Đáp án phần Làm Văn Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 26 năm 2017

  • 1 Đánh giá

Bài làm:

II. Làm Văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người.

Gợi ý tham khảo

a. Giải thích vấn đề:
- Sự trung thực
- Vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người
b. Bàn luận:
- Quan niệm về “thành công”: Đạt được kết quả, mục đích như dự định trong công việc; Đạt được mong ước trong cuộc sống; Hài lòng, hạnh phúc với những gì mình có được và có ước mơ tốt đẹp trong tương lai
- Sự trung thực là điều kiện đủ để có được thành công, là yếu tố quan trọng đưa con người đến thành công. Vì:

  • Sự trung thực sẽ giúp tạo được niềm tin, lòng tin với mọi người, từ đó giữ cho các mối quan hệ được bền vững, lâu dài. Điều này vô cùng quan trọng, giúp công việc thuận lợi, các mối quan hệ xã hội trở nên hài hòa.
  • Sống trung thực sẽ đem đến sự thanh thản trong tâm hồn, giúp con người luôn vui vẻ, thoải mái. Điều này lại đem đến sự tỉnh táo, sáng suốt khi đưa ra những lựa chọn, những quyết định quan trọng trong cuộc sống, trong công việc, góp phần tạo nên thành công.

(Có thể có dẫn chứng cụ thể)
c. Bài học nhận thức, hành động:
- Cần trung thực trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận:
– Nguyễn Trung Thành là nhà văn tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Một điều đặc biệt là hầu hết các sáng tác nổi tiếng của ông đều gắn với mảnh đất Tây Nguyên. “Rừng xà nu” là truyện ngắn tiêu biểu được viết trong những năm chống Mỹ ác liệt.
– Tác phẩm là một bản anh hùng ca mang đậm chất sử thi. Chất sử thi thể hiện ở nhiều phương diện của tác phẩm nhưng đậm nét nhất là ở đề tài, hình thức kể chuyện và hình tượng nhân vật Tnú.

2. Thân bài
a. Giải thích ý kiến:
- Tác phẩm văn học mang tính sử thi là tác phẩm đề cập đến những vấn đề trọng đại có ý nghĩa sống còn của đất nước, của dân tộc. Nhân vật trung tâm là người có số phận gắn bó với cộng đồng, kết tinh những phẩm chất cao quí của cộng đồng, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu, hy sinh. Cái riêng tư, đời thường nếu được nói đến thì chủ yếu cũng là để nhấn mạnh những trách nhiệm và tình cảm của cá nhân với cộng đồng.
- Tác phẩm có tính sử thi thường có một giọng điệu say mê, trang trọng, có ngôn ngữ đẹp một cách tráng lệ, hào hùng.
b. Chứng minh:
- Về đề tài: Rừng xà nu đã tái hiện không khí của một thời cách mạng miền Nam, qua câu chuyện về cuộc nổi dậy của làng Xô Man. Xung đột chính của câu chuyện là xung đột giữa dân làng và bọn Mỹ – Diệm. Xung đột ấy được tích tụ, dồn nén và cuối cùng bùng nổ bằng cuộc nổi dậy cùng giáo mác tiêu diệt một tiểu đội lính giặc, giải phóng buôn làng. Hình ảnh làng Xô-Man, con đường đi của người dânXô-Man có tính chất tiêu biểu cho phong trào cách mạng miền Nam vào những năm cuối thập niên 50 và cả khi Mỹ đổ bộ vào miền Nam mở rộng chiến tranh vào đầu những năm 60 của thế kỉ XX.
- Về hình thức kể chuyện: Rừng xà nu có lối kể độc đáo. Câu chuyện về cuộc đời của Tnú và cuộc nổi dậy của làng Xô Man được vị già làng là cụ Mết kể cho dân làng nghe trong một đêm Tnú về thăm làng. Sau bữa cơm tối, dân làng tập trung lại nhà cụ Mết bên bếp lửa xà nu bập bùng, bên ngoài “lấm tấm một trận mưa đêm, rì rào như gió nhẹ”. Trong cái không khí thật trang nghiêm, cụ Mết kể bằng cái giọng trầm trầm. Người kể như muốn truyền lại cho con cháu những trang lịch sử hào hùng cuả cộng đồng. Cách kể này gần với cách kể khan – sử thi anh hùng ca – của các bộ tộc ở Tây Nguyên.
- Về hình tượng nhân vật Tnú: Tnú được xây dựng như một đại biểu ưu tú của người dân Xô-Man

  • Tnú luôn được đặt trong quan hệ với cộng đồng, với cách mạng nhiều hơn là quan hệ đời tư. Cộng đồng Xô-Man luôn dõi theo buớc đi của Tnú, hành động anh dũng của Tnú khiến cho cả làng đều cảm động, nguỡng mộ, tự hào.
  • Nhân vật Tnú hiện lên qua hành động nhiều hơn là qua đời sống nội tâm và hầu như không có những băn khoăn, trăn trở về số phận, về cái tôi của mình.
  • Con đường trưởng thành của Tnú rất tiêu biểu cho con đường đi của các dân tộc Tây Nguyên trong thời đại đấu tranh giải phóng. Từ nhỏ anh đã tham gia công tác cách mạng. Anh đã từng bị bắt, bị tra tấn và bị tù đày. Vợ con anh bị giặc sát hại, hai bàn tay anh bị giặc đốt cháy bằng nhựa xà nu. Nhưng sự tàn bạo của kẻ thù không khuất phục ý chí chiến đấu của Tnú. Vượt ngục trở về, Tnú làm theo lời dặn của anh Quyết, tổ chức trai tráng trong làng chuẩn bị giáo mác để khởi nghĩa; làng Xô-Man được giải phóng, Tnú vẫn tiếp tục tham gia lực lượng quân giải phóng để tiêu diệt hết những thằng Dục khác mà đem lại cuộc sống tự do cho núi rừng. Có thể nói Tnú là một bước tiến mới trong nhận thức và biểu hiện những phẩm chất của một người anh hùng lí tưởng.

3. Kết bài: Rút ra nhận xét chung
Cùng với chất sử thi là cảm hứng lãng mạn hòa quyện với nhau trong tác phẩm. Đó là sản phẩm tất yếu của một nền văn học gắn bó số phận cuả nó với vận mệnh của dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 là nền văn học như thế. Và tác phẩm “Rừng xà nu” là kết tinh xuất sắc của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

  • 118 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021