Văn mẫu 10 bài viết số 2 đề 4: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất
Bài viết tập làm văn số 2 - ngữ văn lớp 10 đề 4: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò... - Người mẹ
- Bài mẫu 2: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò... - Ông nội
- Bài mẫu 3: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò... - Người mẹ
- Bài mẫu 4: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò... - Bạn Mai
- Bài mẫu 5: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò - Người bố
- Bài mẫu 6: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò - Thầy cô
Bài mẫu 1: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò... - Người mẹ
Bài làm
Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng đều có người để yêu thương và quý mến nhưng đã có ai từng nghĩ: “Ai là người mình yêu nhất và ai là người để lại cho mình những kỉ niệm không thế phai mờ?”. Đối với mọi người có thể người ấy là bạn thân, ông bà hay anh, chị, em nhưng riêng đối với tôi, người mà tôi luôn yêu mến và mãi sẽ yêu là Mẹ - người đã trao cho tôi cuộc sống.
Mẹ tôi năm nay đã gần bốn mươi tuổi. Mọi người vẫn khen mẹ tôi trẻ và xinh nhưng đôi khi tôi gần mẹ, tâm sự với mẹ, tôi thấy mẹ như đã già đi nhiều. Đôi mắt mẹ ánh lên vẻ ấm áp, trìu mến, giờ đây đã xuất hiện nhĩíng vết chân chim. Vầng trán mẹ đã có nhiều nếp nhăn. Nổi bật nhất trên khuôn mặt mẹ là chiêc mũi cao dọc dừa và đôi môi đỏ. Tôi vẫn còn nhớ như in những nụ hôn ấm áp mẹ trao cho khi tôi còn bé. Làn da mẹ mềm mại, trắng hồng nhưng đã điểm những nốt tàn nhang của tuổi bốn mươi. Trước đây, khi tôi còn nhỏ, mẹ có mái tóc dài, mượt mà, mái tóc đen của mẹ như một đoạn của dải của Ngân Hà, đen mượt và óng ả. Khi tôi học lớp Năm, mẹ tôi đã thay đổi kiểu tóc, mẹ đã cắt mái tóc dài và thay vào đó là mái tóc xoăn. Mái tóc ngắn, xoăn, màu nâu đỏ thả bồng bềnh trên vai có lẽ hợp với khuôn mặt trái xoan của mẹ hơn, nhưng tôi vẫn thích mẹ để tóc dài như trước.
Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đi học. Tối hôm đó, sau bữa tối, mẹ đã mang vào phòng tôi một bọc quà rất to. Tôi cứ nghĩ là được mẹ mua cho đồ chơi hay là một bộ lego mà tôi hằng mong muốn. Tôi háo hức mở bọc quà, thì ra đó toàn là sách, vở, đồ dùng học tập và có cả một chiếc cặp sách in hình siêu nhân mà tôi rất thích. Bộ đồng phục đã được mẹ là phẳng phiu. Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi rất thích thú đợi đến ngày mai — ngày đầu tiên tôi gấp thành nêp và được xếp lại ngay ngắn bước vào lớp Một. Sáng hôm sau, mẹ âu yếm dắt tôi đến trường. Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp và lo sợ lúc đó, tôi không biết mình sẽ làm gì và mình sẽ như thế nào khi không có mẹ ở bên. Rời tay mẹ, tôi bước vào cổng trường, tôi thấy mình thật bơ vơ và lạc lõng. “Cố lên con, rồi con sẽ quen với cô giáo và các bạn, đừng lo!”. Đi được mấy bước tôi vẫn nghe thấy tiếng mẹ ở đằng sau. Tôi vội quay lại ôm mẹ rồi khóc thật to.
Mẹ ôm tôi vào lòng âu yếm: “Con lớn rồi mà, từ hôm nay con đã là học sinh lớp Một rồi. Hãy tự tin lên nào!”. Tôi nghe lời mẹ, vào lớp học. Ngày hôm đó đối với tôi thật dài, tôi rất nhớ mẹ, chưa bao giờ tôi lại thấy yêu mẹ và cần mẹ hơn lúc này.
Đã tám năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đi học nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh thân thương của mẹ và những cảm xúc của mình trong cái ngày đáng nhớ ấy. Mẹ đã giúp tôi tự tin, vững vàng bước những bước đi đầu tiên trên con đường tri thức.
