Nhân vật nào trong truyện để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất tại sao

  • 1 Đánh giá

Luyện tập

Bài tập trang 78 sgk ngữ văn 12 tập 2

Nhân vật nào trong truyện để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất tại sao?

Bài làm:

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu em ấn tượng nhất với nhân vật người đàn bà hàng chài bởi những lý do sau:

  • Đó là một người đàn bà phiếm định chứ không là ai cụ thể.Hình dáng bên ngoài của nhân vật này được tác giả miêu tả là người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ… tấm lưng ảo bạc phếch và rách rưởi, nửa thân dưới ướt sũng… Nhưng bên trong cái hình thức xấu xí ấy lại là một tấm lòng nhân hậu, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh. Sức chịu dựng và sự hi sinh thầm lặng của người đàn bà hàng chài làm cho người đọc phải ngỡ ngàng. Vừa ở dưới thuyền lên đến bên chiếc xe rà phá mìn bị hỏng nằm trên bờ cát, chị ta đã bị anh chồng rút chiếc thắt lưng tía quất tới tấp vào người. Chị không hề né tránh mà cắn răng cam chịu, không kêu rên, không chống trả và cũng không chạy trốn. Chị chấp nhận những trận đòn hằng ngày như một phần cuộc đời mình ; chẳng khác gì người đánh cá phải đương đầu với sóng to, gió lớn khi biển động. Hình như người đàn bà hàng chài chẳng bao giờ để lộ ra bên ngoài nỗi đau khổ của mình. Sự nhẫn nhục cam chịu hầu như chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của chị. Thấp thoáng ở người đàn bà ấy là bóng dáng những người vợ, người mẹ đảm đang, nhân hậu, bao dung và hi sinh đến quên mình.
  • Người đàn bà ấy cũng rất tự trọng. Sau khi biết hành động vũ phu của chồng mình đã bị đứa con trai và người khách lạ (nghệ sĩ Phùng) chứng kiến, chị thấy đau đớn, vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã. Chắc chắn đây không chì là sự đau đớn về thể xác. Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà đã ứa ra. Đó là giọt nước mắt của nhọc nhằn và chịu đựng. Chị không muốn bất cứ ai chứng kiến và thương xót cho tình cảnh trớ trêu của mình, kể cả thằng Phác, đứa con trai mà chị quý nhất. Thân thể bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm nhưng người đàn bà ấy không hề để ý, không hề bận tâm. Đúng là sự nhẫn nhục của một người có nhân cách, có lòng tự trọng và thấu hiểu lẽ đời.
  • Bên trong vẻ cam chịu, nhẫn nhục ấy là tính cách can đảm, cứng cỏi và khát vọng hạnh phúc dù nhỏ nhoi nhưng thật cảm động, ở tòa án huyện, chính người đàn bà ấy đã đem đến cho Phùng và Đẩu những suy nghĩ, xúc cảm mới. Được mời lên tòa án để giải quyết chuyện gia đình, lúc đầu chị ta lúng túng, rụt rè tìm một góc tường để ngồi. Chị thấy sợ hãi Khi đến một không gian lạ và cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa chốn công đường. Cái thế ngồi của chị như cố thu mình lại để tự vệ, cho dù đã được Đẩu, Phùng chia sẻ và cảm thông.

Như vậy, tính cách người đàn bà hàng chài trong truyện được tác giả khắc họa thông qua các mối quan hệ gia đình và xã hội: Với chồng thì cam chịu, nhẫn nhục nhưng không phải mù quáng mà là sự cảm thông và thương xót. Với con thì tận tâm, bao bọc, che chở, cố tránh cho con khỏi bị tổn thương, luôn mang nặng mặc cảm có lỗi với con. Với cán bộ tòa án, lúc đầu chị tỏ ra sợ sệt, e ngại, sau đó tự tin hơn và thành thật bộc bạch suy nghĩ của mình. Đây là tính cách của một người đàn bà lao động chất phác, lam lũ, giàu lòng thương con, thương chồng và sống bằng kinh nghiệm thực tiễn. Người đàn bà hàng chài là hiện thân của vẻ đẹp khiêm nhường và thế giới tâm hồn phức tạp, bí ẩn của con người.

  • 592 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021