Đề 3: Thuyết minh một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình.
Văn mẫu 10 - bài viết số 5 đề 3: Thuyết minh một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
Nội dung bài gồm:
- Bài mẫu 1: Thuyết minh một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình - Phở
- Bài mẫu 2: Thuyết minh một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình - làng nghề nón lá
- Bài mẫu 3: Thuyết minh một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình - nem chua Thanh Hóa
Bài mẫu 1: Thuyết minh một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình - Phở
Dàn ý
I. Mở bài: giới thiệu một nét ẩm thực của địa phương mình - đó chính là phở.
II. Thân bài:
- Nguồn gốc:
- Có nhiều ý kiến khác nhau, người bảo xuất hiện từ Nam Định từ đầu thế kỉ XX, người bảo có xuất xứ từ Hà Nội.
- Phở là một trong những món ăn tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.
- Đặc điểm món Phở:
- Phở chế biến được nhiều loại khác nhau: phở tái, phở gà, phở bò, phở cuốn hay phở xào...
- Mỗi loại phở khác nhau có những cách chế biến và hương vị khác nhau.
- Phở có nguyên liệu chính là bánh phở màu trắng được làm từ gạo.
- Nước lèo được nấu từ xương ống ninh kĩ thêm một số gia vị như thảo quả, quế, hoa hồi, đinh hương,....
- Phở thường được ăn kèm với các loại rau như hành tây, húng, chanh và rau thơm.
- Hiện nay, nổi tiếng nhất chỉ có phở Hà Nội và Phở Nam Định
- Phở chứa đựng quốc hồn quốc túy cũng như văn hóa ẩm thực đặc sắc của cả dân tộc Việt Nam.
III. Kết bài:
- Phở là món ăn không chỉ thơm ngon mà còn vô cùng bổ dưỡng.
- Phở đã trở thành một trong những món ăn phổ biến và quen thuộc trong đời sống con người Việt Nam.
Bài làm
Nhắc đên Việt Nam là nhắc đến một đất nước có nền văn hóa vô cùng đặc săc với bề dày 4 ngàn năm lịch sử. Và trong đó nền văn hóa ẩm thực được coi là một trong những điểm nhấn khó phai mờ trong lòng du khách bốn phương. Nếu bạn đã từng có cơ hội đến Việt Nam thì chắc hẳn không thể nào bỏ qua món phở - món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, thanh đạm và vô cùng ngon miệng.
Vậy món phở bắt đầu tư bao giờ và ở đâu? Câu hỏi khiến rất nhiều người phải tranh cãi, bàn luận về vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau. Có người thì cho rằng nó xuất hiện từ Nam Định từ đầu thế kỉ XX tuy nhiên bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng nguồn gốc của nó là từ Hà Nội. Tuy nhiên dù có ở đâu thì đây cũng là một trong những món ăn tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Trước kia món phở chỉ có duy nhất một hương vị một loại là phở chín thế nhưng theo thời gian để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân phở đã được cải biến thành phở tái, phở gà, phở bò, phở cuốn hay phở xào... Mỗi loại phở khác nhau có những cách chế biến và hương vị khác nhau nó tạo nên sự phong phú cho nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Không giống những món ăn khác phở thường không có đồ ăn kèm, người Hà Nội thường dùng phở vào buổi sáng như một thức ăn thanh đạm mà chắc bụng. Tuy nhiên đối với những khách du lịch đến Hà Nội bạn có thể thưởng thức nó vào bất cứ lúc nào trong ngày và hầu như ở đây có rất nhiều những quán phở nổi tiếng mở liên tục sẵn sàng phục vụ khác hàng.
Phở có nguyên liệu chính là bánh phở màu trắng được làm từ gạo. Nước dùng hay còn có tên gọi khác là nước lèo được nấu từ xương ống ninh kĩ thêm một số gia vị như thảo quả, quế, hoa hồi, đinh hương,.... Và để tạo nên một bát phở có hương vị khác nhau mỗi đầu bếp sẽ chọn cho mình một cách chế biến và pha trộn hương vị khác nhau. Phở thường được ăn kèm với các loại rau như hành tây, húng, chanh và rau thơm. Mỗi vùng miền sẽ chọn một loại rau ăn kèm khác nhau.
