Văn mẫu 10 bài viết số 1 đề: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất
Bài viết tập làm văn số 1 - ngữ văn lớp 10 đề: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất - Mẹ
- Bài mẫu 2: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất - Bố
- Bài mẫu 3: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất - Ông nội
Bài mẫu 1: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất - Mẹ
Dàn bài
- Mở bài: Mẹ - người đã giành cả cuộc đời cần mẫn, khó nhọc hi sinh vì tôi
- Thân bài:
- Mẹ đã chắt từng giọt sữa ngọt thơm tình mẹ, chan chứa máu mồ hôi và nước mắt nuôi tôi lớn khôn.
- Tả chi tiết về mẹ: dáng người mẹ đẹp, mắt mẹ dài màu nâu, nụ cười mẹ sáng và tươi.....
- Tính cách của mẹ: người ôn hòa, cởi mở và độ lượng, tha thứ, lòng bao dung.........
- Mẹ cho tôi những gì tưởng như ngọt ngào, đẹp đẽ và cao thượng nhất của tình mẫu tử.
- Mẹ có tính cách, phong thái của một người phụ nữ có sự hòa quyện hài hòa, thống nhất giữa cổ điển và hiện đại, giữa dông và tây.
- Mẹ là người đồng hành cùng tôi trên bao chặng đường, là người quan tâm, lo lắng cho tôi
- Tôi thầm biết ơn và yêu mẹ nhiều lắm....
- Kết bài: Mẹ là ánh sáng đêm soi đời con những lúc tăm tối nhất, là ngọn lửa hồng làm ấm những đêm đông, là tia nắng mai chan chứa mật ngọt và năng lượng để sợ con đuối sức trên đường dài.
Bài làm
Mỗi lần lắng dịu con tim, nghe bồi hồi những câu thơ của Chế Lan Viên, tôi lại thao thức nhớ về mẹ, người đã giành cả cuộc đời cần mẫn, khó nhọc hi sinh vì tôi:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.”
Mẹ đã chắt từng giọt sữa ngọt thơm tình mẹ, chan chứa máu mồ hôi và nước mắt nuôi tôi lớn khôn. Trong trái tim nhỏ bé của mình, có lẽ mẹ chính là người thiêng liêng và ý nghĩa nhất với tôi.
Mẹ tôi năm nay đã sống trọn bốn chục xuân của đất trời. Không còn ở cái tuổi hai mươi, những mẹ luôn suy nghĩ cởi mở và nhanh chóng hào nhập với tâm lí tuổi tôi, vì thế luôn rất hiểu và bên cạnh tôi mọi lúc. Mẹ cao dong dỏng, dáng người mẹ đẹp với cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Đôi mắt mẹ dài màu nâu, đôi mắt tưởng như có thể thấu trọn cái tim non nớt, bé bỏng và cả những suy nghĩ thơ ngây trong đầu tôi. Mẹ luôn dùng đôi mắt bao dung, độ lượng để chăm sóc và giáo dục tôi nên người. Nụ cười mẹ sáng và tươi như ánh mặt trời, soi đường chỉ lối cho tôi ở mỗi chặng đường dù gian nan và khó khăn cỡ mấy. Có mẹ ở bên tôi như được tiếp thêm sức mạnh, mẹ là ánh sáng bất diệt trong lòng tôi.
