Đọc thông tin, kết hợp quan sát hình ảnh, hãy: Trình bày quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa qua các thời kì.

105 lượt xem

4. Tìm hiểu quá trình thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa

Đọc thông tin, kết hợp quan sát hình ảnh, hãy:

- Trình bày quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa qua các thời kì.

- Nêu nhận xét về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Bài làm:

Quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa qua các thời kì:

  • Theo nhiều cứ liệu lịch sử, đến đầu thế kỷ XVII, Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là hai quần đảo vô chủ. Đến nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn đã tổ chức “đội Hoàng Sa” (lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi) ra quần đảo Hoàng Sa (với khoảng thời gian từ 6 đến 8 tháng mỗi năm) để thu lượm hàng hóa trôi dạt trên biển, đánh bắt hải sản quý hiếm; đồng thời, đo vẽ sơ đồ, hải trình, trồng cây và dựng mốc trên quần đảo. Cũng với nhiệm vụ này, vào nửa đầu thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn tổ chức thêm “đội Bắc Hải” (lấy người thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận) để tiến ra quần đảo Trường Sa. Theo hiểu biết địa lý lúc bấy giờ, địa danh quần đảo Hoàng Sa liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.
  • Thực tế này đã được các tài liệu của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới lưu giữ dưới dạng: tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của nhà nước cùng các bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điển hình là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư(năm 1686) của Đỗ Bá; Phủ biên tạp lục (năm 1776) của Lê Quý Đôn; Lịch triều hiến chương loại chí (năm 1821) của Phan Huy Chú; Hải ngoại ký sự (năm 1696) của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán và An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Lu-ít Ta-bơ,… Đặc biệt, Việt Nam còn có các Châu bản triều Nguyễn mà các quốc gia khác không thể có được. Đó là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn (thế kỷ XVII - XVIII) về cử các đội thuyền của Việt Nam đi khảo sát, đo đạc, khai thác và tuần phòng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các văn bản này dưới dạng chỉ dụ, đều có bút phê và đóng dấu son của nhà Vua. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định, từ thế kỷ XVII, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền cần thiết đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
  • Trong thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Pa-tơ-nốt (năm 1884), Chính quyền thuộc địa Pháp đã có nhiều hoạt động cụ thể củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 1925 đến năm 1927, Pháp đã tổ chức điều tra về khí hậu, thổ nhưỡng, nghiên cứu mỏ và duy trì tuần tra trên quần đảo Hoàng Sa. Liên tục trong các năm 1930 - 1933, Pháp đã đưa quân đội ra đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Để tiện quản lý, năm 1933, Pháp đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ); thành lập đơn vị hành chính ở Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên (năm 1938). Cũng trong thời gian này, Pháp còn cho đặt cột mốc, xây ngọn hải đăng và các trạm: khí tượng, vô tuyến điện trên hai quần đảo. Trong quan hệ quốc tế, Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14-10-1950, Pháp đã chính thức trao việc quản lý quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Đại. Đặc biệt, tại Hội nghị Xan Phan-xít-xcô (năm 1951), trước đại diện của 51 quốc gia (trong đó có Trung Quốc), đại diện của chính phủ Bảo Đại đã khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào của các nước tham dự Hội nghị.
  • Năm 1975, cùng với tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng các đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ, như: đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang,… thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng thời, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Liên tục từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Để tiếp tục thể hiện các hoạt động chủ quyền trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1982). Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng; huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa với một thị trấn và hai xã đảo.

Nhận xét:

Từ những phân tích trên cho thấy, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu thật sự và quản lý hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm
Danh mục

Tài liệu hay

Toán Học

Soạn Văn

Tiếng Anh

Vật Lý

Hóa Học

Sinh Học

Lịch Sử

Địa Lý

GDCD

Khoa Học Tự Nhiên

Khoa Học Xã Hội