Đề 3: Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O-hen-ri.

  • 1 Đánh giá

Ngữ văn lớp 9 - bài viết số 7 đề 3: Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O-hen-ri.. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.


Nội dung bài gồm:

Back to top

Dàn ý chung

1. Mở bài:

  • Nhà văn O Hen – ri đã tạo nên một câu chuyện đầy tính nhân vật trong Chiếc lá cuối cùng.
  • Tác phẩm chiếc lá cuối cùng chứa đựng đằng sau cả một triết lí sống mãnh liệt.

2. Thân bài:

  • Giới thiệu sơ lược về tác phẩm Chiếc lá cuối cùng
  • Chiếc lá cuối cùng đã mang đến động lực cho con người
  • Phân tích những tình tiết bất ngờ, hấp dẫn

3. Kết bài:

  • Đoạn trích khiến người đọc rung động trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ, giữa Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men.
  • Câu chuyện ấy cũng nhắc nhở chúng ta về tấm lòng lương thiện, sự chia sẻ giữa người với người trong xã hội ngày nay.

Back to top

Bài mẫu 1: Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O-hen-ri.

Bài làm

Nếu là con chim, chiếc lá,

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?

Những câu thơ vang lên như lời khẳng định về mối quan hệ giữa con người với con người, về sự chia sẻ và hi sinh. Phần cuối truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri cũng khiến ta rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ với nhau giống như thế.

Tác phẩm là câu chuyện kể về sự thay đổi của Giôn-xi, một nữ họa sĩ trẻ tuổi. Là một người có tài, khao khát được sống hết mình với nghệ thuật. Thế nhưng căn bệnh sưng phổi và sự nghèo túng đã khiến cô tuyệt vọng và không muốn sống nữa. Giôn-xi đã sống một chuỗi những ngày đen tối, không niềm tin, không hi vọng thậm chí là tàn nhẫn với những người yêu quý cô khi đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân bám vào bức tường gạch đối diện với cửa sổ, chờ đến khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cô cũng buông xuôi, lìa đời.

Câu chuyện có lẽ đã dừng lại với cái chết được dự báo trước của Giôn-xi khi trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng suốt cả đêm qua, khiến cho những cây thường xuân cũng rã rời, lá của chúng sẽ rụng hết xuống. Nhưng không, vẫn còn một chiếc lá cuối cùng trên cây, được tác giả miêu tả “ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa”. Chiếc lá ấy vẫn kiên cường bám chặt vào cành cây cách mặt đất khoảng chừng hai mươi bộ, hôm sau, hôm sau nữa chiếc lá ấy vẫn như thế. Từ một con người tuyệt vọng chỉ chực chờ chết, hình ảnh của chiếc lá thường xuân kiên cường đã làm thay đổi suy nghĩ của Giôn-xi, cô khao khát được sống và mong mỏi “một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ”. Điều ấy cũng có nghĩa, chiếc lá cuối cùng đã khiến cho tâm hồn một con người hồi sinh, khiến cho cô gái sống lại với khao khát và đam mê nghệ thuật của mình. Cuối cùng thì Giôn-xi cũng qua cơn nguy hiểm và dần dần khỏe trở lại.

