Đề 3: Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích

141 lượt xem

Bài viết tập làm văn số 6 - ngữ văn 12 đề 3: Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.


Nội dung bài gồm:

Back to top

Bài mẫu 1: Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích - Chí Phèo (Nam Cao)

Bài làm

Trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao ra đời đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn Việt Nam thời bấy giờ. Nó là một dẫn chứng hùng hồn chứng minh cho thắng lợi của quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của các nhà văn tiến bộ. Truyện ngắn xuất sắc này đã đưa Nam Cao lên vị trí hàng đầu trong đội ngũ các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945.

Qua nhiều truyện ngắn của mình, Nam Cao đã tố cáo trước dư luận tình trạng thống khổ của nông dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Họ là nạn nhân của bọn cường hào áp bức và tham nhũng. Bạo lực đen tối, sưu cao thuế nặng cùng nhiều hủ tục khác ở nông thôn đã dồn đẩy họ vào bước đường cùng, thậm chí tước đoạt quyền sống, quyền làm người của họ. Hình tượng có giá trị tố cáo xã hội sâu sắc là nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên – một nông dân lương thiện bị bần cùng hoá, lưu manh hóa. Chính vì có ý nghĩa hiện thực to lớn và giá trị nghệ thuật xuất sắc nên truyện ngắn này được đánh giá là một kiệt tác trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã khắc hoạ thật sinh động và tài tình chân dung có một không hai của gã Chí Phèo say rượu: Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra !”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này ? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.

Quả là một nguồn gốc xuất thân đầy bí ẩn. Ấy thế nhưng nhân thân Chí Phèo thì mọi người đều rõ. Hắn chính là đứa bé bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, trong chiếc lò gạch bỏ hoang giữa đồng không mông quạnh. Một anh đi thả ống lươn lúc sáng sớm đã mang hắn về làng. Tuổi thơ hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Không thân thích, không tấc đất cắm dùi, hắn lớn lên như thú hoang, như cỏ dại, chẳng được ai ban cho chút tình thương. Đó là cuộc đời khốn khổ của kẻ cùng hơn cả dân cùng ở nông thôn ngày trước.

Chí Phèo phải chịu đựng mọi nỗi bất hạnh như bao nông dân nghèo cực khác, nhưng điều bất hạnh lớn nhất của hắn là không được sống bình thường ngay trong cuộc đời nghèo khổ mà lương thiện của mình. Anh thanh niên có cái tên hiền lành, dễ thương là Chí đã bị xã hội vạn ác cướp đi cả bộ mặt người cùng tính người, bị biến thành gã lưu manh hung tợn Chí Phèo nên đã bị dân làng gạt ra khỏi cộng đồng một cách không thương tiếc.

Chí vốn là anh trai cày cục mịch, chất phác, làm tá điền cho nhà lí Kiến. Chỉ vì cơn ghen bóng ghen gió của tên cường hào nham hiểm này mà Chí bị bắt đi tù. Bảy, tám năm trong tù, sống chung với tầng lớp cặn bã của xã hội tâm hồn Chí đã bị nhuộm đen. Cái phần người trong Chí Phèo đã bị thui chột đi. Từ mặt mũi đến tính cách của hắn đã trở nên quái dị, đáng sợ.

Bọn thống trị trong làng mà tiêu biểu là bá Kiến – kẻ đã gây ra bi kịch của cuộc đời Chí Phèo – giờ đây lại dùng thủ đoạn nham hiểm và sức mạnh của đồng tiền để mua chuộc, sai khiến, sử dụng Chí Phèo như con dao trong tay đồ tể, gây hoạ cho bao người.

Chí Phèo phản ứng gay gắt, quyết liệt với xã hội bằng thái độ ngang ngược, liều lĩnh. Lúc nào hắn cũng say, cũng giận dữ, sẵn sàng dùng mảnh chai rạch mặt ăn vạ, kêu làng… Quá trình biến đổi dữ dội trong tính cách của Chí Phèo tố cáo sự huỷ hoại ghê gớm của xã hội thối nát đối với phẩm chất, nhân cách của người lao động.

