Phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động Văn mẫu 12
Phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Truyện ngắn Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ có sự gặp gỡ ở tinh thần nhân đạo khi các nhà văn đều hướng ngòi bút và sự quan tâm của mình đến những người lao động nghèo khổ. Các em cùng tham khảo bài văn mẫu dưới đây để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động
Phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt
I. Dàn ý Phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động
1. Mở bài
- Sơ lược về hai tác giả Tô Hoài và Kim Lân:
+ Tô Hoài là nhà văn lớn có số lượng tác phẩm kỷ lục trong nền văn học Việt Nam. Viết về chủ đề người lao động tiêu biểu nhất của Tô Hoài phải kể đến tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
+ Kim Lân được mệnh danh là một trong số những bút viết về người nông dân Việt Nam sau cách mạng xuất sắc nhất, Vợ nhặt là tác phẩm ấn tượng với số phận và vẻ đẹp của người nông dân thông qua một cốt truyện độc đáo và kỳ lạ hơn cả.
+ Tuy đều viết về người nông dân, nhưng hai tác giả có lối viết, cách xây dựng cốt truyện với điểm nhấn khác nhau, mà cốt chung nhất vẫn là vẻ đẹp và số phận của người nông dân.
b. Thân bài
* Những nét về số phận người lao động trong hai tác phẩm:
- Vợ chồng A Phủ:
+ Nhân vật Mị: Là phận con dâu gạt nợ, sống như kẻ ở trong nhà, bị bóc lột sức lao động, tê liệt khả năng phản kháng, cuộc sống lao động không nghỉ ngơi, tù túng, nhiều lần có ý định chết nhưng không thành.
+ Nhân vật A Phủ: Mồ côi, bị đem đi đổi gạo, lớn lên lưu lạc ở Hồng Ngài, chỉ vì bảo vệ lẽ phải mà bị phạt vạ, làm người ở cho nhà A Sử trừ nợ, bị bóc lột, vô tình làm mất bò thì bị trói đứng cho đến khi chết, tính mạng như cỏ rác.
- Vợ nhặt:
+ Tràng: Nghèo khó, xấu xí, không lấy được vợ, dân ngụ cư, làm nghề đẩy xe thuê, có một mẹ già.
+ Thị: Người đàn bà khốn khổ bị nạn đói cướp đi tất cả, cong cớn sưng sỉa vì miếng ăn, theo không Tràng về làm vợ cũng vì miếng ăn.
+ Cụ Tứ: Người mẹ nghèo, thương con.
* Những nét về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật:
- Vợ chồng A Phủ:
+ Mị: Đẹp gái, có tài thổi sáo, hiếu thảo, sức sống kiên cường bền bỉ, khao khát sống mãnh liệt, khao khát tự do sâu sắc, dũng cảm đứng lên phản kháng, có ý thức giác ngộ cách mạng. Có lòng thương người sâu sắc, giải cứu A Phủ cũng là tự giải thoát cuộc đời.
+ A Phủ: Có sức mạnh, chăm chỉ, dám đứng lên bảo vệ công lý, có tấm lòng biết ơn, lòng thông cảm cho số phận của Mị, khát vọng sống mãnh liệt, giác ngộ cách mạng và chiến đấu hết mình vì Tổ quốc.
- Vợ nhặt:
+ Tràng: Vô tư, phóng khoáng, biết thông cảm sẻ chia với số phận của thị, cưu mang thị, biết sống có trách nhiệm hơn sau khi có gia đình.
+ Thị: Rũ bỏ vẻ đanh đá chua ngoa thành một người vợ hiền dịu, chăm sóc cho mái ấm.
+ Cụ Tứ hết mực thương con trai, thông cảm cho số phận của thị.
=> Điểm chung của cả 3 nhân vật đều là tấm lòng khát vọng, niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn, niềm tin về một tương lai, tương lai của cách mạng.
3. Kết bài
- Cả Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt đều là những tác phẩm xuất sắc của nền văn học Việt Nam, với những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc, phản ánh số phận và vẻ đẹp của con người Việt Nam đặc biệt là tầng lớp nhân dân lao động trong những năm tháng cũ.
- Đồng thời cũng thể hiện được tài năng và phong cách văn học của hai cây bút tài năng trong nền văn học hiện đại Việt Nam là Tô Hoài và Kim Lân.
