Bài văn: Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị khi cởi trói cho A Phủ
Đề bài: Anh chị hãy phân tích diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ.
Bài làm:
Tô Hoài là nhà văn có sức sáng tạo bậc nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại với gần 200 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, tự truyện… và “Vợ chồng A Phủ” được xem là truyện ngắn đặc sắc nhất trích từ tập Truyện Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” đã khắc họa thành công bức tranh hiện thực của người dân miền núi dưới ách thống trị của bọn thực dân nửa phong kiến. Đồng thời, tác giả cũng thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc khi mở đường giải thoát cho thân phận hai kẻ nô lệ bất đắc dĩ – Mị và A Phủ. Trong đó, diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu đậm nhất.
Trước tiên, chúng ta cần khái quát lại nội dung của truyện. “Vợ chồng A Phủ” xoay quanh cuộc đời của hai nhân vật chính – Mị và A Phủ. Đó là hai con người trẻ trung, giàu sức sống, yêu đời và tài năng nhưng chẳng may lại trở thành nô lệ, mang lấy kiếp trâu ngựa, bị áp bức bởi bọn thực dân phong kiến mà điển hình ở đây là gia đình thống lý Pá Tra. Mị trước khi làm dâu là cô gái xinh đẹp, những ngày Tết “trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”, hiếu thảo “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”, tài năng “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi”. Còn A Phủ tuy chịu mất mát từ nhỏ “Anh của A Phủ, em A Phủ chết, bố mẹ A Phủ cũng chết. Còn sót lại một mình A Phủ” nhưng lại có bản lĩnh hơn người “không chịu ở dưới cánh đồng thấp”. Bên cạnh đó, A Phủ còn là chàng trai khỏe mạnh, tài giỏi “đã biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và săn bò tót rất bạo”, “A Phủ khỏe, chạy nhanh như ngựa, con gái trong làng nhiều người mê”…. Mị vì món nợ gia đình mà trở thành con dâu gạt nợ. A Phủ vì tội đánh A Sử mà trở thành nô lệ. Hai con người lương thiện phải chôn vùi cuộc đời tươi trẻ của mình dưới gầm trời nhà thống lý. Trong đêm tình mùa xuân, Mị đã tỉnh lại quá khứ tươi đẹp khi xưa nhờ men rượu và tiếng sáo. A Phủ vì để mất một con bò mà bị bắt trói đứng nhiều đêm liền. Trước tình cảnh đó, ban đầu Mị dửng dưng, vô cảm. Dần dần, lòng thương người trỗi dậy, Mị quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ. Có thể thấy, diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị đã được Tô Hoài miêu tả một cách sinh động, tài hoa.
Trước đêm cởi trói cho A Phủ, Mị là cô gái vô cảm. Như chúng ta đã biết, sau khi về làm dâu gạt nợ, thực chất là con ở không công nhà thống lý, Mị bị đày đoạt về thể xác và tước đoạt về linh hồn. Tô Hoài đã nhiều lần so sánh hình ảnh Mị với loài vật không hơn không kém “Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”, “Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm lẫn ngày”, “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”… Sự chai lì cảm xúc đã in hằng lên gương mặt xinh tươi ngày trước đến mức Mị chẳng còn màng đến cái chết nữa bởi “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Phải chi Mị còn muốn tự tử, phải chi Mị còn đau đớn bởi sự bất công, đày đọa của cuộc đời này thì ít ra, ta còn thấy Mị còn sót lại chút lí tưởng sống. Đằng này, Mị gần như từ bỏ, gần như buông xuôi, gần như chấp nhận sự phi lí, bất nhân của cuộc đời như một lẽ thường hằng. Đến đêm tình mùa xuân đến, sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy nhưng lại nhanh chóng bị dập tắt bởi sự bạo tàn của A Sử “A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị”. Bị trói đứng cả đêm nhưng Mị vẫn nghe hơi rượu, nghe tiếng sáo, vẫn giật mình cựa quậy khi nhớ câu chuyện rùng rợn ngày trước “ở nhà thống lý Pá Tra có một người trói vợ trong nhà rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi”. Ý thức về sự sống trỗi dậy nhưng có vẻ còn quá yếu ớt để đòi hỏi một sự giải thoát, một cuộc cách mạng.
Gặp A Phủ bị gia đình thống lý Pá Tra trừng phạt tàn nhẫn – trói đứng ngoài sân nhiều đêm liền nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay “nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Than ôi! Còn sự nhẫn tâm nào hơn! Mị từ cô gái vui vẻ, yêu đời nay trở thành kẻ lạnh lùng, vô cảm. Trước những người cùng cảnh ngộ, Mị chẳng còn đủ nước mắt để xót thương. Lúc ấy, chỉ còn Mị với ngọn lửa vô tri vô giác ngoài kia.
