Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình
Đề bài: Trong truyện ngắn Đời thừa, nhà văn Nam Cao viết: “ Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”
Bài làm
Dìm dập nhau, hay hạ bệ nhau không phải là cách khiến cho xã hội này trở nên tốt đẹp hơn. Mà điều quan trọng là chúng ta biết giúp đỡ họ để họ trở nên mạnh mẽ và thành công hơn. Như nhà văn Nam Cao đã từng viết “ Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Nhận định này là hoàn toàn đúng và phù hợp với cách sống và cách làm người trong xã hội.
Trong cuộc sống của mỗi người bao giờ cũng tồn tại hai mặt tốt và xấu, hai loại kẻ mạnh và kẻ yếu. Vậy thế nào là kẻ mạnh? Câu nói của Nam Cao ở trên có nghĩa là gì? Điều đầu tiên mà chúng ta cần hiểu đó chính là khái niệm về kẻ mạnh. Kẻ mạnh ở đây là những người có năng lực về thể chất, tinh thần hoặc ưu thế về quyền lực hoặc vật chất. Kẻ mạnh thực thụ phải là những người biết nâng đỡ người yếu hơn mình chứ không phải dùng sức mạnh để chi phối người khác bằng bạo lực bất chấp lẽ phải và công lí. Hành động đó được xem là ích kỉ và đáng bị lên án để loại khỏi xã hội.
“Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Đây mới thực sự là những kẻ mạnh thực sự, những kẻ mạnh chân chính. Những con người đó không màng đến danh lợi họ giúp đỡ người khác bằng chính cái tâm của mình, nâng đỡ người yếu đuối hơn mình cả về vật chất, tinh thần. Những điều đó xuất phát từ chính sự vị tha, bao dung và cao thượng của mình hành động đó đáng được ngợi ca và khen ngợi. Những con người đó mới đích thị là những tấm gương để người đời noi theo và học tập.
Trong cuộc sống xã hội ngày nay, kẻ mạnh được thể hiện ở trên rất nhiều phương diện từ nhiều phạm vi. Có thể là những cá nhân trong xã hội cũng có thể là những quốc gia trên thế giới, là những mối quan hệ vô cùng nhỏ bé trong phạm vi gia đình, cho đến tình bạn xã hội và rộng hơn thế nữa là cả trong những quy tắc ứng xử giữa người với người. Chúng ta chắc hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh của cậu bé ngày ngày cõng bạn tàn tật đến trường trên đôi vai của mình. Có thể đối với xã hội này em chẳng là gì chỉ là một trong vô số những mảnh đời bé bỏng ngoài kia, nhưng đối với người bạn tàn tật ấy em chính là đôi chân, là ước mơ và là nghị lực sống bất diệt. Ở em cũng truyền đến cho con người nhiều bài học đáng để suy ngẫm. Người ta học được ở cậu bé đó cách chia sẻ và đồng cảm, cách quan tâm bằng hành động nhỏ bé của mình. Nhưng hơn thế nữa vượt lên trên đó là khái niệm về kẻ mạnh thực thụ.
Trên phương diện một quốc gia, một nước giàu mạnh tiềm lực tài chính về sức mạnh kĩ thuật công nghệ quân sự phải biết nâng đỡ các nước kém phát triển hơn mình để họ thoát qua khó khăn vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng cuộc sống con người toàn nhân loại. Chứ không phải là kẻ chỉ biết dùng sức mạnh quân sự hay kinh tế để cô lập, đè nén và áp bức bóc lột nước khác. Thực tế lịch sử, đã để lại cho chúng ta những bài học vô cùng sâu sắc. Quân Nguyên Mông với sự hùng mạnh về lực lượng, vó ngựa của chúng đã chinh chiến khắp từ châu Á sang Châu Âu, chúng mang âm mưu to lớn là thôn tính Đại Việt nhỏ bé. Thế nhưng bằng sức mạnh phi thường của tình đoàn kết, tình yêu nước chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến vô nghĩa đó. Dành độc lập vẻ vang cho dân tộc. Viết nên một bài ca chân lí mãi mãi sẽ chiến thắng và trường tồn với thời gian.
Con người chỉ thực sự được coi là đối thủ của nhau khi ở cùng một vị thế xuất phát cùng một tinh thần cao đẹp còn nếu vì hư vinh mà bất chấp tất cả những luân thường đạo lí thì chiến thắng đó cũng chẳng có giá trị gì cả. Câu nói của nhà văn Nam Cao chứa đựng một triết lí nhân sinh sâu sắc nó giáo dục con người phải biết giúp đỡ những người xung quanh và xây dựng một sự công bằng trong xã hội.
Có lẽ đến bây giờ nhiều người vẫn chưa hiểu rõ hết ý nghĩa của cụm từ kẻ mạnh. Và có lẽ cả cuộc đời chúng ta sẽ phải phấn đấu rất nhiều để chạm đến hai từ đó. Tuy nhiên, dẫu bạn có làm gì có là ai thì hãy luôn nhớ nâng đỡ người khác chính là cách bạn thể hiện bản lĩnh thực sự cũng như giá trị con người cốt lõi của mình.
Xem thêm bài viết khác
- Phân tích tính chất bi tráng ở bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
- Nghị luận xã hội 200 chữ về ý nghĩa của sự thay đổi bản thân
- Phân tích hình tượng con Sông Đà
- Phân tích 14 câu đầu bài Tây Tiến
- Văn mẫu 12 bài viết số 2 đề 1: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
- Nghị luận xã hội về vai trò của sách với đời sống nhân loại
- Phân tích và nêu ý kiến của mình về ý nghĩa của câu nói: Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông (Nguyễn Bá Học)
- Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến
- Nghị luận văn học dạng bài phân tích tác phẩm văn xuôi
- Phân tích tình huống độc đáo trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân
- Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến sau: “Người có học không phải là người biết nhiều mà là người biết những gì mình cần biết và hiểu rõ những gì mình biết”
- Phân tích đoạn cuối bài thơ Tây Tiến