Ghi lại những cảm xúc chân thực của anh (chị) về: Thiên nhiên và đời sống của con người trong thời khắc giao mùa (sang thu, sang đông hoặc sang xuân,...)

  • 1 Đánh giá

Đề bài: Ghi lại những cảm xúc chân thực của anh (chị) về: Thiên nhiên và đời sống của con người trong thời khắc giao mùa (sang thu, sang đông hoặc sang xuân,...)

Cứ mỗi độ xuân qua hạ đến, những kỉ niệm về trường lớp, về bạn bè lại ùa về trong tôi. Đã trải qua biết bao nhiêu mùa hạ, bao nhiêu lần chia tay những người yêu thương thế nhưng, khi nhành phượng hồng hé nở, đóa hoa bằng lăng rực tím khung trời, lòng tôi lại bâng khuâng xúc động trước phút giây mùa hạ giao thời.

Những ngày tháng tư được mở đầu bằng cái nắng gay gắt, chói chang. Người ta vẫn đùa Sài Gòn chỉ có hai mùa: mùa nắng và mùa nắng hơn. Thế nhưng, đối với tôi, cái nắng tháng tư, cái nắng mùa hạ có sự khác biệt rõ rệt. Nó oi và nồng như cuốn hết tất cả khói bụi của trần gian. Chúng tôi là những đứa trẻ lớn lên ở thành phố, chỉ biết đến tiếng ve qua câu chuyện kể, qua lời bài hát vì thế, đôi khi lại cảm thấy ghen tị vô cùng đối với những bạn ở thôn quê. Mùa hạ của chúng tôi, à không, bốn mùa của chúng tôi chỉ có tiếng còi xe vội vã ngoài phố mà thôi.

Dù nói vậy, mùa hạ vẫn thật đẹp với những màu hoa. Màu đỏ của nhành phượng sân trường mới đó còn thấp thoáng thế mà hôm sau đã rực cháy cả một góc trời. Lúc đó, tôi lại được nghe lời tâm sự buồn tênh của những anh chị cuối cấp, họ hát về một màu hoa học trò, hát về một màu hoa vĩnh viễn. “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phương/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu…” tưởng chừng đã rất xa nhưng hóa ra, trong khoảnh khắc này nó lại trở nên gần gũi và thân thương hơn bao giờ hết. Đã bao lần tôi bâng khuâng tự hỏi: Có phải vì mùa hạ - mùa của những cuộc chia tay, mùa của thanh xuân khép lại mà ai ai cũng vội vã hơn? Màu hoa bằng lăng cũng buồn không kém. Người ta đã viết về nó quá nhiều, từ thơ cho đến nhạc, viết hay đến nỗi tôi không dám đặt bút vì sự vụng về trong ngôn từ của mình. Tôi chỉ dám cảm nhận mùa hạ bằng tất cả các giác quan. Sự rực rỡ và chói chang của ánh nắng, nó cũng như tuổi trẻ của mỗi con người vậy. Sự oi nồng của tất cả các mùi khắp không gian, mùi hoa, mùi nắng,… Tiếng khóc sụt sùi của học trò lúc chia tay, tiếng rao khản đặc của những cô bán hàng rong trên phố, tiếng chuông điểm những bài kiểm tra cuối cùng trong năm… tự bao giờ trở thành những kí ức đẹp nhất trong tôi.

Mùa hạ với thiên nhiên là nắng giòn tan, là màu hoa rực rỡ nhưng với con người dường như là một nỗi ám ảnh. Lũ trò nhỏ trước khi tung tăng với một kỳ nghỉ dài phải xót xa nói lời tạm biệt trường lớp, phấn trắng, bảng đen… Người lao động vất vả hơn trong cuộc mưu sinh. Nhìn những tấm lưng mỏng gầy phơi mình dưới nắng cho mỗi cuốc xích lô lòng tôi lại xốn xang khôn tả. Những cụ ông cụ bà bán vé số ánh mắt nhọc nhằn, lau vội mồ hôi để đi xa hơn, bán được nhiều hơn. Tuy vậy, mùa hạ lại là niềm tin cho những hàng nước. Mấy cô bán quán vỉa hè được dịp đắt khách, kẻ qua người lại nườm nượp, li nước mía, nước cam được trao tay thoăn thoắt. Mọi người tụ năm tụm bảy tránh nắng, ngồi nói đủ thứ chuyện trời đất gió mưa dưới những tán cây. Mấy chú xe ôm ế khách cũng nhập cuộc vui, tạo nên một đặc sản có một không hai của đất Sài Gòn.