Chí Phèo là hiện thân của nỗi đau khổ tột cùng: sinh ra là người mà không được làm người. Để quên đi nỗi bất hạnh ấy, Chí Phèo dùng rượu để giải khuây: Những cơn say của hắn tràn cơn này sang cơn khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy hãy còn say, đập đầu, rạch mặt, chửi bới, doạ nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận. Chưa bao giờ hắn tỉnh, và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở đời. Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng. Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Hắn biết đâu vì hắn làm tất cả những việc ấy trong khi hắn say; hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm. Tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua.

Bởi say rượu triền miên nên hầu như Chí Phèo bị tê liệt về ý thức, sống mù tối trong kiếp sống thú vật. Trong một cơn say, vô tình Chí Phèo gặp Thị Nở, một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, ngẩn ngơ, nghèo đói, quá lứa lỡ thì và dòng giống có mả hủi. Chút tình thương yêu mộc mạc của Thị Nở đã khơi bùng lên ngọn lửa lương tri còn leo lét trong tâm thức âm u của Chí Phèo, thức tỉnh bản chất lương thiện vốn có trong hắn. Đoạn văn miêu tả tâm trạng Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở chứng tỏ Nam Cao xứng đáng là bậc thầy về phân tích tâm lí nhân vật: Khi Chí Phèo mở mắt thì trời sáng đã lâu. Mặt trời chắc đã lên cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. Cứ nghe chim ríu rít bên ngoài đủ biết. Nhưng trong cái lều ẩm thấp vẫn mới chỉ hơi lờ mờ. Ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng. Chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say.

Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Cũng như những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc. Hay là đói rượu ? Nghĩ đến rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!

Những âm thanh quen thuộc ấy vọng đến tai Chí Phèo bỗng trở thành tiếng gọi của sự sống và lay động sâu xa tâm hồn hắn: Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm… Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đoạ cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông trước thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.

Trái tim tưởng như chai đá của Chí Phèo dần dần sống dậy. Cái phần người trong hắn cũng hồi sinh. Hắn khao khát được sống cuộc sống bình thường, được làm hoà với mọi người. Thị Nở sẽ là cây cầu nối giữa hắn với dân làng Vũ Đại. Chí Phèo háo hức nghĩ tới một tương lai tốt đẹp.

Nhưng chút tình yêu thương của Thị Nở không đủ mạnh để cứu Chí Phèo. Con đường trở lại làm người của hắn đã bị một trở lực ghê gớm ngăn cản. Định kiến xã hội biểu hiện qua sự cấm đoán gay gắt của bà cô Thị Nở không cho phép Chí Phèo đặt chân lên nhịp cầu hi vọng. Một lần nữa Chí Phèo bị ruồng rẫy, hắt hủi phũ phàng. Từ đỉnh cao hi vọng, hắn rơi vào vực thẳm tuyệt vọng. Hắn ôm mặt khóc rưng rức vì cảm nhận sâu sắc số phận bất hạnh và bi kịch không lối thoát của mình để rồi lại tìm đến rượu.

Đau đớn thay tiếng kêu tuyệt vọng của Chí Phèo khi vác dao đến nhà bá Kiến để hỏi tội lão: Tao muốn làm người lương thiện! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa! Biết không! Chỉ có một cách… biết không! Căm thù cao độ và không còn lối thoát, Chí Phèo đã giết chết bá Kiến rồi tự sát, lấy sự hủy diệt thân mình để giải quyết bi kịch của số phận. Hành động quyết liệt ấy cho thấy một khi phần người đã sống dậy thì Chí Phèo không chấp nhận trở lại kiếp thú hoang.

