Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 18 năm 2017
Bài làm:
Sau đây, KhoaHoc xin giới thiệu đáp án cho đề thi thử số 18. Các bạn cùng tham khảo và cho ý kiến nhé!
I. ĐỌC- HIỂU ( 3,0 điểm)
Câu 1: Đoạn trích chủ yếu sử dụng thao tác lập luận bình luận
Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích: Nói về việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của mỗi người, nêu thực trạng và kêu gọi mọi người, xã hội hãy chăm lo thời gian nhàn rỗi bởi đó là vấn đề văn hóa. 0,5
Câu 3: Đặt nhan đề: Thời gian nhàn rỗi/ Sử dụng thời gian nhàn rỗi/ Thời gian nhàn rỗi - vấn đề văn hóa...
Câu 4: Nêu ít nhất 03 biện pháp để sử dụng thời gian nhàn rỗi của bản thân, trình bày cụ thể thông qua viết đoạn văn. Ví dụ:
- Đọc sách
- Tham gia các bộ môn thể thao và nghệ thuật như bóng đá, bóng chuyền, âm nhạc...
- Tham gia các hoạt động tình nguyên của đoàn Thanh Niên
- Giúp đỡ cha mẹ làm các công việc nhà
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên”.
a. Giải thích:
- Hành trình ngàn dặm: đường đi dài (nghĩa đen), thành công lớn (nghĩa bóng).
- Bước đi nhỏ bé: việc làm, hành động nhỏ bé, cụ thể.
==> Nội dung câu châm ngôn: đúc kết một chân lí đơn giản, có tính quy luật: muốn có được thành công thì phải có bắt đầu; làm tốt việc nhỏ mới có được thành công lớn.
b. Phân tích - Bàn luận:
- Phân tích biểu hiện: Trong đời sống tự nhiên, cũng như xã hội của con người, những điều lớn lao đều được tạo ra bởi những gì nhỏ bé: biển cả mênh mông được tạo ra từ vô số giọt nước; cây đại thụ trưởng thành từ hạt mầm; kì tích của nhân loại có được nhờ những nỗ lực từng bước của con người...
- Bàn luận:
- Khẳng định tính đúng đắn của câu châm ngôn: Tất cả mọi điều vĩ đại trên thế giới này đều bắt đầu từ những thứ nhỏ bé ở đâu đó, ở một khoảnh khắc nào đó trong quá khứ. Thực tế cho thấy chẳng mấy ai hoàn thành việc lớn trong đời khi cứ ngồi một chỗ, chẳng làm gì cả.Những người thành đạt là người luôn làm việc, luôn hành động.
- Không phải cứ “bước đi” là sẽ vượt được “hành trình ngàn dặm” (tức là có được thành công) nhưng muốnthànhcông thì nhất thiết phảicó những “bước đi nhỏ bé đầu tiên”.
- Việc làm, hành động có thể dẫn đến thành công hay thất bại song điều quan trọng là phải biết rút ra những bài học kinh nghiệm từ những thành công hay thất bại đó.
- Trong cuộc sống có những người biết ước mơ, dám nghĩ, dám làm và đi đến đích của cuộc hành trình rất đáng ngợi ca; bên cạnh đó, cũng cần phê phán những người không làm gì cả, không đi một bước nào hết, vì thế, không có được thành công thực sự.
c. Bài học nhận thức và hành động:
Cần làm tốt việc nhỏ để có được thành công lớn; bắt đầu những điều lớn lao bằng những bước đi vững chắc đầu tiên.
Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận về hình tượng âm thanh tiếng đàn và bình luận hai ý kiến.
Gợi ý làm bài
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề
- Thanh thảo là nhà thơ trưởng thành trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ, có nhiều nỗ lực cách tân thơ sau năm 1975, nổi bật là sự tìm kiếm những cách biểu đạt mới trong thơ.
