Bài văn: Đoạn thơ trên gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về khát vọng tình yêu của tuổi trẻ Sóng, Xuân Quỳnh bài mẫu 2
Đề bài: Anh (Chị) hãy cảm nhận đoạn thơ sau trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Bài văn mẫu 2
Đề bài: Anh (Chị) hãy cảm nhận đoạn thơ sau trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
(Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, Trang 155)
Đoạn thơ trên gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về khát vọng tình yêu của tuổi trẻ
Bài làm:
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ trẻ xuất sắc trưởng thành từ thời kỳ chống Mỹ. Bà là một trong những nhà thơ nữ viết thành công nhất về đề tài tình yêu. Một đề tài không bao giờ là cũ và những câu thơ của Xuân Quỳnh cũng không bao giờ là cũ, nó luôn đi cùng với năm tháng.Cho đến ngày hôm nay, từ những người cao tuổi cho đến những người trẻ mới yêu, những cặp đôi đang yêu nhau, đã yêu nhau đều có thể tìm thấy một mảnh tình yêu của mình trong những câu thơ quá đỗi thân thuộc của Xuân Quỳnh.
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Như đã từng nói, tình yêu không phải là một đề tài mới lạ, nó đã quá quen thuộc với tất cả những người nghệ sỹ, nó là chủ đề muôn thuở của thơ ca. Dù có trải qua bao nhiêu thời gian, bao nhiêu thế kỷ đi nữa thì đề tài tình yêu vẫn luôn là một đề tài mới mẻ,lạ lẫm và hấp dẫn với mọi người. Nhiều nhà thơ đã nói đến tình yêu, đã trải lòng về tình yêu của mình một cách mãnh liệt. Nhưng vẫn luôn gây được ấn tượng với độc giả đó là bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh. Nó gây ấn tượng bởi nó nói lên được một tình yêu bình dị, nói lên được một cách suy nghĩ rất đỗi đời thường của người con gái khi yêu nào cũng có. Xuân Quỳnh đã rất tinh tế khi mượn hình ảnh con sóng để diễn tả những cảm xúc tâm trạng, sắc thái tình cảm vừa phong phú phức tạp, vừa thiết tha lại không kém phần sôi nổi của trái tim người con gái đang rạo rực đang khát khao trong tình yêu.
Từ hình tượng "sóng" Xuân Quỳnh đã liên hệ đến tình yêu thật tài tình và chí lý:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Đoạn thơ nói về sóng mà cũng chính là nói tới những cung bậc của tình yêu người phụ nữ. Ở hai câu thơ đầu tác giả đã sử dụng nghệ thuật đối lập “dữ dội” nhưng lại “dịu êm”, “ồn ào” nhưng lại “lặng lẽ”. Đáng ra trong nghệ thuật đối thì phải là quan hệ từ mang tính chất đối lập “tuy –nhưng”. Còn ở đây Xuân Quỳnh lại lựa chọn một cách dùng từ khác, dùng từ “và” đứng giữa hai từ đối lập để thể hiện rằng đây là những trạng thái dù đối lập nhau nhưng lại tồn tại song song với nhau, bổ trợ cho nhau, cộng hưởng, nối tiếp nhau. Nó giống như tâm trạng khi yêu của người phụ nữ, Trong cái dữ dội có cái dịu êm, trong sự ồn ào lại chứa sự lặng lẽ. Trong tình yêu, tâm trạng người con gái không hề bình lặng mà đầy biến động: có khi sôi nổi cuồng nhiệt, cũng có khi e lệ, kín đáo, có lúc đằm thắm, lúc hờn ghen. Xuân Quỳnh đã mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng của chính mình.