Hiện nay phở khá phổ biến với mọi người song nổi tiếng nhất chỉ có phở Hà Nội và Phở Nam Định. Đây là hai vùng có hương vị phở vô cùng độc đáo và ngon miệng. Do sự phát triển của đời sống cũng như nhu cầu của con người phở hiện nay có rất nhiều món như phở gà, phở bò.... Nó đã được rất nhiều các nhà văn nhà thơ đưa vào trong những tác phẩm văn học có thể kể đến như Miếng ngon Hà Nội của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam....
Do sự phát triển của cuộc sống hiện đại phở ngày nay cũng được chuyển sang phở công nghiệp như phở chay, phở ăn liền vừa tiện lợi vừa nhanh chóng tiết kiệm tối đa thời gian cho con người. Thế nhưng một tô phở đúng nghĩa được nấu dưới những bàn tay đầu bếp tuyệt hảo vẫn mang một hương vị độc đáo khó quên.
Du khách nếu có cơ hội đến với Hà Nội không bao giờ bỏ qua món phở này. Nó chứa đựng quốc hồn quốc túy cũng như văn hóa ẩm thực đặc sắc của cả dân tộc Việt Nam. Giá một tô phở cũng rất rẻ chỉ khoảng 30 ngàn đồng mà lại vô cùng ngon lành.
Phở được coi là một trong những đặc sắc trong nền ẩm thực Việt Nam. Không chỉ thơm ngon mà còn vô cùng bổ dưỡng. Nó đã trở thành một trong những món ăn phổ biến và quen thuộc trong đời sống của người dân Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Bài mẫu 2: Thuyết minh một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình - làng nghề nón lá
Dàn ý
I. Mở bài: giới thiệu một làng nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương - làng làm nón lá
II. Thân bài:
- Nguồn gốc:
- Nón lá xuất hiện từ khoảng 2500-3000 năm trước công nguyên.
- Đa dạng các loại nón: nón quai thao, nón thúng... ở Gò Lăng, Quảng Ninh.
- Đặc điểm nón lá:
- Nón có dạng hình chóp hoặc tù
- Nón lá thường được đan bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá nón, lá buông, rơm, lá cối, lá hồi...
- Dây đeo làm bằng vải mềm hoặc nhung, lụa.
- Quy trình làm nón là:
- Chọn nguyên vật liệu là chọn lá, phơi lá, chọn chỉ.
- Sấy khô lá trên bếp than sau đó đem phơi sương 2-5 giờ đến khi lá mềm ra.
- Dùng một búi vải và một miếng gang đặt trên bếp nóng để ủi cho từng chiếc lá được phẳng ra.
- Chuốt từng nan tre sao cho tròn đều có đường kính rất nhỏ, sau đó uốn nan tre này thành những vòng tròn
- Những vòng ấy sẽ được đặt vào một cái khung bằng gỗ hình chóp theo vị trí từ dưới lên từ lớn đến bé.
- Sau đó người thợ xếp khung, người xếp lá
- Sau khi xếp lá cho đều, người ta làm đến công đoạn chằm nón.
- Cuối cùng, phủ lên nón một lớp dầu mỏng làm điểm nhấn, và khiến nón được bền hơn.
- Cách bảo quản nón lá:
- Cần treo nón lên cẩn thận mỗi khi không sử dụng nón,
- Cần phơi nón ra ngoài trời nắng mỗi khi đi mưa gió về.
- Không nên ngồi lên nón hay dùng nón để quạt...
III. Kết bài:
- Chiếc nón lá là hình ảnh đẹp của người phụ nữ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
- Mỗi người Việt xa xứ, xa quê đều vẫn khắc cốt ghi tâm hình ảnh chiếc nón lá của quê hương
Bài làm
“ Sao anh không về thăm em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên.”
Cùng với chiếc áo dài thì chiếc nón lá đi kèm từ lâu đã trở thành một hình ảnh tượng trưng cho nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Trở thành người bạn, người con tinh thần cùng với bà con nhân dân. Chiếc nón lá khắc sâu vào tâm trí mỗi người con Việt dù đi đâu về đâu. Một nét đáng tự hào của con dân đất Việt.
Chiếc nón lá xuất hiện từ rất lâu. Từ khoảng 2500-3000 năm trước công nguyên người ta đã chạm khắc hình ảnh chiếc nón lá trên trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn, trên tháp đồng Đào Định... Xuất hiện với đa dạng các loại nón: nón quai thao, nón thúng... ở Gò Lăng, Quảng Ninh.
