Soạn văn bài: Tổng kết từ vựng (luyện tập tổng hợp)

9 lượt xem

Bài học về Tổng kết từ vựng này sẽ giúp bạn luyện tập lại các kiến thức về phần từ vựng. KhoaHoc xin tóm tắt những kiến thức trọng tâm và hướng dẫn soạn văn chi tiết các câu hỏi. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. So sánh hai dị bản của câu ca dao:
- Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
- Râu tôm nấu với ruột bù
Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon.
Cho biết trong trường hợp này, “gật đầu” hay “gật gù” thể hiện thích hợp ý nghĩa cần biểu đạt. Vì sao?
Trả lời:
Trong trường hợp của bài ca dao này, từ “gật gù” phù hợp hơn với câu ca dao cũng như thích hợp hơn với ý nghĩa cần biểu đạt so với từ “gật đầu”.

  • Gật đầu: biểu hiện sự đồng ý về một vấn đề nào đó, nhưng tính biểu cảm không
  • nhiều.
  • Gật gù: gật nhẹ nhiều lần, vừa đồng ý lại vừa tán thưởng. Từ “gật gù” không chỉ thể hiện được hoạt động của con người mà còn thể hiện được thái độ của người thưởng thức, đó là sự tán thưởng, hài lòng, vừa ăn lại vừa khen ngợi.

2. Nhận xét cách hiểu nghĩa của từ
Chồng vừa ngồi xem bóng đá vừa nói:
- Đội này chỉ có một chân sút, thành ra mấy lần bỏ lỡ cơ hội ghi bàn.
Vợ nghe thấy thế liền than thở:
- Rõ khổ! Có một chân thì còn chơi bóng làm gì cơ chứ!
Trả lời:

  • Đội này chỉ có một chân sút, thành ra mấy lần bỏ lỡ cơ hội ghi bàn.

Từ “một chân sút” được sử dụng theo phương thức hoán dụ, nghĩa chuyển có nghĩa là một cầu thủ, cả đội bóng chỉ có 1 cầu thủ ghi bàn giỏi.

  • Có một chân thì còn chơi bóng làm gì cơ chứ!

Từ “chân” ở đây được hiểu theo nghĩa gốc, là người chỉ có một chân
==> Người vợ đã không hiểu ý câu nói của người chồng nên dẫn đến cách hiểu sai.
3. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
(Chính Hữu, Đồng chí)

Trong các từ “vai, miệng, chân, tay, đầu” ở đoạn thơ, từ nào dược dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển. Nghĩa nào được hình thành theo phương thức ẩn dụ, nghĩa nào được hình thành theo phương thức hoán dụ?
Trả lời:

  • Từ vai được dùng theo nghĩa chuyển, phương thức hoán dụ (vai người - vai áo).
  • Từ đầu được dùng theo nghĩa chuyển, phương thức ẩn dụ (đầu người - đầu súng).
  • Từ miệng, chân, tay được dùng theo nghĩa gốc. Miệng, chân, tay (người)

4. Vận dụng kiến thức đã học về trường từ vựng để phân tích cái hay trong cách dùng từ ở bài thơ sau:

Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro, em biết không?

Trả lời:

Đoạn thơ dùng nhiều từ cùng trường nghĩa:
Trường nghĩa màu sắc:đỏ, xanh, hồng,
Trường nghĩa liên quan đến sự cháy: lửa cháy, tro
Các từ trên để diễn tả sự tương tác của sắc màu và đó cũng là các yếu tố có mặt của sự cháy.
Tác giả sử dụng những từ ngữ cùng trường nghĩa để miêu tả vẻ đẹp rực rỡ, cuốn hút làm chàng trai phải ngất ngây, say đắm. Mỗi bước em đi làm cho cây cũng biến sắc, bao người phải ngước mắt nhìn theo. Qua cách miêu tả đó để diễn tả tình yêu nồng cháy, mãnh liệt của chàng trai dành cho cô gái.
5. Đọc đoạn trích “Đất rừng Phương Nam” và trả lời câu hỏi
Ở đây, người ta gọi tên đất, tên sông không phải bằng những danh từ mĩ lệ, mà cứ theo đặc điểm riêng của nó mà gọi thành tên. Chẳng hạn như gọi rạch Mái Giầm, vì hai bên bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm cọng tròn xốp nhẹ, trên chỉ xoà ra độc một cái lá xanh hình chiếc bơi chèo nhỏ; gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên; gọi kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây (ba khía là một loại còng biển lai cua, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trọn tỏi ớt ăn rất ngon).
- Các sự vật và hiện tượng trên được đặt tên theo cách nào?
- Hãy tìm năm ví dụ về những sự vật, hiện tượng được gọi tên theo cách dựa vào đặc điểm riêng của chúng?
Trả lời:
Các sự vật và hiện tượng được đặt tên trong đoạn trích như: rạch Mái Giầm, kênh Bọ Mắt, kênh Ba Khía. Là từ có sẵn (rạch, kênh) kết hợp với đặc điểm riêng biệt của sự vật, hiện tượng (Mái Giầm, Ba Khía, Bọ Mắt).

  • Rạch Mái Giầm vì hai bên bờ mọc toàn cây Mái Giầm.
  • Kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập biết cơ man nào là Bọ Mắt.
  • Kênh Ba Khía vì hai bên bờ có nhiều con Ba Khía.

Một số sự vật, hiện tượng được gọi tên theo cách dựa vào đặc điểm riêng của chúng như:

  • Hồ Gươm vì liên quan đến sự tích trả gươm báu của vua Lê Lợi cho rùa vàng
  • Hòn Trống Mái: Hòn đá có hình dạng giống với một con trống và một con mái.
  • Chùa Một Cột vì chỉ có một cột ở giữa làm trụ.
  • Dưa bở vì khi chín dưa bở tơi, khác với các loại dưa khác.
  • Dưa vàng vì có vỏ dưa và ruột đều vàng.

6. Truyện cười sau phê phán điều gì?
Một ông sính chữ bất chợt lên cơn đau ruột thừa. Bà vợ hốt hoảng bảo con:
- Mau đi gọi bác sĩ ngay! Trong cơn đau quằn quại, ông ta vẫn gượng dậy nói với theo: Đừng... đừng gọi bác sĩ, gọi cho bố đốc tờ!

(Theo Truyện cười dân gian)

Trả lời: Đốc tờ (doctor) và bác sĩ là một, nhưng vì ông chồng là người sính chữ nên trong cơn hoạn nạn vẫn muốn thể hiện mình là người hiểu biết rộng. Truyện cười phê phán sự thiếu hiểu biết cũng như thói học đòi của ông chồng, bởi bác sĩ hay đốc tờ thì đều chỉ người thầy thuốc, có thể chữa khỏi bệnh đau ruột thừa của ông ta.


Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm
Danh mục

Tài liệu hay

Toán Học

Soạn Văn

Tiếng Anh

Vật Lý

Hóa Học

Sinh Học

Lịch Sử

Địa Lý

GDCD

Khoa Học Tự Nhiên

Khoa Học Xã Hội