Nỗi thống khổ của Chí Phèo là bị tước đoạt quyền làm người, không được nếm trải đủ những buồn vui, sướng khổ của kiếp người. Chí Phèo chết trong nỗi đau đớn tột cùng bởi khao khát mãnh liệt được làm người lương thiện đã bị định kiến xã hội dập tắt một cách tàn nhẫn. Câu hỏi cuối cùng trong những giây phút tỉnh táo cuối cùng của cuộc đời Chí Phèo chất chứa khao khát, đớn đau, phẫn uất và tuyệt vọng. Nó có giá trị tố cáo rất lớn cái xã hội thực dân phong kiến vô nhân đạo và có sức thức tỉnh, lay động mạnh mẽ, làm cho tâm hồn người đọc day dứt khôn nguôi. Đó chính là giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm.

Qua hình tượng nhân vật bất hủ Chí Phèo, Nam Cao muốn đề cập tới một vấn đề quan trọng là: Làm thế nào để con người được sống đúng nghĩa là người trong cái xã hội phi nhân tính đương thời? Tác phẩm mang ý nghĩa triết lí sâu sắc được thể hiện dưới hình thức nghệ thuật vô cùng độc đáo đã khẳng định Nam Cao là cây bút bậc thầy về truyện ngắn và tôn vinh tác giả lên vị trí hàng đầu trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Back to top

Bài mẫu 2: Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích - Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

Bài làm

Tô Hoài là nhà văn lớn của văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam hiện đại một khối lượng tác phẩm lớn.Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Tô Hoài sau Cách mạng tháng Tám. Hiện thực và nhân đạo là nội dung nổi bật của thiên truyện này. Nội dung ấy lại được thể hiện bằng giọng văn trần thuật, miêu tả và thể hiện tâm trạng, tính cách nhân vật hết sức tinh vi và sâu sắc.

Về nội dung, tác phẩm Vợ chồng A Phủ lấy ấn tượng bởi cách mở đầu bằng việc giới thiệu nhân vật Mị ở trong cảnh tình đầy nghịch lý. “Ai ở xa về, có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa . Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi” . Lẽ ra Mỵ là một người vợ của một nhà giàu có thì phải có cuộc sống sung túc nhưng qua cách giới thiệu tạo ra những đối nghịch về một cô gái âm thầm lẻ loi, âm thầm như lẫn vào các vật vô tri: cái quay sợi, tảng đá, tàu ngựa; cô gái là con dâu nhà thống lí quyền thế, giàu có nhưng sao mặt lúc nào “buồn rười rượi”. Từ những miêu tả đó khuôn mặt đó gợi ra một số phận đau khổ, bất hạnh nhưng cũng ngầm ẩn một sức mạnh tiềm tàng. Mị trước đó vốn là một người con gái đẹp ,có khả năng âm nhạc, cô giỏi sáo và giỏi uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Là một cô gái nhạy cảm giàu khát khao yêu thương, được yêu, nhưng vì hoàn cảnh, Mị buộc phải bán mình cho nhà thống lí về làm vợ của A Sử và từ đó phải chịu một cuộc đời bạc mệnh. Với nhân vật Mị, số phận và tâm lý được ông phác họa như đồ thị hình sin, đi xuống để tạo sức nén cho lần sau vút cao và giải phóng chính mình. Mị từ một cô gái hồn nhiên, yêu đời bỗng trở thành nô lệ, sống với người chồng không yêu mình, bị bóc lột cả về thể xác lẫn tinh thần khiến tâm hồn người thiếu nữ bị tê liệt, phải sống như cái xác không hồn, như con rùa lầm lũi trong xó cửa… tưởng chừng không bao giờ thoát ra được. Tâm hồn Mị được thức tỉnh trong đêm tình mùa xuân, nảy sinh hành động cắt dây trói cứu A Phủ, giải phóng cuộc đời khỏi ách thống trị, khỏi sự khổ đau và mở ra tương lai cho chính mình

Viết về A Phủ, Tô Hoài thương cảm cho cuộc đời của cậu bé mồ côi bị bán lấy thóc. A Phủ bị quỳ, bị đánh chửi suốt ngày mà vẫn phải câm như thóc; phải phục vụ cho kẻ đã tra tấn, lăng nhục mình… Có lẽ viết về nỗi đau, nỗi bất hạnh của hai nhân vật này, ngòi bút Tô Hoài thấm ướt trang giấy, ông đã gieo vào lòng người đọc niềm thương cảm trước số phận con người. Ngòi bút của nhà văn đi sâu khám phá và sâu bên trong thế giới nội tâm nhân vật, ông hiểu nỗi niềm và trân trọng những khát vọng của họ. Miêu tả quá trình diễn biến nội tâm nhân vật tự nhiên và sống động, mở ra cho họ lối thoát.

