Đề 3 bài làm văn số 6 lớp 12 trang 68 sgk: về một truyện ngắn...

6 lượt xem

Đề 3: Bài viết làm văn số 6 trang 68 sgk ngữ văn 12 tập 2

Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích.

Bài làm:

Văn xuôi hiện đại Việt Nam là nhắc đến một kho tàng đồ sộ về tác phẩm với dấu ấn rất đặc biệt của rất nhiều nghệ sĩ lớn. Sau năm 1975 cùng với sự chuyển mình vĩ đại của lịch sử dân tộc, văn học cũng có nhiều chuyển biến. Những tác phẩm ra đời trong giai đoạn này đều tập trung khai thác đề tài cuộc sống đầy mới mẻ với những con người lao động đầy nghị lực. Trong đó tiêu biểu phải kể đến là nhà văn Nguyễn Minh Châu với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Bên cạnh việc khắc họa đời sống con người sau đổi mới tác phẩm còn chứa đựng bên trong giá trị nhân đạo nhân văn sâu sắc để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm.

Chiếc thuyền ngoài xa đầu tiên đó chính là một cuộc hành trình đi tìm kiếm cái đẹp của người nghệ sĩ. Do tính chất công việc sự đòi hỏi khắt khe của nghệ thuật nhà nhiếp ảnh gia đã đến vùng chài lưới với mong muốn tìm được một khoảnh khắc tuyệt diệu để làm bìa cho cuốn lịch năm mới. Thế nhưng mọi mong muốn của anh dường như không được đáp lại phải đến tận ngày cuối cùng anh ta mới “chộp” được vẻ đẹp trời cho. Khoảnh khắc ấy xuất thần đến mức mà người nghệ sĩ phải thốt lên rằng “... bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ”. Cái đẹp tưởng chừng như hoàn hảo thì đằng sau nó còn chứa đựng cả một sự thật vô cùng phũ phàng. Đó là hình ảnh một người phụ nữ khốn khổ nhưng giàu lòng vị tha, là hình ảnh người chồng vũ phu với những cơn say kéo dài, hình ảnh đứa trẻ sớm bị gieo rắc sự thù hận vào tâm hồn.... Thế nhưng ẩn sâu trong tình huống tưởng chừng như vô cùng éo le này lại hàm chứa bên trong một triết lí nhân sinh vô cùng sâu sắc tính nhân văn và nhân đạo mà tác giả muốn gửi gắm vào trong đó.

Có thể nói từ đầu nhan đề của tác phẩm đã chứa đựng biết bao nhiêu ý nghĩa sâu sa mà không phải ai cũng có thể hiểu được. “Chiếc thuyền ngoài xa” trở nên vô cùng bí ẩn và khó nắm bắt, tiềm ẩn bên trong rất nhều điều bất ngờ bên trong. Cốt truyện nói về những vấn đề diễn ra xung quanh cuộc sống, số phận và hạnh phúc của con người nhỏ bé trong cuộc mưu sinh. Nhân vật được đặc tả ở đây chính là người đàn bà làng chài với những đường nét thô kệch nhưng ẩn sâu trong đó là cả một tâm hồn vô cùng cao đẹp và đáng được ngợi ca.