II. Bài văn mẫu Phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động
Kim Lân và Tô Hoài đều là những cây bút nổi tiếng trong nền văn xuôi hiện đại. Tô Hoài là nhà văn lớn có số lượng tác phẩm kỷ lục trong nền văn học Việt Nam. Ông viết về nhiều chủ đề, với số lượng tác phẩm phong phú, đa dạng, để lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị lớn. Viết về chủ đề người nông dân tiêu biểu nhất của Tô Hoài phải kể đến tác phẩm Vợ chồng A Phủ, truyện ngắn xoay quanh cuộc đời nhân vật Mị và A Phủ. Riêng về Kim Lân, ông được mệnh danh là một trong số những bút viết về người nông dân Việt Nam sau cách mạng xuất sắc nhất, mà tiêu biểu nhất là hai tác phẩm Làng và Vợ nhặt, trong đó Vợ nhặt là tác phẩm ấn tượng với số phận và vẻ đẹp của người nông dân thông qua một cốt truyện độc đáo và kỳ lạ hơn cả. Tuy đều viết về người nông dân, nhưng hai tác giả có lối viết, cách xây dựng cốt truyện với điểm nhấn khác nhau, mà cốt chung nhất vẫn là vẻ đẹp và số phận của người nông dân với nhiều điểm tương đồng lẫn những nét rất riêng của hai ngòi bút, làm nên cái hay của hai tác phẩm nổi tiếng.
Trước hết nói về số phận của các nhân vật trong hai câu chuyện. Điểm chung nhất là họ đều là những người nông dân cùng khổ. Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ hai nhân vật tiêu biểu cho số phận cùng khổ ấy là Mị và A Phủ, hai con người không quyền không thế phải chịu vô số bất công trong cuộc đời, dưới sự chèn ép của chế độ độc tài thần quyền và cường quyền phong kiến tại vùng đất Tây Bắc xa xôi. Mị là cô con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra, cái nợ mà bố Mị nợ từ thuở xưa này đã đổ hết lên đều Mị, Mị thương cha nên chẳng thể làm khác được. Cuộc sống của Mị tại nhà chồng những tưởng sẽ giàu có, sung sướng lắm, nhưng không chao ôi cái kiếp đàn bà làm dâu, lại còn là con dâu gạt nợ thì có khác chi con ở là mấy. Mị làm việc quần quật suốt ngày đêm, suốt năm tháng, Mị làm không hết việc, đôi lúc khổ quá "Mị thổn thức nghĩ mình còn không bằng con trâu con ngựa", "Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm nó con được đứng gãi chân, nhai cỏ". Cuộc đời của Mị bị tước hết tự do, Mị cứ "lùi lũi như con rùa trong xó cửa", với hình ảnh căn phòng tối tựa nhà tù với ô cửa bé bằng bàn tay. Tết đến Mị muốn đi chơi, Mị nhớ về thời còn chưa làm dâu nhà này, nhưng A Sử không cho Mị đi chơi, thậm chí còn trói Mị ở cột nhà rồi bỏ mặc ở đó. Cuộc đời đau khổ đã thôi thúc Mị nhiều lần tìm đến cái chết bằng nắm lá ngón, nhưng rồi Mị cũng không chết được, có lẽ đó là số phận của Mị, sẽ theo Mị cho đến khi Mị chết già.
Còn A Phủ, cũng có cuộc đời bất hạnh chẳng kém gì Mị, sớm mồ côi cha mẹ, rồi bị người ta đem đi đổi thóc, lớn lên lại lưu lạc suốt ở Hồng Ngài để kiếm miếng cơm manh áo, tuy tuổi trẻ, sung sức nhưng A Phủ không thể lấy được vợ, vì quá nghèo. Thế rồi chỉ vì bênh vực lẽ phải, công bằng mà đánh nhau với đám con quan là A Sử để bị bắt vạ, bị đánh dã man. A Phủ không quyền không thế, dĩ nhiên chẳng thể chống lại cái cường quyền khốn kiếp của nhà thống lý Pá Tra, anh buộc phải trở thành kẻ ở, làm lụng quanh năm suốt tháng, không ngơi nghỉ để bù lại số tiền phạt vạ, làm mãi làm mãi nhưng A Phủ vẫn chẳng thể trả hết nợ nần, trong một lần sơ sẩy mà anh đánh mất một con bò, thế rồi bị trói gô cho đến chết ở trước sân nhà A Sử. Cái chế độ tàn ác ấy, chẳng coi mạng sống của những con người là Mị và A Phủ là gì, chẳng hơn cọng cỏ, cọng rơm, thiết nghĩ nếu A Phủ không đánh vỡ đầu A Sử, liệu Mị có được cởi trói không, hay là bị trói đến chết như một người phụ nữ khác trong chính ngôi nhà độc ác này? Tương tự nếu Mị không liều mình cởi trói cho A Phủ thì sẽ như thế nào? Đó là những câu hỏi khiến người ta phải xót xa, phải cảm thán khôn nguôi.
