Đề 4: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay. Sau đây, KhoaHoc gửi đến bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
- Bài mẫu 2: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
- Bài mẫu 3: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
Bài mẫu 1: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
Bài làm
Năm tôi 13 tuổi, bố gọi tôi và hai cậu em trai vào phòng đọc sách. Tôi rất lấy làm hứng chí. Gọi là phòng đọc sách nhưng chúng tôi biết thừa nó là phòng trò chơi, nơi những “người đàn ông” thường cùng đua xe, câu cá nhựa hoặc xem phim.
- Mỗi đứa mang một cuốn vở và một cái bút tới đây! – Bố ra lệnh ngay khi chúng tôi vừa bước tới cửa phòng.
Chúng tôi đứng sững nhìn nhau lo lắng! Yêu cầu của bố nghe rất bất thường và đáng e ngại – cứ như là sắp làm bài tập ấy.
Khi đã tìm được vở và bút cho mình, quay lại “phòng chơi”, chúng tôi thấy bố đã bày sẵn bàn với ba cái ghế nhựa, kèm theo một tấm bảng lớn treo trên tường. Bố chỉ chúng tôi ngồi vào ghế nhựa, chứ không phải là cái ghế đệm bông êm ái, dù nó chỉ cách chúng tôi có một gang tay.
- Bố muốn các con phải tập trung hết sức, bố nói như một buổi kinh doanh – đó là lý do các con cần ngồi ghế nhựa, chứ không phải là ghế đệm bông!
Ngay lập tức chúng tôi rên lên:
- Mẹ đâu rồi ạ? Hay là chúng ta đợi mẹ! – cậu em út tính kế hoãn binh.
- Có lâu không ạ? – Cậu em kế tôi thở dài.
Tôi thì chỉ ngồi im lặng trên ghế nhựa cứng đơ.
- Mẹ đi chợ phải vài tiếng nữa mới về, và việc này không liên quan đến mẹ, bố nói. – Và việc này kéo dài bao lâu là tuỳ thuộc ở các con. Các con càng hợp tác thì chúng ta càng hoàn thành nhanh chóng. Hiểu không?
- Rồi ạ! Chúng tôi đáp lại uể oải.
- Từ bây giờ chúng ta sẽ có buổi học vào các sáng thứ bảy. Chỉ “những người đàn ông” chúng ta mà thôi. Bố sẽ dạy các con những gì bố đã học về cuộc sống. Đó là trách nhiệm của bố để chuẩn bị cho các con thành những người đàn ông – những người sẽ đóng góp cho cộng đồng và cho cả thế giới. Trách nhiệm này, bố thấy rất quan trọng và nghiêm túc.
Tôi ngắt lời:
- Bố sẽ dạy bọn con mọi điều về cuộc sống ạ?
- Tất cả những gì có thể.
- Nhưng như thế thì mãi mãi cũng không học hết!
- Có thể…- Bố nói nhỏ, vẻ suy nghĩ, rồi bắt đầu viết lên bảng – có thể lắm…
Trong suốt ba năm, dù khoẻ hay ốm, bố vẫn giữ đúng lịch dạy chúng tôi về kĩ năng và những ứng xử đời sống vào thứ bảy hàng tuần. Bố dạy rất nhiều: Vệ sinh cá nhân, tuổi dậy thì, các nghi thức xã giao, cách đối xử bình đẳng, sự kính trọng người già, tôn trọng những ngư¬ời phụ nữ, đạo đức nghề nghiệp, quản lý tiền nong, trách nhiệm với cộng đồng… Chúng tôi viết kín hết cuốn vở này đến cuốn vở khác.
Năm nay, tôi đã 16 tuổi và đã trở thành một học sinh Trung học phổ thông, những bài học đã bớt dần đi. Tôi và các em cũng đã lớn lên dần. Chúng tôi bắt đầu bận rộn và cũng bắt đầu vấp váp với những khó khăn. Những lúc ấy, chúng tôi thường ngồi lại, nghĩ tới những điều bố cho ghi trong vở ngày xa, vì những điều ấy trước đây bố đã từng nhắc tới.
Mới đây, bố gọi riêng tôi ra và nói:
- Bố sẽ dạy con đến khi con 18 tuổi, phần còn lại của “bài học” con bắt đầu phải tự gom nhặt trong cuộc sống mà thôi!