Người đàn bà được miêu tả với cái ngoại hình thô kệch, mặt rỗ mang cái hơi thở lam lũ của biển cả. Thế nhưng ẩn sâu bên trong con người ấy là cả một sức sống và tình yêu thương mãnh liệt. Nó để lại dấu ấn khó phai nhạt trong lòng độc giả với lời tâm sự từ đáy lòng : “ Chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của một người đàn bà trên chiếc thuyền không có đàn ông...... ông trời sinh ra người đàn bà để đẻ con rồi nuôi con cho đến lúc khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà trên thuyền chúng tôi sống cho con chứ không sống cho mình như ở trên đất liền được”. Thoạt đầu có rất nhiều người sẽ cảm thấy người đàn bà ấy thật tội nghiệp thật yếu đuối đến mức nhu nhược. Khi mà bà biện minh cho người chồng mình - kẻ đã gây cho bà biết bao nhiêu đau đớn rằng “bất kể lúc nào khổ quá là lão xách tôi ra đánh, như đàn ông vẫn thường uống rượu vậy”. Thế nhưng phải đi sâu vào mới hiểu người đàn ông ấy cũng chính là nạn nhân của cái nghèo cái khổ, người vợ vì thế mà càng thấy thương chồng mình hơn là trách móc giận hờn. Sự bao dung của người phụ nữ ấy càng được thấm thía hơn khi quỳ xuống xin đứa con đừng đánh bố mình. Cái lạy ấy vừa là để xin con đừng đánh bố, vừa là xin lỗi vì vòng tay mẹ quá nhỏ bé không thể bảo vệ được con đồng thời cũng gửi gắm một mong muốn con hãy đừng như bố. Một người phụ nữ có thể sống trên đời này giữa biển cả bao la là một người vô cùng nhỏ bé thế nhưng ẩn sâu trong đó là cả một tấm lòng nhân hậu, bao dung một đức tính hi sinh cao cả và sáng ngời.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã xây dựng nên những tình huống truyện vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Chứa đựng những bi kịch đầy éo le từ đó nó hiện lên một giá trị đạo đức cao đẹp hóa ra bản chất cái đẹp chính là đạo đức. Chiếc thuyền tưởng là chứa đựng cái đẹp tuyệt mỹ nhưng không bước ra từ đằng sau nó là hình ảnh của những con người vô cùng khốn khổ. Đằng sau cái đẹp nghệ thuật tưởng chừng lug linh đó là tệ nạn bạo hành gia đình dã man, là câu chuyện vô cùng cảm động về tình người. Từ đó phát hiện thêm bao nhiêu triết lí về nghệ thuật.

Đối với một nghệ sĩ cả đời đi tìm cái đẹp như nhà nhiếp ảnh kia, anh mang đến cho đời những bức ảnh đẹp, những tấm hình lung linh sắc màu. Thế nhưng không ai biết được rằng ẩn sâu trong đó là những sự thật vô cùng phũ phàng. Cái đẹp là sự tìm tòi mà cả đời người nghệ sĩ muốn theo đuổi, nhưng không phải chỉ vì đẹp mà bỏ qua những giá trị cốt lõi bên trong nó. Như nhà văn Nam Cao nói “Nhà văn phải là người nâng cánh những ước mơ và làm cho người gần người hơn”. Nghệ thuật cũng vậy nó là sự phản ánh chân thật nhất của cuộc sống, nâng đỡ cuộc sống con người chứ không phải là vẻ đẹp sáo rỗng nhạt nhào.

Điều hấp dẫn làm nên điều đặc biệt của Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ nằm ở tình huống truyện đặc sắc độc đáo, cách miêu tả chân thực mà còn khắc họa thành công một nhân vật có chiều sâu tư tưởng. Từ đó làm nổi bật nên giá trị nhân văn giá trị nhân đạo của tác phẩm. Ông cũng gián tiếp đã trả lời câu hỏi mà rất nhiều nghệ sĩ trăn trở trong hành trình đi tìm cái đẹp nghệ thuật. Mọi sự lung linh của nghệ thuật đều phải xuất phát từ thực tế. Nghệ thuật là để nâng đỡ con người hướng con người đến điều tuyệt vời và tốt đẹp hơn chứ không phải là cái đẹp sáo rỗng vô vị.

Có thể nói với tác phẩm này Nguyễn Minh Châu đã vô cùng thành công khi khơi gợi sự trắc ẩn bên trong lương tri của mỗi con người. Tác phẩm này sẽ sống mãi trong tâm hồn người đọc, nó răn dạy con người về cách sống nhân ái và tốt đẹp hơn.

Cập nhật: 07/09/2021
Danh mục

Tài liệu hay

Toán Học

Soạn Văn

Tiếng Anh

Vật Lý

Hóa Học

Sinh Học

Lịch Sử

Địa Lý

GDCD

Khoa Học Tự Nhiên

Khoa Học Xã Hội