Bàn về thơ, có ý kiến cho rằng: “Thơ hay là thơ có sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại đối với con người ”. Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua đoạn trích Trao duyên trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du hãy làm sáng tỏ.
Đề bài: Bàn về thơ, có ý kiến cho rằng: “Thơ hay là thơ có sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại đối với con người ”. Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua đoạn trích Trao duyên trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du hãy làm sáng tỏ.
Bài làm:
Bàn về giá trị của thơ, dường như chẳng có lời nào là đủ, nhưng trên tất cả, một bài thơ đi vào lòng người là bài thơ có thể khiến người ta lay động vì đồng cảm, vì thương yêu. Có ý kiến cho rằng: “Thơ hay là thơ có sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại đối với con người.” Ta có thể cảm nhận được điều này thông qua đoạn trích “Trao duyên” trong Truyện Kiều, bởi Nguyễn Du đã đưa ta trải nghiệm theo những cung bậc cảm xúc, từ đó gợi nên tình cảm mãnh liệt và quảng đại đối với tấm lòng của Thúy Kiều.
Bàn về thơ hay, ở ý kiến này chưa bàn đến mặt hình thức, về cái đẹp tự thân. Mà thơ hay là về giá trị nhân đạo của nó, bởi nó gợi nên sự đồng cảm mãnh liệt và quảng đại đối với con người. Để được như thế, tác phẩm phải được kết tinh bằng sự đau khổ, bằng chân thành, tâm hồn cao cả, tình cảm vị tha... trải qua nhiều cung bậc cảm xúc để đến với trái tim của người đọc.
Thúy Kiều đã trải qua những gì để có thể làm lay động trái tim độc giả. Đó là lúc tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng đang tươi đẹp, nồng nàn thì Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú. Trong khi đó tai họa đổ ập xuống gia đình Thúy Kiều. Của cải bị bọn sai nha vét sạch. Cha và em trai Thúy Kiều bị bắt, bị đánh. Bọn quan lại đòi đút lót “có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Trước biến cố đau lòng đó, một người giàu tình cảm, giàu đức hi sinh như Thúy Kiều không còn cách nào khác là phải bán mình lấy tiền cứu cha và em. Nhưng nàng trăn trở và lo âu, bởi nàng không biết mình phải làm thế nào với tình yêu của Kim Trọng.
Sau một khoảng thời gian trăn trở, nàng quyết định sẽ gửi chữ duyên của mình cho Thúy Vân.
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Từ “cậy” được sử dụng ở đây cho thấy được sự khó xử, hoàn cảnh éo le lúc này của nàng Kiều. Vốn dĩ Thúy Kiều là chị, sẽ không có chuyện “thưa”, “lạy” Thúy Vân bất cứ việc gì; nhưng trong hoàn cảnh này, nàng đã phải làm những việc tưởng chừng như nghịch lý như vậy. Mối duyên với chàng Kim là mối duyên trời cho, nhưng số phận của Thúy Kiều giờ nổi trôi, bấp bênh, nàng không muốn phụ chàng, nên đã muốn cậy nhờ em gái nối tiếp mối duyên dở dang ấy. Câu thơ như cứa vào lòng người đọc nỗi chua xót cùng cực. Từ “cậy” là điểm nhấn, là sự thành công về mặt ngôn ngữ của Nguyễn Du.
“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.
Thúy Kiều bắt đầu thuật lại câu chuyện tình của mình, những điều mà Vân hẳn đã biết. Nhưng có một điều mà đến lúc này Kiều mới tâm sự: nàng đang bị giằng xé giữa Hiếu và Tình. Sóng gió ập đến gia đình, lúc này nàng sẽ phải hi sinh đoạn tình của mình để cứu lấy cha và em. “Gánh tương tư” là quan niệm của người xưa về tình yêu nam nữ. Nó không đơn giản chỉ là tình yêu mà còn là chuyện nghĩa tình, là mối duyên tiền định. Như vậy “Đứt gánh tương tư” tức là chuyện tình yêu dang dở, tan vỡ của Thúy Kiều và Kim Trọng. Mối tình Kim – Kiều mới chớm nở nhưng không thể đơm hoa kết trái bởi sóng gió đang ập đến. Kiều đau khổ, xót xa cho bi kịch tình yêu nhưng không thể làm khác được, đành trao lại mối duyên này cho em. Nàng đã mượn điển tích “keo loan” để nói lên ý định muốn nhờ Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. “Mối tơ thừa” là cách nói nhún mình của Thúy Kiều bởi nàng cảm thấy có lỗi, day dứt vô cùng khi đẩy Vân vào thế bị động như mình ép duyên “mặc em” phải nhận.
