Đề 4: Thuyết minh một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại.

  • 1 Đánh giá

Văn mẫu 10 - bài viết số 5 đề 4: Thuyết minh một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.


Nội dung bài gồm:

Back to top

Bài mẫu 1: Thuyết minh một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại - Hội Lim (Bắc Ninh)

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu hội Lim của tỉnh Bắc Ninh

2. Thân bài:

  • Nguồn gốc: bắt nguồn từ hội chùa liên quan đến tiếng hát của chàng Trương ở làng quê vùng Lim
  • Thời gian: tổ chức thường niên mỗi năm vào ngày 13 tháng giêng âm lịch tại huyện Tiên Du.
  • Địa điểm: diễn ra ở 3 xã chủ yếu là Nội Duệ, Liên Bảo và thị trấn Lim
  • Phần lễ hội:
    • Hội Lim: rước kiệu, liền anh liền chị đứng quanh lăng hát đối với nhau.
    • Hội Quan họ: liền anh liền chị ngồi thuyền thúng giữa hồ hát đối với nhau, là cơ hội các nam thanh nữ tú tìm ý trung nhân của mình...
  • Hoạt động khác: thi nấu cơm, hát quan họ, đấu vật....
  • Tính chất hội Lim: nghiêng về lễ hôi sinh hoạt văn hóa và hát quan họ.
  • Ý nghĩa: thể hiện sự kính trọng tưởng nhớ đến ông Hiếu Trung Hầu người sáng lập ra những làn quan họ ngọt ngào

3. Kết bài:

  • Hội Lim là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Kinh Bắc
  • Duy trì và phát triển hội Lim chính là truyền thống yêu nước nhớ nguồn đáng quý của dân tộc.

Bài làm

“ Làng quan họ quê tôi

Tháng giêng múa hát hội

Những đêm trăng hát gọi

Con sông Cầu làng bao xanh

Ngang lưng làng quan họ xanh xanh”

Chỉ bằng ngần ấy câu ca thôi đã hiện lên trong ta bao nhiêu cảm xúc xốn xang về một lễ hội truyền thống được rất nhiều người dân chờ đón - Hội Lim. Nơi mà những câu ca quan họ đã ăn sâu thấm nhuần vào từng mạch máu thớ thịt của người dân Kinh Bắc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Nhắc đến vùng Kinh Bắc là nhắc đến một mảnh đất đã in đậm những dấu ấn đặc sắc của văn hóa và lịch sử dân tộc. Mỗi bước đi trên mảnh đất này, mỗi công trình kiến trúc đều in đậm dấu ấn của thời gian, của những thăng trầm mà dân tộc ta đã trải qua. Và Hội Lim chính là một dấu ấn khó phai ở đó.

Hội Lim là một lễ hội truyền thống thường được tổ chức thường niên mỗi năm vào ngày 13 tháng giêng âm lịch tại huyện Tiên Du. Đây được coi là một trong những đặc trưng văn hóa của vùng Kinh Bắc. Dù cho thời gian chuyển động không ngừng thì những giá trị đó vẫn không hề bị mai một và mất đi. Đến ngày nay Hội Lim không chỉ còn là một đặc trưng văn hóa trong vùng nữa mà nó đã vượt lên trên cả không gian trở thành một điểm dừng chân lí tưởng cho du khách buổi đầu năm.

Theo như truyền thuyết kể lại rằng lễ hội Lim được bắt nguồn từ hội chùa liên quan đến tiếng hát của chàng Trương ở làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ dựa trên chuyện tình Trương Chi - Mỵ Nương và tính chất của Hội Lim cũng nghiêng về lễ hôi sinh hoạt văn hóa và hát quan họ.

Nói về tuổi thọ thì có lẽ hội Lim có lịch sử vô cùng lâu đời và phát triển từ quy mô hội hàng tổng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp hội Lim tạm ngưng hoạt động phải đến sau đổi mới nó mới bắt đầu quay trở lại với đời sống tinh thần người dân trong vùng.