Những khu công viên nước là nơi phải kể đến mỗi mùa hạ về. Dường như ai ai muốn trốn cái nắng rát ra rát thịt này. Dù chỉ mới những ngày đầu tiên của mùa hạ nhưng thời tiết đã “khó chịu” vô cùng. Từ người trẻ đến người trưởng thành, ai cũng gắn bó với công viên nước như một người bạn cực kì thân thiết. Họ đến một mình có, cùng người yêu, bè bạn có. Lại có người dắt cả thú cưng ra cùng. Có thể nói, những khu công viên nước như là thiên đường nghỉ dưỡng cho những người không muốn rời xa thành phố trong mỗi mùa hè!

Mùa hạ đối với gia đình tôi thật nhiều ý nghĩa. Đó là dịp thứ hai trong năm (sau Tết) đại gia đình cùng ngồi lại bên nhau và kể những câu chuyện nhỏ to. Dì tôi ở Hà Nội vẫn hay kể về những ngày giao mùa từ xuân sang hạ ở đất Bắc. Dì tả về những cây thay lá, sắc đỏ sắc vàng khoác áo mới cho những cung đường. Bước đi trên phố Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Hồ Hoàn Kiếm…người ta cảm nhận như đang đi trong khu vườn cổ tích đầy mộng mơ. Cũng giống như Sài Gòn, tiết giao mùa đôi khi được đánh dấu bằng những cơn mưa vội vàng, phảng phất bất chợt. Những bông hoa sưa trắng tinh khôi điểm xuyến trên nền trời vàng nắng. Thì ra, ở đâu trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, khoảnh khắc giao mùa đều đẹp đẽ và tuyệt diệu đến thế. Vạn vật như có tiếng nói riêng, âm thầm nhưng tinh tế. Con người cũng âm thầm cảm nhận sự chuyển giao đó, lòng bồi hồi xao xuyến trước sự thay đổi mong manh. Có thể yêu hơn, có thể bực hơn, có thể tự dưng vui cũng có thể tự dưng buồn vô hạn trong phút giây ngắn ngủi đó. Từ xuân sang hạ, tôi thấy sự chuyển biến từ thiên nhiên sang đến lòng mình. Gương mặt của cô bạn thân đến rước đi học đẫm mồ hôi hơn, nhưng cũng có lẽ vì thế mà rạng rỡ hơn biết bao!

Khoảnh khắc giao mùa cũng là lúc mẹ tôi thường bảo: “Hè đến rồi, chắc bố tụi bây sẽ vất vả lắm đây!” Thật vậy, công việc làm công trình khó mà chịu nổi cái thời tiết dở dở ương ương của những ngày tháng tư, tháng năm, tháng sáu. Nhưng biết làm sao hơn! Mẹ tôi thì ngược lại, hồ hởi đem chăn bông màn cửa ra giặt như muốn lấy trọn những ánh nắng đầu tiên để “ướp hương” cho gia đình mình.

Những giây phút đầu tiên mùa hạ đến cũng là lúc tâm hồn tôi nghe nhiều lắng đọng nhất. Cảm nhận từng chi tiết của thiên nhiên và con người, tôi mới thấy cuộc sống này nhiều màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc biết bao. Thế mới thấy Thượng Đế thật diệu kì, Thượng Đế ban tặng cho chúng ta biết bao cơ hội để cảm nhận cuộc sống và quan trọng là chúng ta phải thật tinh tế để hưởng thụ. Cũng giống như Xuân Diệu – nhà thơ luôn lắng nghe tâm hồn mình để giật mình trước mỗi sự đổi thay, giật mình khi nhận ra quả sấu non trên cao: “Ôi từ không đến có - Xảy ra như thế nào”?

=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài

Cảm xúc được gợi lên trước phút giây giao mùa.

2. Thân bài

- Cái nắng của những ngày tháng tư oi ả và gay gắt.

- Mùa hạ vẫn đẹp với sắc hoa phượng, với nỗi buồn chia li của tuổi học trò, màu bằng lăng dường như cũng gieo sầu vào lòng người.

- Người lao động vất vả hơn trong cuộc sống mưu sinh.

- Những khu công viên nước như là thiên đường nghỉ dưỡng cho những người không muốn rời xa thành phố trong mỗi mùa hè

- Dì tôi ở Hà Nội vẫn hay kể về những ngày giao mùa từ xuân sang hạ ở đất Bắc. Dì tả về những cây thay lá, sắc đỏ sắc vàng khoác áo mới cho những cung đường.

- Thì ra, ở đâu trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, khoảnh khắc giao mùa đều đẹp đẽ và tuyệt diệu đến thế. Vạn vật như có tiếng nói riêng, âm thầm nhưng tinh tế. Con người cũng âm thầm cảm nhận sự chuyển giao đó, lòng bồi hồi xao xuyến trước sự thay đổi mong manh.

3. Kết bài

Cảm nhận từng chi tiết của thiên nhiên và con người, tôi mới thấy cuộc sống này nhiều màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc biết bao.


  • 7 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Văn mẫu 10