O Hen-ri đã sử dụng rất nhiều tình tiết hấp dẫn, sự sắp xếp chặt chẽ khéo léo và kết cấu đảo ngược tình huống hai lần khiến cho người đọc đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Hóa ra, chiếc lá cuối cùng kiên cường bám trụ lại trên cành ấy lại là “kiệt tác của cụ Bơ-men”. Hóa ra, người ốm yếu, tuyệt vọng bên bờ vực của cái chết lại đang dần khỏe lại, còn người khỏe mạnh như cụ Bơ-men lại chết vì sưng phổi, dù mới chỉ ốm có hai ngày. Điều đáng nói ở đây chính là tinh thần hi sinh cao cả của cụ Bơ-men, một người họa sĩ già với khao khát cả cuộc đời là “vẽ được một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được”, cụ đã đánh đổi cả mạng sống của mình níu giữ tâm hồn và sự sống cho cô họa sĩ trẻ Giôn-xi. Xiu đã kể lại với Giôn-xi về cụ Bơ-men một cách đầy xúc động “...cụ ốm nặng trong căn phòng của cụ ở tầng dưới. Giày và áo quần của cụ ướt sũng và lạnh buốt...người ta tìm thấy một chiếc đèn bão vẫn còn thắm sáng và một chiếc thang đã bị lôi ra khỏi chỗ để của nó và vài chiếc bút lông rơi vung vãi, và một bảng pha màu có màu xanh và màu vàng trộn lẫn với nhau...”. Bức tranh của cụ đã làm thức dậy khao khát sống cũng đã khơi dậy trong lòng người đọc sự thương cảm, trân trọng với nghĩa cử cao đẹp của cụ Bơ-men. Đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, cụ vẫn sống với đam mê hội họa của mình. Và phải chăng, chính vì câu chuyện đầy tình người đằng sau bức họa chiếc lá cuối cùng ấy đã biến nó thành một kiệt tác đúng như di nguyện của cụ Bơ-men lúc còn sống. Nghệ thuật suy cho cùng cũng là cách khiến cho con người cảm thấy thỏa mãn, khiến con người thay đổi và sống tốt hơn. Và, cụ Bơ-men đã mang tình người để làm nên giá trị vĩnh hằng cho tác phẩm cuối cùng - kiệt tác trong cuộc đời họa sĩ của mình.

Có thể nói, đoạn trích Chiếc lá cuối cùng trích trong truyện ngắn cùng tên của O Hen-ri đã khiến người đọc rung động trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ, giữa Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men. Câu chuyện ấy cũng nhắc nhở chúng ta về tấm lòng lương thiện, sự chia sẻ giữa người với người trong xã hội ngày nay.

Back to top

Bài mẫu 2: Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O-hen-ri.

Bài làm

Điều kì diệu làm nên sự đẹp đẽ của nghệ thuật là gì? Nó không hẳn chỉ là những câu chuyện chắt lọc từ thực tế mà quan trọng nhất có lẽ đó chính là tình người. Giữa một xã hội đầy rẫy những sự rối ren, lừa lọc thì có lẽ thứ duy nhất tỏa sáng lấp lánh chính là tình yêu thương sự đồng cảm giữa con người với nhau. Và nhà văn O Hen – ri đã tạo nên một câu chuyện đầy tính nhân vật trong Chiếc lá cuối cùng. Nó không chỉ là câu chuyện về cuộc đời mà còn chứa đựng đằng sau cả một triết lí sống mãnh liệt. Hóa ra nghệ thuật chỉ thực sự đạt đến tuyệt mĩ khi nó cứu dỗi và tô đẹp tâm hồn của con người.

Đó là câu chuyện cụ Bơ- men nghe được về Giôn –xi một người con gái đang mang trong mình căn bệnh phổi hiểm nghèo tưởng chừng không thể qua khỏi sống nhờ sự cưu mang của Xiu. Cụ Bơ – men ở đây là một người họa sĩ thất bại. Tại sao lại thất bại? Bởi suốt bốn mươi năm cầm cọ mà chưa bao giờ người đàn ông đó với tới được gấu áo của vị nữ thần. Thế nhưng ẩn sâu trong con người đó vẫn khát khao một ngày sẽ vẽ nên được một tác phẩm tuyệt tác. Công việc hàng ngày để nuôi sống người đàn ông tội nghiệp đó chính là nhờ việc “bôi bác một ngành quảng cáo hay buôn bán” hoặc “ngồi làm mẫu cho các nghệ sĩ trẻ”. Điều đáng quý mà người đàn ông này có được đó chính là “luôn chế nhạo sự mềm yếu của bất kì ai” và tự coi mình “ là một con chó xồm lớn chuyên canh gác bảo vệ cho hai nữ họa sĩ trẻ” là Giôn- xi và Xiu.

Và chính vì lẽ đó nên câu chuyện yếu đuối mong manh như chiếc lá của Giôn- xi được cụ Bơ-men tiếp nhận bằng sự “khinh bỉ và nhạo báng”. Thế nhưng dường như sự nhạo báng của cụ căn bệnh của Giôn – xi không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Cụ già ấy đã hứa một cách vô cùng trịnh trọng qua mùi rượu là “một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất”.

