Vì sao phải bảo vệ Tổ quốc Ôn tập GDCD 9
Lý giải vì sao cần bảo vệ Tổ quốc
Vì sao phải bảo vệ Tổ quốc? Bảo vệ tổ quốc là gì? Trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ Tổ quốc là gì? KhoaHoc mời các bạn cùng theo dõi câu trả lời chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Bảo vệ tổ quốc là gì?
Bảo vệ Tổ quốc, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài là chức năng đối ngoại quan trọng nhất của bất cứ nhà nước nào. Ở nước ta, dựng nước và giữ nước luôn luôn đi đôi với nhau, là một đặc trưng của lịch sử dân tộc ta.
Vì vậy, đối với Nhà nước ta, vấn đề bảo vệ Tổ quốc luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nhân dân ta được xác định là: chống giặc ngoại xâm, bảo tồn nền độc lập dân tộc. Vì vậy, trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946, Quốc hội đã xác định:
“Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”.
Tại Chương II của Hiến pháp năm 1946, có 4 nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam thì 2 nghĩa vụ là bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ đi lýnh. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn tổng phản công, Nhà nước ta còn quy định thêm nghĩa vụ kháng chiến.
Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, miền Nam còn tạm thời bị chiếm đóng, Nhà nước ta vẫn coi bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Năm 1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp trong đó có quy định:
“Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tồ quốc” (Điều 42 Hiến pháp năm 1959).
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, mặc dù đất nước đã được độc lập, thống nhất, bảo vệ Tổ quốc vẫn là một trong những nhiệm vụ chiến lược và được Quốc hội khoá VI dành ra một chương riêng (Chương IV) của Hiến pháp năm 1980 để quy định những vấn đề cơ bản nhất trong việc bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ Hiến pháp năm 1980 đến nay, Nhà nước và nhân dân ta đã có một nhận thức mới về bảo vệ Tổ quốc là: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quỷ của công dân” (Điều 45 Hiến pháp năm 2013). Như vậy, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ mang tính bắt buộc mà còn là quyền cơ bản của công dân mang tính tự giác. Nhận thức mới này bắt nguồn từ thực tiễn của xã hội Việt Nam: dựng nước và giữ nước; độc lập dân tộc và hạnh phúc của mỗi gia đình, cá nhân... luôn gắn liền với nhau.
Ngày nay, vấn đề bảo vệ Tổ quốc cũng là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, kích động bạo loạn, đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình”. Vì vậy, trong Hiến pháp năm 2013 vẫn có một chương (Chương IV) để quy định về “bảo vệ Tổ quốc”. Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội. Do đó, trong Chương này không chỉ đề cập trách nhiệm và phương hướng xây dựng quân đội nhân dân mà còn đề cập đến trách nhiệm và phương hướng xây dựng công an nhân dân.
2. Vì sao phải bảo vệ tổ quốc?
“ Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…”
(Chế Lan Viên)
Việt Nam ta trải qua bốn nghìn năm văn hiến dựng nước và giữ nước. Để có cuộc sống bình yên ngày nay nhân dân ta đã trải qua những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc. Nền độc lập tự do của Việt Nam được đánh đổi bằng máu và nước mắt qua bao cuộc chiến tranh khác nhau và đấu tranh chống lại những đội quân xâm lược vô cùng hung hãn. Trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, hy sinh, dân tộc ta đã tạo nên một truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo, với tinh thần khát khao độc lập, tự chủ và tinh thần bảo vệ Tổ quốc được rèn luyện qua bao năm.
Non sông đất nước Việt Nam do các vị vua Hùng và ông cho ta đã hàng ngàn năm xây đắp, gìn giữ. Là người dân Việt Nam, ai cũng có lòng tự hào tự tôn dân tộc và yêu nước sâu sắc. Đấy là bổn phận, là tình cảm, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả những ai mang dòng máu Lạc Hồng. Đấy là lẽ đương nhiên, là điều tất yếu. Cũng như những gì Hồ Chí Minh đã từng dặn dò: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là mệnh lệnh thiêng của đất nước và dân tộc mà tất cả các thế hệ người Việt phải ra sức giữ gìn, xây dựng bảo vệ Tổ quốc và phát triển để cho Tổ quốc thân yêu ngày càng giàu đẹp và trường tồn.
Bên cạnh đó nước Việt Nam nằm ở phía rìa đông của bán đảo Đông Dương, gần trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Phía Bắc giáp Trung Quốc. Phía Tây giáp Lào và Campuchia. Phía Đông và phía Nam giáp biển Đông. Vùng biển nước ta tiếp giáp với vùng biển các nước Trung Quốc, Campuchia, Philippin, Malaixia, Brunây, Inđônêxia, Thái Lan. Có thể thấy vị trí địa lý của Việt Nam rất đặc biệt và quan trọng. Nước ta nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, khu vực năng động, nhạy cảm với những biến động chính trị trên thế giới. Do đó chúng ta vẫn luôn bị các thế lực thù địch âm mưu xâm chiếm, phá hoại. Việc bảo vệ đất nước là hết sức quan trọng và cần thiết.
Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mọi âm mưu và hành động chống lại độc lập, chủ quyền, thông nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều bị trừng trị theo pháp luật. Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Như vậy có thể thấy bảo vệ Tổ quốc là hết sức quan trọng và là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi người dân Việt Nam.
- Lượt xem: 1.164