Câu 5 trang 48 Ngữ văn 7 Cánh Diều Viết đoạn văn cảm nhận của em về hai câu thơ sau: ''Giấy đỏ buồn không thắm - Mực đọng trong nghiên sầu''

Nội dung
  • 1 Đánh giá

KhoaHoc mời các bạn cùng theo dõi câu trả lời chi tiết cho Câu 5 trang 48 Ngữ văn 7 Cánh Diều được chúng tôi đăng tải trong bài viết dưới đây.

Đề bài: Nêu cảm nhận của em về các câu thơ sau:

- Giấy đỏ buồn không thắm;

Mực đọng trong nghiên sầu...

- Lá vàng rơi trên giấy,

Ngoài giời mưa bụi bay.

Theo em, những câu thơ đó tả cảnh hay tả tình? Vì sao?

Câu 5 trang 48 Ngữ văn 7 Cánh Diều - mẫu 1

Vũ Đình Liên đã lấy sự vật để đặc tả hổn người, tình người tê tái:

"Giấy đỏ buồn không thắm;

Mực đọng trong nghiên sầu"...

"Giấy đỏ" vì nỗi đau của người mà đã nhạt phai, nhạt nhòa "buồn không thắm" nữa. Nghiên mực xưa ngát thơm mực Tàu đen nhánh nay trở thành “nghiên sầu" đáng thương; mực đã bị khô, bị chết, bị đọng lại một cách buồn đau. Giấy đỏ, nghiên mực được nhân hóa để cực tả nỗi buồn cô đơn của một lớp người tài hoa sinh bất phùng thời trong cõi bể dâu, cái thời "Thỏi có ra gì cái chữ Nho" - khi Hán tự đã mạt vận!

Ta lại bắt gặp làn mưa bụi trong bài thơ "ông đồ". Một thân phận hiện hữu đáng buồn và đáng thương, xót xa và sầu tủi:

"Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài trời mưa bụi bay..."

Giấy đỏ bị phủ đầy lá vàng sao mà chẳng "buồn không thắm"? Màu vàng tàn tạ của lá rụng, làn mưa bụi tiết đại hàn cuối đông, như phủ mờ đất trời, làm xót xa, tê tái lòng người. "Lá vàng", "mưa bụi bay" là hai hình ảnh tượng trưng cho một sự lụi tàn để lại nhiều thương cảm. Hình bóng ông đồ già bất động như một pho tượng cổ cứ mờ dần, nhạt nhòa dần trên nền "vàng" của lá rụng, trong màu trắng đục, trắng mờ của làn "mưa bụi bay" buổi đông tàn.

Thơ hay bao giờ cũng để lại, đọng lại một cái gì đó trong lòng người. Nỗi cảm thương xót xa là cái tình, là chất nhân văn của đoạn thơ này đã đọng lại trong hồn ta. Hình tượng thơ mang ý nghĩa tượng trưng mà sâu sắc, gợi cảm. Thương ông đồ già, thương một lớp người tài hoa, ta lại tiếc thương nền văn hóa Nho học truyền thống của quê hương đã lụi tàn. Cái nghiên sầu của ông đồ già cứ ám ảnh hoài, ám ảnh mãi.

Câu 5 trang 48 Ngữ văn 7 Cánh Diều - mẫu 2

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, đó là một thứ giấy rất mỏng manh chỉ cần một chút ẩm ướt cũng có thể phai màu. Vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm”, không thắm là bởi không được sử dụng nên úa tàn theo năm tháng. Mực là thứ để ông đồ họa chữ, trước khi dùng ông phải mài rồi dùng bút long để “múa” lên các con chữ, vậy mà nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mài từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng. Các từ buồn, sầu như thổi hồn vào sự vật cùng với phép nhân hóa đã khiến cho giấy đỏ, mực tàu vốn vô tri bỗng trở nên có hồn có suy nghĩ như con người.

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

Đầu khổ thơ là hình ảnh mùa xuân với hoa đào nở, nhưng tại sao lại có lá vàng rơi? Hình ảnh lá vàng rơi gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về một thời kỳ, một lớp người trong xã hội. Lá vàng rơi trên giấy để chỉ thế hệ ông đồ tàn phai, đã bị quên lãng. Nỗi buồn ấy âm thầm, tê tái nó đã khiến cơn mưa xuân vốn sức sống bền bỉ cũng trở nên đìu hiu xót xa “ ngoài giời mưa bụi bay” . Câu thơ gợi ra tâm trạng buồn thảm của ông đồ trước cơn mưa bụi nhạt nhòa. Dẫu chỉ là mưa bay, mưa bụi nhưng nó cũng đủ sức xóa sạch đi dấu vết của một lớp người.

Đó là những câu thơ tả cảnh để ngụ tình bởi vì mượn cảnh giấy đỏ buồn, mực đọng để chỉ tình cảnh đáng thương của ông đồ, mượn cảnh lá vàng, mưa bụi bay để gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về một thời kỳ, một lớp người trong xã hội.