Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn lần 5 năm 2017 của trường chuyên ĐHSPHN
Bài làm:
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:(0,5 điểm) Đặt tên cho văn bản
Học sinh có thể tham khảo tên sau:
- Đam mê
- Đam mê - ngọn lửa sinh tồn hay ngọn lửa hủy diệt
- Ngọn lửa đam mê
Câu 2:(0,5 điểm) Văn bản sử dụng phương thức biểu đạt nghị luận.
Câu 3: (1,0 điểm) Chỉ ra và phân tích hiệu quả hai biện pháp tu từ
- Biện pháp liệt kê: “Một người không ham thích một cái gì là một người bệnh, một người không bình thường, hay là một người chuẩn bị đi tu, vì đã diệt dục. Nhưng ai dám bảo người tu hành là người không đam mê? Và đam mê một ý niệm thường mãnh liệt hơn đam mê một cái gì cụ thể”. Biện pháp liệt kê có tác dụng nhấn mạnh sự hiện hữu của đam mê trong tâm hồn mỗi con người, phàm đã sinh ra là người, bất kì ai cũng ẩn chứa trong mình một niềm đam mê với một điều gì đó, là cụ thể hay chỉ là ý niệm.
- Biện pháp so sánh: “Đam mê là một ngọn lửa mà các thế hệ nối tiếp truyền cho nhau. Khổ nỗi, phần phật bốc cao cùng một lúc là ngọn lửa sinh tồn và ngọn lửa hủy diệt, cả hai quấn quýt nhau bao nhiêu là để sớm loại trừ nhau bấy nhiêu, sống chết đều là một ngọn lửa do ta tự đốt lên thôi.” So sánh đam mê với ngọn lửa là một hình ảnh chuẩn xác, ấn tượng. Ngọn lửa đam mê ấy cháy lên trong lòng người và vì chúng ta có thể đam mê nhiều thứ tốt hoặc xấu nên nó có thể là ngọn lửa sinh tồn hoặc hủy diệt. Cuộc đời chúng ta, suy cho cùng, là kết quả của ngọn lửa chúng ta thắp lên trong lòng ấy thôi.
Câu 4: (1,0 điểm) Ý hiểu về câu nói "Sổng chết đều là một ngọn lửa do ta tự đốt lên thôi".
- Sống, chết: là hai trạng thái của con người, của sinh tồn. Sống là còn trao đổi chất, còn sự sống. Chết là lâm vào trạng thái các bộ phận ngừng hoạt động, tim ngừng thở, máu ngừng rau thông, là hết một kiếp người.
- Ngọn lửa: là ngọn lửa đam mê
- Hai ngọn lửa: ngọn lửa sinh tồn hoặc ngọn lửa hủy diệt của đam mê
- Do ta tự đốt lên: nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lựa chọn từ con người. Cuộc đời chúng ta sống hay chết là do chính chúng ta quyết định.
==> Cả câu nói ngắn gọn nhưng ý nghĩa sâu sắc: Đam mê là rất quan trọng nhưng phải đam mê cái gì và sống với đam mê như thế nào. Chúng ta sống hay chết, cuộc đời ý nghĩa hay vô nghĩa là do chính những đam mê ta đã chọn quyết định.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Yêu cầu kĩ năng:
* Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề (0,25đ)
* Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: “…Với họ, quan trọng là từng người con cảm thấy hạnh phúc, ham thích nghề nghiệp trong tương lai của mình, dẫu đó là nghề chân tay hay trí óc…”
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. (0,25đ)
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25đ)
* Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. (0,25đ)
Yêu cầu nội dung:
a. Giải thích (0,25 điểm)
- Đam mê: những hứng thú, say mê của con người với một lĩnh vực nào đó hoặc một điều gì đó.
- Đam mê học hỏi: hứng thú, say mê với việc học, rèn luyện kiến thức, trau dồi tri thức.
- Phản bội: lật lọng, tráo trở.
- Câu nói khẳng định sự bất biến của niềm đam mê học hỏi là không bao giờ phản bội con người, nó sẽ đem đến cho con người những lợi ích, những điều tốt đẹp hơn.
b. Chứng minh (0,25 điểm)
- Tại sao đam mê học tập là niềm đam mê không bao giờ phản bội con người?
- Vì kiến thức ta đạt được sau quá trình học là hành trang theo ta suốt cuộc đời, để có thể làm những điều ta mong muốn.
- Vì học tập là công việc cả đời, trau dồi tri thức là chuyện luôn luôn nên làm, có đam mê với việc học chúng ta sẽ tích lũy được những điều bổ ích, những kiến thức đó giúp chúng ta trở thành người tốt hơn.
- Đam mê học tập sẽ giúp chúng ta vượt qua những thử thách để đối mặt với những khó khăn, vượt qua nó một cách dễ dàng.
- Vì cái rễ của học tập thì cay đắng nhưng hoa quả của nó lại ngọt ngào.
- Những dam mê khác có thể có mặt trái nhưng đam mê học tập thì không, luôn giúp ta chinh phục những điều mơ ước.
