Đáp án phần Làm Văn Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 27 năm 2017
Bài làm:
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu trả lời của Bill Gates thể hiện trong phần Đọc hiểu…
Gợi ý chi tiết
- Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan để nêu vấn đề. Khẳng định đây là câu nói đúng, có nhiều ý nghĩa;
- Giải thích: con người thì phải tự kiếm sống: con người khi bước vào đời phải biết sống tự lập. Không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội: Sống tự lập đem lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Ý cả câu nói: Khuyên con người phải ý thức trách nhiệm của bản thân, lấy lao động làm động lực để làm nên cuộc sống cá nhân và làm thay đổi xã hội.
- Phân tích, chứng minh, bình luận ý nghĩa câu nói: Sống tự lập giúp tăng cường sự tự tin trong việc tự quyết định nhiều vấn đề cho bản thân mà không cần phụ thuộc vào người khác. Có tự kiếm sống, tự làm ra đồng tiền bằng mồi hôi, nước mắt, con người mới quý trọng đồng tiền và khi còn đi học thì cố gắng hết mình. Học vì đó là mục tiêu cốt yếu cho bản thân chứ không phải miễn cưỡng hay vì cha mẹ. Có tự kiếm sống, con người mới nếm trải những khó khăn thử thách, biết rút ra nhiều kinh nghiệm để bước tiếp. Như thế, con người sẽ có được nhiễu kĩ năng sống, tự tin, bản lĩnh, biết xử lí nhiều tình huống trước cuộc sống muôn màu, đa dạng và phức tạp. Một khi đã tự kiếm sống, con người sẽ xây đắp hạnh phúc cho mình, đồng thời góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ.
- Phê phán những người sống ỷ lại, lười biếng, chủ quan. Hậu quả: trở thành người sống lệ thuộc vào người khác, dù đó là người thân. Họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội…
- Câu kết đoạn: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân phù hợp, chân thành.
Câu 2 (5,0 điểm)
Gợi ý chi tiết
1. Giới thiệu tác giả và vấn đề cần nghị luận:
- Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức yêu nước, nhà văn gắn bó mật thiết với xứ Huế, có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
- “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” viết tại Huế năm 1981, in trong tập sách cùng tên. Bài kí là những xúc cảm sâu lắng được tổng hợp từ vốn hiểu biết phong phú về địa lí, văn hoá và lịch sử cùng một văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa.
2. Phân tích
Bài kí thể hiện vốn hiểu biết phong phú về địa lí, văn hoá, lịch sử của nhà văn. Với vốn kiến thức uyên bác, nhà văn đã tái hiện hình ảnh sông Hương mang vẻ đẹp trên nhiều phương diện. Qua đó, thể hiện cái nhìn đa chiều và bút pháp tài hoa của nhà văn.
Vốn hiểu biết phong phú về địa lí nhà văn đã khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của sông Hương trên hành trình về với Huế:
- Ở thượng nguồn: sông Hương mang vẻ đẹp hùng vĩ với nhiều tiết tấu: dữ dội “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn…” lúc “dịu dàng say đắm…hoa đỗ quyên rừng”.
- Giữa lòng Trường Sơn:“hình ảnh của cô gái Di-gan phóng khoáng, man dại”
- Ra khỏi rừng già: “mang đẹp dịu dàng, trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của vùng văn hoá xứ sở”
- Khi qua đồng bằng và ngoại vi thành phố Huế:
- Vẻ đẹp của cô gái ngủ mơ màng rồi chuyển dòng liên tục, uốn mình theo những đường cong thật mềm.
- Chảy dưới những rừng thông u tịch với những lăng mộ, nó mềm như tấm lụa, sắc nước biến ảo theo thời gian và mang vẻ đẹp trầm mặc như triết lý, cổ thi.
- Khi vào thành phố Huế:
- Sông Hương đẹp trong vóc dáng mền mại “ uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến…tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”
- Vẻ đẹp độc đáo, huyền áo lúc về đêm “ lập loè ánh lửa thuyền chài mà không một thành phố hiện đại nào có được”.
