Nội dung chính bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh Soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
Nội dung chính bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
Nhằm hỗ trợ học sinh trả lời câu hỏi Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, KhoaHoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
- Nội dung chính bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
- Giá trị nội dung và nghệ thuật văn bản Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
Bài làm:
Tóm tắt Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
Trịnh Sâm vốn ăn chơi sa đọa, thường cho xây dựng đình đài liên miên. Mỗi tháng ba bốn lần, Vương ra cung Thụy Liên trên bờ Tây Hồ, binh lính dàn hầu vòng quanh bố mặt hồ, các nội thần thì bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa bán quanh hồ. Chúa đi đến đâu đều ra sức thu lấy chim quý, thú lạ, cây sống lâu năm, phiến đá có hình thù kì lạ, không thiếu thứ gì. Nhân cơ hội đó, bọn hoạn quan cung giám nhờ gió bẻ măng, nửa đêm lẻn vào nhà dân lấy chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay rồi buộc cho dân tội giấu vật cung phụng để doạ dẫm lấy tiền khiến người dân phải bỏ tiền của kêu xin, hoặc phá tan vườn hoa, cây cảnh… để khỏi gặp tai hoạ.
A. Tóm tắt nội dung chính
1. Giới thiệu chung
- Tác giả: Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), tên chữ là Tùng Niên, quê ở huyện Đường An, tỉnh Hải Dương (nay là xã Nhân Quyền, Bình Giang, Hải Dương). Ông sinh ra và lớn lên trong thời cuộc có nhiều biến loạn, vì thế ông mang tư tưởng ẩn cư, không muốn cuốn vào vòng xoáy quan quyền.
- Tác phẩm: nằm trong tác phẩm Vũ trung tùy bút, viết khoảng đầu đời Nguyễn (đầu thế kỉ XIX), là tác phẩm văn xuôi ghi lại một cách sinh động, hấp dẫn hiện thực đen tối của lịch sử nước ta, vừa là tài liệu quý giá về sử học, địa lí, xã hội học
2. Phân tích văn bản
a. Cuộc sống hưởng thụ của Trịnh Sâm
Thói ăn chơi xa xỉ được biểu hiện ở hai thú vui:
- Thú chơi đèn đuốc, bày đặt nghi lễ, xây dựng đề đài...-> ý nghĩa khách quan của sự việc cho thấy cuộc sống của nhà chúa thật xa hoa, vô độ.
- Thú chơi trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh...Để thỏa mãn thú chơi, chúa cho thu lấy sản vật quý từ khắp kinh thành đưa vào trong phủ.
- Vua chúa chỉ lo ăn chơi xa xỉ, không lo việc nước, dùng quyền lực để cướp đoạt của cải của dân lành. Đó là những kẻ tham lam bạo ngược…
Câu văn “Mỗi khi đêm thanh vắng....triệu bất tường” như một lời dự báo, báo trước sự suy vong tất yếu của triều đại khi vua chúa chỉ mải lo chuyện ăn chơi hưởng lạc trên mồ hôi xương máu của dân lành.
b. Thói nhũng nhiễu của bọn quan lại:
- Bọn quan lại lợi dụng bóng Chúa, ra sức vơ vét, sách nhiễu dân lành, đó là những kẻ tham quan vô lại đáng lên án
- Mượn gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm -> dò xét xem nhà nào có chậu hoa, cây cảnh, chim quí thì biên 2 chữ phụng thủ ( lấy để tiến dâng chúa ) -> đêm đến, lẻn ra, sai lính đến đem về, có khi phá nhà, đập tường để đưa cây hoặc đá đi -> rồi buộc cho dân tội đem giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền
=> Sử dụng liên tục các động từ miêu tả thái độ, hành động và câu văn đặc tả nhấn mạnh. Nghệ thuật miêu tả sinh động. Các sự việc đưa ra đều tiêu biểu, cụ thể, chân thực và khách quan.
=> Thái độ của tác giả: Xót xa, tiếc muối, bất bình, lên án vương triều phong kiến hỗn loạn, mục nát.