Từ nội dung tác phẩm, ta thấy được tấm lòng yêu thương con người của nhà văn qua việc lên án, phê phán hiện thực xã hội lúc bấy giờ, tố cáo sự tàn bạo của giai cấp thống trị miền núi đồng thời cảm thông với nỗi bất hạnh của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc; nhà văn trân trọng những khát vọng và mở ra cho họ con đường giải phóng bản thân, giải phóng đồng bào. Tác phẩm vừa mang giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo cao cả.Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ không chỉ vạch trần tội ác của bọn phong kiến miền núi mà còn phơi bày tội ác của bọn thực dân Pháp lâu nay đang chiếm đóng Tây Bắc..không chỉ dưng lại với giá trị hiện thực, mà còn ẩn chứa những giá trị nhân đạo sâu sắc. Từ chính niềm cảm thông sâu sắc đối vối nỗi đau của con người,sự trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ. Và trong tác phẩm chủ nghĩa nhân đạo mới không chỉ yêu thương, đồng cảm với những nỗi khổ của con người mà còn hướng tới, nhằm giải phóng cho con người khỏi mọi xiềng xích áp bức khổ ,xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình. Cách kết truyện khi Mị và A phủ tháo chạy,đi tìm miền đất mới .. là một trong số những nét tiêu biểu này.

Về nghệ thuật, nhà văn Tô Hoài đã viết lên những trang văn sinh động trên vốn hiểu biết văn hóa sâu rộng về đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc bằng lối kể truyện lôi cuốn, miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế với cách dựng cảnh sinh động, ngôn ngữ giàu chất thơ. Thành công trước hết của tác phẩm là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Với nhân vật A Phủ, Tô Hoài làm đậm thêm bức tranh hiện thực cuộc sống thời bấy giờ. A Phủ là đứa bé mồ côi phải lang bạt kiếm sống nuôi thân và khi lớn lên trở thành nô lệ nhà thống lí vì đánh lại con quan. Với nhân vật Mị, tác giả sử dụng thủ pháp tương phản để nói lên mâu thuẫn giữa hoàn cảnh và số phận, giữa ngoại hình với nội tâm và sự phát triển tính cách nhân vật. Tô Hoài có bút pháp miêu tả tâm lý của nhân vật tinh tế sắc sảo, những đoạn văn miêu tả diễn biến bên trong tâm hồn Mị sự thức tỉnh lòng ham sống, khát vọng hạnh phúc và tình yêu của Mị là những trang viết đặc sắc chứng tỏ được khả năng hóa thân của nhà văn vào chiều sâu tâm trangh của nhân vật. Không chỉ tài tình ở nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật. Tô Hoài còn tài tình khi miêu tả phong tục tập quán Tây Bắc và bức tranh phong cảnh thiên nhiên sinh động, giàu chất thơ như phong tục xử kiện, uống máu ăn thề, ném Pao, cướp vợ. Nghệ thuật miêu tả tự nhiên,sinh động hấp dẫn. Cách dẫn dắt khéo léo tự nhiên. Giọng điệu trần thuật của tác giả hòa vào những giọng độc thoại nội tâm. Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả mang đậm sắc thái ngôn ngữ miền núi.