Đã có lần, tôi vô lễ với mẹ và tôi nhớ mãi để không bao giờ tái phạm nữa. Tôi còn nhớ như in, đó là một ngày mưa, khi tôi còn là một cậu học sinh lớp Sáu. Tôi đi học về với một vẻ mặt buồn bã. Mẹ rất quan tâm, mẹ hỏi han rất nhiều. Nhưng vi quá bực bội nên tôi đã gắt lên với mẹ: “Con ghét mẹ lắm, mẹ đừng nói nữa!”. Nói rồi tôi bật khóc và chạy lên phòng, đóng sập cửa lại. Tôi khóc rất to, mắt đã đỏ hoe. Chỉ vì thằng bạn thân hiểu nhầm tôi mà chúng tôi cãi nhau to. Cả ngày hôm nay, tôi không có tâm trí nào mà tập trung vào việc học được nữa và hậu quả là tôi đã không làm được bài kiểm tra môn Toán. Nghĩ đến những việc đó, đầu óc tôi lại như phát điên. Tôi nằm bẹp suốt một giờ đồng hồ. Cảm giác cô đơn và lạnh lẽo khiến tôi tỉnh táo hẳn. Tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến câu mình vừa nói với mẹ. Trời ơi, tôi đã mắc phải một sai lầm lớn! Tại sao mình lại có thể nói vô lễ với người luôn yêu thương, chăm sóc mình được chứ? Tôi ân hận lắm! Chỉ vì bị bạn hiểu lầm mà tôi đã trút giận lên mẹ. Tôi bật dậy, định chạy ra ngoài xin lỗi mẹ thì mẹ tôi đã mở cửa phòng bước vào. Như đoán được suy nghĩ của tôi, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và ngồi xuống bên tôi. “Mẹ ơi, con xin lỗi, con sai rồi!”. Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi rồi nói thật nhẹ nhàng: “Mẹ cũng có lỗi vì đã không thông cảm và hỏi han con”. Tôi rất ân hận vì đã làm mẹ — người tôi luôn yêu thương bấy lâu nay, phải buồn. Chính những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ âu yếm của mẹ làm tôi thêm day dứt vì lỗi lầm của mình hơn. Tôi đã kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Mẹ đã an ủi và động viên khiến tôi phấn chấn hơn nhiều. Từ lần đó, tôi luôn tự hứa phải suy nghĩ kĩ trước khi nói và không được làm mẹ buồn nữa.
Có những lần tôi bị ốm, mẹ đã chăm sóc tôi tận tình và dành cho tôi tình yêu thương nồng ấm để tôi mau khỏi bệnh. Những đêm tôi ôn thi, mẹ đã thức cùng tôi, ở bên động viên và giúp tôi học.
Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai đây nếu mẹ có mất đi thì trong tôi, mẹ luôn sống và theo tôi suốt cuộc đời.
Bài mẫu 2: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò... - Ông nội
Bài làm
Mỗi khi về thăm quê tôi lại ra khu vườn của ông nội, lại ngắm cảnh vật và nhớ về ông, người ông mà tôi vô cùng yêu quý và kính trọng. Ông đã ra đi mãi mãi, không còn bên tôi để dõi theo cuộc đời tôi nữa, nhưng hình ảnh của ông thì mãi mãi trong tâm trí tôi.
Khi còn sống ông là một người rất cao lớn, bàn tay to bè, làn da ngăm đen, sần sùi thô ráp, khuôn mặt ông rất nhân từ phúc hậu, luôn nở nụ cười trước niềm vui của con cháu. Ông rất yêu cây nên rất thích trồng cây, cứ hở ra chỗ nào là ông lại trồng cây vào chỗ đó. Vì vậy vườn của ông có rất nhiều cây, cả cây cảnh và cây ăn quả.
Hàng ngày, sau khi đã làm xong việc vặt trong nhà giúp con cháu, ông thường ra vườn cây để chăm sóc, ngắm nghĩa từng cây. Ông bảo, nếu lắng tai ông có thể nghe được tiếng xì xẩm nói chuyện của cây. Ông tôi hay bịt mắt tôi giữa vườn cây, ông dạy tôi cách lắng nghe: Tiếng chim hót, tiếng ve, tiếng dế, tiếng là cây xào xạo khua lên những bản nhạc yên bình thôn dã. Với lòng yêu thiên nhiên mà ông đã truyền cảm hứng, tôi cảm nhận được cái mát lành của gió mơn man, cái ran rát của nắng hè trên da, mùi đất, mùi nồng nồng của những con mưa hè vội vã… Ông tôi gọi cái giây phút tĩnh lặng đứng giữa vườn cây đó là “cảm nhận sự sống”.