Một ngày kia lại đến với Giôn-xi trong sự tuyệt vọng khi sự sống tưởng chừng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Chị yêu cầu Xiu mở cửa để ngắm những thứ còn xót lại trên đời này. Tuy không muốn nhưng Xiu cũng đành phải chấp nhận. Thế nhưng một sự ngạc nhiên đã đến với cả hai khi mà sau trận bão tuyết và trận mưa vùi dập chiếc lá thường xuân vẫn còn mạnh mẽ bám trên tường. Và nó chính là chiếc lá dũng cảm cuối cùng còn kiên trì bám lại với cây.

Và cứ tiếp ngày này qua ngày khác chiếc lá ấy vẫn kiên trì như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Và chính sự sống tiềm tàng của chiếc lá thường xuân ấy như tiếp thêm nghị lực cho Giôn-xi để cô hiểu ra rằng mình đã tệ như thế nào. Ngay lúc này hi vọng một ngày nào đó được vẽ vịnh Na –plo như bùng lên mạnh mẽ trong cô. Nhựa sống như đang căng tràn, mầm sống trỗi dậy trong người cô gái trẻ. Điều đó khiến cho bác sĩ cũng phải ồ lên kinh ngạc “cô ấy khỏi nguy hiểm rồi”. Vậy điều gì đã khiến cho Giôn –xi bừng tỉnh? Đó có thể là công dụng tuyệt vời của thuốc thang, cũng có thể là nhờ bàn tay chăm sóc chu đáo của Xiu nhưng không ai biết rằng ẩn sâu trong nó đó chính là sự kiên trì bám trụ của chiếc lá cuối cùng. Chiếc lá chẳng bao giờ rung rinh và lay động khi gió thôi thế nhưng nó chính là cứu sinh của một sinh mệnh đang chảy qua kẽ tay. Chiếc lá cụ Bơ-men đã vẽ vào cái đêm mưa gió bão bùng đó, nó đã đánh đổi bằng cả sự sống của cụ. Cụ trả lại cho đời một chiếc lá xanh, trả lại cho cô gái ấy một mơ ước và trả lại màu hồng cho sự sống tiếp diễn.

Nghệ thuật chân chính luôn ươm mầm cho con người cho cái tốt đẹp phát triển. Ý nghĩa sâu xa và O Hen- ri muốn gửi gắm đến người đọc chính là nghệ thuật phải góp phần nâng đỡ cho con người hướng con người đến những cái chân thiện mỹ. Và nó chỉ thực sự đẹp khi biến con người trở nên tốt đẹp hơn mà thôi.

Back to top

Bài mẫu 3: Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O-hen-ri.

Bài làm

Truyện ngắn là một hình thức tự sự loại nhỏ, dung lượng ngắn, có cốt truyện và ít nhân vật, miêu tả một khía cạnh, tính cách, một mảnh trong cuộc đời nhân vật. Tuy là truyện ngắn nhưng nó đề cập đến những vần đề lớn lao trong cuộc sống như truyện "Chiếc lá cuối cùng" của O Hen - ri trong chương trình Ngữ văn 8. Một tác phẩm đặc sắc đã để lại trong lòng người đọc những nỗi niềm trăn trở ...

O Hen-ri sinh năm 1862 mất năm 1910 là nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Truyện của ông nổi tiếng là dí dỏm, dễ hiểu, giàu tình cảm và luôn có những cái kết bất ngờ và khéo léo. Những truyện của O Hen-ri thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình thương yêu người nghèo khổ, rất cảm động. Được bạn đọc yêu thích hơn cả như: Căn gác xép, Tên cảnh sát và gã lang thang, Quà tặng của các đạo sĩ,… và "kiệt tác" Chiếc lá cuối cùng. Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện ngắn hay nhất của O Hen-ri.

Câu chuyện kể về Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men – những họa sĩ nghèo cùng sống trong một căn hộ thuê gần công viên Oa-sinh-tơn. Giôn-xi bị bênh viêm phổi khá nặng, cô thấy tuyệt vọng và tin rằng khi chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân cạnh cửa sổ rụng xuống, cô cũng sẽ lìa đời. Kì diệu thay, sau một đêm mưa bão khủng khiếp, chiếc lá ấy vẫn dũng cảm bám vào cành cây bằng sự kiên cường mãnh liệt. Điều đó đã khiến Giôn-xi thay đổi ý nghĩ về cái chết của mình, cô không còn muốn chết nữa mà đã lạc quan, vui vẻ và có niềm tin vào cuộc sống hơn. Qua lời kể của Xiu, Giôn-xi mới biết rằng chiếc lá ấy là do cụ Bơ-men đã vẽ vào ngay cái đêm mà chiếc lá cuối cùng rụng xuống, trong khi đó, để cứu sống Giôn-xi, cụ Bơ-men đã hi sinh mạng sống của mình.

