Ghi lại những cảm xúc chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất của anh (chị): cha, mẹ hoặc bạn...

  • 1 Đánh giá

Đề bài: Ghi lại những cảm xúc chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất của anh (chị): cha, mẹ hoặc bạn...

Đã hơn hai năm kể từ ngày bà tôi ra đi nhưng những kí ức xưa cũ vẫn như còn nguyên vẹn đâu đây. Từ góc nhà, cái bếp, khoảng sân… không nơi đâu là không có hình bóng của bà. Người ta vẫn thường nói về tuổi thơ với những trò tinh nghịch bên bè bạn. Còn với tôi, nói về tuổi thơ tức là nói về những kỉ niệm bên bà.

Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo lại phải chịu nhiều mất mát bởi chiến tranh, tuổi trẻ của bà là những tháng ngày dài tần tảo và bất hạnh. Mẹ kể, từ năm tám tuổi, bà đã phải buôn gánh bán bưng, còng vai nhổ từng củ khoai, cọng rau và mang ra chợ. Đêm đến, bà thức đun nước, nấu cám lợn cho mấy anh chị em trong nhà được say giấc năm canh. Tuy với vóc người nhỏ nhắn nhưng bà luôn dành những phần việc nặng nhọc và thua thiệt về mình. Lớn lên một chút, khi mấy anh chị em kẻ có vợ, người lấy chồng, một mình bà gần bước qua ba mươi tuổi ngày đêm nuôi ông cố tuổi già sức yếu. Có lẽ vì thế mà ông cố thương bà lắm. Khi ông cố bệnh nằm liệt giường, mỗi lần thấy bóng dáng bà tảo tần là hai hàng nước mắt rưng rưng, lòng ngậm ngùi xót thương đứa con gái gần ba mươi tuổi đời nhưng quá nhiều bất hạnh. Mãi đến khi cố lặng lẽ từ giã cõi đời bà mới dám nghĩ đến hạnh phúc riêng tư, lấy chồng ở cái tuổi mà người ta đã có mấy mặt con nhờ vả.

Nhưng hạnh phúc chưa kịp vẹn tròn thì vội vỡ tan. Sau khi kết hôn khoảng năm năm, ông tôi đã qua đời trong một trận đi đánh cả, bà bơ vơ với hai đứa con khờ dại – hiện là mẹ và dì tôi bây giờ. Vì thế, tuổi thơ của mẹ tôi cũng là chuỗi những ngày dài thiếu vắng hơi thở ấm áp và bàn tay che chở của cha. Những tưởng bà sẽ gục ngã, sẽ buông bỏ nhưng không, tình thương và ý chí của một bà mẹ, của một người phụ nữ trưởng thành từ gai góc, đau thương đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bà. Độ tuổi trung niên của bà là những ngày làm thuê làm mướn từ khắp các thôn cùng xóm vắng, đêm đêm về nhận thêm việc may vá để có chút tiền học phí nuôi con. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, mẹ và dì tôi không bao giờ đua đòi, hơn thua với chúng bạn mà chỉ ngày đêm chăm chỉ học hành. Và thế, khi hai bằng cử nhận được trao tay cũng là lúc sức khỏe bà tôi trở về chiều, thân còm cõi mỏi mòn vì những tháng ngày quá đỗi vất vả, hi sinh.

Tôi trưởng thành khi mắt bà đã mờ, đôi chân phải mượn gậy mà đi. Ngày nào cũng vậy, bà bảo tôi dìu bà ra đón nắng sớm và ngắm nhìn những đóa hoa xinh xắn bằng đôi mắt đã trải gần hết cuộc đời. Bà dạy tôi rất nhiều, từ câu ca dao về lòng hiếu thảo cho đến từng nếp ăn, nếp ở; từ sự nhọc nhằn của cuộc mưu sinh đến tình cảm yêu thương gia đình. Bà đã dùng cả quãng đời mình cho ba mẹ, cho chồng, cho con, thế là đủ.

Cuộc sống kinh tế gia đình cải thiện, bà không còn vất vả nên “đẹp lão” hơn nhiều. Cái miệng móm mém nhưng lúc nào cũng đỏ tươi nụ cười, khoe vài chiếc răng ít ỏi còn sót lại. Có lẽ vì thế mà bà không thích ăn thịt, bà hay bảo chỉ muốn ăn cá thôi, cá thì mềm chúng mày ạ! Bà hay dặn dò chúng tôi không được tiêu xài hoang phí, đồng tiền phải vất vả đổi bằng nước mắt và mồ hôi. Mái tóc bạc phơ nhưng còn đẹp lắm, dài và trắng muốt được mẹ búi gọn gàng. Đôi khi bà còn “điệu đà” hơn cả chúng tôi, mỗi tối đều bảo mẹ thoa dầu dừa để giữ vẹn nét óng ả của thời con gái.