- Giữa lòng thành phố Huế, dòng sông trở nên tĩnh lặng, in bóng cầu Tràng Tiền xa trông như “những vành trăng non”
- Khi chia tay Huế: mang vẻ đẹp của sự chung tình, chung thuỷ, vấn vương: “ôm lấy đảo Cồn Hến lưu luyến ra đi”…Qua Vĩ Dạ , con sông đẹp mơ màng trong sương khói, ở góc thị trấn Bao Vinh, sông Hương đẹp trong “nỗi vương vấn, có cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”…
Vốn hiểu biết phong phú về văn hoá xứ sở, nhà văn đã khám phá vẻ đẹp của sông Hương từ góc nhìn văn hóa: sông Hương còn hàm chứa trong bản thân nó nền văn hóa phi vật chất.
- Sông Hương - dòng sông âm nhạc: là nơi sản sinh ra những điệu hò dân gian và toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế, là cảm hứng để Nguyễn Du viết nên khúc đàn của Kiều.
- Sông Hương – dòng sông của thi ca: Sông Hương với vẻ đẹp thơ mộng trong thơ Tản Đà, vẻ đẹp hùng tráng trong thơ Cao Bá Quát, nỗi quan hoài vạn cổ trong thơ Huyện Thanh Quan, sức mạnh phục sinh trong thơ Tố Hữu,...
Vốn hiểu biết phong phú về lịch sử, nhà văn đã khám phá vẻ đẹp của sông Hương từ góc nhìn lịch sử:
Sông Hương – dòng sông anh hùng với nhiều chiến công gắn liền với quá trình giữ nước qua các thời kì lịch sử: cổ đại, trung đại, hiện đại (thời kì chống Pháp và chống Mỹ)
3. Bài kí thể hiện một văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa
- Quan sát tinh tường, tỉ mỉ, tưởng tượng phong phú (miêu tả sông Hương từ góc nhìn địa lí, hành trình sông Hương tìm về với Huế như về với tình nhân của mình )
- Sử dụng nhiều hình ảnh đẹp, mang tính hình tượng cao, ngôn từ gợi cảm, câu văn giàu nhạc điệu: “những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”, “lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ…”
- Cách so sánh liên tưởng gợi cảm: “Chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời nhỏ nhắn như những vành trăng non”…
- Bút pháp kể, tả kết hợp nhuần nhuyễn tài tình ( Sông Hương nhìn trong mối quan hệ với Huế), sông Hương được cảm nhận bằng con mắt của hội hoạ của cái nhìn đắm say, của trái tim đa tình
- Một cái tôi uyên bác, tài hoa; người viết đã vận dụng những tri thức phong phú, những hiểu biết sâu sắc về nhiều mặt (lịch sử, địa lý, thơ ca, âm nhạc, hội họa…) để làm giàu cho giá trị nhận thức của tác phẩm; tác giả đã có một hồn thơ thật sự trong văn xuôi để làm đẹp cho ngôn từ, để viết nên những câu văn rất hay (“chiếc cầu trắng…nhỏ nhắn như những vành trăng non”, “sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ… một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”…)
4. Đánh giá chung: “ Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là tác phảm tiêu biểu cho thể loại bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tác phẩm đã thể hiện một cái tôi tài hoa, uyên bác, say mê tìm kiếm cái đẹp, gắn bó với thiên nhiên với một tình yêu tha thiết dành cho quê hương, xứ sở.
Xem thêm bài viết khác
- Đáp án phần Đọc Hiểu Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 32 năm 2017
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 17 năm 2017
- Thi THPTQG 2020: Đề thi và đáp án chính thức của Bộ GD môn Ngữ văn
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 28 năm 2017 (có đáp án)
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia lần 20 năm 2017, tỉnh Nghệ An
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn số 29 năm 2017 của tỉnh Vĩnh Phúc (có đáp án)
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia lần 13 năm 2017
- Đáp án phần Đọc Hiểu Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 24 năm 2017
- Đáp án phần Làm Văn Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 33 năm 2017
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 21 năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 32 năm 2017 (có đáp án)
- Đáp án phần Làm Văn Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 29 năm 2017