Tác phẩm Vợ nhặt lại khai thác số phận người nông dân ở một hoàn cảnh khác, đó là vào nạn đói khủng khiếp năm 1945, đói kém khiến con người ta khốn khổ, giá trị con người còn chẳng bằng cọng rơm, cọng rác, rẻ mạt vô cùng. Cái đói hành hạ, hoành hành, ngày nào cũng có người chết, chết nhiều đến mức những người còn sống cũng chẳng còn sức mà chôn, xác chất đầy đường, thậm chí đói quá, người ta đã làm một cái việc man rợ là ăn thịt người chết để được sống,... Và trong Vợ nhặt số phận của các nhân vật được khai thác rõ ràng hơn, phản ánh cái nạn đói ghê gớm khiến hơn 2 triệu đồng bào ta phải chết. Trong truyện có cả thảy 3 nhân vật chính, mỗi người đều có một số phận khác nhau, nhân vật Tràng là người xấu xí, nghèo, dân ngụ cư, sống với 1 người mẹ già, làm nghề đẩy xe kiếm sống qua ngày. Thị là người phụ nữ bơ vơ, nạn đói đã cướp đi của thị tất cả tên tuổi, gia đình người thân, vì miếng ăn mà sưng sỉa, cong cớn, rồi cũng vì miếng ăn mà theo không Tràng về làm vợ, được nhặt như cọng rơm cọng rác ở ngoài đường. Còn bà cụ Tứ là người mẹ hết mực thương con, gia cảnh nghèo khó, ấy thế mà con trai lại lấy vợ, bà quẩn quanh trong lo lắng vì con lấy vợ giữa cảnh nghèo đói. Cái đói cái nghèo nó đã hành hạ thể xác, lại còn hành hạ tinh thần con người đến khốn khổ vô cùng.
Tuy số phận của mỗi nhân vật đều có những đớn đau và bất hạnh nhưng sâu thẳm trong tâm hồn của họ vẫn ánh lên những ánh sáng đẹp đẽ. Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài tập trung hướng tới miêu tả vẻ đẹp tâm hồn của con người thông qua những khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt, bất chấp những khổ đau liên tục vùi dập cuộc đời hai nhân vật chính, cùng với đó là vẻ đẹp chân chính trong tâm hồn với ý thức giác ngộ cách mạng, tự tìm đường cứu thoát bản thân khỏi những khốn khổ, bất hạnh đang bủa vây, tưởng chừng không có lối thoát. Mị vốn là một cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, được nhiều người con trai theo đuổi và Mị cũng có một tình yêu đẹp, thế nhưng vì món nợ truyền kiếp của cha Mị phải cắn răng về làm dâu cho nhà thống lý Pá Tra, cuộc sống khổ cực khiến Mị nhiều lần muốn chết, nhưng vì lòng hiếu thảo Mị vẫn phải cắn răng chịu đựng, bởi Mị chết rồi ai sẽ trả nợ cho cha.
Những tưởng con người Mị, tâm hồn Mị đã chết hẳn với sự nhẫn nhục, chịu đựng khôn cùng suốt quãng thời gian ở nhà thống lý Pá Tra, thế nhưng không, sâu thẳm trong tâm hồn cô vẫn tiềm tàng một sức sống mạnh mẽ. Mùa xuân đến, Mị muốn uống rượu, "Mị lén lấy hũ rượu, uống ừng ực từng bát", Mị mơ màng nghĩ về những hồi ức tốt đẹp, tiếng sáo gọi bạn tình, hơi men đã đánh thức tâm hồn vốn tưởng đã tê liệt, vẫn lầm lũi, không còn thiết tha tới việc phản kháng nữa. Thì nay một lần nữa ý thức về thân phận về những đớn đau, bất hạnh của cuộc đời, Mị lại muốn chết lần nữa, Mị ứa nước mắt. Nhưng rồi chợt Mị thấy phơi phới trong tâm hồn, Mị vẫn còn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi, bao người có chồng rồi vẫn đi chơi tết đấy thôi, Mị vào buồng "Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Mị dường như đã sống lại, Mị ý thức được vẻ đẹp của mình, Mị bắt đầu có ý thức phản kháng. A Sử không cho Mị đi chơi, hắn trói gô Mị vào cột, Mị bất động, nhưng dường như sợi dây trói ấy chẳng buộc được tâm hồn Mị, cô vẫn đang phiêu lãng với tiếng sáo, vẫn nghĩ về những cuộc chơi, những đám chơi.
