Nội dung chính bài Xa ngắm thác núi Lư

  • 1 Đánh giá

Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học " Xa ngắm thác núi Lư"

Bài làm:


Nội dung bài gồm:

Back to top

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Lý Bạch ( 701- 762) tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ quê ở Cam Túc, là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Thơ của ông có đặc điểm:
    • Biểu hiện một tâm hồn tự do, hào phóng
    • Hình ảnh thơ thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ
    • Ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện
    • Ông thường viết rất hay về chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn
  • Tác phẩm:
    • Xuất xứ :Bản dịch thơ Xa ngắm thác núi Lư được Tương Như dịch, in trong cuốn Thơ Đường, tập II, xuất bản năm 1987 bởi Nhà xuất bản văn học.
    • Thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt

2. Phân tích bài thơ

Phiên âm:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.

Phi lưu trực há tam thiên xích,

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

Dịch thơ:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,

Xa trông dòng thác nước sông này.

Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,

Tưởng dải Ngân hà tuột mây.

a. Vẻ đẹp đỉnh Hương Lô:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

  • Vị trí: đứng từ xa để ngắm cảnh thác nước → Quan sát một cách bao quát, toàn diện khung cảnh xung quang.
  • Động từ “sinh”: nảy nở, sinh ra, qua đó giúp người ta hiểu được nguồn gốc của làn khói tía kì diệu trên ngọn núi

=> Câu thơ vẽ lên khung cảnh đẹp huyền ảo của thiên nhiên. Đỉnh núi Hương Lô được miêu tả dưới những tia nắng mặt trời chiếu rọi, làn hơi nước phản quang với ánh mặt trời ấy tạo nên những làn khói màu tím vừa rực rỡ vừa kì ảo, đó chính là nét đặc trưng của đỉnh núi Hương Lô

b. Vẻ đẹp thác núi Lư:

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.

Phi lưu trực há tam thiên xích,

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

Câu thứ hai:

  • Khắc họa vẻ đẹp của thác nước tập trung ở từ “quải”= “treo”.
  • Thác không chảy mà được treo trên dòng sông phía trước như một dải lụa trắng rủ xuống.

=> Biến cái động thành cái tĩnh. Do cảm nhận từ xa về dòng thác nên cảnh như một bức tranh tráng lệ.

Câu thơ thứ ba: tiếp tả thác nước song lại cho người đọc hình dung thế núi cao, sườn núi dốc, đứng.

Câu thơ cuối:

  • Hai động từ:
    • Nghi (ngỡ là)
    • Lạc (rơi xuống)
  • Hình ảnh sông Ngân Hà
  • Nghệ thuật so sánh, phóng đại

=> Tác giả đã tái hiện vẻ đẹp huyền ảo và hùng vĩ của dòng thác.

c. Tâm hồn thi nhân:

Đây là bài thơ tả cảnh ngụ tình từ cảnh vật thiên nhiên thể hiện tâm hồn người thi sĩ:

  • Trí tưởng tượng bay bổng trước cảnh đẹp của quê hương, đất nước.
  • Tình yêu thiên nhiên đằm thắm.
  • Tính cách hào phóng, mạnh mẽ của nhà thơ.

Back to top

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Tìm hiểu chi tiết nội dung bài thơ

  • Bài thơ là một trong những tuyệt tác thơ của Lý Bạch, đây chính là bức tranh tả thực vô cùng xuất sắc cho thấy được phong cảnh thiên nhiên tráng lệ, hùng vĩ của thác núi Lư. Qua đây ta cũng cảm nhận và thấy được tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp nhà thơ. Những vẻ đẹp đó không những không mất đi còn trường tồn bất biến với thời gian
  • " Xa ngắm thác núi Lư" : Nhan đề bài thơ gợi ra điểm nhìn của tác giả, nhà thơ đang ở phía xa để ngắm thác núi, từ đó tác giả có cơ hội nhìn toàn cảnh núi Lư hùng vĩ. Điểm nhìn đó không cho phép khắc hoạ cảnh vật 1 cách chi tiết, tỉ mỉ nhưng lại có lợi thế là dễ phát hiện được vẻ đẹp của toàn cảnh. Để làm nổi bật được sắc thái hùng vĩ của thác nước núi Lư, cách chọn điểm nhìn đó là tối ưu.