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.
Lời thỉnh cầu của Kiều vừa chân thành, vừa thuyết phục, vừa thiết tha, vừa ràng buộc, đưa Vân đến tình thế mặc nhiên phải chấp nhận. Nàng Kiều cúa Nguyễn Du tỏ ra sắc sảo mặn mà cả trong bi kịch đau đớn nhất của mình.
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung".
Có thể thấy, Kiều trao kỉ vật lại dùng dằng nửa trao, nửa níu. Tâm trạng của Kiều trong thời khắc đoạn trường này chính là Kiều đang mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, lí trí và tình cảm. Kiều trao duyên chứ không muốn trao tình. Điều này cũng hợp nhẽ thôi, làm sao có thể lý trí hoàn toàn mà trao hết tất cả, không mảy may động lòng được chứ? Nguyễn Du thật tài tình khi đã miêu tả một cách tinh tế tâm trạng lúc này của Kiều:
“Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”
Đến đây, người đọc đã thương cho Thúy Kiều, cảm phục tấm lòng của nàng. Nhưng rồi, ta lại càng đau đớn theo Thúy Kiều hơn nữa, khi Thúy Kiều bộc lộ cảm xúc thông qua cuộc độc thoại nội tâm đầy xúc động. Bởi sau khi trao duyên cho Thúy Vân, nàng ý thức về bi kịch tình yêu cùng thân phận bất hạnh của nàng bấy giờ:
“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím nàv.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai”.
Dự cảm về cái chết cứ trở đi trở lại trong lòng Kiều. Thúy Kiều tưởng tượng nàng chỉ còn là bóng ma. Nàng sẽ hiện lên trong hương trầm và âm nhạc. Hồn ma còn mang nặng lời thề với Kim Trọng, cho nên dẫu “thịt nát xương mòn” thì hồn nàng vẫn còn quanh quẩn với “ngọn cỏ lá cây”, với “hiu hiu gió...”. Tình của người bạc mệnh vẫn còn làm chấn động cả vũ trụ.
Đau đớn tột cùng trước sự đổ vỡ của tình yêu, nàng quên rằng trước mặt rành là Thúy Vân mà than khóc với Kim Trọng:
“Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”.
Mức độ của nỗi đau cao hơn,xót xa hơn khi Kiều chuyển sang tự nói với bản thân mình, từ đau đớn chuyển thành tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho mối tình đẹp phải chia li. Thúy Kiều hướng một lòng về tình yêu thương mong nhớ người mình yêu. Trâm đã gãy, gương đã tan và tất cả đã là “nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Những thành ngữ chỉ sự tan vỡ đã xoáy sâu vào nỗi đau của Kiều - một nỗi đau chưa từng có trong đời. Giọng điệu chì chiết, đay nghiến số phận của nàng thì được diễn tả rất nổi bật ở câu: “Phận sao phận bạc như vôi” với sự trùng điệp của từ phận, như cứa vào lòng của độc giả.
“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Lời than khóc cuối cùng này như những tiếng ngân dài, để rồi nấc nghẹn lại. Nàng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến cha, nghĩ đến em, nghĩ đến cả Thúy Vân; và rồi cuối cùng, nàng nghĩ đến Kim Trọng, rằng nàng đã phụ mất tình yêu của chàng. Các thán từ “ôi, hỡi, thôi thôi” không ngớt muôn vàn đau khổ, tình cảm của Kiều đã lâm li tới cực đại.
Nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều đã được soi chiếu xuyên suốt cả đoạn trích. Nàng là người có tấm lòng cao cả, hi sinh hạnh phúc lứa đôi, hi sinh thân phận của mình để cứu lấy gia đình. ống trong xã hội nhiều bất công, những người đáng lẽ ra phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn lại phải lựa chọn con đường đi nhiều nước mắt. Cái chết không phải là kết thúc đối với Kiều, vì nàng còn mang nặng món nợ lớn với đời, với Kim Trọng. Thúy Kiều chỉ có thể bất lực với tình yêu của mình, mong Kim Trọng có thể hiểu được. Sự bế tắc và đau khổ trong lòng Thúy Kiều dường như chồng chất và đè nén không thể thoát ra được. Điều đó càng làm ta thêm thương cảm cho một nhân cách cao đẹp như Kiều. Đoạn trích đã giúp ta đồng cảm với nàng Kiều mãnh liệt hơn bao giờ hết, giúp ta thương xót cho một người con gái liễu yếu đào tơ nhưng lại cao cả hi sinh hết thảy, không nghĩ cho riêng mình một phút giây nào.