Điều gì đã khiến chiếc lá cuối cùng vẫn còn đấy, vẫn đeo bám vào cây dây leo mỏng manh mặc cho mưa gió trút xuống? Điều gì đã khiến Giôn-xi – con người tàn nhẫn có ý nghĩ quái gở ấy lấy lại niềm tin vào cuộc sống? Phải chăng tất cả đều là một phép màu? Vâng! Đúng là có phép màu, không phải phép màu nhiệm xảy ra ở trong truyện cổ tích mà ta thường đọc, cũng không phải do ông tiên hay thần linh nào ban tặng mà đó là phép màu của tình yêu thương. Chính cụ Bơ-men - con người có tình yêu thương, giàu đức hi sinh cao cả ấy đã làm cho chiếc lá vẫn còn mãi, vẫn tươi xanh mặc bao giông gió vùi dập phũ phàng.

Chiếc lá vẫn đeo bám lấy sự sống để Giôn-xi thấy rằng: cuộc sống này đáng quý biết bao! Đáng trân trọng biết bao! Tại sao lại không yêu quý, trân trọng từng phút giây được sống mà lại đặt cược mạng sống của mình vào những chiếc lá thường xuân? "Kiệt tác" của cụ Bơ-men cũng đã cho Giôn-xi biết rằng: cô đã quá yếu đuối, tệ bạc với cuộc đời và chính bản thân mình. Xiu cũng là một nhân vật đáng ca ngợi, một cô gái với tình bạn cao đẹp, chung thủy, hết lòng với Giôn-xi. Dù hoàn cảnh cũng nghèo khó nhưng cô luôn động viên Giôn-xi chiến thắng bệnh tật, khát khao sống với cuộc đời. Từ hiện thực đầy rẫy những bất công vô lý, đem đến bao bất hạnh cho những con người nghèo khổ, nhà văn luôn khơi dậy được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật qua tình huống truyện thật bất ngờ và cảm động.

Thành công của "Chiếc lá cuối cùng" còn phải kể đến tài năng viết truyện điêu luyện của O Hen-ri đặc biệt là nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần và việc kể, tả tâm trạng nhân vật. O Hen-ri đã rất khéo léo trong việc lựa chọn ngôi kể thứ ba để có thể kể hết câu chuyện của nhân vật một cách khách quan, biểu thị thái độ đánh giá, bộc lộ các khía cạnh khác nhau cùa từng nhân vật. Truyện được xây dựng theo kiểu có nhiều tình tiết hấp dẫn, sắp xếp chặt chẽ và khéo léo khiến người đọc bị lôi cuốn vào câu chuyện một cách say mê, hứng thú. Kết thúc truyện thật bất ngờ khiến cho người đọc phải ngẫm nghĩ rất nhiều về sự hi sinh cao cả của cụ Bơ-men mà Giôn-xi lại không phản ứng gì thêm, tạo sự dư âm cho truyện ngắn đặc sắc này.

Chiếc lá cuối cùng là một tác phẩm có giá trị cao đối với nền văn học thế giới. Một truyện ngắn gởi thông điệp đến mọi người quan niệm về nghệ thuật và tình người thật đẹp trong cuộc sống : Đó chính là người nghệ sĩ phải sáng tạo ra những tác phẩm không chỉ bằng tài năng mà bằng cả trái tim. Một trái tim chan chứa tình yêu thương giữa con người với con người. Dư âm của câu chuyện sẽ mãi lắng đọng trong tâm trí ngưởi đọc xoay quanh chiếc lá cuối cùng – một "kiệt tác nghệ thuật" của O Hen-ri.Hiếm có một truyện ngắn nào mang một sức sống mãnh liệt và để lại nhiều cảm xúc như "Chiếc lá cuối cùng" của O Hen – ri. Có lẽ chất triết lý trong truyện ngắn đã tạo nên vẽ đẹp trường tồn và chính vì thế, "chiếc lá" ấy còn mãi với thời gian.

Back to top


  • 71 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021