Trong lúc cởi trói cho A Phủ, tâm trạng Mị chuyển hóa từ vô cảm đến đồng cảm. Mị mơ hồ thấy tội, thấy thương cho A Phủ. Mị đặt ra nghi vấn cho kiếp nô lệ mà chàng trai bất hạnh kia phải gánh lấy. Mị nhớ đến đời mình như một điều tất yếu, một sự liên hệ giữa những người cùng gánh lấy cuộc đời bi kịch, cùng là những con người thấp cổ bé họng. Họ đã cam chịu bấy lâu nay, đã bị giày xéo thể xác lẫn linh hồn.
Chi tiết đánh dấu sự chuyển biến tâm lí của Mị là giọt nước mắt của A Phủ “Ngọn lửa bập bùng sáng, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Lòng nhân đạo trong Mị bừng tỉnh, Mị nhận ra tội ác của kẻ thù, xót thương cho tình cảnh của người vô tội “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta cho đến chết, nó bắt mình cũng chết thôi”, “chúng nó thật độc ác”, “cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”, “người kia việc gì mà phải chết thế”…. Cô Mị vô cảm ngày trước giờ nhận ra sự phi lý trong kiếp đọa đày.
Từ đó, lòng thương người trong đã âm thầm mạnh mẽ lớn lên trong Mị, đưa Mị đến một quyết định táo bạo: cắt dây cởi trói cho A Phủ “Mị lấy con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây”.
Sau khi cắt dây cởi trói cho A Phủ, Mị bắt đầu hiện thực hóa cuộc lội ngược dòng ý thức cá nhân. Sự sống và cái chết gần trong tấc gang, buộc Mị phải thực sự đối đầu với sự lựa chọn. Hoặc là trở thành cái xác thay thế cho A Phủ, hoặc là mạo hiểm làm một cuộc giải thoát “Mị đứng lặng trong bóng tối”. Cuối cùng, sức sống tiềm tàng và khao khát tự do đã chiến thắng “Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi”. Bước chân của Mị bây giờ không có sự đàn áp nào của cường quyền, thần quyền ngăn cản nổi “Ở đây thì chết mất”. Qua hành động chạy theo A Phủ, Tô Hoài đã thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc nhất, thể hiện tiếng nói cứu lấy con người từ trong tận cùng đày ải, đau thương “Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình”.
Thông qua ba quá trình diễn biến tâm lí cơ bản: trước, trong và sau khi cắt dây cởi trói, Tô Hoài đã thể hiện được tài năng của bản thân thông qua ngòi bút khắc họa nhân vật. Từ ngoại hình đến tính cách, chân dung Mị và A Phủ hiện lên sinh động và mang đậm màu sắc của người dân lao động vùng cao Tây Bắc. Đồng thời, người đọc còn được thấy rõ sự phản kháng, tranh đấu, vượt thoát khỏi cuộc sống tăm tối để tìm đến tự do, hạnh phúc trong chặng đời về sau.
Tóm lại, diễn biến tâm trạng trong đêm cởi trói cho A Phủ mang tính chuyển biến mạnh mẽ, đánh dấu một cuộc lội ngược dòng táo bạo. Qua đó, ta thấy được con đường giải thoát, niềm tin và lí tưởng của các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài nói riêng và các nhà văn sau cách mạng nói chung.
Xem thêm bài viết khác
- Cảm nhận của anh chị về nhân vật Hạ Du trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn
- Nội dung chính bài Số phận con người
- Từ truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, anh/chị hãy phát biểu suy nghĩ về nạn bạo hành gia đình.
- Ấn tượng của anh (chị) về tính cách nhân vật A Phủ (qua hành động đánh nhau với Sử, lúc bị xử kiện và khi về làm công gạt nợ nhà thống lí Pá Tra). Bút pháp của nhà văn khi miêu tả nhân vật Mị và A Phủ có gì khác nhau?
- Soạn văn bài: Viết bài làm văn số 5 nghị luận văn học
- Những nét độc đáo trong quan sát và diễn tả của tác giả về đề tài miền núi (nếp sinh hoạt, phong tục, thiên nhiên, con người, xây dựng tình huống, cốt truyện, nghệ thuật dẫn truyện)
- Nhận định "Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa " nhằm nêu lên mặt tích cực hay hạn chế của văn hóa Việt Nam? Hãy giải thích rõ vấn đề này
- Trong truyện ngắn Thuốc, Lỗ Tấn phê phán căn bệnh gì của người Trung Quốc đầu thế kỉ XX? Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm?
- Soạn văn bài: Nhìn về vốn văn hóa dân tộc
- Nội dung chính Các tác phẩm trọng tâm trong chương trình ngữ văn 12 kì 2
- Nội dung chính bài Rèn luyện kỹ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận
- Theo anh(chị), qua đoạn trích này, Sô-lô-khốp nghĩ gì về số phận con người