Tôi khoanh tay lễ phép:
- Thưa bố! Giờ đây con đã hiểu những việc làm của bố từ trước đến nay. Con chỉ mong sau này mỗi khi đi xa trở về, bố lại chữa những bài tập về cuộc sống hết sức phong phú này cho con.
Bài mẫu 2: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
Bài làm
Một ngày mới lại bắt đầu, nghĩ đến 5 tiết dạy buối sáng ở trường dạy nghề là tôi lại cảm thấy mệt mỏi. Không hiểu nguyên nhân gì mà mấy ngày gần đây tôi không còn hứng thứ với công việc giảng dạy của mình nữa. Dường như thời gian đã làm giảm lòng nhiệt tình của một thầy giáo vốn được coi là yêu nghề như tôi.
Mở máy di động của mình ra, có một tin nhắn rất lạ: “Chào thầy giáo, tôi có một việc muốn gặp thầy, nếu có thời gian rỗi xin thầy nhắn lại cho tôi theo số điện thoại này. Cảm ơn thầy! Mary”. Cố lục trong trí nhớ người có tên Mary nhưng không ra. “Có thể là một khách hàng muốn sửa xe” – Tôi nghĩ. Vì ngoài thời gian giảng dạy, tôi còn nhận sửa xe cho khách hàng.
Trong khoảng thời gian rỗi ngồi ở văn phòng nhà trường trước khi vào lớp, tôi gọi điện lại cho người có tên Mary:
- Xin lỗi, đây có phải số máy của chị Mary không?
- Vâng, chính tôi đây.
- Chào chị, tôi là Mark, giáo viên ở trường dạy nghề sửa chữa ôtô, tôi nhận được tin nhắn của chị. Chắc chiếc xe của chị có vấn đề và cần tôi sửa?
- Ồ, xin chào thầy giáo, rất vui là thầy đã gọi điện lại cho tôi. Thầy có thể dành cho tôi vài phút được không? Khi nghe câu chuyện tôi kể, chắc chắn thầy sẽ rất vui. – Người phụ nữ đầu dây bên kia hào hứng.
- Có gì quan trọng thì chị cứ nói, nhưng tôi còn rất ít thời gian vì sắp phải vào lớp. – Tôi miễn cưỡng đáp khi nhìn đồng hồ thì chỉ còn vài phút nữa là phải vào lớp.
- Vâng, tôi sẽ nói ngắn gọn thôi. Tôi là Mary, y tá của một bệnh viện trong thành phố. Tối qua, trên đường về nhà, xe của tôi tự dưng bị hỏng giữa đường. Lúc đó đêm đã khuya, chỉ có một mình nên tôi rất lo lắng và không biết nên làm thế nào.
- Vậy tôi có thể giúp gì được?
- Dạ, thầy có thể nghe hết lời tôi nói không? Chỉ một chút thôi…
- Vâng, chị cứ tiếp tục đi. – Tôi lại nhìn đồng hồ và khó chịu.
- Đúng lúc tôi đang bối rối thì đằng sau tự dưng có hai thanh niên lái xe tới. Họ xuống xe và hỏi tôi chiếc xe bị làm sao, lúc đó tôi vô cùng sợ hãi. Thầy biết không, hai chàng trai trẻ đó đã lụi hụi sửa xe cho tôi và thật không ngờ, chiếc xe lại chạy được”.
- Vậy, bây giờ chiếc xe của chị ra sao? Có cần phải sửa chữa gì không? Chị nên đi kiểm tra một lần nữa xem sao.
- Không, nó vẫn chạy tốt. Chả là, khi hai thanh niên đó sửa xe cho tôi xong, tôi gửi tiền công nhưng họ không lấy. Tôi hỏi tên, họ cũng không trả lời, họ chỉ nói với tôi họ là học trò cũ của thầy. Do đó tôi muốn cảm ơn thầy!
- Gì cơ? Học sinh cũ của tôi à? Chị không biết họ tên của họ à?
- Thật đáng tiếc, họ không nói. Họ chỉ đưa cho tôi tên và số điện thoại của thầy. Tôi chỉ muốn nói với thầy một câu: Cảm ơn thầy đã dạy dỗ được những học sinh tốt như vậy!
