Nội dung chính bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

11 lượt xem

Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học " Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra"

Bài làm:


Nội dung bài gồm:

Back to top

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Trần Nhân Tông (1258-1308) là con trưởng của vua Trần Thái Tông. là một ông vua yêu nước, giỏi việc cầm quân song cũng không kém phần tài hoa, lịch lãm. Khi làm vua, ông không quản nguy hiểm, trực tiếp cùng Thái thượng hoàng xông ra trận tiền chỉ huy quân sĩ chiến đấu, đánh tan đạo quân Nguyên Mông mạnh và hung hăng khét tiếng lúc bấy giờ.
  • Tác phẩm:
    • Hoàn cảnh sáng tác: bài thơ được viết khi nhà thơ có dịp về thăm quê cũ ở Thiên Trường.
    • Thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt luật Đường
    • Nội dung chính: Bài thơ là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu. Ở đây vẫn ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp với cảnh thiên nhiên một cách nên thơ, chứng tỏ tác giả là con người tuy có địa vị tối cao nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã.

2. Phân tích bài thơ

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lí ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền.

Dịch thơ:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

a. Hai câu thơ đầu:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

  • Cảnh buổi chiều, người ngắm cảnh là 1 vị vua (thế kỉ XIII) khi về thăm quê, tựa lan can lâu đài phủ Thiên Trường mà nhìn gần, trông xa làng mạc đang mờ dần trong làn sương bạc:
    • Thời gian: buổi chiều tà, sắp về tối
    • Không gian: trước xóm sau thôn – khung cảnh làng quê Việt Nam
    • Nửa có nửa không -> Bóng chiều phủ mờ khói nhạt càng nên mơ màng, mênh mang yên ả. Cảnh thoáng, nhẹ làm tâm hồn con người lâng lâng mơ mộng. Ngoại cảnh và tâm cảnh hoà hợp tự nhiên. Con người như hướng cả tâm linh của mình về thiên nhiên thuần phác, vĩnh hằng.

b. Hai câu thơ cuối:

Mục đồng địch lí ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền.

Tả hai cảnh quen thuộc khi chiều xuống của làng quê Việt Nam.

  • Âm thanh: Tiếng sáo của trẻ chăn trâu dẫn trâu về hết chỉ còn văng vẳng đâu đây-> Réo rắt, hồn nhiên…
  • Màu sắc: Cánh đồng vắng hoe từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng lúa.

=> Cảnh sắc đồng quê yên ấm, bình dị, thân thuộc, đáng yêu.

⇒ Giữa khung cảnh làng quê ấy, tác giả như chìm đắm vào cảnh vật, non sông mình, tác giả mở rộng tấm lòng đón nhận vẻ đẹp bình dị, yên bình của cuộc sống

Back to top

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Tìm hiểu chi tiết nội dung bài thơ

Nội dung chính: Bài thơ được vua Trần Nhân Tông sáng tác trong dịp về thăm lại kinh đô Thiên Trường ở Nam Định. Bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Nhan đề "Thiên Trường vãn vọng" cho chúng ta thấy được không gian, thời gian và vị trí quan sát để tác giả thả hồn mình bộc lộ những cảm xúc sâu kín từ trong tâm hồn tác giả. Không chỉ vậy nó còn thể hiện sự gắn bó, thân thuộc, cảm giác yên bình thư thái, và vẻ đẹp bao quát của quê hương tác giả, cho ta thấy một phần nội dung của tác phẩm chính là sự gắn bó tha thiết với quê hương đất nước, niềm vui niềm sung sướng khi nhìn cảnh thanh bình của đất nước.