Tuổi già đã đến với ông sau bao khó khăn vất vả của cuộc đời, dường như ông đã có linh cảm không tốt về điều gì đó đến với mình. Một chiều, ông dần tôi ra vườn. Ông chỉ những chiếc là vàng bay bay lìa khỏ cảnh, nói “Đó là ông.” Ông chỉ những chiếc lá xanh non mỡ mang vẫn con trên cây “Đó là cháu”. Tôi hỏi tại sao. Ông đã giải thích cho tôi quy luật của sự sinh tồn, con người cũng như cây là, khi lá đã già, người đã già sẽ rời khỏi cây, giống như con người rời khỏi cuộc đời, nhường chỗ cho con cháu. Khi đó tôi cũng chưa hiểu hết được những ý nghĩa qua lời nói của ông, mà chỉ mơ hồ, một nét buồn hiện lên trên đôi mắt của ông.
Tôi lớn dần trong tình yêu thương và dạy bảo của ông, nhưng tôi không được sống cùng ông vì cha mẹ phải chuyển công tác lên thành phố. Tôi cũng bắt kịp với những phồn hoa nơi phố thị, quen với cuộc sống tập nập và dường như có lúc tôi đã quên ông.
Tôi lớn lên, học hành cũng nhiều, ít có thời gian về thăm ông hơn. Mỗi khi về thăm ông, tôi nhận thấy sự già đi trên khuôn mặt ông, nhưng tôi không có nhiều thời gian để chăm sóc ông. Tôi thấy thương ông nhưng vì hoàn cảnh tôi phải tạm biệt ông. Thấy sức khỏe ông giảm sút, tôi nhắc nhở ông hãy giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe ông đã thay đổi nhưng ông vẫn chăm sóc vườn cây, vẫn ngày đêm lấy cây làm người bạn.
Rồi ông ngã bệnh, tôi chạy về thăm ông, ông nằm đó, ánh mắt vẫn nhìn tôi trìu mến, tình thương ông dành cho tôi vẫn luôn đầy ắp. Ông đã giống chiếc là lìa cảnh, rời xa tôi mãi mãi. Tôi hiểu được tâm nguyện của ông, đã đề nghị giữ khu vườn làm kỉ niệm và thay ông chăm sóc nó. Khu vườn là tình cảm mà ông đã dành cho đời cho con cháu, là hiện thân của ông. Khi tôi không còn ông nữa, nhưng còn khu vườn, vì vậy mỗi khi về thăm quê, tôi lại được gặp ông tại khu vườn này.
Bài mẫu 3: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò... - Người mẹ
Bài làm
Mãi cho đến bây giờ, tôi mới thật sự hiểu một điều giản dị. Những bí ẩn của cuộc sống bắt đầu từ tình cảm. Trong kí ức của tôi, mẹ luôn là một người tuyệt vời nhất. Mẹ đã mang cho tôi nhiều niềm tin trong cuộc sống này. Có khi cuộc sống không là gì cả, nhưng một khoảnh khắc lại là tất cả! Và những khoảnh khắc ấy là những mảnh ghép cho cuộc sống, dần dần chúng hiện lên theo năm tháng, tạo nên một bức tranh giữa tôi và mẹ. Bức tranh to hơn, rộng hơn mà khi càng không lớn, con người ta ai cũng muốn vẽ lên những gam màu tươi sáng nhất.
“Lần đầu tiên, khi còn rất nhỏ, con đã háo hức trèo lên bậc tam cấp khá cao một mình và bị ngã. Con ngồi khóc mãi, ấm ức mong có ai đến nâng con dậy, dỗ dành và dắt con đi tiếp...”
Mẹ kể vậy đầy âu yếm nhìn tôi!
Tôi không nhớ rõ chuyện mẹ kể là có thật hay không? Nhưng chắc đại loại là có thật. Nhưng tôi không còn như vậy nữa, tôi lớn hơn và đã hiểu chuyện hơn. Đó là một trong những kí ức tuổi thơ mà tôi biết thông qua mẹ. Tôi và mẹ suốt ngày ở bên nhau như hình với bóng khi còn nhỏ. Nhưng bây giờ, vì nhiều lý do nên tôi không còn gần mẹ như trước. Tôi cũng không để ý rằng tóc mẹ đã bạc hay chưa? Hay mặt mẹ có nhiều nếp nhăn hơn trước không? Nhưng tôi vẫn yêu mẹ, yêu như tôi yêu bản thân mình. Và tôi tin, mẹ cũng giống hàng triệu người mẹ trên thế giới này cũng yêu tôi. Có khi còn hơn bản thân mình ấy chứ!
