Kể về người thân đã lâu mà em không gặp
Đề bài: Kể về người thân đã lâu mà em không gặp
Bài viết tham khảo
“Mẹ ru cái lẽ ở đời, sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn. Bà ru mẹ, mẹ ru con. Liệu mai sau các con còn nhớ chăng...” Lời bài hát “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" đang da diết ngân vang trên đài phát thanh, làm tôi chợt nhớ đến bà ngoại – một người thân mà đã lâu tôi không gặp.
Tuổi thơ tôi êm đềm trôi qua ở làng quê thanh bình, hạnh phúc. Đó là những ngày được bao bọc, yêu thương trong vòng tay của ngoại. Trong trí nhớ của tôi, bà ngoại năm nay đã gần bảy mươi tuổi – cái tuổi mà người ta gọi là xế chiều. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ngoại vào hai năm về trước – lần gần nhất mà tôi gặp ngoại. Dáng người ngoại nhỏ nhắn, lưng đã còng xuống vì gánh nặng suốt cả cuộc đời. Khuôn mặt ngoại phúc hậu như những bà tiên trong chuyện cổ tích. Hai gò má đã lấm chấm đồi mồi, đôi mắt ngoại không còn tinh nhanh như trước nữa. Nhiều khi ngoại phải hấp háy mãi mới nhìn được. Khuôn miệng ngoại thường hay móm mém nhai trầu. Mái tóc ngoại đã bạc trắng như cước. Tuy thế bước chân ngoại vẫn nhanh nhẹn hơn tuổi bảy mươi của ngoại. Ngoại vẫn ngày ngày dạo qua những phiên chợ quê.
Những ngày còn bé xíu, bố mẹ đi làm ăn xa, một tay ngoại chăm tôi khôn lớn. Cơm tôi ăn, quần áo tôi mặc đều chính tay ngoại chuẩn bị. Dù có thể tự đi đến trường, ngoại vẫn không ngại nắng mưa, ngày ngày đưa đón tôi. Con đường làng quen thuộc ngày nào cũng in bóng một lớn một nhỏ là hai bà cháu tôi. Ngoại sinh vào thời nước nhà còn chiến tranh, không có cơ hội học hành nhiều. Nhưng câu ca dao, tục ngữ nào ngoại cũng biết. Tôi thích nhất là nghe ngoại đọc những câu ca dao, tục ngữ ấy rồi nghe ngoại giảng giải, cắt nghĩa. Đối với tôi, khi ấy ngoại giống như một kho báu chứa đầy những điều kỳ diệu.
Tôi vẫn còn nhớ như in những đêm hè lồng lộng gió, ngoại ôm tôi trên chiếc võng đung đưa kẽo kẹt, kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Giọng ngoại trầm trầm, ấm ấm, thì thầm như tiếng gọi của ngày xửa, ngày xưa. Những lần tôi ngã bệnh, ngoại thao thức trọn cả đên dài, túc trực chăm nom tôi từng li từng tí.
Đến khi tôi học lớp 2, bố mẹ ổn định công việc nên đón tôi đến thành phố. Tôi rời xa làng quê yên bình, rời xa ngoại để đến với chốn phồn hoa, đô hội. Quê ngoại cách thành phố tôi sinh sống quá xa cộng thêm công việc của bố mẹ bận rộn, một năm tôi chỉ được về quê thăm ngoại vào dịp Tết Nguyên Đán. Những lần như vậy, ngoại sẽ đón tôi ngay từ cổng làng, tự tay chuẩn bị rất nhiều món ăn, món bánh ngon. Có thức quà nào ở quê ngoại cũng không quên phần cô cháu gái nhỏ. Năm lớp 4, tôi bị viêm ruột thừa cấp tính phải nhập viện. Ngay khi nghe tin, ngoại lặn lội trong đêm khuya, tự mình bắt xe lên thành phố làm mọi người hốt hoảng một phen. Bố mẹ và các cô chú, dì út tôi khuyên thế nào ngoại cũng không về. Tôi nhập viện bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày ngoại thức khuya dậy sớm chăm sóc. Các bạn cùng phòng bệnh ai cũng ngưỡng mộ tôi có bà ngoại thương yêu như vậy.
Hai năm nay, bố mẹ luôn bận việc quanh năm, ngay cả Tết cũng không rảnh để đưa tôi về thăm ngoại. Sức khỏe ngoại không tốt như ngày trước, không thể chịu đựng chuyến đi đường dài. Có những lần tôi nhớ ngoại, khóc nức nở. Sau đó, dì út nghĩ ra cách lấy điện thoại thông minh gọi có hình ảnh, tôi mới được nhìn thấy ngoại qua màn hình. Mỗi lần tôi không kìm được khóc lóc sụt sùi, ngoại lại hiền từ dỗ dành, hứa khi ngoại khỏe hơn sẽ nhanh chóng lên thành phố chơi với tôi. Nhưng tôi biết, ngoại ngày càng yếu hơn.
Hai năm không được gặp, không được ngoại ôm và vỗ về mái tóc, tôi rất nhớ cảm giác hạnh phúc ấy. Tôi âm thầm quyết tâm sẽ năn nỉ bố mẹ cho về quê thăm ngoại – người thân mà tôi yêu quý, trân trọng vô cùng.
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì KhoaHoc có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
Giới thiệu người thân mà em đã lâu không gặp, tại sao em lại nhớ người đó?
2. Thân bài
- Đã bao lâu em không gặp người thân ấy của mình?
- Hình ảnh người thân của em trong lần gặp mặt gần nhất như thế nào?
- Ngoại hình củ người ấy ấn tượng với em ra sao?
- Cử chỉ, lời nói
- Kể lại những kỉ niệm trong thời gian gắn bó với người thân đó
- Thời gian bên nhau là bao lâu?
- Có những điều gì đặc biệt?
- Người thân của em đối xử với em như thế nào? Chăm sóc, dạy cho em những điều gì?
- Kể lại kỉ niệm đáng nhớ nhất của em và người đó: cảm xúc của em khi nhớ lại như thế nào?
- Kể nguyên nhân em và người thân đã lâu không gặp
3. Kết bài
- Tình cảm của em dành cho người thân đã lâu không gặp của mình
- Dự định gặp lại người thân đó
Xem thêm bài viết khác
- Chu Văn An - người thầy của những người thầy
- Hà Tĩnh – chiếc đòn gánh hai đầu đất nước
- Thuyết minh về một giống vật nuôi (con chó)
- Đề 3: Hãy nói không với các tệ nạn (Gợi ý : Hãy viết một bài nghị luận để nêu rõ tác hại của một trong các tệ nạn xã hội mà chúng ta cần phải cương quyết...
- Đề 3: Câu nói của Macxim Gorki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống" gợi cho em suy nghĩ gì?
- Cốm làng Vòng - thức quà vặt của đất kinh kì
- Kể 1 câu chuyện về vật nuôi có nghĩa có tình bài mẫu 2
- Đề 3: Giới thiệu về đôi dép lốp trong kháng chiến
- Đề 3: Thuyết minh một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát...)
- Quảng Bình, mảnh đất đáng để ghé thăm
- Sự bổ ích của những chuyến tham quan, du lịch đối với học sinh
- Thuyết minh về một món ăn dân tộc (bánh chưng, bánh dày, phở, cốm…)