Phát biểu cảm nghĩ về một trong hai nhân vật: anh thanh niên, ông hoạ sĩ
LUYỆN TẬP
Câu 1: Trang 190 sgk ngữ văn lớp 9 tập 1
Phát biểu cảm nghĩ về một trong hai nhân vật: anh thanh niên, ông hoạ sĩ.
Bài làm:
Bài làm tham khảo về nhân vật anh thanh niên
Giữa rừng núi yên bình, vắng lặng có những con người vẫn lao động và cống hiến hết mình cho công việc. Nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng khó phai mờ. Một con người lặng lẽ như núi rừng nơi đây nhưng lại có một tâm hồn và lí tưởng sống vô cùng tươi đẹp. Những lí tưởng sống và hành động cao đẹp của anh đã để lại trong lòng người đọc những xúc cảm và suy nghĩ về sự đóng góp thế hệ trẻ trong xây dựng đất nước hôm nay.
Nhân vật anh thanh niên tuy chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh mà tác giả tập trung thể hiện. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của anh, tác giả đã qua lời bác lái xe để giới thiệu về anh: hai mươi bảy tuổi, người cô độc nhất thế gian, một mình trên trạm khí tượng ở đỉnh cao hai ngàn sáu trăm mét, rất “thèm người”... Cách giới thiệu ấy đã gây hứng thú và sự tò mò thú vị cho nhân vật ông họa sĩ và cô kĩ sư trước cuộc gặp gỡ. Khi xe dừng, người thanh niên xuất hiện với dáng vẻ nhanh nhẹn, tự nhiên và vóc dáng hơi nhỏ bé dường như không có gì đặc biệt. Sức hút của anh chính là ở thái độ và những suy nghĩ về cuộc sống và công việc của một người bình thường một mình lặng lẽ của thiên nhiên. Cái mà tác giả muốn làm nổi bật ở nhân vật này không phải là những công việc khó khăn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, mà là một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt: một mình trên đỉnh núi cao Yên Sơn quanh năm suốt tháng giữa cái lặng lẽ mênh mông của cỏ cây, mây núi. Cái khó khăn, thách thức lớn nhất với anh chính là sự cô độc. Cái gì đã giúp anh vượt qua được hoàn cảnh ấy?
Anh quan niệm: “khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? ”Anh hiểu rõ : “Công việc của cháu gian khổ thế đấy,chứ cất nó đi,cháu buồn đến chết mất”.
Sống một mình nhưng anh không đơn độc bởi “lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà ”. Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc, biết sắp xếp lo toan cuộc sống riêng, biết tìm niềm vui giữa núi rừng lặng lẽ. Anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách, thỉnh thoảng anh xuống đường tìm gặp bác lại xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Thỉnh thoảng xuống núi, anh tìm gặp bác lái xe, cùng khách qua đường để thăm hỏi, giúp đỡ, để vơi bớt nỗi cô đơn, nỗi “nhớ người”... Con người ấy đã biết sống một cuộc sống thật đẹp, thật phong phú, một cuộc sống làm chủ mình, giúp ích cho đời. Kể về một lần, nhờ anh góp phần phát hiện một đám mây khô nên không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực, anh đã sung sướng nói với ông họa sĩ: “Từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc”. Ý thức sâu sắc mục đích việc mình làm, say mê làm việc để đạt hiệu quả, thấm thía niềm vui, tìm được hạnh phúc trong cuộc sống, phong cách sống ấy của anh thanh niên khí tượng khiến ông họa sĩ nhủ thầm “người con trai ấy đáng yêu thật”. Phải chăng đó chính là những vang âm từ một cách sống?
Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao ngừơi khác. Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sỹ già phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay .Con người khiêm tốn ấy hào hứng giới thiệu cho ông hoạ sỹ những người khác đáng vẽ hơn mình: “Không, không, bác đừng mất công vẽ cháu, để cháu giới thiệu cho bác những người khác đáng vẽ hơn.”. Đó là ông kỹ sư ở vườn rau vượt qua bao vất vả để tạo ra củ su hào ngon hơn, to hơn. Đó là “người cán bộ nghiên cứu sét, 11 năm không xa cơ quan lấy một ngày”… Dù còn trẻ tuổi, anh thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa pa, thấm thía sự hy sinh lặng thầm của những con người đang ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước.