Khi tôi còn nhỏ, một hôm sau khi đi học về, một đứa bạn rủ tôi đi tắm sông. Tôi do dự, ngần ngại rồi cũng theo chúng bạn đi. Tôi tưởng về nhà sẽ bị một trận đòn tả tơi khi mẹ biết. Nhưng mẹ chỉ hỏi tôi có phải con vừa đi tắm sông về không? Tôi ngạc nhiên, vì sao mẹ lại biết và không hề la mắng tôi???. Rồi mẹ ôn tồn kể cho tôi nghe về chuyện “chiếc gương thần”. Mẹ nói có một bà tiên cho mẹ chiếc gương, có thể thấy việc làm của tất cả người thân mình. Từ đó, tôi không còn đi đâu chơi mà không xin phép mẹ cả hoặc là cũng chỉ quanh quẩn gần nhà. Và dù có đi xa thì tôi vẫn luôn ngó về phía sau, vì tôi tin, mẹ luôn dõi theo tôi ở đâu đó.
Nhưng chắc hẳn bạn đã hiểu, chẳng có cái gương thần nào hết. Chỉ là một ý nghĩ của người lớn để dọa trẻ con mà thôi. Cũng chỉ là niềm tin được xây dựng trên một tình cảm thiêng liêng mà mẹ đã tặng cho tôi. Nhờ vậy mà tôi có trách nhiệm với bản thân hơn.
Lên mười một tuổi, tôi vẫn gầy và ẻo lả như một cọng cỏ mảnh. Khi bảo tôi nhảy qua một cái xà bắt trên hai thanh sắt kia, thầy giáo thể dục gửi theo tôi ánh mắt ái ngại. Kết quả buổi tập thử hôm ấy, tôi không nhảy qua mức xà quy định.
Khi thấy tôi gần như bỏ cơm tối vì buồn, mẹ lại kể về những bậc tam cấp và cô bé là tôi ngày nhỏ, còn tôi thì nhớ lại cảnh mình bị té. Nhưng lúc đó tôi đã mười một tuổi, tôi không muốn ai phải nâng tôi đứng lên nữa cả. Tôi phải tự đi trên chính đôi chân của bản thân mình.
Lần kiểm tra môn thể dục nhảy xà sau đó hai tuần, tôi đạt điểm cao nhất - so với thành tích của bản thân tôi. Đích đến của tôi không còn là mức xà kia, mà là chính bản thân tôi. Tôi phải vượt qua tất cả để đến đích. Vậy là mười một tuổi, tôi đã hiểu thế nào là đích muốn và sự quyết tâm.
Năm học lớp 9, tôi được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi của trường. Tôi mừng không kể xiết, tôi về báo với mẹ, mẹ cũng mừng không kém. Từ đó, tôi lao mình vào học như chưa bao giờ học. Tôi học không kể ngày đêm. Có hôm đến lớp hai mắt tôi mở không ra. Những đêm đông trời lạnh buốt. Khi cả nhà đã ngủ say thì mẹ vẫn còn ngồi ở đó. Mẹ sẽ không biết tôi không học gì đâu. Nhưng tôi biết rằng, mẹ sẽ vẫn bên tôi, dõi theo tôi trên bước đường đời. Rồi ngày đi thi cũng cận kề, tôi hồi hộp đến mức không ngủ được. Mẹ lại đến bên tôi, kể tôi nghe những chuyện ngày xưa. Hai mắt tôi lim dim rồi ngủ thiếp dưới vòng tay ấm áp của mẹ.
Và rồi kết quả không như tôi mong đợi, tôi không đoạt được giải thưởng nào cả. Chỉ vì một sự lơ là mà bỏ qua cả một quá trình học tập. Dường như cả thế giới đang sụp đổ xung quanh tôi. Và suốt ngày, tôi chỉ vùi đầu vào gối mà khóc. Để nghĩ tại sao mình lại thất bại như thế này. Nhưng rồi mẹ cũng lại đến bên tôi, động viên, an ủi tôi, cho tôi hơi ấm. Tình thương cũng là một chỗ dựa để tôi có thể vững bước sâu hơn nữa trên đường đời. Một khoảnh khắc sâu trong tim rằng cả cuộc đời đâu chỉ là niềm vui...
