Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến sau: “Người có học không phải là người biết nhiều mà là người biết những gì mình cần biết và hiểu rõ những gì mình biết”

  • 1 Đánh giá

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến sau: “Người có học không phải là người biết nhiều mà là người biết những gì mình cần biết và hiểu rõ những gì mình biết”

Bài làm

Biển học là vô tận, nó mênh mông đến nỗi mà chúng ta có dùng cả cuộc đời cũng không thể nào khám phá và tìm hiểu hết được. Điều quan trọng là chúng ta nên học những gì cần thiết để phục vụ cho chính cuộc sống của mình mà thôi. Bàn về sự học có ý kiến cho rằng “Người có học không phải là người biết nhiều mà là người biết những gì mình cần biết và hiểu rõ những gì mình biết”.

Vậy theo bạn thế nào là học? Học là một quá trình nghiên cứu và tìm tòi để chắt lọc cho mình những kiến thức bổ ích. Kiến thức đó không chỉ là trong sách vở mà còn là từ đời sống, từ hiểu biết xã hội. Học giúp con người trở nên thông thái hơn, minh mẫn hơn và sống tốt hơn. Thế nhưng một con người dù am hiểu đến đâu, học nhiều đến đâu thì bạn cũng chẳng thể nào đem hết kiến thức của nhân loại nhồi nhét trong một bộc óc bé nhỏ của mình được. Thế nên mới nói bạn nên biết những điều mình cần biết và hiểu rõ nó thì tốt hơn.

Thật vậy, nếu so sánh kiến thức nhân loại là cả một biển cả thì những hiểu biết của con người chính là những giọt nước bé nhỏ trong đại dương bao la đó. Mỗi giây mỗi phút trôi qua có cả ngàn công trình nghiên cứu được ra đời. Và dù chúng ta có dành cả một cuộc đời để học thì bạn cũng không thể chinh phục hết được nó. Cũng giống như xã hội phân công vô cùng hợp lí. Mỗi một con người lại phù hợp với một ngành nghề, không có ai lại giỏi hết tất cả mọi thứ được cả. Bạn học giỏi toán không có nghĩa là tất cả những môn khác bạn phải giỏi. Trí tuệ của con người có giới hạn và nó không cho phép bạn làm những điều quá cao siêu cùng một lúc được.

Dân gian ta có câu rằng : “một nghề cho chín, còn hơn chín nghề”. Tức là cuộc đời này chúng ta đừng nên tham vọng làm quá nhiều điều tốt cùng một lúc, thay vì cố gắng làm tốt mọi thứ thì hãy làm tốt chỉ một thứ mà thôi. Chuyên tâm vào nó thì sớm muộn thành công cũng đến với bạn. Cũng giống như ý nghĩa câu nói kia. Bạn hãy cố gắng hiểu những điều mình cần biết và nắm rõ chúng một cách tường tận. Đừng bao giờ tham lam quá nhiều thứ để rồi lại thành chẳng biết gì. Người giỏi không phải là người hiểu nhiều biết rộng mà mỗi thứ biết một ít mà phải là người hiểu một vấn đề một cách cặn kẽ và chi tiết nhất.

Chúng ta sinh ra không có ai ngẫu nhiên mang trong mình nhưng trí tuệ thiên tài cả. Bộ não con người không phải là một chiếc máy siêu vi tính có thể chứa cả triệu thuật toán được. Vì thế bạn hãy chuyên tâm làm một việc, chuyên tâm tìm hiểu sâu sát một vấn đề thì mới có thể thành công được. Hiểu rõ bản chất của nó, biết rõ nguồn gốc của nó sẽ giúp bạn mở mang thêm rất nhiều điều bổ ích. Bởi tất cả vạn vật trên đời đều có mối quan hệ tương hỗ cho nhau. Thay vì cố gắng nhồi nhét thật nhiều thứ vào đầu hãy cố gắng giỏi một thứ thôi vì nó sẽ thành “cần câu cơm” nuôi sống bạn.

Nhiều phụ huynh ngày nay vẫn còn tư tưởng là mong muốn con mình giỏi toàn diện mọi thứ. Sáng con đi học ở trưởng tối về lại tất bật học thêm nào là ngoại ngữ, nào là đàn nhạc, nào là toán,... và họ cho rằng con càng hiểu biết nhiều thì càng giỏi. Thử hỏi làm sao các em có thể nhồi nhét vào đầu nhiều thứ như vậy được? Tuổi các em đang là tuổi ăn tuổi lớn học tập cũng quan trọng nhưng đâu phải là tất cả. Thay vì đó hãy để các con sống đúng với đam mê của mình vì chỉ khi có đam mê các con mới có thể hết mình và phấn đấu vì nó được thôi.

Học vấn là một chặng đường dài vô tận mà con người có dùng cả mấy chục năm cuộc đời cũng không thể nào hiểu hết được. Vì thế thay vì việc cố gắng nhồi nhét quá nhiều hãy hiểu tường tận và trọn vẹn một thứ bởi nó sẽ giúp bạn có được rất nhiều điều bổ ích trong cuộc sống đấy.


  • 544 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021