Mẹ tôi là người ôn hòa, cởi mở và độ lượng. Mẹ nói, sự tha thứ, lòng bao dung và độ lượng sẽ cởi trói cho tâm hồn chật hẹp của ta khỏi những toan tính vị kỉ. Vậy nên, mẹ cho tôi những gì tưởng như ngọt ngào, đẹp đẽ và cao thượng nhất của tình mẫu tử. Làng trên xóm dưới, công việc nhà ai mẹ có điều kiện giúp đỡ, luôn hết mình, vì thế mà bà con xóm dưới rất yêu quý và tôn trọng mẹ tôi. Nhớ những sáng mùa đông, tôi còn cuộn tròn trong chiếc chăn bông ấm áp, mẹ đã lọ mọ dậy từ 5h sáng để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Những bát cơm nóng hổi,những bát cháo thịt ngọt thương tình mẹ, những tô phở mới trong trẻo, thơm ngát hương tình quê làm sao. Tôi lại như được ấm lòng hơn trong tình yêu ấy. Mẹ quả là người phụ nữ Việt Nam, mang vẻ đẹp rất Á Đông, rất nền nã và thi vị. Tuy là người của nhiều thập kỉ đã qua nhưng mẹ vẫn mang những suy nghĩ tích cực, hiện đại và mới mẻ chứ không còn gò khuôn, lạc hậu như trước. Chính vì thế trong tính cách, phong thái của mẹ luôn là sự hòa quyện hài hòa, thống nhất giữa cổ điển và hiện đại, giữa dông và tây. Chính vì thế mẹ như bác sĩ tâm lí của tôi vậy, luôn cho tôi những lời khuyên chân thành, đằm thắm. Cho tôi một sự giáo dục đầy đủ, trọn vẹn như chính vẻ đẹp tâm hồn mẹ vậy.
Hồi nhỏ tôi nhớ có lần, mẹ cùng tôi tập xe tôi đã sơ ý làm mẹ bị thương và để lại vết sẹp trên tay. Tới tận bây giờ nó vẫn còn, nó nhắc tôi một tuổi thơ êm đềm, thơ dại và tinh nghịch khi có mẹ ở bên. Những tháng năm dầm mưa, dãi nắng, mẹ chèo lái, bươn chải nuôi tôi bằng tất cả dòng máu nóng của mình. Mỗi lần nhìn sâu vào những nếp nhăn của mẹ, tôi thấy hiện lên những yêu thương, những trăn trở, lo lắng ấy vẫn cứ theo tôi suốt cả một đời, chưa bao giờ nguội tắt. Đến cả khi đã lớn tưởng như con chim non có thể tung cánh trên bầu trời của riêng mình, tôi bỗng chợt nhận ra, vùng trời của tôi, cả khi biết bay và khi đang học bay cớ sao lại bình yên như vậy, hóa ra là nhờ có mẹ luôn sát cánh, luôn âm thầm lặng lẽ ở bên. Đau nỗi đau của tôi, cùng cười cùng khóc với những đau khổ và niềm vui tôi có được. Ôi, người mẹ, người cho tôi sự sống quý giá như tôi đang được hưởng, con cảm ơn và xin lỗi mẹ rất nhiều.
Mẹ là ánh sáng đêm soi đời con những lúc tăm tối nhất, là ngọn lửa hồng làm ấm những đêm đông, là tia nắng mai chan chứa mật ngọt và năng lượng để sợ con đuối sức trên đường dài. Con dù lớn, nhưng những tháng năm đơn thuần và non nớt ấy của con sao đong đầy, đo đếm được những giọt nước mắt, những giọt máu, mồ hôi và tình yêu mẹ chảy trong huyết quản cho con.
Bài mẫu 2: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất - Bố
Dàn bài
- Mở bài: Với tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.
- Thân bài:
- Bố không may mắn như bao người khác khi mới 40 tuổi bố đã phải sống chung với bệnh tật
- Từ một chàng trai khỏe mạnh, phong độ, nay bố người gầy gầy, teo teo, đôi lông mày rậm, nước da sạm đen...
- Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh...
- Gia đình không khá giả, hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời ngã bóng....
- Những lúc bệnh tật hành hạ, nhìn bố quằn quoại em cảm thấy thương bố vô cùng
- Tôi luôn tự hào và hãnh diện khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó
- Bố luôn dạy chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo
- Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập, tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố
- Khi cuộc sống đã dần khá lên, bố lại rời xa chị em tôi đến một nơi thật xa....
- Kết bài: Bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi.
Bài làm
Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.
Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.
Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.
Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.
Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát.
Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.
Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?
Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.
Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.
Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng...
Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.
Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.
Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.
Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với "tử thần", bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.
Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.
Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.
Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.
Bài mẫu 3: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất - Ông nội
Dàn bài
- Mở bài: Nghe đài phát thanh vang lên ca khúc người lính, làm tôi chợt nhớ đến ông nội.