Trong truyện, ngoài nhân vật người thanh niên, các nhân vật phụ khác không chỉ tham gia vào câu chuyện, làm rõ nét hơn cho nhân vật chính mà còn làm phong phú và sâu hơn cho chủ đề của truyện. Qua những lời tâm sự của anh thanh niên với người họa sĩ, cô kĩ sư, giúp ta hiểu thêm vẻ đẹp tâm hồn của anh. Chính anh cũng đã truyền cảm hứng và những suy nghĩ tích cực cho những người xung quanh anh. Ví như, từ câu chuyện người thanh niên, ông họa sĩ đã suy nghĩ về nghệ thuật với cả sức mạnh và sự bất lực của nó với cuộc đời, về con người và cả mảnh đất Sa Pa. Còn với cô kĩ sư trẻ mới ra trường thì cuộc gặp gỡ với anh thanh niên cùng với những điều anh kể đã khiến cô bàng hoàng, “cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh”. Quan trọng hơn nữa, cô hiểu và tin hơn vào con đường mà cô đã lựa chọn.
Có lẽ ấn tượng đặc biệt nhất để lại trong mỗi người sau khi đọc xong tác phẩm là cách miêu tả nhân vật. Không một cái tên cụ thể được nhắc đến, họ được khắc họa là những con người thuộc nhiều thế hệ: người họa sĩ già, anh thanh niên, cô kĩ sư… Nhưng qua những lời tâm sự, vẻ đẹp tâm hồn của họ được toát lên một cách chân thực, gần gũi và đáng mến. Nét chung nhất trong những con người nơi đây là sự say mê công việc, với ước muốn bình dị được đóng góp một phần công sức để xây dựng đất nước ngày một tươi đẹp hơn:
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
Truyện được kể bằng chất trữ tình trong tác phẩm có tác dụng làm cho câu chuyện mượt mà, đậm chất thơ. Từ đó nâng cao ý nghĩa và vẻ đẹp của sự việc, con người rất bình dị được miêu tả trong truyện, và chính vì thế mà chủ đề của truyện được thể hiện sâu sắc và ý nghĩa hơn. Tác phẩm kết thúc nhưng mở ra một hướng đi và suy nghĩ mới cho thế hệ thanh niên trong thời đại mới. Hãy cống hiến sức trẻ và sự say mê công việc để đất nước ngày càng tươi đẹp, hãy để tuổi thanh xuân của chúng ta được sống ý nghĩa hơn.
Xem thêm bài viết khác
- Tóm tắt đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí
- Soạn văn bài: Kiểm tra về truyện trung đại
- Qua phần "Cơ hội", em thấy việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong bối cảnh thế giới hiện nay có những điều kiện thuận lợi gì?
- Nội dung chính bài Cố hương
- Tình trạng của đất nước ta vào thời vua Lê chúa Trịnh
- Dòng thứ bảy của bài thơ có gì đặc biệt? Mạch cảm xúc và suy nghĩ trong bài thơ được triển khai như thế nào trước và sau dòng thơ đó?
- Qua các khúc ru, em cảm nhận tình cảm của người mẹ đối với con như thế nào?
- Soạn văn bài: Người kể chuyện trong văn bản tự sự
- Đọc đoạn trích trong Thánh Gióng. Phân tích từ xưng hô mà cậu bé dùng để nói với mẹ mình và nói với sứ giả. Cách xưng hô như vậy nhằm thể hiện điều gì?
- Nội dung chính bài: Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp
- Khổ thơ còn thiếu một câu. Hãy làm thêm câu cuối sao cho đúng vần, hợp với nội dung cảm xúc từ ba câu trước
- Soạn văn bài: Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự