Ghi lại những cảm xúc chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất của anh (chị): cha, mẹ hoặc bạn...
Đề bài: Ghi lại những cảm xúc chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất của anh (chị): cha, mẹ hoặc bạn...
Từ thuở bé, tôi thích xem những cô công chúa trên các bộ phim hoạt hình, tôi mơ ước được gặp họ để có thể nhìn ngắm ngoài đời bộ váy màu xanh da trời đính pha lê đầy màu sắc. Lớn lên một chút, tôi thần tượng những cô ca sĩ, tôi thích giọng hát cũng như phong cách trình diễn của họ, tôi ước rằng có thể một lần gặp để nói rằng giọng hát của họ thật tuyệt vời. Nhưng bây giờ, thần tượng của tôi là một người duy nhất, đó là ba của tôi, người đã truyền cho tôi cảm hứng trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Ba của tôi không cao lắm, nhưng nhìn ba vững chãi và chắc chắn. Nếu bạn tiếp xúc với ba của tôi, bạn sẽ để ý nụ cười của ba, vì ba luôn cười tươi với người đối diện. Không chỉ vậy, ba còn có một đôi mắt sáng, đôi mắt ấy chứa đầy cảm xúc và tình thương. Mẹ tôi kể rằng hồi ba tôi còn nhỏ, nhà nội rất nghèo, ba thường phải dậy từ bốn giờ sáng để đi bộ một quãng đường xa để lấy báo, cho kịp bán báo buổi sáng rồi còn đến trường. Vào những mùa lễ hội, ba nhận thêm bóng bay để bán, nếu không thì là bánh kẹo, những thức quà nho nhỏ. Ba còn là con cả, nên đến tối sẽ phụ bà trông các em, dạy cô chú của tôi học bài. Thế mà ba vẫn học giỏi, tuy rằng ba gầy nhom nhưng ba lúc nào cũng nhanh nhẹn và chăm chỉ trong việc học hành lẫn lao động trên lớp. Ba tôi trở thành Kỹ sư điện, nhưng ba hiểu biết cả những thứ ngoài ngành, ba có thể giải thích cho tôi về Hóa học, về kỹ thuật, về sinh học, về văn chương. Tưởng rằng cuộc sống như vậy sẽ khiến ba tôi trở nên khắc nghiệt, thế mà ba tôi vẫn lãng mạn và nghệ sĩ vô cùng. Ba tôi thích đàn ghita, thích thổi harmonica, hát những bài hát của Trịnh Công Sơn. Ba sống tình cảm và cũng chân thành với mọi người.
Ba chẳng gọi tôi cô công chúa nhỏ, mà thường trêu tôi là “con gái rượu của ba”. Lúc tôi còn bé, tôi thích nhất là được ba bế lên thật cao, xoay vòng vòng giả làm siêu nhân. Những lúc tôi bị mẹ la, ba sẽ là người giảng hòa và dắt tôi đi mua kẹo để dỗ dành mỗi khi tôi khóc. Ba với tôi lúc ấy như một siêu nhân vậy, ba có thể làm mọi thứ, ba biết tất cả những gì tôi thắc mắc. Ba dạy tôi tập hát, tập đàn, tập vẽ, luyện cho tôi viết chữ đẹp. Dường như, chẳng có gì là ba không làm được. Lớn lên, tôi nhận ra ba không “quyền năng” như tôi tưởng, nhưng bạn biết không, thật ra ba vẫn luôn là siêu nhân của riêng tôi. Ba kèm tôi học những môn Tự nhiên như Toán, Lý, Hóa; ba kiên nhẫn giải thích cho tôi hiểu, không quên minh họa bằng những ứng dụng thực tế. Ba còn biết cách sửa bóng đèn, biết cách thay lốp xe đạp cho tôi,... Dẫu cho ba không biết bay, ba không biết nâng cả một ngôi nhà như tôi xem phim siêu nhân thuở bé, nhưng với tôi, ba vẫn luôn là người tuyệt vời nhất.
Ba tôi rất tâm lý, dẫu ba kì vọng về tôi, nhưng ba không đòi hỏi tôi phải đạt được những kì vọng đó. Những ngày tôi bị điểm kém, ba nói rằng điều ba buồn là vì ba biết tôi chưa thực sự chăm chỉ hay cố gắng, chứ không phải là việc tôi có năng lực hay không ở môn học ấy. Ba muốn tôi có trách nhiệm với bản thân mình, với tương lai của bản thân. Ba không cần tôi phải đạt điểm cao ở những môn không phải thế mạnh của mình, nhưng ít nhất tôi cũng nên cố gắng để qua được mức cần thiết. “Không phải chỉ vì không thích một điều gì đó, mà con không cố gắng để vượt qua.” - Ba nói. Tôi vẫn luôn tự hỏi, vì sao tôi phải làm những thứ tôi không thích, nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra ba tôi đã đúng, những thứ tôi không thích cuối cùng lại giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Khi tôi viết những dòng này, có lẽ ba tôi đang ngồi trước bàn làm việc, những nếp nhăn hằn sâu hơn vì năm tháng. Ba đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời trao cho tôi, cho tôi một cuộc sống hạnh phúc nhất có thể. Càng lớn, tôi không còn dựa dẫm ba nhiều như trước nữa, nhưng ba thì vẫn luôn dõi theo từng bước chân của tôi.
Tôi giờ đây không còn là cô bé với mái tóc ngắn, lon ton chạy theo ba để nhõng nhẽo. Tôi không còn có thể được ba bế lên và xoay vòng vòng như thuở trước. Nhưng ba luôn ở đấy, vẫn luôn nâng đỡ tôi trên từng bước đi của cuộc đời. Những ngày buồn nhất, những ngày sóng gió, chỉ cần tôi quay đầu lại, tôi biết rằng ba mẹ luôn dang tay chào đón tôi về nhà.
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
Giới thiệu về người thân yêu nhất.
2. Thân bài
- Vẻ ngoài của ba, điểm đặc biệt (đôi mắt, nụ cười...)
- Cuộc đời, tuổi trẻ của ba, đồng thời nó sẽ ảnh hưởng đến tính cách như thế nào.
- Tính cách của ba
- Sự thương yêu mà ba dành cho tôi.
- Cách nhìn nhận của tôi về ba lúc nhỏ khác với khi trưởng thành.
- Nhận thức trong hiện tại về tình cảm mà ba dành cho tôi.
3. Kết bài
Khẳng định về tình yêu thương mà tôi dành cho ba, cho gia đình của mình.
Xem thêm bài viết khác
- Ghi lại những cảm xúc chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất của anh (chị): cha, mẹ hoặc bạn...
- Văn mẫu 10 bài viết số 2 đề 1: Kể lại chuyện cổ tích hoặc một truyện ngắn mà anh (chị) yêu thích
- Ghi lại những cảm xúc chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất của anh (chị): cha, mẹ hoặc bạn...
- Giới thiệu về Nguyễn Dữ và thể loại truyền kì “Truyện kì mạn lục”
- Giới thiệu về Trương Hán Siêu và bài “Phú sông Bạch Đằng” nổi tiếng của ông
- Đề 1: Thuyết minh một danh lam hắng cảnh của đất nước quê hương - văn mẫu 10
- Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên (ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương, Chiếc lược ngà, Bố của Xi-mông,...)
- Đề 4: Học bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì...
- Đề 2: Hãy hóa thân vào những que diêm để kể lại câu chuyện theo diễn biến và kết thúc truyện ngắn Cô bé bán diêm của An-đéc-xen
- Văn mẫu 10 bài viết số 2 đề 2: Hãy tưởng tượng mình là Xi - Mông, kể lại chuyện Bố của Xi - Mông
- Thuyết minh về Hồ Gươm – Hồ Hoàn Kiếm
- Một số ngành thủ công mỹ nghệ hoặc 1 đặc sản, một nét văn hoá ẩm thực của địa phương mình.