Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp Anh/chị
Đề bài: Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó
Bài làm
Bác Hồ từng viết:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”
Người đã khẳng định vai trò của xã hội đối với những mầm non tương lai của đất nước là tạo cho các em một môi trường sống tốt. Thế nhưng hiện nay tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ lại ngày càng gia tăng. Điều đó không chỉ gây nên sự bất cập ở hiện tại mà trong tương lai sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng? Vậy phải làm gì để giải quyết vấn đề này? Có phải chúng ta đang rất cần những tấm lòng hảo tâm từ các cá nhân, các tổ chức để đón các em trở về với cuộc sống lành mạnh đời thường?
Trẻ em lang thang cơ nhỡ có lẽ là hình ảnh bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày. Nhất là tại các thành phố lớn như : Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sài Gòn…. Mỗi ngày bạn đi ra đường, có thể bắt gặp hình ảnh của hàng chục hàng trăm đứa trẻ vất vưởng với gánh hàng rong, với hốp đánh giày thậm chí là vạ vật đầu đường xó chợ. NHững hình ảnh đó không chỉ làm cho chúng ta chạnh lòng xót xa mà nó còn trở thành một bài toán khó đối với xã hội.
Có một thực trạng chính là số lượng trẻ em lang thang cơ nhỡ ở Việt Nam trong những năm qua không có dấu hiệu giảm sút thậm chí nó còn gia tăng nhanh. Tình trạng này càng phổ biến hơn ở những thành phố những đô thị lớn. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì khi mà nền kinh tế đất nước đang ngày một phát triển, xã hội ngày một văn minh?
Nguyên nhân đầu tiên và cũng có thể nói là quan trọng nhất đó chính là do yếu tố kinh tế. Yếu tố này không chỉ quyết định đến số lượng trẻ em lang thang cơ nhỡ mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều các vấn nạn khác. Sự nghèo khó túng thiếu của các gia đình dẫn đến việc các em không được chăm sóc tử tế, phải bươn chải sớm để kiếm miếng cơm manh áo. Bên cạnh đó yếu tố quan trọng không kém nữa là xuất phát từ sự thiếu quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Cha mẹ ly hôn, cha mẹ ốm đau bệnh tật hoặc qua đời… ngoài ra cũng không tránh khỏi những trường hợp các em vì muốn khẳng định mình, ương bướng muốn thoát khỏi sự bao bọc của cha mẹ mà bỏ nhà đi bụi….
Tất cả những trường hợp này là nguyên nhân khiến cho số lượng trẻ lang thang ngày càng gia tăng. Và nếu như không có cách xử lí kịp thời thì sẽ gây nên rất nhiều những hậu quả đáng tiếc trong tương lai, khi mà các em không được học tập và rèn luyện nhân cách. Bác Hồ từng nói “trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai” điều đó cho thấy vai trò quan trọng của thế hệ mầm non đối với tương lai, vận mệnh của quốc gia dân tộc. Làm thế nào để cho các em được đến trường, được lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa không chỉ là câu hỏi đối với cá nhân nào mà còn là điều khiến cho cả xã hội trăn trở.
Trên thực tế trong những năm qua để giảm thiểu tình trạng trẻ em lang thang Đảng và Nhà nước cùng với những tổ chức xã hội đã thành lập rất nhiều các trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm tình thương để đón các em trở về. Đi đến bất cứ tỉnh nào, vùng đất nào chúng ta cũng có thể tìm được một mái ấm tình thương. Đó có thể là mái ấm do nhà nước xây dựng, cũng có thể là sự phát tâm từ các ngôi chùa thậm chí từ những tấm lòng vàng của các cá nhân tập thể. Nguyện vọng duy nhất của họ đó là mang các em trở về với cuộc sống bình thường được ăn học và sống đúng với lứa tuổi để trở thành những người có ích cho đời.
Chắc chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh của bé Thiện Nhân ( đứa trẻ tội nghiệp bị mẹ bỏ rơi trong rừng và bị côn trùng cắn mất bộ phận sinh dục) đã được mẹ Mai Anh đón về nuôi. Sau bao lần phẫu thuật bé đã lớn lên từng ngày trong vòng tay bao dung của người mẹ ấy. Có lẽ cuộc đời em sẽ không thể trọn vẹn niềm vui khi đã mất đi một phần cơ thể song nó sẽ trở nên ấm áp và đúng nghĩa hơn rất nhiều khi được sống trong tình yêu thương sự đùm bọc giữa người với người. Hay hình ảnh một ca sĩ nổi tiếng như Phi Nhung đã từ bỏ hạnh phúc cá nhân của mình để đi khắp nơi xây nên một mái nhà để đón các con lang thang cơ nhỡ trở về. Rồi rất nhiều những tổ chức, những cá nhân đã sẵn sàng mở rộng vòng tay để đón các em trở về. Hành động đó không chỉ thể hiện được tinh thần đạo đức tương thân tương ái sâu sắc mà còn giúp cho xã hội này trở nên tốt đẹp hơn văn minh hơn.
Như một nhạc sĩ nào đó đã từng viết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tấm lòng ấy sẽ được nở hoa tỏa hương khi chúng ta làm nên một việc tốt cho đời cho xã hội. NHững năm qua tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ đã có xu hướng giảm mạnh tuy nhiên vẫn còn đó những mảnh đời bất hạnh đang cần xã hội cứu giúp. Hãy để các em được sống đúng với lứa tuổi và trách nhiệm của mình. Vì vận mệnh tổ quốc đang nằm trong tay những con người nhỏ bé như thế.
Xem thêm bài viết khác
- Đề 2: Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người”. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?
- Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về sức mạnh niềm tin
- Suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng nhiều bạn trẻ thích thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi của mình bằng cách chụp ảnh “tự sướng” để tung lên mạng xã hội
- Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến sau: “Người có học không phải là người biết nhiều mà là người biết những gì mình cần biết và hiểu rõ những gì mình biết”
- Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Tây Tiến
- Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố (Trích Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm)
- Cảm hứng thiên nhiên của nhà thơ Quang Dũng trong bài Tây Tiến
- Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp Anh/chị
- Phân tích từ Hoa trong bài Tây Tiến của Quang Dũng
- Bài văn: Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà trong đoạn trích ''Người lái đò sông Đà'' của Nguyễn Tuân Bài mẫu 1
- Tóm tắt Rừng xà nu (9 mẫu)
- Nghị luận xã hội dạng bài nghị luận về một hiện tượng xã hội