- Biểu hiện của đam mê học tập không bao giờ phản bội con người
- Đam mê học tập, ta có kiến thức cho chính bản thân mình. Đến cuối cùng, chúng ta đi học là để có kiến thức, để không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
- Truyền đam mê ấy đến những người khác (Những người làm công việc giáo viên như người viết văn bản)
- Có đam mê trong học tập sẽ rèn luyện được những đức tính kiên trì, chịu khó vì biển kiến thức là mênh mông, những gì chúng ta biết hôm nay chỉ là hạt cát giữa sa mạc.
- Đam mê học tập là đam mê suốt đời, học tập suốt đời.
c. Bàn luận, nêu bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)
- Ngoài đam mê học tập, cũng cần có những đam mê khác để cuộc sống phong phú, để hoàn thiện bản thân, không trở thành mọt sách.
- Đam mê học tập để trở thành nguời có tri thức nhưng cũng cần trở thành người có văn hóa, có đạo đức.
- Bài học hành động và liên hệ bản thân
- Là học sinh ngồi trên ghế nhà truờng, sắp có buớc ngoặt quan trọng trong cuộc đời, em đã có cho mình đam mê nào chưa? Em có đam mê học tập không? Em sẽ làm gì để thực hiện niềm đam mê ấy?
- Thắp cho bản thân một ngọn lửa sinh tồn, nó sẽ soi sáng cuộc đời bạn
Câu 2 (5,0 điểm)
* Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. (0,25 đ)
* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có nhiều ánh lửa, Lửa của Hoàng Phủ Ngọc Tường là ngọn lửa của tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước, ngọn lửa của nhà văn luôn nặng lòng và đầy nhiệt huyết với văn chương, với quê hương. (0,5đ)
* Triển khai vấn đề nghị luận thành những luận điểm phù hợp, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thác tác lập luận để trình bày các luận điểm, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng (3,25 đ).
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)
- Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937, là người có hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực đặc biệt nhất là sử học, địa lý văn hóa ở Huế. Tác phẩm của ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình với những liên tưởng mạnh mẽ và một lối hành văn mê đắm tài hoa.
- Tác phẩm: “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một bài kí xuất sắc của Hoàng Phủ, thể hiện đậm nét phong cách nghệ thuật của ông. Qua vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông Hưong, chúng ta thấy “Kỉ của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”.
b. Giải thích ý kiến (0,5 điểm)
- Kí là thể loại đặc trưng, là sở trường của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
- Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa. Ánh lửa ở đây là ánh lửa của nhiệt huyết, của đam mê, là ánh sáng ngợi ca vẻ đẹp từ tấm lòng của một người con Huế dành cho dòng sông quê hương mình.
- Dùng một nhận định của thiên tài tùy bút Nguyễn Tuân để đánh giá Hoàng Phủ Ngọc Tường là sự đánh giá, đề cao bút lực của cây bút sinh ra từ sứ mộng, xứ thơ này.
c. Phân tích vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông Hương (2,75 điểm)
* Sông Hương trong không gian núi rừng Trường Sơn:
- Là bản trường ca của rừng già. Ở nơi khởi nguồn của dòng chảy, gắn liền với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con sông toát lên vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa trữ tình, mang một sức sống mãnh liệt.
- Như cô gái Di- gan phóng khoáng và man dại. biện pháp nhân hóa đã gợi ra vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất tình tứ của dòng sông.
- Là người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở: khi ra khỏi rừng già, dòng sông nhanh chóng mang vẻ đẹp “dịu dàng và trí tuệ”, góp phần hình thành, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của xứ Huế
=>Tác giả đã thực sự kì công để khám phá và hết sức tinh tế để thấu hiểu cái phần đời mà “dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”.
* Sông Hương trong không gian châu thổ vùng Châu Hoá:
- Vẻ đẹp của người gái đẹp bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài
- Trong cảm nghĩ của nhà văn, sông Hương giống như "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại” được “người tình mong đợi đến đánh thức”
- Từ đây, thủy trình về xuôi của sông Hương giống như một cuộc tìm kiếm có ý thức người tình nhân đích thực của một người gái đẹp trong câu chuyện tình yêu lãng mạn nhuốm màu cổ tích.
- Vẻ đẹp đa dạng: hành trình về xuôi của dòng sông gắn liền với những địa danh khác nhau, và ở mỗi địa danh lại mang một vẻ đẹp mới lạ. Phải chăng người con gái khi đến với người yêu không chỉ để dâng tặng tình yêu mà còn để hoàn thiện và phơi bày vẻ đẹp của mình? Quả thực trong hành trình về với kinh thành của mình, sông Hương đã phô khoe những vẻ đẹp hết sức đa dạng.
* Sông Hương trong không gian kinh thành Huế:
- Bắt đầu đi vào thành phố- Sông Hương được so sánh vói người tình vui tươi và duyên dáng:
- Tâm trạng vui tươi của dòng sông từ khi gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ đến đây càng rõ hơn khi đã nhận ra những dấu hiệu của thành phố.
- Người gái đẹp sông Hương làm dáng lần cuối cùng trước khi chảy vào giữa lòng thành phố thân yêu, trước khi đến với người tình nhân đích thực: uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến, khiến dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu.