Như vậy, qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ , tác giả đã góp phần tái hiện một cách chân thực và sâu sắc những giá tri về cuộc sống, những triết lí sống nhân văn, những sụ cảm thông của chính tác giả với đứa con tinh thần của mình.Qua tác phẩm, Tô Hoài đã lên án những thế lực phong kiến miền núi, thế lực thực dân xâm lược; và ông đặc biệt thông cảm sâu sắc với số phận của người nông dân miền núi đồng thời khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của họ.

Back to top

Bài mẫu 3: Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích - Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

Bài làm

Văn xuôi hiện đại Việt Nam đóng góp tên tuổi của mình bằng hàng loạt các nhà thơ, nhà văn với những tác phẩm tiêu biểu, mang đậm dấu ấn cá tính và phong cách riêng. Sau năm 1975, cùng với những thay đổi lớn lao của lịch sử dân tộc, văn học cũng có nhiều thay đổi. Hàng loạt các nghệ sĩ mới ra đời. Những nghệ sĩ trước đó giờ đây xuất hiện trong một hình ảnh mới, với những cách khai thác cuộc sống đầy mới mẻ. Nguyễn Minh Châu, nhà văn của những cuộc hành trình đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người cũng là một trong số ấy. Cùng với rất nhiều các sáng tác khác, “Chiếc thuyền ngoài xa” thực sự là một tác phẩm hay, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc bởi giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Tác phẩm cũng tập trung những nét tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật của chính nhà văn.

“Chiếc thuyền ngoài xa” là câu chuyện kể về cuộc hành trình đi tìm cái đẹp của người nghệ sĩ. Do đòi hỏi của công việc, nhà nhiếp ảnh đến với một vùng quê chài lưới mang chụp được những khoảnh khắc tuyệt diệu. Mọi cố gắng gần như trở thành vô nghĩa cho đến một ngày anh ta “chộp” được vẻ đẹp trời cho như “...bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét lòe nhòe vào sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do có ánh mặt trời chiếu vào. Vài người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới...Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ậnh sáng đều hài hòa và đẹp”. Cái đẹp hoàn thiện tưởng như đã được khám phá ra thì lại vấp phải một hiện thực phũ phàng, lại chứa đựng sau nó những cái phi nghệ thuật. Đằng sau đó là một người chồng lúc nào cũng rượu chè, đánh đập vợ con; một người vợ khôn khổ nhưng đầy lòng vị tha; những đứa trẻ đáng thương đã sớm bị gieo vào trong lòng sự hận thù... Câu chuyện đi vào khai thác những mâu thuẫn trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật, giàu sức triết lí, tính nhân văn và nhân đạo cao cả nên có sức hấp dẫn lớn.

Tìm hiểu truyện ngắn này, ta bắt đầu từ ngay tên đề của nó. Cũng giống như rất nhiều truyện ngắn khác của mình, ở ngay từ tên đề của câu chuyện, Nguyễn Minh Châu đã gợi mở cho người đọc rất nhiều điều. “Chiếc thuyền ngoài xa”, chính vì vậy nên nó mới trở nên bí ẩn và khó nắm bắt, dự báo nhiều điều bất ngờ. Cốt truyện xoay quanh những vấn đề gần gũi trong cuộc sống, về số phận và hạnh phúc của con người trên con đường mưu sinh vất vả. Nhân vật chính trong tác phẩm là hình tượng người đàn bà làng chài. Nó nằm trong hệ thông hình ảnh về người phụ nữ như Nguyệt trong “Mảnh trăng cuối rừng”, Liên trong “Bến quê”, Thai trong “Cỏ lau”..., những người luôn được Nguyễn Minh Châu dành cho sự ưu ái đặc biệt. Với quan niệm mình là người sinh ra “để thét lên nỗi khổ của con người”, nhà văn đã xây dựng nên một hình tượng phụ nữ khốn khổ nhưng có tâm hồn cao đẹp. Bên trong cái vẻ quê mùa, thô kệch, cam chịu của bà là cả một sức sống và tình thương yêu mãnh liệt. Nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc với những lời tâm sự tự đáy lòng: “Chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả cựa một người đàn bà trên chiếc thuyền không có đàn ông (...). Đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn, nuôi dưỡng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi con cho đến lúc khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi sống cho con chứ không sống cho mình như ở trên đất được”. Đó không phải là thứ suy nghĩ cam chịu mà là một sự hi sinh lớn lao. Người phụ nữ thậm chí còn tỏ ra đồng cảm với người đày đọa mình. “Bất kể lúc nào khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thường hay uống rượu”. Bởi xét cho cùng người chồng vừa là thủ phạm gây ra đau khổ cho người thân vừa là nạn nhân của chính cuộc sống khôn khổ ấy.. Giọt nước mắt van xin khi người phụ nữ lạy con mình tha cho bố của nó một lần nữa khắc họa sự hi sinh cao cả và vẻ đẹp nữ tính trong người phụ nữ. Cái lạy vừa là một lời van xin đứa trẻ đừng thù ghét cha nó, đừng giông cha nó sau này, còn là lời xin lỗi vì “vòng tay mẹ hữu hạn, không thể che chở, bao bọc được hết cho con”. Cái tài năng của Nguyễn Minh Châu là để cho bạn đọc đi từ băn khoăn, thậm chí cảm thấy khó hiểu về nhân vật, sau đó dần dần gợi mở và thuyết phục họ bằng chính vẻ đẹp ẩn sâu trong hình tượng, thứ vẻ đẹp không hoa mĩ, cầu kì mà gần gũi, giản dị.