Ngoài ra, hội Lim còn có một ý nghĩa đó là thể hiện sự kính trọng tưởng nhớ đến ông Hiếu Trung Hầu người sáng lập ra những làn quan họ ngọt ngào. Hội Lim diễn ra ở 3 xã chủ yếu là Nội Duệ, Liên Bảo và thị trấn Lim. Thời gian diễn ra lễ hội thường là 3- 4 ngày trong đó ngày 13 âm lịch là lễ chính bao gồm có nhiều hoạt động nhất như thi nấu cơm, hát quan họ, đấu vật....

Hội Lim mở đầu là màn rước kiệu với rất nhiều các thành viên mặc trang phục cổ trang, sau đó các liền anh liền chị sẽ đứng quanh lăng hát đối với nhau. Hội Quan họ được xem là phần hấp dẫn nhất của lễ hội Lim các liền anh liền chị sẽ ngồi trên thuyền thúng giữa ao sau đó hát đối những câu hát ngọt ngào. Đây cũng là dịp các bạn trẻ nam thanh nữ tú tụ họp để tìm ý trung nhân cho mình.

Hội Lim đã làm say lòng biết bao nhiêu du khách thập phương. Bằng những câu hát trao duyên ngọt ngào, trữ tình, những cử chỉ dịu dàng e ấp của các liền anh liền chị.... Nó không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống mà hơn thế còn thể hiện truyền thống yêu nước nhớ nguồn đáng quý của dân tộc.

Back to top

Bài mẫu 2: Thuyết minh một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại - Chợ Viềng (Nam Định)

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu lễ hội chợ Viềng tỉnh Nam Định

2. Thân bài:

  • Thời điểm diễn ra: mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
  • Khách đến từ khắp nơi đổ về Nam định để tham gia lễ hội chợ Viềng.
  • Trước đây, chợ Viềng chỉ bán đồ cũ chủ yếu là để cầu may
  • Ngày nay, sản phẩm được đem ra mua bán chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả,...
  • Thịt bê là mặt hàng có lượng người mua bán nhộn nhịp
  • Ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả
  • Người ta tới chợ Viềng còn với tâm thức đến lễ Mẫu, xin lộc Mẫu.

3. Kết bài:

  • Lễ hội chợ Viềng là một hình thức sinh hoạt văn hóa - tâm linh đáp ứng nhu cầu tinh thần - tình cảm của đông đảo nhân dân.
  • Chính lễ hội đã tiếp thêm nguồn sức mạnh thiêng liêng để con người tiếp tục sống và lao động.

Bài làm

Cứ đến độ xuân về, du khách các nơi lại nườm nượp đổ về trẩy hội Phủ Giày (ngày mồng 8 tháng Giêng), một trong những phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong tứ bất tử ở Việt Nam. Đi hội Phủ Giầy, ghé qua hội chợ Viềng. Đó là hội chợ cũng ở xã Kim Thái, huyện Vụ bản (Nam Định) – nơi người xưa đã gọi là địa linh, nhân kiệt. Sự độc đáo của chợ Viềng là mỗi năm họp chỉ có một phiên.

Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau. Khách đến từ khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc, đông nhất vẫn là người nội tỉnh và kế đến là khách các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đổ ra.

Ngày trước, khi chưa có điện, người bán hàng thắp một ngọn đèn dầu tù mù. Những món đồ cũ được bán chủ yếu là để cầu may chứ không để thu lợi như bây giờ. Ở đây người mua hoàn toàn tin tưởng vào người bán và qua chợ Viềng, con người càng thêm gắn bó với nhau.

Chợ Viềng bây giờ đã thay đổi rất nhiều cả ý nghĩa lẫn các loại hàng hoá. Rất ít những người bán đồ cũ, đồ cổ thực sự, phần lớn là những mẹt hàng sành sứ, đồng thau giả cổ bày bán ở những chỗ càng tối càng tốt… khiến nhiều người mua nhầm hàng hỏng.

Tiếng là hội chợ nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc, đến các vật dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.

