Phân tích nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc

  • 1 Đánh giá

Câu 5: Phân tích nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc

Bài làm:

Có nhà phê bình từng nhận định: Dù viết về đề tài nào, truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung, nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới. Trong truyện ngắn Lão Hạc, ta bắt gặp những con người với số phận bất hạnh nhưng ở họ vẫn toát lên tấm lòng và nhân cách cao đẹp, chứa chan tình yêu thương con người. Nhân vật ông giáo đã để lại trong tâm trí chúng ta ấn tượng về một người tri thức nghèo trong xã hội.
Nhân vật ông giáo vừa đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện, vừa làm người tham gia vào câu chuyện của nhân vật chính, qua đó thể hiện những suy nghĩ, tâm tư của bản thân ông trước những bão giông của cuộc đời. Không rõ tên họ là gì, nhưng hai tiếng “Ông giáo” đã toát lên vị thế của ông – một con người nhiều chữ nghĩa và khiến mọi người đều nể trọng. Lão Hạc mỗi khi nói về ông giáo đều thể hiện sự cung kính, trọng vọng nhưng cũng thể hiện sự tin tưởng, thân tình “Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!”; “Vâng ông giáo dạy phải...”
Ông giáo có một hoàn cảnh sống đầy những khó khăn. Tuổi trẻ bôn ba, ông từng vào Sài Gòn với niềm tin và khát khao cao đẹp nhưng cuộc sống không phải là ước mơ màu hồng với người tri thức nghèo khó. Sau một trận ốm nặng ở Sài Gòn về quần áo bán gần hết, chỉ còn một va li sách. Nếu lão Hạc quí cậu Vàng bao nhiêu thì ông giáo quí những quyển sách của mình bấy nhiêu. Cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Quí sách là vậy mà ông giáo cứ phải bán sách dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 5 quyển với lời nguyền: “dù có phải chết cũng không bán”. Thế rồi, như một kẻ cùng đường phải bán máu. Đứa con thơ bị chứng kiết lị gần kiệt sức, ông giáo phải bán nốt đi 5 quyển sách. Gia tài nhỏ nhoi ấy nhưng ông giáo cũng không giữ lại được cho mình. Cuộc sống của ông cứ cùn dần, mòn dần trước những khốn cùng của cuộc đời, ông phải hi sinh cả những ước mơ, hạnh phúc của chính bản thân mình.
Thế nhưng, giữa những biến chuyển đầy khổ đau trong cuộc đời, ông vẫn giữ cho mình nhân cách cao đẹp và là người có trái tim nhân hậu đáng quý. Trở về làng, ông là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi cho lão Hạc. Ông giáo luôn cảm thông với hoàn cảnh của người cha nghèo, cô đơn và tội nghiệp. Ông giáo là nơi để lão Hạc san sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. Lão có thể tâm sự mọi chuyện về mảnh vườn, về đứa con trai, san sẻ nỗi đau khi phải bán cậu Vàng hay có lúc chỉ là sẻ chia một bát nước chè xanh hoặc điếu thuốc lào… Khi lão Hạc rơi vào tình trạng khố khổ, ông giáo đã ngấm ngầm giúp đỡ cho lão, dù gia đình ông cũng rất khó khăn. Ông giáo cũng là chỗ tin tưởng để lão hạc gửi gắm số tiền ít ỏi, lão dành dụm để để khi lão chết không phải phiền đến hàng xóm. Có lẽ những đồng cảm về khó khăn trong cuộc sống đã xích họ lại gần nhau hơn, cảm thông hơn. Một tình bạn giữa những con người khố khổ thật ấm áp tình người.
Nếu như nhân vật người nông dân trong sáng tác của Nam Cao chịu những nỗi khổ về vật chất, họ bị đẩy vào bước đường của cái đói, cái nghèo thì những nhân vật tri thức trong trang văn của ông còn là những dằn vặt, đau đớn về tinh thần. Họ luôn phải trăn trở trong những suy nghĩ. Chứng kiến cuộc sống của lão Hạc ngày càng khốn khó, bi thương, ông giáo đã phải thốt lên: “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày trôi qua thật đáng buồn”. Khi biết lão Hạc xin bả chó của Binh Tư, ông càng buồn hơn, phải chăng bản năng đã chiến thắng nhân tính con người. Nhưng trước cái chết của lão Hạc, ông cảm thấy cuộc đời không hẳn đáng buồn. Cái chết ấy đã chứng minh cho tấm lòng trong sạch, của lòng tự trong trước bờ vực của sự tha hóa. Ông giáo ngỡ ngàng nhận thấy cuộc đời vẫn buồn theo một nghĩa khác, một người tốt như lão Hạc nhưng cuối cùng vẫn phải tìm đến cái chết để giải thoát cho mình.. Trước cái chết dữ dội của lão Hạc, ông giáo xót xa, khẽ cất lời than trước vong linh người láng giềng hiền lành, tội nghiệp: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão…” Ông cảm thấy bất lực trước những đau thương mà chính ông và cà lão Hạc phải chịu đựng.
Bằng ngòi phút miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng sâu sắc và tinh tế, Nam Cao đã khắc họa thành công những diễn biến trong tâm trạng của ông giáo. Có thể coi hình tượng ông giáo chính là hình bóng của nhà văn Nam Cao. Thông qua nhân vật ông giáo, người đọc như hiểu hơn về cuộc đời và số phận của lão Hạc, góp phần tô đậm giá trị nhân đạo của truyện ngắn thấm đượm tình người.

  • 16 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Ngữ văn 8 tập 1