- Đàn ghi ta của Lorca rút từ tập thơ Khối vuông Ru- bích (1985) là thi phẩm tiêu biểu của Thanh Thảo. Bài thơ được lấy cảm hứng từ nhân cách cao đẹp cùng số phận oan khuất của Lor- ca, là tiếng nói tri âm của Thanh Thảo đối với người nghệ sĩ Tây Ban Nha. Hình tượng âm thanh tiếng đàn là một sáng tạo độc đáo của nhà thơ Việt. Trích dẫn 2 ý kiến.
2. Giải thích hai ý kiến: Hai ý kiến là hai nhận xét khác nhau về ý nghĩa của hình tượng tiếng đàn.
- Ý kiến “Tiếng đàn là thân phận của Lorca, cũng là thân phận của nghệ thuật nói chung trong một thực tại mà cái ác ngự trị” nhìn tiếng đàn như một thực thể mong manh, ngắn ngủi để thấy tiếng đàn là thân phận Lor-ca, nghệ thuật Lor-ca.
- Ý kiến “Tiếng đàn là sức sống và cũng là nghệ thuật bất tử của Lorca” lại nhận ra tiếng đàn như một sinh thể có sức sống bất diệt để thấy tiếng đàn tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn, cho sức sống của nghệ thuật Lor-ca.
3. Cảm nhận về hình tượng âm thanh tiếng đàn và bình luận hai ý kiến.
a. Cảm nhận về hình tượng âm thanh tiếng đàn
* Tiếng đàn là thân phận Lor-ca, thân phận của nghệ thuật nói chung trong một thực tại mà cái ác ngự trị.
- Những tiếng đàn bọt nước mong manh và ngắn ngủi được đặt trong sự tương phản, đối lập với sắc đỏ gắt của trận đấu bò sinh tử, của nền chính trị độc tài thân phát xít đang thiêu đốt tự do dân chủ, gợi liên tưởng tới thân phận đơn độc nhỏ nhoi, khiêm nhường, số phận mong manh, ngắn ngủi của Lor-ca trong bối cảnh chính trị căng thẳng, dữ dội. Đây là một trận chiến lớn giữa một bên là khát vọng dân chủ của nhân dân nói chung, của Lor-ca nói riêng với nền chính trị độc tài. Xét trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là cuộc xung đột giữa khát vọng cách tân của nhà thơ với nền nghệ thuật già nua. Xét ở phương diện nào thì Lor-ca cũng một nghệ sĩ- chiến sĩ đơn độc
- Tiếng ghi ta vỡ tan và ròng ròng máu chảy: Tiếng đàn đã thành thân phận đau thương của Lor-ca, của nghệ thuật trước sự hủy diệt tàn bạo của kẻ thù. Hai tiếng “vỡ tan”, vừa là sự vỡ ra của bọt nước vừa là sự phập phồng thổn thức của tiếng đàn. Nó đã cất lên lời ca tranh đấu lên án bè lũ phát xít đã hủy diệt cái tài, hủy diệt cái đẹp. Và vì thế, bản ghi ta bi tráng đẩy đến độ cao trào của sự bi phẫn, nó ròng ròng máy chảy, nó uất nghẹn, tức tưởi đến bật máu thành từng dòng đau thương trong một bản đàn giao hưởng hào sảng. Nỗi đau của tiếng đàn cũng là nỗi đau của người nghệ sĩ khi khát vọng chưa thành. Âm thanh tiếng đàn như tiếng kêu cứu của con người, của cái đẹp trước thời khắc bị đẩy tới chỗ tuyệt diệt. Thì ra, nghệ thuật trong bản thể của nó cũng là một sinh mệnh.
* Tiếng đàn là vẻ đẹp tâm hồn Lor-ca, là sức sống bất diệt của nghệ thuật
- Tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh: Tiếng đàn mang âm vang và sắc màu của một tâm hồn rạo rực, say đắm trong tình yêu, thiết tha, khắc khoải với sự sống của người nghệ sĩ đa tài. Màu nâu xuất hiện suy tư, trầm tĩnh đến lạ thường. Đó là màu nâu của vỏ cây đàn, màu nâu của đất đai, màu nâu của làn da, mái tóc cô gái Digan.