Trong mấy chục năm đứng trên bục giảng, không nhớ có bao nhiêu khoá học sinh tôi đã trực tiếp giảng dạy. Không chỉ dạy học sinh những kiến thức cơ bản về sửa chữa ôtô, tôi còn kể cho họ nghe những câu chuyện hay về đạo làm người. Nhưng không ngờ những học sinh đó vẫn còn nhớ những câu chuyện của tôi.
- Thầy giáo Mark, thầy còn nghe tôi nói không? Tôi chỉ muốn gặp thầy để nói lời cảm ơn.
- Không, chị Mary. Người nói lời cảm ơn phải là tôi.
Trên quãng đường lên lớp để tiếp tục công việc của mình, tôi dường như cảm thấy mình đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Lần đầu tiên trong suốt mấy chục năm làm giáo viên tôi mới ý thức được rằng công việc của mình thật cao quý và ý nghĩa. Và đối với một giáo viên như tôi, phần thưởng này tuy đến muộn nhưng lại là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời.
Bài mẫu 3: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
Bài làm
Cha tôi vẫn luôn dạy rằng, mỗi người trên đời này, bằng cách nào mà gặp được nhau, làm quen và gần gũi với nhau là đều đã mang nợ nhau từ kiếp trước. Có lẽ đến tuổi 15, tôi mới thực sự thấu hiểu lời cha nói.
Tôi vốn là dân ở tỉnh lẻ, cuộc sống trải qua những ngày tháng vô cùng yên ả. Tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi ở làng quê miền núi gắn liền với những chiều hè oi ả lội bờ tung tăng bên bờ sông, những ngày trời xanh ngắt và nắng óng chiếu xiên qua vòm lá bưởi và mùi hương đồng nội đặc trưng sau những mùa gặt thoang thoảng ngọt ngào. Tôi đã từng tâm niệm rằng, bất kì thời điểm nào của cuộc đời tôi cũng sẽ gắn liền với nơi này. Nhưng, một cơ duyên đưa đẩy dẫn con đường đời tôi đi theo một ngã rẽ mới. 15 tuổi tôi trở thành học sinh của trường Nguyễn Tất Thành, nghĩa là tôi phải dời đổi nơi ở từ xóm núi thanh bình xuống thủ đô Hà Nội náo nhiệt. Sự kiện này thực sự đem lại một bất ngờ lớn cho tôi. Tính cách tôi vốn mang nét ôn hòa của cha và sự khép mình của mẹ, nên việc phải rời xa gia đình không khỏi khiến tôi hoang mang, lo lắng.
- “Không! Đây sẽ là một cơ hội mới cho mình. Nơi đó chắc chắn sẽ cho mình một môi trường tốt hơn!”- tôi đã tự trấn an mình như vậy!
Cha tôi ngồi bên vỗ về tôi và khuyên rằng:
- Chẳng bao lâu là con sẽ có nhiều bạn mới. Phải cố gắng hòa nhập nhanh để học hành chứ con!
Mẹ tôi động viên thêm:
- Con ở đó được gần với bà ngoại nữa mà!
Tuy cũng nghĩ như vậy nhưng thực sự tâm trạng của tôi không khá lên được mấy. Tôi hằng hi vọng mỗi ngày có thể dài thêm một chút, tôi vẫn còn những nỗi tiếc nuối vẩn vơ với nơi này.
Đã đến ngày tôi nhập trường, tâm trạng thật khó diễn tả, tôi không biết phải làm cách nào để tự tin hơn, để bắt đầu các mối quan hệ mới mẻ ở phía trước.
“Tùy cơ ứng biến vậy, mong là mọi việc sẽ suôn sẻ”- tôi suy nghĩ mông lung khi bước tới bảng tin xếp lớp.
- Ồ! 10D2. Số 2 là số may mắn! Mong trời phù hộ cho, đây sẽ là một lớp học thú vị?!
Sáng ngày hôm sau, tôi đến nhận lớp, trong lòng có chút thư thái hơn những ngày trước, linh tính báo hiệu rằng điều tốt lành đến với tôi như chính thời tiết đẹp tuyệt của ngày cuối hè này.
“Tùng…… tùng……… tùng………” – tiếng trống trường vang lên gióng giả.