Truyện xây dựng khá nhiều tình huống, sự kiện bất ngờ dẫn tới một tình huống, mâu thuẫn xuyên suốt là mâu thuẫn trong hành trình đi tìm cái đẹp đích thực. Người nghệ sĩ khi chớp được bức ảnh kia thoạt đầu đã coi nó là “cái đẹp tuyệt đích” và chiêm nghiệm: “bản thân cái đẹp là đạo đức”. Ngay sau đó anh ta lại vấp phải một nghịch lí, một điều bất ngờ đầy trớ trêu: từ trên chiếc thuyền bước ra là những con người xấu xí, mệt mỏi, cam chịu, thậm chí là thô lỗ, hoang dại. Trên đó tồn tại sự bạo hành, đánh đập dã man. Cái mà người nghệ sĩ săn đuổi cuối cùng lại mang đến một kết quả không mong muốn. Thưởc phim huyền diệu được rửa bởi thứ thuôc rửa quái đản của ngang trái, xấu xa. Bi kịch trong con người hiện lên thật đáng sợ. Tác phẩm như một minh chứng tiêu biểu cho quan niệm của tác giả: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hay số phận đen đủi dồn đến chân tường, bênh vực cho những con người không còn được ai bênh vực”, vẫn là cái đẹp ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người nhưng giờ đây nó không còn là cái đẹp lãng mạn được bao bọc trong “bầu không khí vô trùng” mà là cái đẹp bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống bộn bề. Tác phẩm đặt ra cho độc giả câu hỏi: Thế nào là nghệ thuật đích thực? Và trả lời nó là một triết lí rút ra từ sự chiêm nghiệm: Cái đẹp toàn thiện phải là sự kết hợp giữa vẻ đẹp của nghệ thụật và cái đẹp trong cuộc sống. Đây mới là điều cần thiết của nghệ thuật, cái không chỉ Nguyễn Minh Châu mà còn rất nhiều người khác đang kiếm tìm.

Cái làm nên sức hấp dẫn của “Chiếc thuyền ngoài xa” không chỉ là nội dung phản ánh trong tác phẩm, thông qua hình tượng nhân vật, tư tưởng, tình cảm của tác giả mà còn là ở phương diện nghệ thuật. Nét độc đáo và sáng tạo trong nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu thể hiện trong tác phẩm là nghệ thuật xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ truyện. Đặc biệt, triết lí làm cho tính nhân văn, nhân đạo của tác phẩm càng trở nên sâu sắc. Câu chuyện được kể lại qua nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”. “Tôi” vừa là nhân vật tham gia vào truyện lại vừa là người chứng kiến nên có thể kể lại càu chuyện một cách chi tiết, chính xác mà không mất đi tính khách quan của nó. Thông qua những băn khoăn trăn trở và đôn ngộ của “tôi” mà tác phẩm dần gợi mở trước người đọc hiện thực xã hội, cuộc sống con người cũng như bản chất đích thực của cái đẹp..