- Đó là màu xanh của bầu trời. Trước giây phút từ li, chàng đã ngước lên nhìn bầu trời xanh tha thiết, bầu trời khát vọng, bầu trời yêu thương nơi có bóng hình nàng Maria thủy chung.
- Đó là màu xanh, là sự hóa thân của Lor-ca và tiếng đàn vào thiên nhiên mang sức sống cỏ cây. Hai tiếng “biết mấy” nằm ở cuối câu vừa là sự tha thiết trong tình cảm của người nghệ sĩ Thanh Thảo vửa tôn thêm vẻ đẹp của tuổi trẻ Lor-ca – vẻ đẹp của người chiến sĩ suốt đời hi sinh vì lý tưởng.
- Tiếng đàn mãi trường tồn “không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang”: “tiếng đàn” tượng trưng cho nghệ thuật của Lor-ca, cho tình yêu tự do, yêu con người mà suốt đời ông theo đuổi; đó là cái đẹp không thể bị hủy diệt, nó sẽ sống, sẽ lan truyền mãi, giản dị mà kiên cường như cỏ dại. Giai điệu li-la li-la li-la mãi vang ngân là một ẩn dụ tượng trưng cho sức sống bất diệt của Lor-ca, của nghệ thuật, của những giá trị chân chính trên cõi đời này. Tiếng đàn mang tên loài hoa Li La như sự sống vẫn lặng lẽ tỏa hương, hiện hữu giữa cuộc đời.
b. Bình luận 2 ý kiến
- Hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau cùng khẳng định những ý nghĩa tượng trưng của hình tượng tiếng đàn: Tiếng đàn vừa là một ẩn dụ nghệ thuật của thân phận mong manh, ngắn ngủi của Lor-ca, của nghệ thuật vừa là hỉnh ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp sức sống bất diệt của tâm hồn Lor-ca, của nghệ thuật nói chung.
- Hình tượng có được nhiều ý nghĩa ấy là do Thanh Thảo đã sử dụng phối kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật: Đối lập, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, điệp ngữ, hoán dụ, nhân hóa, so sánh để tạo nên nhiều hình ảnh thơ lạ hóa giàu sắc thái tượng trưng, siêu thực, hình thức câu thơ tự do, ngắt nhịp bất thường, giàu chất nhạc, chất họa…
4. Đánh giá chung
- Khẳng định lại hai ý kiến trên và đánh giá chung về hình tượng Lor-ca, khẳng định sự bất tử của Lor-ca, của tiếng đàn Lor-ca. Người nghệ sĩ ấy đã chết nhưng tiếng đàn của ông vẫn sống mãi với Tây Ban Nha, với lòng người yêu tự đo, yêu hòa bình. - Khẳng định tài năng độc đáo, sự trăn trở của người nghệ sĩ Thanh Thảo trên hành trình sáng tạo ông đã hóa thân, nhập cảm sâu sắc vào thế giới nghệ thuật vào cuộc đời và số phận của Lor-ca, sự cộng hưởng cùng khát vọng sáng tạo để suy ngẫm sâu xa về nỗi đau, niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ lớn đã dâng hiến trọn vẹn cho cái đẹp.
Xem thêm bài viết khác
- Đáp án chi tiết đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 36 năm 2017
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 22 năm 2017, thành phố Hà Nội (có đáp án)
- Đáp án phần Làm Văn Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 35 năm 2017
- Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 28 năm 2017 (có đáp án)
- Đề minh họa 2022 môn Ngữ văn Đề tham khảo thi tốt nghiệp 2022 môn Văn - có đáp án
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia lần 20 năm 2017, tỉnh Nghệ An
- Đáp án phần Làm Văn Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 31 năm 2017
- Đáp án phần Làm Văn Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 34 năm 2017
- Đáp án chi tiết đề thi THPTQG môn Ngữ Văn theo cấu trúc mới của Bộ, đề số 1
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia lần 13 năm 2017
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 25 năm 2017
- Đáp án đề thi thử THPT quốc gia lần 16 năm 2017