Và cũng như sóng, trái tim người phụ nữ đang yêu không chấp nhận sự tầm thường nhỏ hẹp mà luôn vươn tới cái lớn lao hơn, nơi có sự đồng điệu trong tâm hồn với mình:"sông không hiểu nỗi mình- sóng tìm ra tận bể". Tác giả đã khéo léo sử dụng động từ “tìm” trong việc nhân hóa con sóng. Điều đó đã cho ta thấy sự chủ động của con sóng. Nó đã chủ động chối bỏ những phạm vi chật hẹp nơi “sông” khi mà “sông không hiểu được mình” để tìm tới những phạm vi rộng lớn bao la hơn là “bể”. Có thể thấy ngay trong khổ thơ đầu tiên này một nét mới mẻ trong quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh. Người con gái khao khát yêu đương nhưng không còn nhẫn nhục cam chịu nữa. Đây là quan điểm mới mẻ và tiến bộ về tình yêu và hạnh phúc so với thời bấy giờ. Khi mà quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” vẫn đang tồn tại mạnh mẽ trong suy nghĩ của đa phần mọi người. Thì Xuân Quỳnh đã nghĩ khác nếu "sông không hiểu nổi mình" thì sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó để " tìm ra tận bể" đến với cái cao rộng bao dung hơn. Nơi nó có thể vẫy vùng trong sự tự do và hạnh phúc
Trong cuộc sống, dù ở bất cứ thời đại nào, tình yêu vẫn luôn là nỗi khát khao, là khát vọng của tuổi trẻ, nó làm bồi hồi, xao xuyến rung động trái tim của lứa đôi, của con trai con gái, của em và anh. Nó cũng như sóng mãi mãi trường tồn vĩnh hằng với thời gian. Từ ngàn xưa với con người tình yêu bao giờ cũng là một khát vọng bồi hồi xao xuyến:
"Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ"
Tình yêu đã có từ thuở xưa, và sau này vẫn vậy. Nó bao giờ cũng dữ dội cũng dịu êm cũng ồn ào cũng lặng lẽ và luôn xao xuyến rung động bao trái tim đang yêu nhau.Mặc dù cuộc sống không chỉ có tình yêu, nhưng thiếu đi tình yêu cuộc sống chẳng còn gì là ý nghĩa. Nó nuôi dưỡng tâm hồn con người, khiến con người ta trở nên tốt đẹp hơn. Chính vì thế mà nó luôn khiến con người ta khao khát. “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào” (Xuân Diệu). Con người sinh ra đã được sống trong một cộng đồng,nhưng trong một cộng đồng người đó, mỗi người vẫn luôn đi tìm một nửa tâm hồn đồng điệu với tâm hồn mình. Để không còn cảm thấy cô đơn và lạc lõng trong cuộc sống tất bật này. Chính vì thế mà Xuân Quỳnh đã nhấn mạnh tình yêu luôn đi đôi, song hành với tuổi trẻ: “ Nỗi khát vọng tình yêu- Bồi hồi trong ngực trẻ”. Tình yêu là khát vọng là ước mơ của bao người. Sẽ như thế nào nếu thế giới này không có tình yêu lứa đôi ? Tôi tin cuộc sống chẳng còn gì ý nghĩa. Tình yêu luôn làm cho tuổi trẻ phải bồi hồi, điên đảo . Xuân Quỳnh đã từng viết “Những ngày không gặp nhau/Lòng thuyền đau rạn vỡ”. Có yêu nhau mới thấy được cồn cào của vị nhớ, mới thấy được thế nào là bồi hồi trong ngực trẻ.
Khát vọng tình yêu cháy bỏng mãnh liệt đang trào dâng trong lòng nữ sĩ. Như vậy đứng trước biển, trước những con sóng ào ạt ạt vỗ bờ dòng cảm xúc trong lòng nữ sĩ cũng trào dâng. Những con sóng biển ở sáu câu thơ đầu đã gọi những con sóng tình trong lòng nhà thơ. Sóng biển chính là yếu tố khơi nguồn cảm xúc trong lòng thi sĩ.
"Sóng" là một bài thơ tình rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn duyên dáng vừa mãnh liệt sôi nổi vừa hồn nhiên trong sáng vừa ý nhị sâu xa. Có thể nói rằng "sóng" là một bài thơ viết về tình yêu khá độc đáo với nhiều cảm nhận tinh tế đẹp đẽ. Cùng với "thuyền và biển" bài thơ "sóng" đã làm cho tên tuổi Xuân Quỳnh được những đôi lứa yêu nhau trân trọng hơn yêu mến hơn.
Xem thêm bài viết khác
- Phân tích tâm trạng nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
- Tổng hợp những bài viết số 2 ngữ văn 12 hay nhất với đầy đủ các đề (3 đề)
- Bài văn nghị luận: Tình thương là hạnh phúc của con người
- Gốc của sự học là học làm người - Rabindranath Tagore
- Bài văn mẫu nghị luận về tệ nạn ma túy lớp 12
- Văn mẫu 12: Tổng hợp những bài viết số 6 hay nhất (3 đề)
- Cảm nhận bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (4 mẫu)
- Phân tích và nêu ý kiến của mình về ý nghĩa của câu nói: Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông (Nguyễn Bá Học)
- Phân tích tư tưởng của nhân dân qua đoạn thơ: ''Những người vợ nhớ chồng… Những cuộc đời đã hóa núi sông ta'' trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
- Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết. Suy nghĩ của anh chị về câu nói trên
- Bài văn: Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà trong đoạn trích ''Người lái đò sông Đà'' của Nguyễn Tuân Bài mẫu 1
- Bài văn: Phân tích nghệ thuật lập luận trong tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh Bài mẫu 2