2. Hai câu thơ đầu:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

  • Khi lựa chọn thời điểm vào lúc chiều tà sắp về tối dường như cũng là một dụng ý của tác giả bởi cảnh vật khi đã hoàng hôn trên thôn quê thì vô cùng vắng lặng hiếm có hình ảnh con người nhưng khi ấy cảnh vật lại đang chuyển giao màu sắc nên cảnh vật sẽ vô cùng phong phú khiến cho thi nhân ngỡ ngàng. Địa điểm mà tác giả nói đến ở đây chính là trước xóm nhưng lại sau thôn và cảnh tượng ấy như đang chìm dần vào làn khói mờ giăng mắc khiến cho tầm mắt thi nhân khó quan sát hơn. Đó là làn khói từ trong bếp của các ngôi nhà đang chuẩn bị cơm tối. Hình ảnh này gợi cho chúng ta cảm giác về tình cảm ấm cúng của gia đình, đó là một hình ảnh quen thuộc mà quê hương ai cũng có để rồi đi xa ai cũng nhớ cái hương vị của bếp củi đó.
  • Chi tiết :" Bán vô bán hữu" - “nửa như có, nửa như không” gợi ra khung cảnh vật buổi chiều hiện lên nửa thực, nửa ảo. Cả hai bức tranh ấy lúc ẩn lúc hiện tạo nên một quang cảnh rất nên thơ. Khói trắng mờ êm dịu bay nhẹ nhàng, khiến người ngắm cảnh cảm thấy chỗ tỏ, chỗ mờ, lúc có, lúc không. Hay chính lòng người đang lâng lâng, mơ mộng nên nhìn thấy làng xóm, khói sương êm ả, thanh bình như thế”. Phải chăng đó cũng chính là tâm trạng của con người, một tâm trạng man mác mơ hồ gợi lên một khung cảnh huyền ảo như vậy

3. Hai câu thơ cuối:

Mục đồng địch lí ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền.

Nếu như ở hai dòng thơ đầu, cảnh vật tịch mịch, tĩnh lặng không xuất hiện bất cứ chuyển động nào thì đến hai câu thơ cuối khung cảnh trở nên sinh động nhờ xuất hiện âm thanh và hoạt động của sự vật:

  • Hình ảnh: tiếng sáo của trẻ chăn trâu đang dẫn những chú trâu no mẫm về nhà
  • Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” làm cho không gian được mở ra, trở nên thoáng đãng, cao rộng, trong sạch, yên ả. Qua đó còn cho thấy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại cảm giác thân quen, gần gũi.

=> Sắc màu thôn quê buổi chiều tà: Một làn khói mỏng phớt lên xóm thôn, ánh chiều tà còn lưu luyến, cò trắng, lúa xanh. Tác giả chọn hai hình ảnh ấy làm hai hình ảnh kết bài thơ chính bởi đây là những hình ảnh đặc trưng nhất tiêu biểu nhất của quê hương mỗi người. Bức tranh cảnh vật vốn đã đẹp bởi bóng chiều man mác, mờ ảo, bởi những cánh cò trắng, có thêm hình ảnh con người, càng trở nên ấm áp tình người. Một bức tranh thật đẹp, thật có hồn, đậm đà phong vị quê hương đất nước. Dường như thi nhân đã thả hồn mình vào trong cảnh để cảnh thấm đẫm tình. Không có một tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, không có sự gắn bó máu thịt với làng quê, thì không thể viết được những câu thơ như thế.

4. Tổng kết:

  • Nội dung:
    • Bài thơ là một bức tranh quê đậm nhạt, mờ sáng, rất đẹp và tràn đầy sức sống.
    • Thể hiện một tâm hồn thanh cao, yêu đời.
    • Tình yêu thiên nhiên, yêu đồng quê xứ sở
  • Ý nghĩa: Bài thơ không chỉ thể hiện cho tài năng, sự tinh tế trong cách quan sát của nhà thơ mà còn thể hiện sự nặng tình nặng nghĩa của tác giả đối với mảnh đất quê hương.
  • Nghệ thuật:
    • Kết hợp điệp ngữ và tiểu đối sáng tạo
    • Nhịp thơ êm ái hài hòa
    • Sử dụng ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa, lối tả ít gợi nhiều của thi pháp cổ
    • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt

Back to top

Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm
Danh mục

Tài liệu hay

Toán Học

Soạn Văn

Tiếng Anh

Vật Lý

Hóa Học

Sinh Học

Lịch Sử

Địa Lý

GDCD

Khoa Học Tự Nhiên

Khoa Học Xã Hội