Khi phải chuyển trường từ cấp hai lên cấp ba. Gia đình tôi lo lắng cho tôi rất nhiều. Mẹ lo cho tôi, cuộc sống ở nơi thành thị, rời xa vòng tay của mẹ. Liệu con có làm được không? Mẹ yên tâm, con sẽ làm được, chim non sẽ cất cao đôi cánh bay khỏi tổ và đi đến những miền đất mới, phải không mẹ? Cho đến bây giờ, tôi không bao giờ ngồi đếm những thất bại của bản thân (vì nó quá nhiều), mà chỉ ngồi nhớ lại lời mẹ dạy cho tôi – những bài học không thể so đo với triết lý thâm sâu của các nhà khoa học. Bởi vì đó là bài học làm người. Một bài học chỉ có thể xuất phát từ trái tim của người mẹ.
Mẹ là một người biết khơi gợi như lúc nào đây. Cảm ơn mẹ...Con sẽ bắt đầu lại bằng một trái tim đầy tự tin. Để rồi một ngày nào đó, con sẽ trở thành mẹ. Con sẽ kể cho con của con nghe câu chuyện về mẹ - người mẹ tuyệt vời nhất của con!
Bài mẫu 4: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò... - Bạn Mai
Bài làm
Tôi bước trên con đường quen thuộc. Trời hôm nay thật là đẹp. Trời xanh ngắt không một gợn mây. Ánh nắng vàng rải nhẹ xuống đường khiến tôi nhớ đến Mai biết bao nhiêu.
Người bạn đó không học cùng trường, cũng không học cùng lớp, mà tôi quen trong một trường hợp đặc biệt.
Cứ vào mỗi buổi chiều đi học về, tôi lại thấy một cô bé ăn mặc rách rưới đi bán bỏng ngô. Một hôm trời mưa to nhưng cô bé kia vẫn đi bán bỏng. Thấy cô bé bán bỏng quần áo ướt sũng, tôi liền đi sát lại, kéo áo mưa của mình che cho bạn. Hôm ấy, vừa đi tôi vừa hỏi:
– Bạn tên là gì? Tại sao ngày nào bạn cũng đi bán bỏng vậy?
Cô bé trả lời:
– Mình tên là Mai. Vì nhà mình nghèo quá nên mình phải đi bán bỏng để mua quần áo và đồ dùng học tập.
Thực ra nhà tôi cũng chẳng hơn gì nhà Mai. Bỗng, tôi chợt nhớ ra chiếc áo mà ông nội đã tặng mình năm ngoái. Không tần ngần gì nữa, tôi liền đem ngay ý kiến đó trao đổi với Mai, nhưng Mai lại nói:
– Cảm ơn bạn, nhưng mình muốn tự lao động để kiếm tiền mua các thứ.
Cũng kể từ ngày hôm đo, tôi không còn thấy Mai đi bán bỏng nữa. Rồi bất chợt một hôm, tôi gặp lại Mai trong một kì thi học sinh giỏi. Tôi và Mai mừng rỡ ôm chầm lấy nhau, rồi hai đứa chạy ù vào trong phòng chuẩn bị thi. Tôi ngồi ngay dưới bàn của Mai. Sau một hồi, sáu tiếng trống vang lên báo hiệu bắt đầu giờ thi. Phần đầu bài thi thì tôi làm được rồi nhưng đến một bài toán khó thì tôi suy nghĩ mãi không ra. Tôi nhìn lên trên thấy Mai viết lia lịa trên tờ giấy thi. Trán tôi lấm tầm mò hôi. Bỗng từ đâu một cục giấy vo tròn được ném thẳng tới trước mặt tôi. Tôi thấy Mai nháy mắt một cái như báo hiệu. Tôi hiểu ý Mai, định nhặt lên xem nhưng tôi lại nhớ có lần Mai đã nói:
– Cảm ơn bạn, nhưng mình muốn tự lao động để mua mọi thứ.
Vậy là tôi không giở ra xem nữa mà cố gắng đọc thật kĩ đề bài để tìm ra đáp án, và cuối cùng,tôi cũng tìm ra đáp án. Tôi liền viết một mạch. Vừa lúc hết giờ cũng là lúc tôi hoàn thành xong tất cả bài thi. Ra về, Mai tiến lại gần tôi, nói:
– Lúc nãy mình thấy bạn lúng túng nên mình muốn giúp bạn, bây giờ mình thấy thật sự ân hận.Tốt hơn hết là chúng mình hãy tự đi và lao động bằng đôi chân và trí óc của mình.
Tôi và Mai sánh bước bên nhau.Trời như trong và xanh hơn.