Chiếc nón thường, phổ biến có dạng hình chóp hay tù tùy công dụng của mỗi loại nón khác nhau mà người làm sẽ thiết kế khác nhau, thậm chí có những nón rộng bản. Lá được dùng để làm nón thường được xếp trên một cái khung gồm các nan tre nhỏ uốn thành hình vòng cung, được ghim lại bằng sợi chỉ, hoặc các loại dây tơ tằm,..giữ cho lá với khung bền chắc, dẻo dai. Những chiếc nón lá thường được đan bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá nón, lá buông, rơm, lá cối, lá hồi... Thêm vào đó nón lá thường có dây đeo bằng vải mềm hoặc nhung, lụa để giữ và cố định trên cổ người.
Vật liệu, cấu tạo nón nhìn tuy đơn sơ nhưng phải đến công đoạn hình thành một chiếc nón ta mới thấy trong đó cả sự tỉ mỉ, khéo tay của người thợ thủ công như thế nào. Đầu tiên là khâu chọn nguyên vật liệu là chọn lá, phơi lá, chọn chỉ. Và lá hay được dùng là lá dừa, lá cọ. Có được chiếc lá dừa thì phải mua từ tận trong nam, được vận chuyển và được làm trước khi chuyển tới nơi là nón. Sau đó, chọn lọc lá để xứ lí nhằm đảm bảo độ bền. Loại lá thứ hai là lá cọ và phải đảm bảo được các yếu tố sau: lá non vừa độ, gân lá phải xanh, màu lá cũng trắng xanh. Nếu không lựa chọn tỉ mỉ thì khi cho ra sản phẩm chiếc nón sẽ không được đẹp như ý.
Tiếp đến là công đoạn sấy khô trên bếp than. Sau đó đem lá mang ra phơi sương từ 2-5 giờ đến khi lá mềm ra. Người thợ thủ công sẽ dùng một búi vải và một miếng gang đặt trên bếp nóng để ủi cho từng chiếc lá được phẳng ra. Với thanh sắt bén gọn những người thợ chuốt từng nan tre sao cho tròn đều có đường kính rất nhỏ. Sau đó uốn nan tre này thành những vòng tròn lớn nhỏ đều được giũa bóng bẩy. Mỗi cái nón sẽ có 16 nan tre đã được uốn vòng như này. Những vòng ấy sẽ được đặt vào một cái khung bằng gỗ hình chóp theo vị trí từ dưới lên từ lớn đến bé. Sau đó người thợ xếp khung, người xếp lá phải khéo và đều tay để những chiếc lá không bị chồng lên nhau hoặc xô lệch.
Sau khi xếp lá cho đều, người ta làm đến công đoạn chằm nón. Nón được chằm bằng những sợi ni lông dẻo dai và săn chắc có màu trong suốt. Đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo đến từng đường kim mũi chỉ để có thể chằm nên những chiếc nón xinh đẹp. Để tăng thêm sự bắt mắt và tính thẩm mĩ, người ta thường phủ lên nón một lớp dầu mỏng làm điểm nhấn, và khiến nón được bền hơn. Đê tạo điểm nhấn cho nón thì đó là quai nón. Quai nón thường được làm bằn lục, nhung, khăn voan với những màu sắc tươi tắn: tím, hồng, đỏ.. tăng độ duyên dáng cho chiếc nón.
Nón có rất nhiều loại và được sản xuất ở rất nhiều làng nghề trên cả nước. Những chiếc nón quai thao duyên dáng xuất hiện trong các lễ hội của người miền bắc, nón bài thơ ở Huế hay những chiếc nón ngựa ở Bình Định... Nổi tiếng với các làng nghề làm nón thì có làng Chuông, làng Phủ Cam (ở Huế),...