Mị tỉnh lại từ men rượu tiếp tục ý thức được sâu sắc thân phận của mình "Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa". Đặc biệt Mị là một con người giàu tình thương, có lòng trắc ẩn, giọt nước mắt của A Phủ chính là giọt nước tràn ly, giọt nước mắt ấy thôi thúc Mị cứu A Phủ, Mị không thể để một con người vô tội chết trong bàn tay độc ác của những con người mất hết nhân tính ấy. Mị không còn sợ hãi, Mị vùng dậy, Mị phản kháng, Mị cắt dây trói cho A Phủ, rồi bỏ chạy theo anh. Mị muốn được sống, Mị khao khát tự do, Mị không thể để cuộc đời chôn vùi trong cái nơi ma quỷ này được, Mị xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn. Mị dũng cảm giải thoát cho A Phủ cũng chính là tự giải thoát cho cuộc đời mình, tinh thần ham sống trong người phụ nữ ấy bùng cháy một cách mãnh liệt, là điều kiện tất yếu hướng Mị giác ngộ và bước vào vòng tay của Cách mạng để giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân.
Về nhân vật A Phủ, anh là người có sức mạnh, khỏe khoắn lại chăm chỉ làm lụng, tính tình chất phác thật thà, dám đứng lên chống lại cường quyền, để bảo vệ công bằng lẽ phải. Cũng như Mị, A Phủ có khao khát tự do, khao khát sống mãnh liệt, điều ấy được chứng minh qua chi tiết "A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Những trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên và chạy". A Phủ còn là người có tình nghĩa, có tấm lòng cảm thông, không chạy một mình mà còn mang theo cả Mị, người phụ nữ khốn khổ đã cứu sống mình. Đồng thời ấn tượng vẻ đẹp của nhân vật này còn ở tinh thần giác ngộ cách mạng sâu sắc, hăng hái tham gia chiến đấu trở thành người chiến sĩ cách mạng tài giỏi, cùng với vợ và đồng đội ra sức bảo vệ quê hương, tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời, chiến đấu vì đất nước vì nhân dân.
Trong tác phẩm Vợ nhặt, vẻ đẹp của các nhân vật hiện ra từ sự ấm áp của tình cảm gia đình, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau trước hoàn cảnh nghèo đói, khó khăn. Trước sự thay đổi hoàn cảnh, mỗi một nhân vật đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để vun đắp cho mái ấm. Tràng vốn là chàng trai có tính tình trẻ con, vô tư, phóng khoáng, việc đại sự trong cuộc đời là lấy vợ cũng chẳng suy nghĩ nhiều, quyết định một cách rất nhanh chóng. Thế nhưng, sâu thẳm trong tâm hồn Tràng là một người có lòng thương cảm sâu sắc, kể từ khi nhận thị làm vợ, Tràng đã thay đổi, biết cách quan tâm người khác. Đãi thị một bữa no nê, lại mua cho thị cái thúng con để thị đỡ mặc cảm về thân phận người vợ theo không, trên đường về Tràng bỗng để tâm đến cảm xúc của thị hơn, điều mà trước đây chẳng có bao giờ.