Bài mẫu 5: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò - Người bố
Bài làm
Ba gọi điện chiều nay sẽ trở về sau chuyến công tác dài ngày, mẹ nhoẻn cười hiền lành, không giấu nổi cái khấp khởi của người phụ nữ đã hai con, xa chồng lâu ngày.
Cúp điện thoại là mẹ vội vàng gõ cửa phòng ồ ạt thông báo liền cho hai thằng nhỏ đang “chiến game” ở trong. Nói rồi, mẹ hào hứng cầm rổ ra sau vườn ngắt vài ngọn khoai cho vào tủ lạnh trước khi xách giỏ đi chợ.
Dù có chuẩn bị bữa tối tinh tươm đến đâu thì rau lang luộc vẫn không thể vắng mặt trong những dịp như thế này - món ăn kỉ niệm của cả nhà mình. Nhìn đĩa rau xanh hãy còn bốc khói trên bàn, nhớ quá đi thôi một thời xa lắc chính nó là món ăn cứu tinh cho cái gia đình bé nhỏ qua một thời đói khát, lo cho ba đi học tiếp, cũng chính những ngọn khoai ấy đưa chúng con vào giảng đường.
Khoảng đất trống ở góc vườn, mẹ thả mấy dây khoai lang hòng lấy ngọn cải thiện bữa ăn. Hết rau lang luộc chấm ruốc rồi lại ngọn lang xào tỏi, cứ đều đều ăn riết thành quen, đâm nghiện lúc nào không hay.
Mùi nhựa rau hăng hắc khi cho bắc chảo xào, rồi cái mùi ê ê của nước rau cho thêm tí mì chính, tí đường cũng thành món canh húp nước ngon lành. Nhìn dây khoai tốt ngọn óng mượt bò tràn lan trên mặt đất, ai cũng bảo “chắc lắm củ đấy”. Vậy mà, đến ngọn còn không đủ làm thức ăn cho cả nhà lấy đâu mà ra củ. Nhiều bữa thấy mẹ phải ngắt luôn cả hàng lá ở gần sát ngọn, rồi sợ lá già sẽ đắng và cứng, mẹ cho vào nước luộc trước khi đem xào dầu.
Dạo ấy, ba đi học tiếp trên thị xã, mẹ phải tăng ca làm thêm tất bật mới đủ sức nuôi “ba đứa học trò trong nhà”. Cứ mỗi chiều thứ Bảy ba lại đạp xe về. Ba cha con tự nhiên đến nỗi tự biết xách rổ ra sau vườn hái ngọn lang vào luộc làm bữa chính bởi cả cha cả con thừa hiểu nếu có về mẹ cũng chỉ đủ tiền mua mớ tép con con cho có cái gọi là tanh tanh một chút. Ấy vậy mà đấy được coi là bữa ăn xa xỉ nhất trong tuần.
Cơm chiều dọn ra, mẹ ân cần xúc bỏ vào chén ba, chén tụi nhỏ mấy con tép vàng vàng, còn ngọn rau luộc xanh xanh mẹ cẩn thận chấm nước cho vào chén mình, tươi cười mẹ ngồi lặng lẽ nhìn ba bố con ăn ngon lành. Cái vị bùi bùi, giòn giòn lại ê ê, vậy đó mà cả nhà vét đến hạt cơm cuối cùng, thấy thế là sướng rơn và vui vẻ không gì bằng.
Cuộc sống tằn tiện chắt chiu, song vẫn không thể bền bỉ như thế được lâu. Ba tự túc xin đi học thêm lên, kinh phí tự bỏ ra, tụi con lớn lên sách vở cũng phải tăng trang, mỗi bữa cơm dọn ra càng tố cáo nỗi eo hẹp của cái gia đình bé nhỏ ấy.
Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo từng đợt học phí, chỉ có mỗi đám dây khoai ở góc vườn là không ngừng được nới rộng đất trồng. Thực đơn của mẹ cũng vì thế mà thêm phần sáng tạo: Ngọn lang xào tỏi, rau luộc chấm ruốc, canh rau lang nấu dầu... Hiếm có bữa nào, mâm cơm lại thiếu đi màu xanh quen thuộc.
Thời gian tím sắc trôi theo từng đợt hoa lang nở rộ, bung cánh tím biếc cả một góc sân rộng. Nhà mình bây giờ khá hơn nhiều, cuộc sóng đã theo kịp nhịp của một gia đình phố thị. Bữa cơm không còn theo chủ nghĩa “độc tôn một món”, nhất rau xanh như trước đây nữa!