2.. Vẻ đẹp đỉnh núi Hương Lô:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,

*

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,

  • Câu thứ nhất phác ra phông nền của bức tranh toàn cảnh trước khi mêu tả vẻ đẹp của thác nước. Đây là một phông nền đặc biệt: Ngọn núi Hương Lô hiện lên với đặc điểm nổi bật nhất, đặc điểm đó gợi cho người đời phải đặt tên là Lư Hương. Trước Lí Bạch trên 300 năm, nhà sư Tuệ Viễn đó từng viết: “Khí bao trùm trên đỉnh Hương Lô mịt mù như hương khói”.
  • Khung cảnh thật lung linh, rực rỡ: ánh nắng chiều vào làn nước sinh ra làn khói tía, tựa như những đám mây bồng bềnh trôi, khung cảnh trở nên mờ ảo, huyền bí. Cảnh không tĩnh mà động. Trong nguyên tác chữ “sinh” tạo cho người đọc cảm giác ánh mặt trời làm nảy sinh màu sắc, khung cảnh vì thế mà sinh động hơn.

3. Vẻ đẹp thác núi Lư:

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.

Phi lưu trực há tam thiên xích,

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

  • Trong câu thứ hai từ “quải” (treo) đã biến cái động thành tĩnh, vì đứng từ xa ngắm nên nhìn thác nước giống như một dải lụa trắng được treo giữa vách núi và dòng sông phía trước. Từ “quải” đã mang lại giá trị thẩm mĩ cao cho bài thơ, giúp cho hình tượng thác nước trở nên sống động và hùng vĩ.
  • Trong câu thứ ba: Tác giả đã miêu tả dòng thác chảy từ trên cao xuống “ ba nghìn thước” trong trạng thái động ở các phương diện chiều cao(cao vời vợi tới ba nghìn thước), tốc độ ( phi), Độ dốc ( trực há) => vẽ ra khung cảnh hùng vì và tráng lệ.
  • Nghệ thuật so sánh, phóng đại cũng như phép cường điệu, phóng đại trong câu thơ cuối:" Con thác treo đứng trước mặt khác nào như con sông Ngân Hà từ trên trời rơi xuống" có vẻ như vô lí. Song đặt trong văn cảnh, người đọc vẫn cảm thấy chân thật, tự nhiên. Vì ngọn núi Hương Lô có mây mù bao phủ nên nhìn từ xa có cảm giác dòng nước như 1 dải lụa treo lơ lửng vắt từ trong mây, từ trên đỉnh trời mà trải xuống, chảy xuống. Do đó thi sĩ Lí Bạch mới ngỡ rằng sông Ngân Hà - một dòng sông đầy sao sáng trong huyền thoại cổ xưa đang tuột khỏi mây, chảy xuống trần gian. Nhiều người coi câu cuối bài thơ này là câu danh cú (câu thơ, câu văn nổi tiếng) bởi nó đã huyền thoại hoá 1 hình ảnh tạo vật ở trần gian và ngược lại nó trần gian hoá 1 hình ảnh của huyền thoại.

4. Tâm hồn thi nhân:

  • Bức tranh thiên nhiên kì vĩ, tráng lệ còn cho ta thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, say đắm trước vẻ đẹp của thác nước núi Lư. Lí Bạch là nhà thơ có một tình cảm bao la, cảm xúc sâu lắng phát xuất từ tình yêu thiên nhiên say đắm mãnh liệt cùng với đó là tâm hồn lãng mạn và bay bổng, phóng khoáng, biểu lộ ước vọng mạnh mẽ về lẽ sống của ông.

5. Tổng kết:

  • Nghệ thuật: hình ảnh tráng lệ huyền ảo, sử dụng nhiều các động từ, nghệ thuật so sánh và phóng đại.
  • Nội dung: Khắc họa cảnh tượng thiên nhiên thác núi Lư hùng vĩ, huyền ảo và tình yêu thiên nhiên, tính cách mạnh mẽ, hào phóng của tác giả

Back to top

  • 5 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Ngữ văn 7 tập 1