- Thân bài:
- Nội tôi được nhiều người ví như ông bụt, ông tiên vởi sự hiền lành và giản dị
- Ông đã già nhưng đẹp lão, mái tóc đã bạc nhiều nhưng vẫn còn sót lại vài sợi tóc đen
- Trong nhà, tôi là người được ông yêu thương nhất, lúc nào ông cũng sợ tôi bị đau, bị đói, bị mệt...
- Nhớ lại những lúc còn bé, tôi luôn làm cho ông buồn phiền, lo lắng...
- Về già, ông bị tai biến nằm một chỗ tôi thương ông lắm....
- Mấy năm sau, ông mất tôi đã khóc rất nhiều, đó là một nỗi đau vô cùng lớn đối với tôi....
- Ông bỏ lại tôi, bỏ lại những gì ông đã cho tôi, ông bỏ tôi để đến một vùng đất xa, rất xa mà không chờ đến ngày tôi đền đáp lại
- Giờ đây tôi đã lớp 10, nỗi đau cũng dần dịu đi nhưng lòng tôi vẫn nhớ ông thật nhiều
- Kết bài: Ông là người bạn tuổi thơ của tôi, cũng là người đã nâng đỡ tâm hồn tôi trong suốt những năm tháng ấu thơ....
Bài làm
"Đời mình là một khúc quân hành...Đời mình là bài ca chiến sĩ..." – Đài phát thanh của thôn đang vang lên khúc ca của người lính năm xưa. Tôi nằm trên giường mà bỗng nhiên cảm thấy lòng bâng khuâng đến lạ. Có lẽ bài hát hào hùng kia đã làm tôi nhớ đến ông nội – người mà tôi yêu quý nhất, bởi lẽ ông rất thích ca khúc này và vẫn thường bật đài lên cho tôi nghe.
Có những người miêu tả ông giống như ông Bụt, có người lại nói ông giống một ông Tiên. Những tôi chẳng thấy thế, vì ông nội của tôi rất đỗi giản dị mà thân thương trong kí ức tôi. Ông không có bộ râu dài như ông Bụt, cũng chẳng có một bộ tóc trắng xóa như ông Tiên trong truyện cổ tích. Ông đặc biệt vì ông là ông nội của tôi thế thôi. Kí ức non nớt của tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh của ông khi ấy, một ông cụ đã già nhưng đẹp lão, mái tóc đã bạc nhiều nhưng vẫn còn sót lại vài sợi tóc đen. Mẹ tôi nói tóc ông lấm tấm hoa râm. Cho đến bây giờ, hình ảnh ông trong tôi đã nhạt phai ít nhiều, nhưng ánh mắt ông thì không đời nào tôi quên được. Đôi mắt ấy chẳng còn tinh anh như thời ông còn trẻ, mà đã thoáng có chút mờ đi vì tuổi đã xế chiều. Thế mà đôi mắt ấy lại luôn trao cho tôi ánh nhìn thật ấm áp. Đôi bàn tay ông, đôi bàn tay đã bế bồng tôi suốt những năm tháng còn thơ bé, đã nổi lên những đường gân xanh bóng, ngoằn ngoèo. Lưng ông đã còng xuống. Da ông đã nhăn nheo đi cả rồi. Ông thường chống cây gậy do đích thân tôi chọn mà đi thăm hỏi hết họ hàng làng xóm. Đến bây giờ, tôi vẫn tưởng nhưng có bóng hình ông đang chầm chậm chống từng bước gậy đi trên con đường làng quê tôi thuở nào.
Mọi người nói tôi được ông chiều nhất nhà. Mà đúng thế thật, khi tôi lớn, đã biết hiểu chuyện tôi mới hiểu ông thương tôi nhiều đến như thế. Ngày bé, ông chính là người thay bố mẹ chăm sóc cho tôi khi mẹ đi làm. Ngày nào tôi cũng quấn quýt bên ông. Ông sẵn sàng đứng ra bảo vệ tôi khỏi bất cứ ai, lúc nào ông cũng sợ tôi bị đau, bị đói, bị mệt. Thế mà hồi bé tôi đã từng cho rằng những quan tâm hỏi han ấy của ông là phiền phức. Con bé tôi ngày ấy đã giận ông thật nhiều, đã cứng đầu rất nhiều khiến ông phải buồn. Ngày bé lúc nào tôi cũng được chăm sóc và trông nom bởi ông tôi. Nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến một điều, là sẽ đến lúc ông phải rời xa tôi mãi mãi...
