Nghị luận về câu nói của M.L.King “Trong thế gian này chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn là sự im lặng đáng sợ của những người tốt"

  • 1 Đánh giá

Đề bài: “Trong thế gian này chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn là sự im lặng đáng sợ của những người tốt" -M.L.King. Anh/ chị hãy viết bài văn ngắn khoảng 600 từ bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến trên. - Bài văn mẫu lớp 9

Bài làm

Cuộc sống ngày càng hiện đại thì dường như con người lại càng sống thu mình hơn, trốn trong không gian an toàn của chính bản thân mình mà không dám bước ra ngoài để đấu tranh với những cái ác cái xấu. Một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, đạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964 - M.L.King đã từng lên án thực trạng đó rằng:“Trong thế gian này chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn là sự im lặng đáng sợ của những người tốt”.

“Xót xa” là một trong những cung bậc cảm xúc của con người, khi mà họ thấy bất lực, thấy đau đơn, nhức nhối trước một sự việc nào đó. Thông thường người ta hay cảm thấy “xót xa” trước một việc, một hành động không tốt nào đó khiến cho cuộc sống của con người trở nên tồi tệ hơn. Nhưng ở đây M.L.King lại xót xa trước sự im lặng của người tốt. Những người được coi là chuẩn mực của xã hội, những con người đáng được trân trọng nhất. Điều đó như muốn lên án vạch rõ lối sống vô cảm, thiếu sự quan tâm giữa con ngươi với nhau của một bộ phận người trong xã hội. Sự sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu.

Trong cuộc sống ngày nay, ta có thể bắt gặp vô vàn những biểu hiện của “sự im lặng của người tốt”, xuất phát từ cả suy nghĩ và hành động. Nếu như trước kia, khi thấy tai nạn xảy ra ở trên đường, những người xung quanh ngay lập tức sơ cứu và gọi xe cứu thương để đưa nạn nhân đến bệnh viện kịp thời với mục đích nhân đạo, “cứu giúp một mạng người hơn xây bảy tòa tháp” thì giờ đây, cũng là tai nạn giao thông đấy, chứng kiến tận mắt cảnh nạn nhân đau đớn vì gãy tay, gãy chân, thậm chí bất tỉnh, thế nhưng người đi đường chẳng những không cấp cứu kịp thời mà còn xúm đông xúm đỏ gây ùn tắc giao thông, bàn tán chỉ chỏ chán chê rồi may ra mới có người gọi điện cho bệnh viện, đến khi xe cứu thương (phải rất khó khăn mới vượt qua được đám đông gây ách tắc giao thông) đến nơi thì có không ít trường hợp nạn nhân đã tử vong. Câu chuyện đã để lại trong lòng người viết nhiều trăn trở, băn khoăn về cách sống và thái độ ứng xử của con người ngày nay.

Ai dám nói rằng mọi người xung quanh đều là kẻ xấu, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những người có mặt ở đó lại không có người tốt. Vậy đâu là nguyên nhân của sự im lặng nơi những người tốt này? Có thể họ im lặng vì cảm thấy cô độc khi thực hiện việc nghĩa mà không có được sự đồng cảm hay ủng hộ của số đông. Cũng có thể họ im lặng để phục vụ cho cái tôi ích kỷ của bản thân. Cũng có thể họ im lặng vì sự bất lực của bản thân trước mặt bằng chung của xã hội. Điều này cũng có nghĩa những kẻ xấu ngày nay quá hung ác và tàn bạo. Lý giải cho sự “im lặng” đang lan rộng trong xã hội hiện đại, nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau đã đưa ra những nguyên nhân khá xác đáng và chuyên biệt. Một chuyên gia xã hội học cho rằng, nguyên nhân bệnh vô cảm có thể bắt nguồn từ: Chất lượng giáo dục ở các nhà trường và gia đình về đạo đức còn hạn chế… Những quan niệm lệch lạc, chỉ chú trọng kinh tế, đặt nặng tiền bạc hơn cả đạo đức; tư tưởng cá nhân chủ nghĩa (hoặc địa phương cục bộ), chỉ lo cho bản thân mình, gia đình mình, tập thể mình; lợi ích nhóm chưa được chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý kịp thời.

Trong cuộc sống hiện đại với nhịp sống hối hả, khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin phát triển chi phối đời sống, sinh hoạt con người, một số người ngày càng trở nên xơ cứng, vô cảm, thờ ơ trước bất hạnh của kẻ khác. Đây vừa là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự băng hoại các giá trị đạo đức trong xã hội hiên nay. Lại vừa là lời kêu gọi, thức tỉnh cái thiện bên trong mỗi con người. đừng vì những nỗi sợ không tên, lo âu không tuổi mà để cho sự ác hoành hành. Hãy đứng lên bảo vệ chính nghĩa, hãy ra tay giúp đỡ những người bị nạn để cuộc sống của chúng ta ngaỳ một tốt đẹp hơn.

Câu nói của M.L.King không phải để chúng ta cứ bi quan hay sợ hãi với cuộc sống hiện tại. Mà trái lại nó kêu gọi chúng ta hãy luôn ý thức bản tính thiện bên trong mỗi người, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta hãy mạnh dạn đứng lên, để cho bản năng “thiện” trong con người được hành động, nhằm tiêu diệt cái ác đang hoành hành.


  • 212 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Văn mẫu 9