Tuy đã ngoài tám mươi, mắt mờ tay yếu nhưng có lẽ, để bầu chọn đầu bếp gia đình thì mẹ tôi phải nhường bà. Trong cái xóm này, không ai nấu chè trôi nước qua bà được, dù đã được chỉ dạy nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn vụng về và kém cỏi làm sao! Đôi tay đầy đồi mồi thoăn thoắt nhào bột, đánh đậu như những cô bán hàng chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế mà bà vẫn hay nuối tiếc bảo: “Tao già rồi chết đi thì cái chén bánh trôi nước cũng không còn, tụi con ráng mà học hỏi để dưới suối vàng bà còn tự hào!” Không hiểu sao, mỗi lần nghe tới những chữ chết chóc, hi sinh lòng tôi lại xót xa vô cùng. Dẫu biết đó chỉ là giả định, chỉ là lời nói nhưng tôi không muốn bà nói ra tí nào.

Rồi thời gian thấm thoắt trôi đi, sinh – lão – bệnh – tử như một quy luật thường tình không thể chối cãi của số mệnh. Bà không còn đủ sức ra đón nắng và ngắm hoa mỗi sớm mai nữa, đôi tay yếu ớt run run chẳng còn cầm nỗi một thìa cơm, huống hồ là làm chè trôi nước. Nhưng may mà bà không lẫn, bà lại càng minh mẫn hơn bao giờ hết. Dường như, khi người trẻ chúng tôi luôn hướng về tương lai thì người già lại dành hết tâm tình cho quá khứ. Sức bà yếu hẳn, giọng nói khàn khàn nhưng hễ lúc nào trong người khỏe khoắn là bà lại kể về quá khứ, kể về những ngày ông còn sống, mẹ còn nhỏ, kể về những đêm mẹ và dì thức trắng ôn bài. Ngày cầm tấm bằng cử nhân kinh tế, bà vui mừng đến ngất lịm đi trong vòng tay của những đứa con thương yêu. Bà hạnh phúc quá – một thứ hạnh phúc tưởng chừng hiển nhiên và tầm thương với người khác nhưng với bà, có lẽ, đó trở thành một vết khắc vĩnh hằng trong tâm trí.

So với bà và mẹ, tuổi thơ tôi là một bức tranh hoàn toàn đối lập, đủ đầy và vui sướng. Tôi được lo lắng từ miếng ăn giấc ngủ, được học hành đàng hoàng và vui đùa cùng bè bạn, được lớn lên trong một gia đình đầy đủ yêu thương của bà, của ba mẹ và đứa em thơ. Nước mắt bà đã chảy cạn để nuôi mãi nụ cười cho thế hệ sau. Tôi biết mình còn nhỏ, chẳng thể làm được việc gì to lớn nên chỉ biết cố gắng học hành để không để bà thất vọng, buồn rầu. Những lúc tan trường, tôi chạy ù về nhà để được ở bên cạnh bà, đưa tôi tay non trẻ trắng tươi để xoa xoa cánh tay già nua và gương mặt đầy những vết nhăn mỏi mệt. Thế rồi ở những ngày tám mươi tư tuổi cuối cùng, bà ít nói đi và hơi thở cũng dần vơi bớt….

Thế rồi bà ra đi. Bà ra đi trong sự nghẹn ngào và đau đớn của con cháu. Bà ra đi mang theo vất vả của tuổi xuân thì và để lại cho cháu con một gia tài vật chất trọn vẹn. Thế nhưng bà ơi, hạnh phúc làm sao trọn vẹn khi vắng rồi bóng dáng của người bà thân thương. Ở dưới suối vàng, bà lấy ai bưng cơm, rót nước? Ở dưới suối vàng, bà lấy ai xoa lưng mỗi khi gió mùa đông về? Hơn hai năm trôi qua, mỗi lần nhìn di ảnh của bà, những người còn lại vẫn nghe nỗi xót xa len lén dâng lên…


  • 4 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Văn mẫu 10