Tôi nhanh chóng bước nhanh lên bậc thang cuối cùng hướng đến lớp học mà chỉ trong vài giây nữa thôi tôi sẽ trở thành thành viên chính thức. Bước vào lớp, tôi nhận ra đã có khá nhiều bạn đã đến sớm hơn, tôi nhanh chóng tìm được chỗ ngồi cho mình ở bàn đầu tiên. Mọi người nói chuyện với nhau rất nhỏ, có lẽ vì các bạn cũng giống tôi, không quen biết nhiều bạn bè trong lớp.
- Cậu ơi! Tớ ngồi đây được không?- một bạn nữ tiến đến.
- Cậu ngồi đi! Chỗ ấy chưa có ai ngồi cả- tôi mời bạn ấy ngồi kèm theo nụ cười thân thiện nhất có thể, vì chắc đây sẽ là người đầu tiên tôi quen trong lớp. Tôi đang mừng thầm trong bụng thì một cô giáo bước vào, chắc hẳn đây là cô chủ nhiệm.
- Chào tất cả các bạn, cô sẽ là cô giáo chủ nhiệm lớp mình. Nhưng cô sẽ giới thiệu về cô sau, trước hết cô muốn xếp lại chỗ ngồi cho các em đã- cô giáo mới của tôi có vẻ rất nhiệt tình.
Tôi được chuyển xuống bàn cuối cùng, ngồi cạnh một bạn nam cao nhất lớp. Bạn này cao hơn tôi gần một cái đầu, thú thực đứng gần bạn ấy có phần hơi tự ti. Nhưng được một phần an ủi là bạn nữ vừa rồi ngồi ngay bàn phía trước tôi.
- Tớ với cậu lại được ngồi gần nhau này- tôi gọi bạn ấy.
Và tôi nhận lại từ bạn gái đáng yêu ấy một nụ cười thật tươi. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm hẳn, tan biến cả những cảm giác căng thẳng trĩu nặng suốt những ngày qua. Hóa ra làm quen với một môi trường mới không khó khăn như tôi từng nghĩ.
Qua một vài buổi học, tôi với bạn nữ ấy dần trở nên thân thiết. Bạn ấy tên là Diệu Trinh, cũng đến từ một nơi rất xa, xa hơn tôi- là vùng biển Vũng Tàu xinh đẹp. Có một sự việc trùng hợp đã khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Đó là ngay buổi học thứ hai, cả hai đứa đều đi học muộn và bị phạt ở lại đóng cửa lớp- một hình phạt rất nhẹ nhàng, để nhắc nhở là chính. Khi ra về, không ngờ rằng hai đứa lại chung đường vì chỗ ở khá gần nhau. Tôi và Trinh nói chuyện khá hợp “cạ”, từ mấy vấn đề âm nhạc đến truyện tranh rồi kể về kỉ niệm quê nhà nữa… Những ngày sau, lớp học cũng trở nên vui vẻ hơn, vì các bạn đã dần hòa nhập và quen nhau dần.
Theo truyền thống của trường, học sinh khối 10 sẽ tham gia một khóa học quân sự trong một tuần để rèn luyện và để có cơ hội hòa đồng, gần gũi nhau hơn. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa đối với chúng tôi.
- Để xem nào, mình sẽ mang cái này…… này ……. này……
Trước ngày khởi hành, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi. Giờ tôi chỉ mong học kì quân sự sẽ giúp tôi có thêm nhiều bạn bè hơn.
Hôm ấy trời mưa rất to, thời tiết có vẻ chưa ủng hộ chúng tôi cho lắm. Chờ đợi một lúc lâu, cuối cùng chiếc xe dán số của lớp D2 đã đến. Chúng tôi nhanh chóng mang đồ đạc ra sau xe rồi từng người tìm chỗ yên vị cho mình. Sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến nơi. Điều khiến tôi thích thú đó là những bộ quân phục và giường ngủ hai tầng, chúng thật sự rất ấn tượng. Nhưng điều thú vị hơn cả đối với tôi đó là việc mỗi buổi chiều đi tập về lại hối hả đi đến “phòng tắm dịch vụ”. Ở mỗi phòng tắm này chúng tôi có thể có đến 4 hay 5 người cùng ngồi đợi chờ xếp hàng. Chúng tôi có rất nhiều thời gian để chuyện trò, nên tôi nhanh chóng quen rồi thân với một cô bạn mới, có cái tên rất hay và lạ- Lan Nhi. Tôi, Nhi và Trinh trở thành bộ ba thân thiết. Vào những buổi tối nóng nực, ba đứa tôi trải chiếu nằm trên sàn cùng nhau, đi đâu cũng rủ nhau cùng đi. Cuộc sống sinh hoạt tập thể quả thực đã giúp chúng tôi gắn kết với nhau thật dễ dàng.