Ông bị tai biến nằm liệt một chỗ. Ông không thể nói cũng chẳng thể cử động được người. Tôi khóc, nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn. Ông ở nhà bác tôi chữa bệnh, còn tôi, một cô nhóc, lại trở về với công việc hằng ngày. Mỗi lần lên thăm ông, ông khều khều tay tôi như muốn nắm lấy. Lúc nào tôi lên ông cũng khóc. Tôi thương ông lắm, tôi rất nhớ ông và tôi biết ông cũng muốn nhanh chóng khỏi bệnh để còn về quê chơi với tôi nữa. Nhưng mấy năm sau, ông mất...
Tôi đã khóc rất nhiều. Ông mất khi mà tôi chưa hề đền đáp công ơn cho ông một lần. Ông mất khi mà tôi mới chỉ là một cô học sinh lớp 5. Ông mất khi tôi mới bắt đầu lớn, khi mới biết hiểu những gì ông đã hi sinh cho tôi. Người ông đáng kính của tôi đã rời xa tôi thật rồi. Ông bỏ lại tôi, bỏ lại những gì ông đã cho tôi, ông bỏ tôi để đến một vùng đất xa, rất xa nào đó mà tôi không thể biết. Ông ra đi rồi, con biết phải làm sao?
6 năm đã qua đi. Giờ đây tôi đã trở thành một cô học sinh của trường cấp 3, đã trở thành một người thiếu nữ. Nỗi đau mất ông dần dần đã dịu đi trong lòng tôi. Và tôi nhớ ông thật nhiều, nhớ tất cả những cử chỉ, hành động, nhớ cả những việc ông đã làm cho tôi. Tôi nhớ ông da diết, ông ơi, nếu ông còn sống, nhất định con sẽ ngoan ngoãn hơn với ông, nhất định con sẽ nghe lời ông và không cau có như ngày xưa nữa. Nhưng ông đã đi xa rồi, và tất cả những gì mà đến nay tôi đã hiểu, cũng chỉ để dành cho một mình tôi mà thôi.
Tiếng đài vừa dứt. Bài hát ca lên khúc ca ngày xưa của ông khiến lòng tôi chợt bật lên tiếng nức nở. Ông là người bạn tuổi thơ của tôi, cũng là người đã nâng đỡ tâm hồn tôi trong suốt những năm tháng ấu thơ. Ông ơi, ông hãy yên nghỉ, con hứa sẽ cố gắng hết sức để có một tương lai rộng mở, không phụ công mong mỏi của ông ngày nào.
Xem thêm bài viết khác
- Cảm nhận 12 câu đầu bài Trao duyên 12 câu đầu Trao duyên
- Đề 4: Học bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì...
- Văn mẫu 10 bài viết số 1 đề: Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên
- Cảm nghĩ của anh (chị) về buổi trò chuyện của một nhân vật truyền được cảm hứng (Nick Vujicic, Helen,...)
- Tổng hợp những bài viết số 1 ngữ văn 10 hay nhất với đầy đủ các đề (5 đề)
- Văn mẫu 10 bài viết số 1 đề: Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu thích
- Đề 3: Thuyết minh một tác giả, tác phẩm (Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng, Nguyễn Du và Truyện Kiều).
- Thuyết minh về một loại hình ca nhạc hoặc sân khấu mà anh chị yêu thích
- Đề 3: Thuyết minh một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình.
- Thuyết minh về Chùa Bái Đính
- Đề 2: Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường sau trở thân người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính. Anh (chị) thấy ý kiến này như thế nào?
- Phân tích Phú sông Bạch Đằng Phân tích bài thơ Bạch Đằng Giang Phú