Chúng con mỗi đứa có được một phòng riêng, cũng chẳng còn cảnh cả nhà ba người đàn ông và một người khác giới phải trải chiếu dưới nền nhà ẩm mốc lăn đùng ra ngủ sau một ngày thở dốc. Song, dù có tiện nghi đến mấy, mỗi thành viên vẫn không khỏi thấy nhớ và thương đến đắng lòng từng đám ngọn lang xanh rì bò dọc ngang trong vườn nhà.
Ba trở về, mẹ khấp khởi mừng thầm. Chiều nay, cả nhà mình lại chung mâm cơm có món rau quen thuộc và có cả kí ức đầm ấm một thời bên nhau.
Vòng tay qua ôm trọn lấy vòng eo vốn đã không còn thon thả nhưng vẫn còn đủ sức cho cái mặn mà một thời đắm say của mẹ, bên bữa cơm chiều, giọng ba thỏ thẻ:
Anh đi anh nhớ vợ anh
Hết rau lang luộc, lại đem xào dầu...
Thương lắm từng đọt ngọn lang ơi...!
Bài mẫu 6: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò - Thầy cô
Bài làm
Trong đời mỗi người, ai ai cũng mong muốn tìm cho mình một điểm tựa. Đó là gia đình, cha mẹ. Tuy nhiên những ai đã bước qua tuổi học trò “nhất quỷ nhì ma” với những kỉ niệm vô cùng đáng nhớ: là sân trường, hàng ghế đá, bục giảng … thầy cô và bè bạn. Nơi ấy có một điểm tựa thật bình yên, nơi ấy những con thuyền đã cập bến rồi đi. Nhưng thầy cô – những người lái đò vẫn miệt mài theo năm tháng, trở đầy tình thương và tri thức cho cuộc đời.
Đúng vậy, tôi đã đi trên rất nhiều con thuyền để đến bến đỗ cuối cùng. Và tôi cũng đã được đi trên con thuyền trở đầy tình iêu và học vấn của thầy Tuấn – thầy giáo dạy văn của tôi.
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên thầy bước vào lớp tôi. Cả lớp đang ngồi im lặng học bài thì Hoàng reo ầm lên:
- Các bạn ơi, lớp mình có thành viên mới này!
Cả lớp ngước lên ồ ồ như chợ vỡ. Tôi mạnh dạn đứng lên kéo “bạn mới” vào ngồi chỗ trống bên cạnh tôi. Cả lớp xúm lại hỏi han ầm ĩ. “Bạn mới” bắt đầu giới thiệu về bạn thân mình. Cho đến khi giới thiệu đến tuổi và nghề nghiệp thì cả lớp tôi ú ớ, mặt đứa nào đứa nấy ngơ ngác như nai. Thầy rời chỗ bước lên bục giảng:
- Thầy là thầy Tuấn. Từ hôm nay thầy sẽ là thầy giáo dạy văn của lớp này.
Thầy khẽ cười một cái. Tôi ngỡ ngàng bởi vẻ ngoài khá trẻ con của thầy. Thầy là thầy giáo mới chăng? Trường tôi đâu có thầy giáo trẻ thế này. Tiết học hôm ấy, thầy chưa dạy bài cho bọn tôi mà nói về những quy định trong học tập của thầy. Tôi nhớ, mấy đứa trong nhóm “Ngũ quỷ” của tôi hồi ấy rất bướng và nghịch ngợm. Vì thấy thầy trẻ con nên bọn tôi nghĩ cách chọc thầy. Tiết học sau của thầy Tuấn, tôi và đám bạn kiếm vỏ chuối rải đầy bục giảng chọc tức thầy. Vừa bước vào lớp thấy cảnh tượng ấy, đôi mắt thầy mở to, trán nhăn lại. Thầy quay lại nhìn chúng tôi. Bọn tôi vui sướng khi thấy vẻ mặt của thầy, tôi biết chắc là thầy sẽ mắng. Nhưng vui lắm đây khi thầy mắng mà vẫn cứ tức giận vì không biết rõ ai làm trò này. Nhưng không, chẳng có tiếng quát mắng nào cả. Thầy từ từ tránh những vỏ chuối rồi đi xuống cuối lớp. Tôi sững người, thầy cầm cây chổi bước lên bục giảng quét dọn hết những thứ rác rưởi ô uế kia đi. Rồi thầy bắt đầu bài giảng một cách say sưa.