- Trong lòng thành phố- Sông Hương được so sánh vói điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế:
- Nhà văn đã rất tinh tế khi nhận ra đặc điểm riêng của sông Hương là lưu tốc rất chậm “cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”, nhất là khi so sánh với con sông Nê-va băng lướt qua trước cung điện Pê-tec-bua để ra bể Ban-tich.
- Đặc điểm ấy được nhà văn lí giải từ nhiều góc nhìn khac nháu:
+ Từ đặc điểm địa lí tự nhiên: những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước
+ Từ lí lẽ của trái tim thì “điệu chảy lặng lờ”, “ngập ngừng muốn đi muốn ở” của sông Hương là do tình cảm dành riêng cho Huế, do quá yêu thành phố của mình, do muốn được nhìn ngắm nhiều hơn nữa thành phố thân thương trước khi phải rời xa.
- Rời khỏi thành phố- Sông Hương được so sánh với người tình dịu dàng và chung thủy:
- Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải chia li, dù lưu luyến, dùng dằng đến mấy thì các dòng sông cũng phải trở về với biển cả. Và sông Hương cũng không là ngoại lệ...
- Theo đặc điểm địa lí tự nhiên: khi rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, nhưng rồi theo quy luật, nó lại phải chuyển dòng sang hướng tây đông. Vì thế mà nó lại đi qua một góc của thành phố Huế ở thị trấn Bao Vinh xưa cổ.
- Theo góc nhìn của người nghệ sĩ tài hoa khúc ngoặt ấy là biểu hiện của nỗi vương vấn, thậm chí có chút lẳng lơ kín đáo của người tình thủy chung.
==> Tiểu kết:
Lửa của Hoàng Phủ Ngọc Tường là ngọn lửa của tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước, ngọn lửa của nhà văn luôn nặng lòng và đầy nhiệt huyết với văn chương, với quê hương đã thắp sáng toàn bộ bài kí và làm rực lên cả dòng Hương Giang. Thiên nhiên xứ Huế và dòng sông Hương luôn gắn bó, gần gũi với con người. Qua điệu chảy của dòng sông nhà văn thấy được tính cách con người xứ Huế. Từ góc độ của dòng sông thiên nhiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn sông Hương như một thiếu nữ xinh đẹp và tài hoa, dịu dàng và sâu sắc, đa tình và kín đáo, lẳng lơ nhưng rất mực chung tình. Ở người thiếu nữ ấy nổi bật lên những đặc điểm:
- Nữ tính: Sông Hương cũng có một đời sống và tính cách phong phú nhưng có thể thấy một nết thống nhất là chất nữ tính rất đậm: Khi là một cô gái Digan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng, khi là một người con gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, khi là người con gái dịu dàng của đất nước, khi là người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở với một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, lúc lại là người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya...
- Đa tình: Ngay từ đầu bài tuỳ bút, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có một cảm nhận rất độc đáo về sông Hương trong mối quan hệ với thành phố của nó- đó là quan hệ của một cặp tình nhân lý tưởng trong Truyện Kiều “tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc” Sông Hương sau đó vẫn được nhà văn khẳng định “là Kiều, rất Kiều”- nghĩa là không chỉ xinh đẹp, tài hoa mà còn đa tình và say đắm.
- Sông Hương còn là người phụ nữ khéo trang sức mà không lòe loẹt phô phang, giống như những cô dâu Huế ngày xưa trong sắc áo điều lục.
d. Đánh giá (0,25 điểm)
Trong bài tùy bút này, ngoài cái nhìn từ địa lí tự nhiên sông Hương đã còn đặt trong cái nhìn lịch sử, văn hóa tạo nên sự toàn diện và thống nhất... Trong các mối liên hệ ấy, sông Hương vừa tươi đẹp, vừa thơ mộng và quyến rũ trong các sắc thái thiên nhiên vừa sâu lắng trong các giá trị văn hóa, vừa phong phú đến bất ngờ trong khả năng gợi hứng thú sáng tạo cho những người nghệ sĩ, vừa kiên cường bất khuất trong thế đứng và tinh thần khi đối diện với giặc ngoại xâm... Song dường như sau tất cả những điều đó, sông Hương vẫn mãi còn những điều bí ẩn chưa được khám phá hết nên vẫn mãi gợi niềm bâng khuâng trong tâm hồn con người “ai đã đặt tên cho dòng sông?”
---------- Hết ---------
Xem thêm bài viết khác
- Thi THPTQG 2020: Đề thi và đáp án chính thức của Bộ GD môn Ngữ văn
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn lần 5 năm 2017 của trường chuyên ĐHSPHN
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 15 năm 2017 (có đáp án)
- Đáp án đề thi THPTQG môn Ngữ Văn, đề số 2
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 10 năm 2017
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 22 năm 2017, thành phố Hà Nội
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 28 năm 2017 (có đáp án)
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia lần 16 năm 2017
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 25 năm 2017
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 26 năm 2017 (có đáp án)
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 23 năm 2017
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn lần 6 năm 2017