Đi dọc mảnh đất hình chữ S thật không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc nón. Chiếc nón giản dị mộc mạc đã đi sâu vào đời sống tinh thần. Hình ảnh chiếc nón lá cũng như phẩm chất người phụ nữ Việt nam vậy. Sự trong trắng tinh khôi, nét mộc mạc giản dị cùng sự thanh tao quyến rũ vẫn hiện rõ nét ở trong từng chiếc nón. Chiếc nón cũng là biểu tượng đặc trưng cho hình ảnh đất nước Việt Nam. Những khách du lịch ngoại quốc đi đến Việt Nam thường ghé mua những chiếc nón lá và tỏ ra rất hứng thú với loại sản vật này của dân tộc ta. Nón lá là cũng là vật minh chứng góp phần khẳng định, củng cố hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Để có thể gìn giữ, và sử dụng chiếc nón một cách tốt nhất. Chúng ta cần lưu ý những điều sau. Cần treo nón lên cẩn thận mỗi khi không sử dụng nón, cần phơi nón ra ngoài trời nắng mỗi khi đi mưa gió về. Cũng không nên ngồi lên nón hay dùng nón để quạt... sẽ khiến nón bị méo vành và hỏng rất nhanh.
Cuộc sống hiện đại phát triển gắn liền với những chiếc xe náy, ô tô, những chiếc nón bảo hiểm. Nhưng chúng ta hy vọng chiếc nón lá vẫn sống mãi với dân tộc Việt Nam. Mỗi người Việt xa xứ, xa quê đều vẫn khắc cốt ghi tâm hình ảnh của quê hương với những chiếc nón lá bình dị, đoan trang, duyên dáng, đơn sơ.
Oanh
Bài mẫu 3: Thuyết minh một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình - nem chua Thanh Hóa
Dàn ý
I. Mở bài: Giới thiệu đặc sản của quê hương mình - nem chua Thanh Hóa.
II. Thân bài:
- Nguồn gốc: Không rõ, nhưng đã trở thành một loại hàng hóa vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
- Đặc điểm:
- Trông giống một chiếc bánh được gói trong lá chuối xanh.
- Hình dáng: To cỡ ngón tay người lớn, có màu hồng nhạt của thịt, màu đỏ của ớt, màu trắng của tỏi, màu xanh của lá đinh lăng.
- Vị chua thanh, cay tê, ngọt giòn cùng hòa quyện kết hợp với mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng hương ớt, hương tỏi, mùi thơm cùng vị chát ngọt của lá đinh lăng, cùng với mùi thịt lên men chua.
- Cách chế biến:
- Nguyên liệu: Thịt lợn tươi xay nhuyễn, bì lợn cạo sạch mỡ thái sợi, ớt, tỏi cắt lát, lá đinh hương rửa sạch, tiêu giã nhỏ, lá chuối bánh tẻ, bì ni lông, dây thun để gói cùng một số gia vị thông dụng.
- Trộn đều thịt với bì lợn cùng muối, bột ngọt, mật mía, tiêu, rồi gói chung với vài lát ớt, tỏi, lá đinh lăng, bọc lại bằng bì ni lông, rồi gói lại bằng lá chuối, dùng dây thun cố định
- Để lên men 1-2 là có thể ăn được.
III. Kết bài:
- Nem chua là đặc sản nổi tiếng của xứ Thanh
- Ai đi ngược về xuôi đều ghé lại thưởng thức và mua về làm quà.
Bài làm
Nem chua Thanh Hóa là món ăn nổi tiếng, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Món này được chế biến hết sức kỳ công, qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu cho tới khi đóng gói sản phẩm...
Thịt để làm nem phải là loại thịt nóng, nghĩa là khi heo vừa mới xẻ thịt thì người thợ làm nem phải thái, xay, chế biến ngay, không để lâu. Bởi nếu thịt nguội, nem sẽ không có độ bóng cũng như sự kết dính trong quá trình lên men.Ngày trước khi chưa có máy xay thịt, người thợ phải giã thịt bằng tay trên những cối đá lớn. Theo kinh nghiệm của những gia đình làm nem truyền thống, thì thịt giã cối đá sẽ có độ giòn, quánh, dính hơn là thịt xay máy.
Bì lợn cũng phải chọn rất kỹ, heo lấy bì phải là heo cạo chín, nghĩa là làm bằng nước sôi. Có như thế lông mới sạch và khi chế biến sẽ đỡ tốn thời gian. Để có những sợi bì trong, ngon, người thợ phải cạo thật sạch tất cả những phần mỡ còn sót lại trên bì, cho tới khi lớp bì mỏng, trắng tinh, trong suốt thì được. Bì càng làm kỹ bao nhiêu thì khi thái chỉ, bì càng giòn và dai bấy nhiêu.
