Chọn phân tích một khổ thơ mà em thích trong các bài thơ đã học Phân tích một khổ thơ mà em thích trong các bài thơ đã học
Phân tích khổ thơ mà em thích trong các bài thơ đã học
KhoaHoc mời các bạn cùng tham khảo những mẫu bài phân tích hay để hòa thiện đề bài Chọn phân tích một khổ thơ mà em thích trong các bài thơ đã học trong chương trình học Ngữ văn 9.
Phân tích khổ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Bức tranh thiên nhiên với những biến đổi của đất trời lúc chuyển mùa từ hạ sang thu được tác giả Hữu Thỉnh miêu tả đầy tinh tế. Nhà thơ đã cảm nhận được mùa thu về bằng những tín hiệu đầu tiên thật giản dị:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Nhà thơ nhận ra mùa thu sang từ “hương ổi” – mùi hương đặc sản của dân tộc, mùi hương riêng của mùa thu làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. “Hương ổi” là một hỉnh ảnh, một tứ thơ khá mới mẻ với thơ ca viết về mùa thu nhưng lại vô cùng quen thuộc và gần gũi đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Bắc mỗi độ thu về. Động từ “phả” được sử dụng hết sức đặc sắc và có hồn giúp gợi hương ổi chín như đang quyện lại, nồng nàn và lan tỏa trong không gian. Ngọn gió ở đây cũng không phải những cơn gió nồm nam mang nhiều hơi nước của mùa hạ mà là “gió se” – Dấu hiệu đặc trưng của mùa thu. Tín hiệu thứ ba báo thu về là “sương chùng chình qua ngõ”. Nghệ thuật nhân hóa qua từ láy “chùng chình” khiến cho làn sương mùa thu dường như cũng mang theo tâm trạng. Màn sương nửa đi, nửa ở như đang chờ đợi ai hay lưu luyến điều gì. Khứu giác đã cảm nhận “hương ổi”, xúc giác đã nhận ra “gió se” và thị giác thì nhìn thấy “sương chùng chình”. Ấy vậy mà nhà thơ vẫn còn dè dặt “Hình như thu đã về?” Một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng chính là cảm xúc của thời điểm chuyển giao. Thành công của khổ thơ thứ nhất chính là những rung cảm tinh tế trong khoảnh khắc giao mùa bâng khuâng đầy ấn tượng.
Phân tích khổ cuối bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Khổ thơ cuối bài Sang thu, hình ảnh mùa thu đậm nét hơn, nhà thơ cảm nhận bằng kinh nghiệm và suy tư sâu lắng chứ không phải bằng cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ đầu :
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Vẫn là nắng mưa sấm chớp như mùa hạ nhưng mức độ lại khác nhau, mức độ giảm dần, nhạt dần. Hai dòng thơ cuối bài là một hình ảnh đẹp, sấm là âm thanh của những cơn mưa dông thường có ở mùa hạ, không còn bất ngờ làm người ta giật mình nữa. Hình ảnh sấm cũng mang ý nghĩa ẩn dụ, chỉ sự bất thường trong cuộc đời, những khó khăn trắc trở mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Mùa thu đã bắt đầu nhuốm buồn những hàng cây nhìn đã đứng tuổi, từ hình ảnh thực của thiên nhiên, tác giả đã gợi ý nghĩa sâu xa hơn hàng cây đứng tuổi - chỉ những con người từng trải, những con người ấy sẽ vững vàng hơn trước khó khăn, giông bão của cuộc đời.
- Lượt xem: 1.099