Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 19 của tỉnh Hà Nam năm 2017

  • 1 Đánh giá

Bài làm:

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2: Tác giả “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” bởi vì:

  • Khi nghĩ đến hạnh phúc thì con người thường nghĩ đến những gì cao xa, to lớn nhưng thực ra hạnh phúc là những gì rất giản dị, gần gũi quanh ta.
  • Con người thường không nhận ra giá trị của những gì mình đang có, vì vậy thường “than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc”.

Câu 3:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9): liệt kê, điệp ngữ, tương phản-đối lập.

- Tác dụng:

  • Tạo giọng điệu thiết tha, hùng hồn, mạnh mẽ để tăng tính thuyết phục.
  • Nhấn mạnh sự tương phản về hoàn cảnh của chúng ta và biết bao nhiêu người để từ đó gợi ra quan niệm về một hạnh phúc giản đơn.

Câu 4:

Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích: Chúng ta cần biết trân trọng những hạnh phúc bình dị, giản đơn nhưng thiết thực trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Giải thích (0,5 điểm)

- Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý của con người khi ta cảm thấy vui vẻ, thoả mãn.

b. Bàn luận (1,0 điểm)

* Quan niệm của giới trẻ về hạnh phúc:

- Hạnh phúc là hưởng thụ.

- Hạnh phúc là trải nghiệm.

- Hạnh phúc là sống vì người khác.

- Hạnh phúc là hài hòa giữa lợi ích của cá nhân và cộng đồng…

* Vì sao giới trẻ hiện nay lại có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc?

- Thời đại mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, con người dễ coi trọng lối sống vật chất, vì vậy dễ nảy sinh quan niệm hạnh phúc là hưởng thụ.

- Thời đại ngày nay cũng đặt ra nhiều thách thức, cơ hội, vì vậy giới trẻ cũng năng động hơn, dám sống dám trải nghiệm, dám hi sinh vì người khác…

c. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)

- Cần có những quan niệm đúng đắn về hạnh phúc.

- Luôn hoàn thiện mình để hướng tới một hạnh phúc chân chính.

Câu 2 (5,0 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết viết một bài văn nghị luận văn học có bố cục đầy đủ; sử dụng các thao tác phân tích, chứng minh, bình luận…; diễn đạt mạch lạc, logic… (0.5 điểm)
* Yêu cầu về kiến thức: (4,5 điểm)
1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)
– Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, tác phẩm của ông mang đậm cảm hứng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
– Rừng xà nu được sáng tác mùa hè năm 1965, tác phẩm đã xây dựng thành công hình tượng cây xà nu “…Xà nu trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của nhân dân làng Xô Man.”

2. Phân tích hình tượng cây xà nu để làm sáng tỏ nhận định (4,0 điểm)
a. Vai trò, vị trí của cây xà nu đối với đời sống của dân làng Xôman (0,5 điểm)

- Vị trí: Là hình tượng lớn, xuyên suốt tác phẩm: Nhan đề, xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, xuất nhiện ở đầu và cuối tác phẩm. Có khoảng 20 lần nhà văn nói tới cây xà nu, nhựa xà nu, khói xà nu, đồi xà nu…
- Vai trò: cây xà nu găn bó mật thiết với dân làng Xô Man; gắn với những sinh hoạt trong đời sống hằng ngày và xuất hiện ở trong những sự kiện trọng đại của dân làng, nó còn thấm sâu vào nếp nghĩ, nếp cảm của người dân .Là hình tượng nghệ thuật thể hiện chủ đề và nội dung tư tưởng của tác phẩm.

b. Vẻ đẹp tự nhiên của cây xà nu (1,5 điểm)
- Là loài cây lớn, đông đảo và hùng vĩ, bao phủ một vùng rộng lớn của mảnh đất Tây Nguyên: Cả rừng xà nu hàng vạn cây; đến hút tầm mắt cũng không nhìn thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
- Cánh rừng xà nu có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của dân làng, che chở cho dân làng: Ba năm qua rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho dân làng .
- Loài cây có sức sống mạnh mẽ, kiên cường, bất diệt và khả năng sinh sôi mãnh liệt. Dưới làn đạn của kẻ thù, rừng xà nu vẫn sinh sôi nảy nở . Trong rừng ít có cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây Xà nu mới ngã ngục, đã có bốn năm cây con mọc lên… lao thẳng lên bầu trời.
- Là loài cây ham ánh sáng, luôn vươn ra ánh sáng, hướng tới sự sống, qua đó phô ra tất cả những vẻ đẹp của tầm vóc, sắc màu và hương thơm: Cũng ít loại cây nào ham ánh sáng mặt trời đến thế…thơm mỡ màng.

c. Cây xà nu biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của nhân dân làng Xô Man (2,0 điểm)
- Biểu tượng cho những mất mát, đau thương vô bờ mà dân làng Xô man nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung đã phải chịu đựng trong cuộc chiến đấu chống quân thù.
- Biểu tượng cho khối đoàn kết, gắn bó của dân làng Xôman trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Biểu tượng cho tình cảm, lòng yêu thương của dân làng Xô man. Họ đã mang tất cả lòng yêu thương, căm thù và sức mạnh để nuôi dưỡng, bảo vệ, che chở cho Tnú.
- Biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, ý chí, nghị lực , sự bất khuất kiên cường, lòng quyết tâm và sự tiếp nối nhiều thế hệ của dân làng Xôman trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Trong bom đạn, các thế hệ người dân Xôman đã nối tiếp nhau, sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù: Cụ Mết – Bà Nhan, anh Xút – Tnú, Mai – Dít – Bé Heng…Thế hệ này ngã xuống, thế hệ sau lại bất khuất đứng lên, rồi từ những đau thương mất mát tích tụ, họ đã vùng dậy quật khởi bằng sức mạnh đoàn kết vô song.
- Biểu tượng cho khát vọng tự do, niềm tin và thái độ luôn hướng tới ánh sáng cách mạng, lí tưởng của Đảng, đi theo cách mạng của dân làng Xô man .

3. Đánh giá (0,5 điểm)
- Hình tượng xà nu là hình tượng trung tâm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, là một ẩn dụ biểu tượng, là hình tượng sóng đôi, soi chiếu vào con người Tây Nguyên anh hùng trong kháng chiến chống Mĩ.
- Rừng Xà nu, cây Xà nu là hình tượng thẩm mĩ đặc sắc, giàu ý nghĩa đã được nhà văn Nguyễn Trung Thành khắc họa bằng tất cả những tình cảm gắn bó, lòng yêu thương, sự trân trọng của một nhà văn cách mạng.
- Hình tượng cây xà nu góp phần làm nổi bật màu sắc sử thi của tác phẩm
- Nghệ thuật: phép lặp, ẩn dụ, nhân hoá, phép liên tưởng ứng chiếu song hành, xà nu vừa là đối tượng miêu tả, vừa là phương tiện biểu hiện

----------------------- Hết ----------------------

  • 14 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021