Khi nguyên liệu chính là thịt và bì đã xong, người thợ sẽ trộn hai hỗn hợp này lại với nhau cùng các loại gia vị muối, bột ngọt, đường, nêm thêm chút nước mắm cho thơm. Sau đó mang hỗn hợp thịt trên ra đóng gói. Mỗi một chiếc nem được người gói cho kèm thêm chút tỏi, lá đinh lăng, ớt, những phụ gia này có tác dụng làm cho hương vị nem trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn và cũng là để cân bằng giữa lạnh (nem chua) với nóng (lá đinh lăng, ớt). Lá chuối gói nem phải là lá chuối ngự vừa xanh vừa dầy, bởi trong quá trình vận chuyển và lưu giữ nem vẫn tiếp tục lên men.
Để bảo quản được dài ngày, người thợ thường bọc giấy bóng thêm bên trong nem. Thông thường nem gói sau 3 ngày là chín, có thể dùng được. Bóc lớp lá chuối màu xanh ở ngoài, đã thấy lộ ra màu hồng của thịt, màu trắng của sợi bì, màu đỏ của ớt.
Khi thưởng thức sẽ gặp vị chua thanh của thịt, dai giòn của sợi bì, cay của ớt, thơm của tỏi, chát ngọt của đinh lăng ... một hương vị rất riêng mà không phải nem chua nơi nào cũng có như nem chua xứ Thanh. Nem Thanh có vị lạ rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp vài cái nữa.
Nem chua Thanh Hoá vừa ngon, vừa rẻ nhưng có điều rất lạ và hay là có thể làm đồ nhắm, cũng có khi ăn với cơm. Tiện hơn cả là ở đâu ta cũng có thể nhấm nháp hương vị hấp dẫn của nó. Nghĩ đến nem chua quê mình đầu lưỡi tôi lại cay cay, ngọt ngọt. Khó mà tả được cảm giác sung sướng khi được ăn một vài miếng nem chua ở quê hương mình trong lúc đang ở nơi xa xôi.
Ai đi qua xứ Thanh cũng phải nếm thử hương vị lạ của những chiếc nem xinh xắn. Người dân xứ Thanh vào Nam ra Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc để cho người nhà hoặc biếu người thân. Ngày lễ Tết hoặc cưới xin, nem chua trở thành món ngon không thể thiếu. Kèm với những cặp bánh chưng xanh, những chiếc giò ngày Tết là những xâu nem chua làm từ chất liệu quê hương mời khách đến chơi nhà.
Nếu có dịp dừng chân nơi miền đất này, mời bạn hãy thưởng thức nem chua xứ Thanh.Vị chua chua, ngọt ngọt đậm đà gia vị tạo nên hương thơm khó quên của món nem chua Thanh Hóa.Nem chua Thanh Hóa nổi tiếng xưa nay khắp một dải đất dài từ Nam ra Bắc. Người Thanh Hóa tự hào với bạn bè nơi nơi vì có một thứ quà không phải nơi nào cũng cứ học là làm được, mà nó được truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác qua nhiều năm nay.
Xem thêm bài viết khác
- Đề 2: Thuyết minh một tác giả văn học - văn học 10
- Đề 3: “Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên các sợi chọi trong làng...
- Đề 1: Dân tộc ta có truyền thống Tôn sư trọng đạo. Theo anh (chị), truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay.
- Thuyết minh tác hại của ma túy đối với đời sống của con người
- Thuyết minh vai trò của cây cối (hoặc của rừng, của các loài động vật hoang dã, của nhiên liệu sạch...) trong việc bảo vệ môi trường sống
- Nêu cảm nghĩ của anh (chị) khi chứng kiến một hành động đẹp của người khác (giúp đỡ, an ủi, dũng cảm...)
- Thuyết minh về làng gốm Bát Tràng – ngành thủ công mỹ nghệ nổi tiếng tại Hà Nội
- Thuyết minh về phố cổ Hội An
- Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thức thơ Đường luật
- An Dương Vương tự kể về cuộc đời mình trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
- Thuyết minh về kì quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long
- Giới thiệu Nguyễn Trãi và Đại cáo bình Ngô một “áng thiên cổ hùng văn”