Hình tượng nhân vật trong truyện được miêu tả chọn lọc trong một vài chi tiết nhằm phục vụ vào mục đích nghệ thuật nhất định. Người dân chài lưới được khắc họa ở những đường nét ngoại hình khắc khổ, in hằn lên trên đó là sóng gió là muối mặn của biển khơi. Người phụ nữ mang dáng dấp thô kệch của một người lao động chân tay vất vả, nhưng tâm lòng thì lại thật bao dung, độ lượng. Nhà văn đã tỏ rá rất thành công khi tạo ra sự đối lập ấy để thực hiện mục đích của mình, khẳng định vẻ đẹp đích thực trong cuộc sống.

Khi người nghệ sĩ phát hiện ra sự thật ẩn giấu đằng sau cái đẹp tướng như toàn thiện cũng là tình huống để cho những mâu thuẫn xung đột được đẩy lên cao trào. Cái được coi là đẹp thực ra mới chỉ là sự nhìn nhận từ bể ngoài. Phía sạu nó, là hiện thực trần trụi và đen tối. Để có được cái đẹp đích thực, nghệ thuật lại phải một lần nữa hành trình để kiếm tìm và cuộc hành trình này tất nhiên cũng không hề dễ dàng. Nêu không có một tâm hồn lớn, một sự đồng cảm sâu sắc nhà văn sẽ không tìm tháy viên ngọc ấn giàu sau lớp vỏ hiện thực trần trụi kia. Điều đó cũng giống như việc người nghệ sĩ trong tặc phấm, sau sự ngộ nhận đầu tiên nếu như không khám phá ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong người đàn bà làm nghề chài lưới kia có lẽ sẽ vĩnh viễn mất đi niềm tin vào sự ton tại của cái đẹp trong cuộc sống.

“Mỗi tác phẩm ỉà một phắt minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (Lê-ô-nít Lê-ô-nốp). “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu không chỉ là sự khám phá, sáng tạo so với các nhà văn khác mà còn là sự sáng tạo trong chính sáng tác của nhà vàn. Tác phẩm cho thấy một hướng quan niệm mới, tiến bộ hơn trong hành trình đi tìm cái đẹp ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn mỗi con người của ông, cái đẹp không mang màu sắc iãng mạn nữa mà gắn với hiện thực trần trụi. “Cái đẹp là cuộc sống”. Tác phẩm đã góp phần trả lời cho câu hỏi: nghệ thuật là gì? Cái đẹp là gì? - câu hỏi mà bấy lâu nay rất nhiều người vần mong muốn có thể được giải đáp một cách thích đáng nhất. Đặt trong thời kì hiện đại, khi mọi giá trị đang dần có sự thay đổi, câu trả lời cùa Nguyễn Minh Châu có giá trị lớn lao đối với con người, đặc biệt là với người nghệ sĩ.

Một tác phẩm nghệ thuật đích thực là tác phẩm có khả năng khơi gợi trong lòng con người những tình cảm tốt đẹp, giúp cho con người sống với nhau ngày càng nhân ái hơn. Đó cũng chính là những gì Nguyễn Minh Châu đã làm được trong “Chiếc thuyền ngoài xa”. Và như một lẽ dĩ nhiên, tác phẩm đã đi sâu vào lòng người và sẽ luôn được độc giả yêu thích, trân trọng...

Back to top


Cập nhật: 07/09/2021
Danh mục

Tài liệu hay

Toán Học

Soạn Văn

Tiếng Anh

Vật Lý

Hóa Học

Sinh Học

Lịch Sử

Địa Lý

GDCD

Khoa Học Tự Nhiên

Khoa Học Xã Hội