B. Phân tích chi tiết nội dung bài học
1. Cuộc sống hưởng thụ của Trịnh Sâm
Mở đầu đoạn trích, bằng ngòi bút chân thực, không câu nệ của Phạm Đình Hổ, người đọc chúng ta được chứng kiến một cuộc sống ăn chơi với những thú vui chơi xa xỉ của chúa Trịnh Sâm:
- Sự xa hoa thể hiện ở việc. Chúa cho xây dựng nhiều cung điện, đền đài chỉ để thỏa mong muốn “thích chơi đèn đuốc”.Không chỉ ở Tây Hồ, chúa còn cho xây dựng ở nhiều nơi chúa thường lui tới như núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Đi tới đâu cũng kéo theo việc xây dựng đình đàm gây hao tốn công sức và tiền của của người dân nghèo. Khi chúa đến phủ Tây Hồ để thăm thú, chúa Trịnh Sâm thường "ngự ở li cung", binh lính thì "dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ", các quan lại, nội thần thì "đều bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa quanh hồ bán". Lúc thuyền chúa ngự tới đâu, lại có những kẻ đại thần ghé vào hàng quán ấy mua đồ "như ở cửa hàng trong chợ. Ở "gác chuông chùa Trấn Quốc hay dưới bóng cây bến đá nào đó", bọn nhạc công phải ngồi tấu nhạc mua vui. Phải nói, cuộc vui chơi ấy thật giả dối và lố lăng hết sức. Vậy mà mỗi tháng, nó diễn ra tới tận "ba bốn lần".
- Thú chơi cây cảnh của vua còn xa xỉ không kém khi khắp cung vua, "bao nhiêu loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu cây hoa cảnh chốn nhân gian", rồi những loài chim, loài vượn, đều được phủ chúa hết sức thu về, bày vẽ trong đó, khiến cho phủ lúc nào cũng ồn ào như "trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn". Nhưng đều ấy đều là những đồ vật bị vua "thu lấy", đoạt lấy một cách hết sức trắng trợn. Việc tập trung miêu tả việc đưa một cây đa cổ thụ về ừ bên kia sông, cần tới cơ binh hàng trăm người ⇒ sự kì công, cũng cho thấy sự sa hoa tốn kém
=>Bức tranh về cuộc sống ăn chơi, hưởng lạc đầy giả dối, nực cười, lố lăng của vua chúa và quan lại thời Lê - Trịnh. Những thú chơi tiêu khiển ấy không chỉ khiến người khác cảm thấy lố lăng mà còn làm hao tốn tiền của, công sức của những người dân lao động trong xã hội lúc bấy giờ nữa.
2. Thói nhũng nhiễu của bọn quan lại
- Là những kẻ nổi lên, được trọng dụng bởi thói nịnh nọt, là tay sai đắc lực trong công cuộc hưởng lạc của vua. Bọn hoạn quan được sủng ái vì giúp vua trong những trò chơi sa hoa nên ỷ thế hoành hành, tác oai tác quái Chúng tìm thu vật “phụng thủ” mà thực ra chính là vừa ăn cướp, vừa la làng ⇒ người dân bị cướp đến hai lần, hoặc phải tự hủy bỏ những sản vật quý giá của mình, mà chúng thì lại vừa vơ vét làm của riêng lại vừa được tiếng mẫn cán
- Điển hình, để lấy được những vật quý báu của dân chúng trong dân gian "chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay", chúng bày trò, "nhờ gió bẻ măng", biên hai chữ "phụng thủ" để mà cướp đi một cách trắng trợn. Không chỉ thế, chúng còn lẻn vào nhà người ta, "cắt phăng" những cây cảnh, chậu hoa ấy rồi giá họa, bắt dân chúng bỏ của ra mà kêu để không bị buộc tội. Với những cây cối to lớn, bọn quan lại còn sai người phá hủy tường để khiêng ra, gây tổn thất với tiền của của người dân.
Chi tiết bà cung nhân (mẹ tác giả) buộc phải cho chặt một cây lê, hai cây lựu quí trước nhà cũng chỉ vì sợ tai vạ đến từ bọn cướp ngày nương bóng chúa ấy càng làm cho tính chân thực của câu chuyện tăng thêm.
3. Tổng kết:
Nội dung: Phản ánh được đời sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê Trịnh.
Nghệ thuật:
- Lựa chọn ngôi kể phù hợp.
- Lựa chọn sự việc tiêu biểu, có ý nghĩa p/á bản chất s/việc, con người.
- Miêu tả sinh động, tỉ mỉ, chân thực, khách quan, cảm xúc được bộc lộ một cách kín đáo sâu sắc
- Sử dụng ngôn ngữ khách quan thể hiện thái độ bất bình của tác giả.
Ý nghĩa: Hiện thực lịch sử và thái độ của"kẻ thức giả" trước những vấn đề của đời sống xã hội.
Chuyên mục Ngữ văn 9 tập 1 được KhoaHoc tổng hợp và sắp xếp theo từng bài học bám sát nội dung học SGK môn Văn lớp 9. Học sinh có thể tham khảo các bài soạn để trả lời cho các câu hỏi lẻ trong bài học, các bài văn mẫu 9 hay chọn lọc để hoàn thành yêu cầu đề bài cũng như luyện viết văn.
- Lượt xem: 34