Với nghệ thuật miêu tả tinh tế diễn biến nội tâm nhân vật và ngôn ngữ độc thoại sinh động, đoạn trích Trao duyên đã ánh lên vẻ đẹp nhân cách Thúy Kiều thể hiện qua nỗi đau đớn khi tình yêu tan vỡ và sự hy sinh đến quên mình vì hạnh phúc của người thân.
Thông qua đoạn trích “Trao duyên”, ta càng hiểu thêm ý kiến: “Thơ hay là thơ có sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại đối với con người ”. Thúy Kiều đã đưa ta đi từ nỗi cảm thương đến sự đau xót, đưa ta từ thương mến đến cảm phúc. Với những giá trị như vậy, Truyện Kiều chắc chắn sẽ sống mãi trong lòng người đọc, như một viên ngọc quý, tỏa sáng không bao giờ tắt đi.
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
- Trích ý kiến: “Thơ hay là thơ có sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại đối với con người ”.
- Giới thiệu đoạn trích “Trao duyên”.
2. Thân bài
- Giải thích ý kiến.
- Tóm tắt những sự kiện xảy ra trước đoạn trích “Trao duyên”.
- Sau một khoảng thời gian trăn trở, nàng quyết định sẽ gửi chữ duyên của mình cho Thúy Vân. -> cảm thương cho người con gái hi sinh mọi thứ vì gia đình
- Kiều nhờ cậy Vân, lời nhờ cậy có sắc thái khác thường (cậy, chịu lời, lạy, thưa).
- Kiều trao duyên cho em, nhưng lại nửa trao, nửa muốn giữ lại. Kiều đang mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, lí trí và tình cảm. -> Kiều trao duyên chứ không muốn trao tình.
- Ta lại càng đau đớn theo Thúy Kiều hơn nữa, khi Thúy Kiều bộc lộ cảm xúc thông qua cuộc độc thoại nội tâm đầy xúc động
- Dự cảm về cái chết cứ trở đi, trở lại trong tâm hồn Kiều
- Kiều chuyển sang tự nói với bản thân mình, từ đau đớn chuyển thành tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho mối tình đẹp phải chia li.
- Nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều đã được soi chiếu xuyên suốt cả đoạn trích, nàng đã nghĩ cho mọi trước, trước khi nghĩ đến bản thân.
- Nghệ thuật của đoạn thơ:
- Miêu tả tinh tế diễn biến nội tâm nhân vật
- Ngôn ngữ độc thoại sinh động
3. Kết bài
Khẳng định lại tính đúng đắn của ý kiến và giá trị của Truyện Kiều.
Xem thêm bài viết khác
- Sơ đồ tư duy đoạn trích Trao duyên
- Soạn văn Trao duyên trang 103 sgk
- Giá trị nội dung và nghệ thuật trong đoạn trích Trao duyên
- Bài tập ở nhà a) Tìm mỗi kiểu đối một ví dụ
- Soạn văn 10 tập 2 bài Tóm tắt văn bản thuyết minh trang 69 sgk
- Hãy vận dụng các biện pháp nghệ thuật tả tâm trạng trong đoạn trích để viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh
- Soạn văn bài: Đại cáo Bình Ngô ( Phần hai: Tác phẩm)
- Hàm nghĩa của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ cụ thể.
- Nội dung chính bài chuyện chức phán sự đền Tản Viên
- Đọc phần Tiểu dẫn bài Thơ hai -cư của Ba- sô ( Ngữ văn 10 , tập 1) và thực hiện các yêu cầu nêu dưới đây
- Tìm và phân tích các luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận trong đoạn trích ở bài Khái quát văn học Việt Nam từ TK X đến hết TK XIX( Ngữ văn 10 tập 1, tr 109)
- Không gian thơ mộng và thiêng liêng của cuộc thề nguyền được Nguyễn Du tả như thế nào?