Càng thấy như vậy, bọn tôi càng muốn bày trò chọc phá để thầy phải chuyển lớp. Hôm thì đổ đầy nước lên ghế thầy ngồi, hôm nháy máy thầy trong giờ học, hôm lại ném máy bay giấy khi thầy quay đi,… Không biết hồi đó bọn tôi đã dùng bao nhiêu trò để chọc thầy nhưng thầy luôn xử lí bằng những cách điềm đạm nhất. Tôi đã nhầm, thầy không trẻ con mà chính bọn tôi mới là những đứa con nít. Thầy chững chạc và hiểu mọi chân lí. Bao nhiêu thầy cô giáo đã từng dạy lớp tôi đều không thể chịu đựng được những trò chọc phá ma quái của nhóm “Ngũ quỷ” nên đều xin chuyển lớp. Bọn tôi đã bị thầy “hạ gục”.
Nhóm tôi đành dừng những trò trêu đùa lại. Tôi đã thử chú tâm nghe thầy giảng một lần. Tôi bất ngờ quá! Thầy giảng bài thật hay, giọng thầy trầm và ấm lạ thường. Khuôn mặt “trẻ con” của thầy đã nghiêm nghị hẳn lên. Giờ tôi mới để ý thấy. Tự dưng tôi thấy tội thầy quá. Bất ngờ, cuối buổi học thầy gọi tôi lên. Thầy nhìn tôi trìu mến:
- Em à, cuộc đời con người là bản nhạc lúc thăng lúc trầm. Không có bản nhạc nào là chỉ có những nốt thăng đẹp đẽ, phải có những khoảng lặng sâu lắn thỳ ta mới cảm nhận đựợc cuộc sống này ý nghĩa.
Tôi nhớ mãi câu nói này của thầy và nhớ cả khuôn mặt xấu hổ của tôi lúc đấy nữa. Tôi thấy trách bản thân mình quá.
Từ hôm đó trở đi, tôi rời nhóm “Ngũ quỷ”. Lớp cũng đi vào trật tự hơn. Thầy đã làm nên lịch sử của trường tôi. Thầy nhẹ nhàng, không quá khắt khe mà khiến cho lớp tôi thay đổi. Còn những thầy cô hết sức nghiêm khắc lại đành vắt tay xin hàng.
- Cả lớp ơi, thầy Tuấn sắp phải đi rồi.
Tiếng trống vang lên làm tôi điếng người. Mới có ba tháng thôi, thầy mới ở bên bọn tôi ba tháng thôi mà. Thầy bước vào lớp, gương mặt thoáng buồn:
- Thầy xin lỗi vì thầy không thể ở bên các em thật lâu. Thầy cảm ơn vì khi dạy các em thầy đã nhận được những món quà thật tuyệt vời.
- Em xin lỗi thầy! – Tôi đứng lên rồi bật khóc ngon lành như một đứa trẻ lạc mẹ.
- Thầy sẽ quay trở lại và thầy mong chờ một em trưởng thành hơn.
Thầy khẽ mỉm cười bước đy để lại sau lưng những gương mặt buồn rầu, đôi mắt đỏ hoe. Lớp tôi ngồi lặng suốt tiết ấy.
Đúng, thầy đã nói không sai. Cuộc đời như bản nhạc, không có những khoảng lặng thì sao thấy được ý nghĩa của nó. Tôi sẽ chờ ngày thầy quay lại - để thấy một tôi mới trưởng thành hơn.
=>Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 10 bài viết số 2
Xem thêm bài viết khác
- Đề 4: Thuyết minh một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại.
- Thuyết minh tác hại của ma tuý (hoặc của rượu, thuốc lá...) đối với đời sống của con người
- Cảm nhận về nhân vật Ngô Tử Văn
- Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên (ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương, Chiếc lược ngà, Bố của Xi-mông,...)
- Thuyết minh về làng Tranh Đông Hồ ngành thủ công mỹ nghệ nổi tiếng ở Bắc Ninh
- Đề 3: Thuyết minh một tác giả, tác phẩm (Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng, Nguyễn Du và Truyện Kiều).
- Thuyết minh về một thể loại văn học mà anh chị yêu thích nhất
- Thuyết minh về ruộng bậc thang Sapa
- Văn mẫu 10 bài viết số 2 đề 2: Hãy tưởng tượng mình là Xi - Mông, kể lại chuyện Bố của Xi - Mông
- Đề 2: Thuyết minh tác hại của ma túy (hoặc của rượu, thuốc lá…) đối với đời sống con người.
- Cảm nhận 12 câu đầu bài Trao duyên
- Hãy tưởng tượng mình là Xi mông kể lại chuyện Bố của Xi mông