Thời gian trôi qua khá nhanh, mới ngày thứ 2 hôm nào chúng tôi xuất phát lên đường, mà hôm nay đã đến ngày thứ 7 chúng tôi phải nói lời tạm biệt với nơi này. Trên chuyến xe trở về, tôi vừa lưu luyến, bâng khuâng với mảnh đất đã níu giữ một phần tâm hồn mình, lại cũng vừa vui mừng vì mình đã tìm được những người bạn thân đồng hành trong chặng đường THPT sắp tới.
Bắt đầu từ đây, tình bạn giữa chúng tôi đơm hoa kết trái. Trở nên gần gũi lạ lùng bởi dường như duyên phận đã kết nối chúng tôi lại với nhau. Tôi đã từng đọc một câu như thế này: “ Tình bạn là tình yêu không có cánh”. Tôi rất thích sự so sánh này vì chúng tôi chẳng đứa nào có cánh cả nên nhất định chúng tôi sẽ mãi là bạn tốt của nhau. Tôi có cảm giác chúng tôi giống như con diều và cơn gió. Luôn nhẹ nhàng quấn quýt lấy nhau và tôn cao nhau lên. Một tình bạn mộc mạc giản dị nhưng bền vững và rất thấu hiểu nhau. Nhờ thế mà việc học tập của tôi ở môi trường mới mẻ này thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi được chia sẻ, động viên, giúp đỡ, và mỗi ngày lại thêm cứng cáp, trưởng thành…
Tôi nhớ lại mới ngày đầu tới lớp, sợ hãi vô cùng cái cảm giác lẻ loi xa lạ, còn bây giờ tôi không hề cô độc, tôi đã có một trong số những tài sản vô giá là “tình bạn đẹp tuổi học trò”. Một tình bạn đã được nuôi dưỡng không phải do năm tháng mà chính là do sự thấu hiểu và cảm thông với nhau khi cùng trải qua nhiều tình huống cả trong cuộc sống lẫn trong lớp học. Tôi lại nhớ câu nói mà cha tôi vẫn nói rằng: mỗi người trên đời này, bằng cách nào mà gặp được nhau làm quen và gần gũi với nhau đều đã mang nợ nhau từ kiếp trước. Tôi và các bạn phải chăng cũng mang nợ lẫn nhau- một mối duyên nợ tuyệt vời! Nếu hỏi tôi, ngay lúc này muốn nói gì với họ, chắc chắn tôi sẽ nói “ Mình luôn muốn được mắc nợ các bạn cho đến hết đời này để kiếp sau mình lại có cơ hội để gặp và trả nợ các bạn thêm lần nữa!”.
Một môi trường mới, sẽ là những tình bạn mới – thật tuyệt vời phải không các bạn?
Xem thêm bài viết khác
- Thuyết minh vai trò của các loài động vật hoang dã đối với việc bảo vệ môi trường.
- Nêu cảm nghĩ của anh (chị) khi chứng kiến một hành động đẹp của người khác (giúp đỡ, an ủi, dũng cảm...)
- Thuyết minh tác hại của ma tuý (hoặc của rượu, thuốc lá...) đối với đời sống của con người
- Thuyết minh về một thể loại văn học mà anh chị yêu thích nhất
- Đề 4: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
- Thuyết minh vai trò của cây cối (hoặc của rừng, của các loài động vật hoang dã, của nhiên liệu sạch...) trong việc bảo vệ môi trường sống
- Hãy kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy bằng lời của anh/chị với một cách kết thúc khác với kết thúc của tác giả dân gian
- Một số ngành thủ công mỹ nghệ hoặc 1 đặc sản, một nét văn hoá ẩm thực của địa phương mình.
- Đề 1: Cây lau chứng kiến việc Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Viết lại câu chuyện đó theo ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba.
- Đề 3: Hưởng ứng đợt thi đua xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, chi đoàn lớp 10A tổ chức hội thảo với chủ đề: Hãy vì một môi trường xanh- sạch- đẹp.
- Văn mẫu 10 bài viết số 1 đề: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất
- Phân tích Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi