vấn đề tri thức là sức mạnh
- Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng
- Thay lời ông Hai kể lại truyện ngắn Làng của Kim Lân
- Nghị luận về câu nói của M.L.King “Trong thế gian này chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn là sự im lặng đáng sợ của những người tốt"
- Cảm nghĩ của em về người anh hùng Nguyễn Huệ trong chương 14 của Hoàng Lê nhất thống chí
- Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sang thu