Ngoài ra còn có thứ thực phẩm được người bán kẻ mua rất tưng bừng náo nhiệt. Đó là thịt bê được thui vàng ươm nguyên cả con, bán rất nhiều dọc các ngả đường đi vào chợ. Có thể nói không ngoa rằng trên là trói, dưới là thịt bò bê. Khách mua ai thích phần nào có thể tuỳ chọn, mà giá lại rất phải chăng, hợp với túi tiền của người nhà quê.

Nhiều năm nay, người dân quanh vùng vẫn đổ đến chợ Viềng. Họ đi cả gia đình, cùng nhau ngắm nghía hay trả giá mua một món đồ sứ… mới toanh nào đó.

Quanh năm, họ sống trong một cuộc sống yên ả, nề nếp, đúng giờ giấc. Đến đêm chợ Viềng, nhịp sống của họ thay đổi hoàn toàn. Họ thức suốt đêm, đi ra khòi nhà và hòa mình vào dòng người nửa quen nửa lạ. Đối với những người dân đơn sơ như vậy, chợ Viềng của họ vẫn còn mãi. Và chính họ mới là những người khách đích thực của chợ Viềng hằng năm.

Đi chợ Viềng ai cũng muốn được nếm thử những món đặc sản như thịt bò thui chấm với tương gừng, mua bánh dày giò...

Ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả – một nét đẹp đáng yêu chỉ phiên chợ này mới có. Hình như sự bán mua ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó – rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành, và cả đôi bên đều cùng vui vẻ hỉ hả ra về. Chính vì vậy hội chợ Viềng ngày xưa còn có tên gọi là chợ cầu May.

Chợ Viềng ở đây còn gắn với các di tích, mà bao trùm lên cả quần thể này là thờ Mẫu Liễu Hạnh. Bởi vậy người ta tới chợ Viềng còn với tâm thức đến lễ Mẫu, xin lộc Mẫu. Họ tin rằng mọi vật dụng mà họ mua trong chợ sẽ được Mẫu - Mẹ chúng giám và phù hộ. Vì thế, người ta vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào Phủ lễ Mẫu Liễu, lên đền Mẫu Thượng, xuống cả đền Mẫu Thoải cầu mọi sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt.

Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng phần đông vẫn là những người có gốc gác hoặc quê quán ở đây đi làm ăn xa nay nhớ đất Tổ, đất quê tìm về. Nên dù có xa mấy, tận bên kia Đại Dương, tận Sài Gòn lục tỉnh… cũng nhớ ngày về để dự hội.

Như vậy, Lễ hội Phủ Giầy là một hình thức sinh hoạt văn hóa - tâm linh đáp ứng nhu cầu tinh thần - tình cảm của đông đảo nhân dân. Bằng hoạt động lễ hội, con người vừa có thể bày tỏ những tâm tư, khát vọng của mình vừa có dịp bộc lộ các khả năng sáng tạo của chính mình. Sống trong khung cảnh lễ hội, con người có được những giây phút “thăng hoa" để tạm quên đi những nỗi cực nhọc vất vả hàng ngày. Chính lễ hội đã tiếp thêm nguồn sức mạnh thiêng liêng để con người tiếp tục sống và lao động.

Back to top

Bài mẫu 3: Thuyết minh một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại - Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng)

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu lễ hội chọi trâu Đồ Sơn- Hải Phòng

2. Thân bài:

  • Nguồn gốc: có từ thế kỉ 18
  • Thời gian: mùng 9/8 âm lịch hàng năm
  • Cách chọn, nuôi, huấn luyện trâu: những con trâu đực khỏe mạnh, sừng đen như mun và vểnh lên
  • Trường đấu: những bãi đất rộng, có hào nước bao quanh
  • Phần lễ: lễ tế thần Điểm Tước và lễ rước kiệu bát cống
  • Phần hội:
    • Điệu múa khai hội của 24 tráng niên
    • Trâu được dẫn vào sới, có người che lọng và múa cờ, khi hai ông trâu cách nhau 20m, người dắt nhanh chóng rút “sẹo” rồi nhanh chóng lùi ra.
    • Trận chọi trâu diễn ra gay cấn, ác liệt
  • Ý nghĩa lễ hội trọi trâu: mang lại niềm vui cho người xem, là một tục lệ, tín ngưỡng độc đáo