Sau đêm tân hôn, Tràng thấy nhà cửa thay đổi, thấy thị trở nên dịu dàng, Tràng thấy cảm động, có điều gì đó thôi thúc anh phải sống có trách nhiệm với gia đình hơn, lại nghĩ đến tương lai cùng vợ sinh con đẻ cái, có một gia đình hạnh phúc điền viên. Đặc biệt là ý thức giác ngộ cách mạng đã nhen nhóm trong tâm hồn người trai xóm ngụ cư. Với nhân vật thị, sau khi theo về làm vợ Tràng, thị đã bỏ đi cái vẻ ngoài cong cớn sưng sỉa, hết lòng muốn làm một người vợ hiền thảo, muốn vun đắp một gia đình hạnh phúc, thứ mà trước đây thị đã đánh mất. Còn với bà cụ Tứ, vốn ban đầu còn có nhiều ái ngại về cô con dâu mà con mình dẫn về, nhưng sau đó bà nhanh chóng nhận ra tình hình, bằng tấm lòng thương của một người phụ nữ trải đời bà đã chấp nhận, yêu thương và thông cảm cho thị. Bởi trên tất cả bà là một người mẹ rất mực thương con, tất cả những nỗi lo của bà đều xuất phát từ lẽ ấy. Ngoài ra vẻ đẹp của người lao động trong tác phẩm còn thể hiện niềm tin về một tương lai tươi sáng trong cảnh khốn cùng của nạn đói năm 1945, tựa như một mầm cây non giữa mảnh đất khô cằn lạnh lẽo. Biểu hiện ở niềm vui của người dân xóm ngụ khi thấy Tràng dẫn thị về, là hình ảnh là cờ đỏ của Việt Minh, báo trước một tương lai Cách mạng về, đất nước được giải phóng, nhân dân được tự do.
Điểm chung của hai tác phẩm là đều lấy bối cảnh những năm 1945-1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai của nhân dân dân diễn ra quyết liệt. Phản ánh số phận bi thảm, bất hạnh đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn của con người lao động trong nghịch cảnh. Lên án chế độ phong kiến, sự xâm lược tàn ác của thực dân Pháp đã đẩy nhân dân ta vào hoàn cảnh đau thương, bị chèn ép, bị đối xử bất công. Qua đó cũng nổi bật lên giá trị nhân đạo xuyên suốt tác phẩm đó là sự trân trọng những vẻ đẹp trong tâm hồn của con người, niềm tin vào một tương lai tươi sáng, niềm tin vào cách mạng, đề cao những khát vọng chính đáng về hạnh phúc, về tự do, về công bằng của người dân lao động. Điểm sáng về nghệ thuật của cả hai tác phẩm đó là khả năng miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật một cách xuất sắc, tinh tế và hấp dẫn độc giả, khiến người đọc thấu hiểu kỹ càng số phận và vẻ đẹp của từng nhân vật. Tuy có nhiều điểm chung, nhưng mỗi tác phẩm cũng có những nét riêng độc đáo, làm nên vẻ đẹp khác biệt trong mỗi tác phẩm. Nếu như Vợ chồng A Phủ tập trung vào khát vọng được sống, khát vọng tự do, sức sống mãnh liệt của con người, thì Vợ nhặt lại tập trung vào phản ánh khát vọng hạnh phúc, ước mơ về cuộc sống gia đình hạnh phúc, niềm hy vọng vào cuộc sống no đủ.
Cả Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt đều là những tác phẩm xuất sắc của nền văn học Việt Nam, với những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc, phản ánh số phận và vẻ đẹp của con người Việt Nam đặc biệt là tầng lớp nhân dân lao động trong những năm tháng cũ. Đồng thời cũng thể hiện được tài năng và phong cách văn học của hai cây bút tài năng trong nền văn học hiện đại Việt Nam là Tô Hoài và Kim Lân.
- Phân tích Giá trị nhân văn trong Vợ chồng A Phủ
- Từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ
- Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân
- Hoàn cảnh sáng tác Vợ chồng A Phủ
- Tóm tắt Vợ chồng A Phủ
Phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng qua bài văn mẫu này giúp các em thấy được nét nổi bật số phận và vẻ đẹp của người lao động. Chúc các em học tốt, ngoài ra các em có thể tìm hiểu thêm các bài văn mẫu hay các bài tập của các môn khác như Toán, Hóa, Sinh...tại tài liệu học tập lớp 12 này nhé
Xem thêm bài viết khác
- Đáp án Đề thi THPT Quốc Gia năm 2022 môn Sinh
- Đáp án Đề thi THPT Quốc Gia năm 2022 môn tiếng Anh
- Đáp án Đề thi THPT Quốc Gia năm 2022 môn Lý
- Đáp án Đề thi THPT Quốc Gia năm 2022 môn Hóa
- Đáp án Đề thi THPT Quốc Gia năm 2022 môn Văn
- Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Người lái đò sông Đà
- Văn mẫu 12 bài viết số 2 đề 3: Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"
- Phân tích 14 câu đầu bài Tây Tiến
- Nghị luận xã hội dạng bài nghị luận về một hiện tượng xã hội
- “Vào đại học không phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay”. Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên
- Suy nghĩ của bạn về lời dạy của Đức Phật: “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”
- Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Tây Tiến