3. Kết bài: Khẳng định lại giá trị và ý nghĩa của lễ hội chọi trâu

Bài làm

"Dù ai buôn đâu, bán đâu

Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về

Dù ai bận rộn trăm bề

Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu"

Hải Phòng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh mang đậm nét đặc trưng của miền biển. Trong số những di sản văn hóa ấy, nổi bật là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Đây là lễ hội có nhiều nét đặc sắc về phong tục văn hóa và lịch sử, để lại nhiều ấn tượng cho du khách thập phương.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thể hiện bản sắc văn hóa và tinh thần thượng võ của người dân miền biển. Theo truyền thuyết, lễ hội chọi trâu đã có từ thế kỉ 18, được tổ chức để cầu hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân địa phương. Người dân Đồ Sơn vẫn truyền nhau sự tích về lễ hội chọi trâu: Một đêm rằm tháng 8, người dân miền biển nhìn thấy một ông tiên đang say sưa ngắm hai chú trâu đang chọi nhau. Từ đó, lễ hội chọi trâu trở thành một phần đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Đồ Sơn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Lúc này, lúa ngoài đồng đang thì con gái, ngư dân cũng vừa kết thúc mùa cá, mọi người nô nức chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu. Trường đấu để chọi trâu là những bãi đất rộng, có hào nước bao quanh. Những chú trâu được tuyển chọn vô cùng kĩ lưỡng để tham gia cuộc thi. Trâu phải là những chú trâu đực khỏe mạnh, da bóng, lông mượt, đặc biệt sừng trâu phải đen như gỗ mun, vểnh lên như lưỡi liềm. Giống như bao lễ hội khác, lễ hội chọi trâu cũng có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ với những nghi lễ truyền thống và trang trọng bao gồm lễ tế thần Điểm Tước, sau đó là lễ rước kiệu bát cống. Phần lễ rộn ràng trong tiếng trống, cờ ngũ sắc bay phấp phới. Phần hội diễn ra vào ngày chính hội(9/8) với nhiều hoạt động hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc. Mở đầu là điệu múa khai hội của 24 tráng niên vừa uyển chuyển, mạnh mẽ vừa linh hoạt. Múa cờ xong, hai ông trâu được dẫn vào trong sới trong âm thanh của tiếng trống, thanh la, có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai ông trâu cách nhau 20m, người dắt lùi ra. Hai chú trâu hoàn toàn tự do lao vào tấn công nhau dữ dội. Trận chọi trâu diễn ra vô cùng gay cấn, ác liệt, làm cho người xem theo dõi đến ngẹt thở. Đây là cơ hội để cho trâu thể hiện hết những kĩ năng và kinh nghiệm của mình. Sự dũng mãnh, ngoan cường của trâu còn là biểu tượng cho khí phách và tinh thần thượng võ của người dân Đồ Sơn. Chú trâu chiến thắng mang lại nhiều vinh dự và hãnh diện cho chủ trâu. Kết thúc lễ hội, dù thắng hay thua, các chú trâu sẽ được mổ thịt để lễ tế trời đất, cầu thời tiết thuận lợi, mùa màng thuận hòa, sóng yên biển lặng để người đi biển đánh bắt được may mắn, thuận lợi.

Lễ hội chọi trâu không chỉ mang lại niềm vui cho người xem mà còn là một tục lệ, tín ngưỡng độc đáo, giàu giá trị văn hóa và lịch sử. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là 1 trong 15 lễ hội quốc gia, là một điểm đến hấp dẫn với nhiều khách du lịch.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, mang nhiều giá trị thể hiện truyền thống lịch sử và phẩm chất, tâm hồn của người dân miền biển. Chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn và phát triển hơn nữa bản sắc tốt đẹp của lễ hội chọi trâu để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

Back to top


  • 272 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Văn mẫu 10